Trong khi theo Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng internet và thông tin trên mạng (đã được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định 27/2018/NĐ-CP) các quán game chỉ được hoạt động trong thời gian từ 8h đến 22h hàng ngày.
Những "ông lớn" trong các hệ thống game ở Hà Nội như Vikings, Game Home, King Of War..., mỗi hệ thống có khoảng 3 - 5 phòng game với diện tích lớn, phân bố gần các khu vực có nhiều trường đại học, cao đẳng.
Một phòng game thường có khoảng 200 - 300 máy phục vụ người chơi và được quảng cáo đã đầu tư số tiền lên đến hàng chục tỉ đồng. Tùy vào cấu hình máy, giá theo giờ từ 10 - 15 nghìn đồng/giờ, còn giá gói combo đêm ở các phòng game thế này giao động 30 - 50 nghìn đồng (từ 23h hôm trước đến 8 giờ hôm sau).
1 giờ sáng tại một phòng game trên đường Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội, không khí trở nên ngột ngạt với cả trăm máy tính đã đầy người. Cảnh tượng này cũng diễn ra tại 2 cơ sở khác của chuỗi phòng game này ở trên đường Cầu Diễn, quận Bắc Từ Liêm và phố Triều Khúc, quận Thanh Xuân lúc 3 giờ sáng.
2h sáng tại phòng game khác ở toà nhà Mac Plaza, số 10 Trần Phú, Mỗ Lao, Hà Đông, nhân viên giới thiệu với khách giá chơi theo giờ hoặc chơi theo combo. Bên trong phòng game; khói thuốc nghi ngút, màn hình sáng rực, người nào còn khỏe thì tiếp tục chơi, người nào mệt thì ngủ.
Cũng theo ghi nhận của PV tại một cơ sở của chuỗi game khác trên đường Hồ Tùng Mậu cũng diễn ra cảnh tượng tương tự. Sau 10 giờ cửa quán khép lại kèm theo bảng thông báo nghỉ hoạt động sau 22h đêm thế nhưng phía bên trong hàng trăm game thủ vẫn miệt mài cày cuốc…Và trong số những “game thủ” có không ít bạn trẻ còn khoác đồng phục THPT cày game online đầy bạo lực với súng ống và chém giết...
Có một sự thật cần nhấn mạnh, chính sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội và các luồng thông tin sai lệch, thiếu kiểm chứng đã khiến người trẻ không có nhận thức đầy đủ và đúng đắn về các chất ma túy.
"Mình thấy mọi người cứ hay làm quá. Thực ra nó cũng chỉ là một cuộc chơi, chỉ có điều bọn mình có tiền, bọn mình có thêm một số thứ vui vẻ khác ngoài rượu bia cho nó "máu", chơi vui xong rồi ai về nhà nấy, lại là "thanh niên ưu tú” như bình thường.
Mọi người chưa chơi bao giờ nên cứ lên án, chứ thực ra nó như mọi cuộc ăn nhậu khác thôi". Đó là lời trần tình của Kim A., một hot girl, người mẫu không chuyên sau khi tấm hình "bay lắc" mà cô gái này đăng lên một cách đầy tự hào bị cộng đồng phản ứng.
Không chỉ Kim A mà không ít người trẻ cũng vào bênh vực cô gái, vì cho rằng giờ đây chuyện những bữa tiệc bay lắc với chất kích thích "quá mức bình thường" cũng không phải là cái gì quá lạ lẫm hay xấu xa.
"Thực ra vì mọi người không hiểu hết, chứ cần sa, cỏ còn có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe, nhiều nước người ta còn cho phép sử dụng nữa. Mình nghĩ xấu nên nó xấu thôi". Đó là lập luận của không ít người trẻ hiện nay về các chất cấm, ma túy.
Nhiều người trẻ cho rằng, việc nhận thức các chất nằm trong danh mục cấm nói trên là do chủ quan, thiếu cái nhìn rộng rãi, chứ đó là thú vui thông thường của giới trẻ trên toàn thế giới. Không chỉ có thế, không ít người tự hào rằng họ "biết chơi", thuộc thành phần "quý tộc", có tiền thì mới có thể tổ chức những cuộc vui mang tính "bay lắc" như thế. Họ cho rằng người khác chỉ trích là "không hiểu mình".
Trên mạng xã hội, có một số hội nhóm kín của những người sử dụng chất cần sa, cỏ, bóng cười hay các loại ma túy khác. Các nhóm này chia sẻ cho nhau kinh nghiệm "chơi sao cho vui", những nơi bán "hàng" tốt, hay các dụng cụ hỗ trợ cho việc sử dụng các chất ma túy nói trên thêm hiệu quả.
Những bài viết được dịch mà không rõ nguồn gốc cùng hình ảnh minh họa để chứng minh rằng, cần sa, cỏ Mỹ, bóng cười, chất thức thần hay thậm chí ma túy đá "không hề độc hại như mọi người nghĩ", mà thậm chí có lợi cho sức khỏe, giúp người ta "thăng hoa", làm việc hiệu quả hơn, thúc đấy sự sáng tạo hơn...
Có thể nói, việc các địa điểm cung cấp dịch vụ internet hoạt động suốt ngày đêm cũng là một trong những nguyên nhân khiến gia tăng tình trạng nghiện game ở giới trẻ. Nhất là ở nhóm sinh viên khi các em sống tự lập và không bị gia đình quản lý giám sát. Còn những nhận thức sai lầm về ma túy đã đẩy những người trẻ thực hiện những hành vi lệch lạc, coi ma túy là bình thường, coi tiệc ma túy là tự hào.
Thiết nghĩ, đã đến lúc các cơ quan có trách nhiệm cần có động thái can thiệp bằng nhiều hình thức khác nhau như đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại của ma túy, nghiện game, rà soát và kiểm tra gắt gao các cơ sở, tụ điểm kinh doanh dịch vụ internet công cộng tránh tình trạng “thả lỏng” để các cơ sở này hoạt động xuyên đêm gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng, thắt chặt việc quản lý xã hội để hạn chế sự bùng phát của ma túy….