Truyền thuyết về Tôn giả A Nan Đà - Vị tổ sư Thiền tông thứ hai

(PLVN) -  Theo truyền thuyết, 28 vị Tổ sư Ấn Độ kế thừa nhau sau Phật Thích Ca để truyền bá Thiền tông và Bồ Đề Đạt Ma, vị Tổ thứ 28 được xem là Tổ thứ nhất của Thiền Trung Quốc sau nối tiếp truyền cho 5 người...
Tôn giả A Nan Đà
Tôn giả A Nan Đà

Truyền thuyết về các vị Tổ sư

Tổ sư thường được hiểu là những Đại sư đã thấu hiểu Phật pháp, đã được truyền tâm ấn qua cách “Dĩ tâm truyền tâm” và truyền lại cho những Pháp tự. Biểu tượng của việc “Truyền tâm ấn” là pháp y và bát, gọi ngắn là "y bát". Theo truyền thuyết, 28 vị Tổ sư Ấn Độ kế thừa nhau sau Phật Thích Ca để truyền bá Thiền tông và Bồ Đề Đạt Ma, vị Tổ thứ 28 được xem là Tổ thứ nhất của Thiền Trung Quốc sau nối tiếp truyền cho 5 người.

Vị Tổ thứ 6 tại Trung Quốc là Huệ Năng không chính thức truyền y bát lại cho ai. Nhưng Huệ Năng lại có năm vị đệ tử đắc pháp xuất sắc được thời nhân gọi là Ngũ đại tông tượng là những vị đã khai sáng và phát triển nhiều nhánh thiền quan trọng. Năm vị Đại Thiền sư được tôn là Ngũ đại tông tượng của Lục tổ gồm: Thanh Nguyên Hành Tư, Nam Nhạc Hoài Nhượng, Nam Dương Huệ Trung, Vĩnh Gia Huyền Giác và Hà Trạch Thần Hội.

Thiền là phương pháp tu hành chủ yếu của nhà Phật. Khi Đức Phật Thích Ca còn  tại thế, các  đệ tử  của Ngài đều lấy việc hành thiền làm cơ bản. Các  phương pháp  hành thiền này đều nương theo các kinh, luật và luận đã thuyết, tu các pháp thiền này được chứng nhập tuần tự theo thứ bậc, tùy theo trình độ và thời gian hành trì  của  hành giả. Loại thiền này được gọi là Như Lai Thiền.

Còn Tổ Sư Thiền thì ngược lại không có thứ bậc, là pháp trực tiếp chỉ thẳng vào bản thể chân tâm Phật tánh. Tổ Sư Thiền bắt đầu từ Phật Thích Ca truyền lại cho ngài Ma Ha Ca Diếp, đến ngài  A Nan  rồi truyền tới Tổ thứ 28 là ngài Bồ Đề Đạt Ma. Sau đó ngài Bồ Đề Đạt Ma truyền sang Trung Quốc. Bồ Đề Đạt Ma được tôn làm Sơ tổ Thiền tông Trung Hoa, truyền cho Nhị tổ Huệ Khả, Tam tổ Tăng Xán, Tứ tổ Đạo Tín, Ngũ tổ Hoằng Nhẫn và Lục tổ Huệ Năng. Sau đó chia thành năm phái:  Lâm Tế, Tào Động,  Pháp Nhãn, Quy Ngưỡng và Vân Môn.

Thiền phái Trúc Lâm hành hương về đất Phật Yên Tử
 Thiền phái Trúc Lâm hành hương về đất Phật Yên Tử 

Mỗi phái đều có phương tiện cơ xao riêng để khế hợp với từng cơ duyên của đệ tử. Mục đích  là để  đệ tử  đó  khai ngộ. Các ngài không muốn đệ tử sa lầy trong văn tự chữ nghĩa, chỉ cần ngừng  dòng tâm  ý thức  để trực thấy bản tâm, bản tánh của mình. Lâm Tế và Tào Động là hai phái thiền Tổ Sư còn tồn tại truyền qua Việt Nam, Cao Ly, Nhật Bản và Hoa Kỳ. Mục đích của tu Tổ Sư Thiền là làm ngưng lại dòng tâm ý thức thường chảy trôi liên tục trong tâm con người từ thời vô thủy.

Các vị Tổ dùng cơ xảo để làm cho đương cơ bật ngược lại, vượt qua  bức màn  vô minh  từ thời  vô thủy, vượt qua luôn bờ bên kia của vô thủy vô minh, hoàn toàn giác ngộ, như vàng đã tôi luyện, loại bỏ hết tạp chất.

Bản thể chân tâm  của  chúng ta  vốn thanh tịnh, nhưng vì một niệm  bất giác, tức  nhất niệm  vô minh sinh khởi, nên sinh ra ý thức phân biệt, gây thành có ta, có cái không phải ta, sinh ra đối đãi, từ đó dòng tâm ý thức tham sân si dấy lên, ngày càng dày đặc, càng trôi lăn trong vòng sinh tử luân hồi tạo nghiệp trả quả, vay trả không ngừng. Nay muốn trở về cội nguồn thì phải dừng được dòng tâm ý thức, nghĩa là dừng lại những tạo tác của ý thức thường nghiệm, luồng tư tưởng, những ý niệm và nhận thức.

Nhị tổ A Nan Đà 

Mặc dù là một đệ tử thông suốt giáo lý, Tôn giả A Nan Đà chỉ là bậc hữu học cho đến ngày đức Phật nhập diệt, Tôn giả vẫn chưa đắc qủa Thánh. Sau khi đức Thế Tôn nhập đại Niết bàn, Tôn giả Đại Ca Diếp là vị Tổ thứ nhất kế  truyền  Chính Pháp  Nhãn Tạng do đức Phật phó chúc.

Ngày bắt đầu kết tập, chỉ có năm trăm vị A La Hán mới đủ tư cách kết tập, do đó Tôn giả Đại Ca Diếp cùng các vị Thánh Tăng vào động, còn các vị Tỳ kheo chưa chứng quả Thánh, các Vua, Quan, Cư sĩ, Nhân dân, đều phải ở ngoài. Tôn giả A Nan Đà đã là Thị giả của Phật, biết nhiều, nhớ giỏi, nhưng vẫn chưa chứng qủa Thánh nên cũng phải ở ngoài. Một trở ngại lớn lao trong việc kết tập là mỗi vị Thánh Tăng chỉ được nghe một phần khi Phật giảng, chứ không vị nào được nghe nhiều như Tôn giả A Nan Đà, nên việc kết tập có thể thiếu sót.

Do đó, khi bắt đầu kết tập Kinh điển, Tôn giả Đại Ca Diếp nói với các vị Thánh Tăng rằng: Tôn giả A nan Đà đã là Thị giả của Phật, ông có nhiều cơ hội gần Phật,  thường hằng  ngày được nghe giảng dạy. Ông lại là người có trí tuệ rất sáng suốt, mặc dù ông chưa chứng quả Thánh, nhưng hễ ông nghe Chính pháp như mước rót vào đồ đựng, không chút nào dư lại, mà cũng không vương vãi ra ngoài, nếu việc kết tập có ông tham dự sẽ tránh được nhiều điều thiếu sót.

Đại hội  Thánh Tăng nghe Tôn giả  Đại Ca Diếp  nói thế, đều  im lặng làm thinh, tỏ dấu rằng cũng hợp ý cả, nhưng không biết làm sao để ra ngoài nguyên tắc “Chỉ có Thánh tăng mới đủ tư cách tham dự kết tập Kinh điển của Phật”.

Cũng vì sau khi năm trăm vi Thánh tăng vào động rồi, thì cửa động được khóa lại. Khi ấy Tôn giả A Nan Đà ở bên ngoài cảm thấy tủi hổ cho  thân phận  vì đã  nương nhờ  nơi  đức Phật  mà được đại chúng nể nang, cho dù có  trí nhớ  siêu phàm, mà chưa chứng qủa Thánh, cũng không được tham dự  kết tập, thật là tủi nhục  vô cùng. Bởi vì trong lúc Phật còn tại thế không chịu tinh tấn tu hành, nên mới có ngày nay tủi nhục!

Nghĩ vậy, Tôn giả không dằn lòng được sự hối thúc tu hành bèn đến gõ cửa động kêu cầu Tôn giả Đại Ca Diếp mà nói lớn lên rằng:  Trong khi đức Thế Tôn  phó chúc và truyền cái áo Cà Sa Kim Lư cho Tôn Huynh đó, vậy đức Thế Tôn còn truyền pháp gì riêng cho Tôn Huynh nữa hay không?  Tôn giả Đại Ca Diếp nghe hỏi, liền cất tiếng nói lớn vọng ra:A Nan! Cây trụ cờ phướn trước cửa đổ rồi! Tôn giả A Nan Đà không hiểu tại sao Tôn giả Ca Diếp nói thế với ý nghĩa gì, tại sao lại nói cây trụ cờ phướn đổ rồi, trong khi cây trụ cờ phướn không đổ.

Tôn giả A Nan vô cùng thắc mắc, bèn hỏi lại: Cây trụ cờ phướn đâu có đổ, Tôn Huynh nói như vậy có ý nghĩa gì? Bên trong im lặng, không thấy Tôn giả Đại Ca Diếp trả lời, Tôn giả A Nan Đà thắc mắc không hiểu tại sao Tôn Huynh nói cây trụ cờ phướn đổ? Rồi Tôn giả A Nan Đà thắc mắc ngày đêm, ăn không ngon, ngủ không yên. Viêc thắc mắc mãi về lời nói ấy chính là đại nghi tình, đại thắc mắc của Thiền tông mà Tôn giả A Nan không biết là mình đang tham thiền.

Sau bảy ngày vẫn còn thắc mắc mê man như thế, trong khi Tôn giả đang nghiêng mình nằm xuống về phiá bên tay phải, thì đột nhiên tỏ ngộ (Kiến tánh) và tâm tánh sáng suốt vô cùng. Liền khi ấy, như trút được  gánh nặng  nghìn cân,  vui mừng, Tôn giả vội vàng đến gõ cửa động xin mở cửa để vào báo  tin mừng.

Tôn giả Đại Ca Diếp biết được nói vọng ra: Nếu đã ngộ rồi thì tự vào, sao còn nhờ mở cửa? Tôn giả A Nan Đà liền biến mình nhỏ lại chui qua khe cửa mà vào, rồi đảnh lễ Thánh chúng; đại hội  Thánh chúng  vui mừng  đón tiếp Tôn giả A Nan Đà đã đại ngộ và liền cử Tôn giả lên tòa cao ngồi trùng tuyên Kinh Giáo của Phật! Sau khi kết tập  bộ Tăng Nhất và toàn bộ Đại Tạng Kinh xong, toàn thể Thánh chúng  vui mừng  nhẹ nhõm vô cùng, Tôn giả Đại Ca Diếp liền truyền giao  chính pháp  cho Tôn giả A Nan làm Tổ thứ hai.

Bấy giờ vô số Bồ Tát đến dự, có các Thiên Vương và Thiên chúng các cõi Phạm Thiên, Hóa Tự Tại, Tha Hóa Tự Tại, Đâu Suất, Diệm Ma, Đạo Lợi, Tứ Thiên Vương cùng tới.

Đọc thêm