Từ đột phá trong xây dựng nông thôn mới đến những bản làng đáng sống ở Sơn La

(PLVN) - Với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị cùng sự đồng sức, đồng lòng của nhân dân trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), diện mạo NTM tỉnh miền núi Sơn La đang từng ngày đổi thay, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các dân tộc không ngừng được cải thiện, nâng cao.
Trung tâm hành chính tỉnh Sơn La.

Giờ đây, đến các xã, bản vùng sâu, vùng xa, vùng cao của tỉnh Sơn La không khó để bắt gặp những ngôi nhà, trường học, trạm y tế, đường giao thông… được đầu tư xây dựng kiên cố, khang trang, sạch đẹp; những khu đất trống đồi trọc được phủ một màu xanh cây ăn quả, hứa hẹn một màu xanh no ấm... Những miền đất khó khăn ngày nào nay đã trở thành nơi đáng sống. Đó là kết quả của quá trình triển khai xây dựng NTM tại tỉnh miền núi Sơn La những năm qua.

Sơn La là tỉnh miền núi nằm ở khu vực Tây Bắc, toàn tỉnh có 188 xã, có 250km đường biên giáp với nước bạn Lào, với 12 dân tộc, trong đó đa số là đồng bào dân tộc thiểu số. Cũng như nhiều tỉnh khác trong cả nước, Sơn La bắt tay vào xây dựng nông thôn mới với xuất phát điểm thấp. Năm 2011, tại thời điểm đánh giá theo 19 tiêu chí NTM, đa số các xã đều chưa đạt và đạt thấp, đặc biệt là các tiêu chí như: Quy hoạch, giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa, lao động có việc làm, môi trường và an toàn thực phẩm, hộ nghèo, thu nhập...

Những năm qua, hưởng ứng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị các cấp cùng sự đồng thuận của nhân dân các dân tộc, chương trình xây dựng NTM của tỉnh Sơn La đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, diện mạo các xã trong tỉnh đã có nhiều khởi sắc, kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng tương đối đồng bộ, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực… Tính đến tháng 9/2024, toàn tỉnh Sơn La có 65/188 xã đạt chuẩn NTM, 8 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, thành phố Sơn La hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; có 57 bản, tiểu khu được công nhận đạt chuẩn bản NTM.

Người dân Sơn La phát triển kinh tế nâng cao đời sống.

Ông Dương Gia Định – Phó chánh văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh Sơn La cho biết: Với nhiệm vụ là xây dựng kế hoạch, tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình NTM của các ngành, các địa phương, những năm qua, Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh đã tích cực đẩy mạnh công tác tham tham mưu. Bởi xây dựng NTM là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước với mục tiêu toàn diện, tổng thể. Trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, tỉnh Sơn La đã ban hành các nghị quyết, Đề án, Chương trình hành động; giao nhiệm vụ cụ thể cho các cấp, các ngành. Công tác tổ chức bộ máy thực hiện chương trình được thành lập theo quy định và thường xuyên được kiện toàn. Các cơ chế, chính sách được ban hành kịp thời và có tính thực tiễn cao, tạo điều kiện cho các địa phương khai thác các nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng gắn với phát triển sản xuất…

Vượt qua những khó khăn, bằng sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và sự đồng thuận của nhân dân các dân tộc, chương trình xây dựng NTM của tỉnh đã đạt được những kết quả đáng mừng, diện mạo NTM ở các xã, bản không ngừng “thay da đổi thịt” khang trang, sạch đẹp hơn, nhất là ở các bản vùng sâu, vùng xa, vùng cao biên giới... Đời sống của người dân khu vực nông thôn từng bước cải thiện, nâng lên rõ rệt.

Nhiều tuyến đường liên xã, liên bản được cứng hóa thuận tiện cho người dân đi lại, trao đổi hàng hóa.

Theo ông Dương Gia Định: Đích đến trong xây dựng NTM được xác định là nâng cao chất lượng đời sống, thu nhập cho người dân. Để làm được điều đó, các huyện, thành phố đã căn cứ vào điều kiện thực tiễn của địa phương để lựa chọn khâu đột phá có trọng tâm, trọng điểm, được nhân dân đồng tình hưởng ứng, đóng góp trí tuệ, công sức, tiền của đất đai cùng chung tay xây dựng NTM.

Cùng với sự đầu tư của Nhà nước, nhiều hộ dân của xã tích cực hiến đất làm đường giao thông, nhà văn hóa, trường học... Khi bức tranh vùng nông thôn từng ngày đổi thay, nông dân nhận thức được rằng, sản xuất chính là yếu tố tạo nên sức bật cho xây dựng NTM. Và hơn ai hết, người dân chính là chủ thể của sức bật ấy. Từ đó, khẳng định Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM là một chủ trương đúng, trúng.

Phong trào làm đường bê tông lan được lan tỏa rộng khắp.

Với quan điểm “Xây dựng NTM là quá trình liên tục, lâu dài, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc”, hiện nay các địa phương đã tập trung thực hiện các nhiệm vụ về quy hoạch xây dựng NTM; tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ, huy động nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; tái cơ cấu ngành nông nghiệp; nâng cao chất lượng giáo dục, y tế văn hóa; thực hiện tốt chương trình chuyển đổi số, cải cách hành chính. Nhất là giải pháp hỗ trợ các bản ở các địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa để từng bước hoàn thành tiêu chí xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm.

Đọc thêm