Từ bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Phú Yên” cho tôm hùm bông: Hiểu thế nào về bảo hộ chỉ dẫn địa lý?

(PLVN) - Cục Sở hữu trí tuệ mới đây đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00087 cho sản phẩm tôm hùm bông “Phú Yên”. UBND tỉnh Phú Yên là tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.
Tôm hùm bông được bảo hộ chỉ dẫn địa lý Phú Yên.
Tôm hùm bông được bảo hộ chỉ dẫn địa lý Phú Yên.

Nhiều lợi ích khi bảo hộ chỉ dẫn địa lý

Nghề nuôi tôm hùm ở Phú Yên bắt đầu từ trước năm 1990. Đến nay, toàn tỉnh Phú Yên có trên 2.200 hộ nuôi tôm hùm với gần 35.000 lồng nuôi tôm thương phẩm, sản lượng thu hoạch ước tính trên 150 tấn/năm, doanh thu khoảng 3.000 tỷ đồng. Nghề nuôi tôm hùm ở Phú Yên mang lại lợi ích kinh tế rất lớn cho ngư dân ven biển, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế của tỉnh. Theo quy hoạch phát triển tôm hùm đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Phú Yên là tỉnh đứng đầu cả nước về thể tích lồng nuôi.

Tôm hùm bông ở Phú Yên có màu xanh dương pha lá cây, hai gai má màu trắng. Tôm được thu hoạch khi đạt khối lượng từ 0,7 kg trở lên, khi tôm có trạng thái cơ thịt săn chắc, tỷ lệ thịt từ 61,19% đến 64,30%, tỷ lệ gạch từ 0,53% đến 0,63%, tỷ lệ nước từ 68,99% đến 71,82%, hàm lượng Protein thô từ 19,95% đến 21,37%...

Phú Yên là tỉnh ven biển Nam Trung Bộ, có bờ biển dài 189 km. Nhờ có điều kiện tự nhiên thích hợp mà diện tích nuôi tôm hùm ở Phú Yên đứng đầu trong cả nước. Bờ biển Phú Yên có nhiều dải núi nhô ra hình thành các vùng eo, vịnh, đầm phá.

Khu vực nuôi tôm hùm ở Phú Yên là vịnh Xuân Đài, vịnh Vũng Rô và đầm Cù Mông là những vịnh mài mòn, do được che chắn bởi hệ thống các đảo, bán đảo ven bờ, các mũi đá như Lao Mái nhà, Hòn Chùa, mũi Vụng Trích, mũi Diên Ông, mũi Nước Giao nên khu vực này tránh được tác động của gió, vì vậy, chất lượng và nhiệt độ nước biển ít bị thay đổi, thuận lợi trong nuôi trồng thủy sản. Nhờ nước biển của vùng biển nuôi tôm Phú Yên trong, độ trong từ 36 đến 41 cm, nên màu sắc của tôm hùm bông Phú Yên xanh hơn vùng nuôi tôm ở khu vực khác.

(Hình minh họa).
(Hình minh họa).  

Bên cạnh đó, khu vực địa lý là khu vực thông thoáng, là nơi tập trung nhiều sinh vật, động vật phù du với 53 loài thực vật nổi, 51 loài động vật nổi, 32 loài động vật đáy và thực vật phù du, số lượng tảo và vi tảo nhiều tạo điều kiện thuận lợi cho các loài thủy sản sinh sống là nguồn thức ăn tại chỗ phong phú cho tôm hùm.

Cùng với thuận lợi về điều kiện tự nhiên, Phú Yên là vùng có truyền thống lịch sử nuôi tôm hùm nên người dân đúc kết được nhiều kinh nghiệm như lựa chọn khu vực nuôi, phương thức và thời gian cho ăn, chăm sóc dịch bệnh... làm cho chất lượng và uy tín của tôm hùm bông Phú Yên ngày được nâng cao, được người tiêu dùng lựa chọn.

Theo danh sách chỉ dẫn địa lý được bảo hộ ở Việt Nam trên trang web của Cục Sở hữu trí tuệ, Việt Nam đã bảo hộ 74 chỉ dẫn địa lý. Việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý đã giúp nhiều sản phẩm nâng cao giá trị. Đã có 34 tỉnh/thành phố đã có chỉ dẫn địa lý được bảo hộ, 11 tỉnh/thành phố có từ 2 chỉ dẫn địa lý trở lên, đó là: Thanh Hóa, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Sơn La, Bắc Kạn, Tiền Giang, Bình Thuận, Bạc Liêu, Đồng Nai, Hà Giang, Quảng Nam.

Chỉ dẫn địa lý là tài sản quốc gia, có vai trò và tầm quan trọng do chỉ dẫn địa lý gắn với những lợi thế về điều kiện tự nhiên, điều kiện sản xuất, đặc trưng về chất lượng và danh tiếng của sản phẩm.Việc cấp chỉ dẫn địa lý có ý nghĩa quan trọng trên nhiều khía cạnh khác nhau, nâng cao chất lượng sản phẩm, giúp sản xuất nông sản tuân theo quy trình chặt chẽ và đảm bảo chất lượng khi truy xuất nguồn gốc và nâng cao giá trị sản phẩm; đồng thời bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, bảo tồn sự đa dạng sinh học, góp phần thúc đẩy sự phát triển hoạt động sản xuất, thương mại.

Bên cạnh đó, tạo cho người nông dân thói quen, tác phong, nếp nghĩ sản xuất theo quy trình khoa học, gắn liền với phát triển du lịch vùng miền, nâng cao đời sống cho người dân. Chỉ dẫn địa lý cũng góp phần thúc đẩy hoạt động liên kết vùng để phát triển các sản phẩm chủ lực liên tỉnh, liên vùng, nâng cao khả năng cạnh tranh, giá trị sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước.

Việc xây dựng, phát triển và quản lý chỉ dẫn địa lý góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội, nhận thức của người sản xuất và tiêu dùng đối với sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý. Điển hình, đối với cam Cao Phong, sau khi được cấp chỉ dẫn địa lý, giá sản phẩm đã tăng gấp 2-3 lần so với khi chưa cấp chỉ dẫn địa lý.

Điều kiện bảo hộ chỉ dẫn địa lý là gì?

Có nhiều lợi ích như vậy nhưng không phải ai cũng hiểu thấu đáo về chỉ dẫn địa lý và bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh hổ hay quốc gia cụ thể, chẳng hạn như nước mắm Phú Quốc, hoa mai vàng Yên Tử, hồng không hạt Bảo Lâm hay mới đây nhất là tôm hùm bông Phú Yên... Chỉ dẫn địa lý chỉ được cấp văn bằng bảo hộ khi chủ sở hữu làm thủ tục đăng ký với cơ quan có thẩm quyền và đáp ứng được các điều kiện bảo hộ chỉ dẫn địa lý theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ.

Theo chuyên gia pháp lý, căn cứ tại Điều 79 Luật Sở hữu trí tuệ để được đăng ký chỉ dẫn địa lý thì chỉ dẫn đó cần đáp ứng được các điều kiện, yêu cầu sau:Sản phẩm mang chỉ dẫn phải có nguồn gốc địa lý từ nơi tương ứng với chỉ dẫn; Sản phẩm mang chỉ dẫn có tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu do điều kiện địa lý của địa chỉ nơi tương ứng với chỉ dẫn đó quyết định. Một khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý thì Giấy chứng nhận này có hiệu lực vô thời hạn kể từ ngày cấp.

Căn cứ tại Điều 80 Luật Sở hữu trí tuệ quy định các đối tượng sau đây sẽ không đủ điều kiện bảo hộ gồm:Tên chỉ dẫn đã trở thành tên gọi chung của hàng hóa theo nhận thức của người tiêu dùng có liên quan trên lãnh thổ Việt Nam; Chỉ dẫn địa lý nước ngoài mà tại nước đó chỉ dẫn không được bảo hộ hay đã bị chấm dứt hiệu lực bảo hộ hoặc không còn được sử dụng; Chỉ dẫn trùng hoặc tương tự với một nhãn hiệu đang được bảo hộ hoặc nhãn hiệu đó đã được nộp theo đơn đăng ký có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên; Chỉ dẫn gây hiểu sai lệch về nguồn gốc địa lý thực của sản phẩm mang chỉ dẫn đó cho người tiêu dùng.

Tại Điều 82 Luật Sở hữu trí tuệ có quy định về điều kiện địa lý liên quan đến chỉ dẫn địa lý gồm yếu tố con người và yếu tố tự nhiên quyết định danh tiếng, chất lượng, đặc tính của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đó.Yếu tố về con người gồm: kỹ năng, kỹ xảo của người sản xuất, quy trình sản xuất truyền thống của địa phương. Yếu tố tự nhiên gồm: yếu tố về khí hậu, thủy văn, địa chất, địa hình, hệ sinh thái và các điều kiện tự nhiên khác.

Những cơ quan sau đây có quyền sở hữu chỉ dẫn địa lý: UBND tỉnh, thành phố nơi có khu vực địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý được công nhận thuộc phạm vi một tỉnh. UBND một tỉnh được UBND tỉnh khác ủy quyền khi khu vực địa lý được công nhận thuộc nhiều địa phương. Cơ quan, tổ chức được UBND tỉnh ủy quyền quản lý chỉ dẫn địa lý với điều kiện cơ quan, tổ chức này đại diện cho quyền lợi của tất cả tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý.

Đọc thêm