“Quốc nạn” và tội ác
Theo số liệu được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung cấp, từ đầu năm 2015 đến nay, qua thanh kiểm tra đã phát hiện 1.663 mẫu rau, thịt, cá có chứa chất cấm (trong đó có 326/6.166 mẫu rau, quả, trái cây có chất cấm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt giới hạn cho phép; 106/5.433 mẫu thịt và sản phẩm thịt có chất kháng sinh cấm hoặc vượt mức cho phép; 834/5.433 mẫu thịt vi phạm chỉ tiêu vi sinh vật; 397/5.048 mẫu thủy sản vi phạm các chỉ tiêu về hóa chất, kháng sinh cấm)...
Tại hội thảo “Vì thị trường thực phẩm” diễn ra vào những ngày cuối tháng 3 vừa qua tại TP HCM, ông Đỗ Ngọc Chính - Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết, tình trạng ung thư trong những năm gần đây liên tục gia tăng.
Theo thống kê, năm 2000, tại Việt Nam chỉ có khoảng 69.000 ca mới mắc bệnh ung thư, nhưng cho đến năm 2015 vừa qua, số ca mới mắc ung thư tăng lên hơn gấp đôi, có đến xấp xỉ 150.000 ca mắc bệnh. Nếu vẫn theo đà này, ước tính đến năm 2020, số ca mắc mới ung thư sẽ lên đến gần 200.000 ca, đồng nghĩa với việc Việt Nam có thể trở thành một trong những quốc gia có tỷ lệ mắc ung thư cao nhất thế giới.
Cũng theo đánh giá của một số chuyên gia trong lĩnh vực ung thư cho thấy, tỷ lệ người mắc ung thư do sử dụng thực phẩm “bẩn” gây ra chiếm tỷ lệ cao nhất khoảng 35%, hút thuốc lá chiếm khoảng 30%, còn lại là yếu tố di truyền khoảng 10% và một số nguyên nhân khác.
Số liệu từ kết quả kiểm tra liên ngành giữa Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường và chính quyền các địa phương trong năm 2014 và 2015 cho thấy, có đến 9.140kg Salbutamol được nhập khẩu để sản xuất dược phẩm (là nguyên liệu dùng để sản xuất thuốc điều trị hen suyễn, điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính), nhưng có đến 6.268kg chất này được dùng sai mục đích trong chăn nuôi nhằm tạo lợn siêu nạc, gây nhiều tác dụng nguy hại tới sức khỏe con người.
Ngay lập tức, Bộ Y tế phải đề xuất đưa Sabutamol vào danh sách “thuốc phải kiểm soát đặc biệt”. Qua đó có thể thấy vấn nạn thực phẩm thiếu an toàn, thậm chí gây nguy hại cho sức khỏe người sử dụng đang là mối quan tâm, lo lắng của toàn cộng đồng xã hội trong thời gian dài gần đây.
Kỳ họp Quốc hội năm 2015, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã kêu gọi: “Cần phải coi việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi là một tội ác, phải đấu tranh với nó như với tội phạm ma túy”.
Phải xử thật nặng
Đó là quan điểm của nhiều người dân, trong đó có ông Phạm Văn Cường, một chủ trang trại nuôi lợn và cung cấp các loại rau sạch tại tỉnh Bắc Ninh. Ông Cường bày tỏ: “Theo tôi, nên đưa chế tài phạt tù đối với các hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, kinh doanh. Việc sử dụng các chất tăng trọng, tạo nạc trong thức ăn chăn nuôi ngoài việc gây hại cho người sử dụng còn tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh”.
Cũng theo ông Cường, việc con giống tốt và nguồn thức ăn đảm bảo của những hộ chăn nuôi (đúng quy trình, đảm bảo an toàn) bao giờ cũng cao hơn cả về giá đầu vào con giống, thức ăn cũng như thời gian chăn nuôi. Vậy, nếu người chăn nuôi chạy theo lợi nhuận, sử dụng các chất “hỗ trợ” trong quá trình chăn nuôi sẽ giảm được thời gian nuôi và giá thành đầu vào, nhưng lại sai với quy định của Nhà nước.
Như vậy, cần phải làm triệt để mới tạo được môi trường kinh doanh lành mạnh. Vì những lẽ trên, ngày 1/7/2016, Bộ luật Hình sự năm 2015 sẽ bắt đầu có hiệu lực. Theo đó, chỉ cần sử dụng chất cấm là đã có thể bị phạt tiền rất nặng, nghiêm trọng hơn là phạt tù.
Ngoài ra, điều này còn bao gồm hầu hết mọi lĩnh vực như sản xuất, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ và sử dụng. Đặc biệt, đối với một số tình tiết nghiêm trọng, mức phạt tù có thể lên tới 20 năm.
Giải thích về việc hình sự hóa hành vi sử dụng chất cấm trong kinh doanh, chăn nuôi, Đại tá Trần Trọng Bình - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường cho biết: “Theo luật thì trước đây vẫn có thể xử lý hình sự, nhưng theo quy định “cấu thành vật chất”, người phạm tội phải gây ra hậu quả thì mới bị xử lý, dẫn tới khó thực hiện.
Đối với Bộ luật Hình sự sắp có hiệu lực ngày 1/7/2016, việc xử lý căn cứ theo quy định “cấu thành hình thức”, có thể xử lý ngay khi diễn ra hành vi phạm tội, không cần phải đợi đến khi xảy ra hậu quả của việc phạm tội”.
Hy vọng với quy định mới của Bộ luật Hình sự và sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan, ban ngành chức năng, tình trạng sử dụng chất cấm trong việc sản xuất, chăn nuôi gia cầm, gia súc trong thời gian qua sẽ bị loại bỏ hoàn toàn.