Từ đứa trẻ kỳ lạ 10 tuổi chưa biết nói, chưa biết đi thành Phật tổ Thiền tông thứ chín

(PLVN) - Tương truyền Phục Đà Mật Đa từ lúc sinh ra cho đến khi 10 tuổi chưa từng nói một lời, chưa từng đi một bước. Đến khi gặp Tổ Đà Nam Đề đi hành hóa đã phát hiện ra và chiêu mộ Đà Mật Đa làm đệ tử, giúp ngộ được bí mật thiền tông... 
Từ đứa trẻ kỳ lạ 10 tuổi chưa biết nói, chưa biết đi thành Phật tổ Thiền tông thứ chín

Tổ Phục Đà Mật Đa, sinh sau Đức Phật nhập Niết Bàn 322 năm, cha là Phục Đà Vi Thùy, mẹ là Ưu Phả Thị, dòng Tỳ Xá La, ở nước Đề Già. Từ lọt lòng mẹ đến năm mười tuổi Ngài chưa từng nói một lời, chưa từng đi một bước. Cha mẹ không hiểu vì nguyên nhân gì mà Ngài ra thế?

Ngộ được bí mật Thiền tông

Bấy giờ, Tổ thứ tám Phật Đà Nan Đề lãnh đạo đồ chúng, hành hóa đến nước Đề Già. Lúc gần đến gia đình họ Tỳ Xá La, thấy trên mái nhà của họ có ánh sáng trắng bay vút lên, Ngài Đà Nan Đề liền nói với đồ chúng: “Gia đình này nhất định có thánh nhân, người ấy không nói được, thật đúng là căn khí Đại thừa. Người ấy không bước được, vì biết mỗi bước đi sẽ va chạm đến những thứ dơ uế”.

Sau khi Tổ thứ tám nói xong, trưởng giả họ Tỳ Xá La liền bước ra, đỉnh lễ Tổ và mời vào nhà. Ông ta hỏi Tổ cần giúp đỡ gì không, Tổ nói: “Tôi cần một người làm thị giả”. Trưởng giả họ Tỳ Xá La chỉ Phục Đà Mật Đa nói: “Dạ thưa Ngài! Con tôi, tên là Phục Đà Mật Đa, năm nay đã năm mươi tuổi rồi, nhưng từ trước đến nay, miệng không nói một lời, chân chưa hề chạm đất, nó có thích hợp làm thị giả của Ngài không?”

Tổ nói: “Nếu đứa bé giống như lời ông nói thì nó đích thật là đồ đệ của tôi rồi!” Tổ Phật Đà Nan Đề nói duyên đời trước rằng: Đứa bé nầy đời trước thông minh lắm, ở trong Phật pháp do lòng đại bi muốn làm lợi ích lớn cho chúng sanh cho nên thường nguyện: “Nếu tôi sanh chỗ nào không bị tình phụ tử ràng buộc, tùy duyên lành kia liền được giải thoát, miệng nó không nói là tiêu biểu đạo không tịch. Chân nó không đi là tiêu biểu pháp không đến đi”.

 

Cha mẹ Ngài nghe lời giải thích của Tổ sạch hết nghi ngờ, vui vẻ cho theo Tổ xuất gia. Cha mẹ người đã đồng ý cho ngươi theo ta xuất gia, vậy ngươi hãy thưa thầy mình đi chứ, Ngài liền chắp tay thưa: Con kính chào sư phụ. Ngài vừa thưa hỏi cả nhà và bà con ai cũng vui mừng, rồi nấu bữa cơm chay đãi tổ và tiễn ngài cùng tổ xuất gia. Ngài được Tổ cho học chữ đến năm 20 tuổi.

Một hôm Tổ gọi Ngài đến, đưa cho Ngài bài kệ 12 câu Ngài đọc: "Thiền tông nó chảy theo dòng/ Theo dòng thanh tịnh ở trong lòng mình; Thiền Thanh Phật dạy núi Linh/ Là thiền Thanh tịnh tuyệt linh cõi này. Ta nay hỏi Ngươi như vầy/ Không dùng vật lý, là đây thiền gì? Ngươi biết thì trình tức thì/ Ngồi đó suy nghĩ, vậy thì bỏ đi. Suy nghĩ mà biết thứ chi/ Là được những thứ bỏ đi cho rồi; Ngày xưa Đức Phật dạy “Thôi”/ Luân hồi nhiều kiếp hết rồi với ta Ngài đọc 12 câu kệ này nhiều ngày mà không thấy gì lạ, cứ lẩm bẩm hoài.

Ba ngày sau ngài đang rửa chén, vô tình có cái chén bị rơi vào bể, tiếng chén rơi chúng đá kêu lên ngài nghe chết đứng, không còn biết mình là gì, cũng lúc ấy thân tâm Ngài như mất. Khi bình thường trở lại Ngài có làm kệ bằng 36 câu: Tiếng vang của chén đá này/ Vang đi khắp chốn chuyện này lạ tai; Tiếng nghe sao lại nghe hoài/ Nghe như trùm khắp tỏ bày cùng ai. Thầy ôi, Con ngộ căn tai/ Tiếng đi trùm khắp, hôm nay tỏ tường/ Thiền tông Đức Phật chủ trương/ Ngộ được tánh Biết là đường về quê. Quê xưa chỉ một đường về/ Về nơi quê cũ không hề làm chi; Thiền Thanh đặc biệt diệu kỳ Rơi vào Bể tánh, cái chi cũng tường. Rửa chén con hết bi thương/ Tiếng kêu chén đá tỏ tường tánh Nghe; Như vậy các Tánh là bè/ Đưa con thanh tịnh bằng bè về quê.

Trước kia con muốn trở về/ Về nơi quê cũ một bề dụng công; Thiền tông không phải cầu mong/ Mà chỉ một lòng thanh tịnh mà thôi. Cũng đừng nghĩ chuyện xa xôi/ Trước kia suy nghĩ vào đời chuyển luân; Phật xưa chỉ dạy chữ “Dừng”/ Không theo vật lý là dừng lại ngay. Phật ôi, Con khóc vì Ngài/ Dạy con thanh tịnh vào ngay Niết bàn; Thầy con nhắc lại rõ ràng Linh Sơn Phật dạy, một đàng về quê. Hôm nay con thấy đường về/ Niết bàn thanh tịnh là quê của mình; Phật ôi, con chỉ nghe nhìn/ Lời Ngài huyền diệu tuyệt linh vô cùng. Không ngờ nghe thấy muôn trùng/ Về nơi quê cũ ung dung nhẹ nhàng; Con nay đã được bình an/ Niết bàn thanh tịnh muôn ngàn thảnh thơi.

Tổ Phật Đà Nan Đề nghe ngài trình 36 câu kệ biết Ngài đã đạt được ý sâu mầu của pháp môn thiền tông, Tổ Phật Đà Nan Đề biết Ngài đạt được “Bí mật Thiền tông” nên nói với Ngài: Nay ông đã đạt được “Bí mật Thiền tông”, vậy 30 ngày sau ta sẽ truyền “Bí mật Thiền tông” cho ông. Đúng 30 ngày sau, tại chánh điện Thiền tông chùa Thiền tông Nghiêm Quốc, buổi lễ truyền thiền được tiến hành.

Gặp người truyền Thiền 

Sau khi đắc pháp, Ngài du hóa khắp nơi, sang Trung Ấn giáo hóa. Nơi đây có ông trưởng giả tên là Hương Cái. Ông này có người con trai tên Nan Sanh. Ông trưởng giả Hương Cái dẫn con đến yết kiến Ngài. Đảnh lễ xong,ông trưởng giả thưa: Thằng bé nầy ở trong thai mẹ ngót sáu mươi năm, do đó tôi đặt tên là Nan Sanh. Có một tiên đến xem tướng nó, rồi nói: “Thằng nhỏ này hẳn là tướng phi phàm, sẽ làm pháp khí đại thừa, sau gặp Bồ Tát hóa độ”. Bởi có duyên lành nên nay được gặp Ngài, tôi nguyện cho nó theo Ngài xuất gia học đạo. Ngài hoan hỷ nhận cho Nan Sanh xuất gia thọ giới. Trong buổi lễ xuất gia thọ giới bỗng có ánh sáng mát chiếu khắp chổ Nan Sanh ngồi.

Cơ duyên hóa độ sắp viên mãn, Ngài kêu Nan Sanh lại dặn dò: Đại pháp nhãn tạng của Như Lai, nay ta trao cho ngươi, ngươi phải gìn giữ truyền trao đừng cho đoạn dứt. Ngươi nhận lời ta dạy, hãy nghe kệ đây: Chân lý bổn vô danh, Nhơn danh hiển chơn lý, Thọ đắc chơn thật pháp, Phi chơn diệc phi ngụy. Dịch nghĩa: Chân lý vốn không tên/ Nhân tên bày chân lý/ Nhận được pháp chân thật/ Chẳng chân cũng chẳng ngụy.

Nói kệ xong, Ngài bèn vào chánh định hiện tướng Niết bàn. Chư thiên trỗi nhạc cúng dường. Nan Sanh cùng đồ chúng dùng dầu thơm gỗ chiên đàn làm lễ hỏa táng chân thể của Ngài. Hỏa táng xong lượm xá lợi về tôn thờ nơi chùa Na Lan Đà. Tại chùa Tây Phương, tượng Tổ thứ 9 Phục Đà Mật Đa được bày ở bên trái Tổ thứ 8, tả cảnh Tổ đang ngồi tựa mỏm đá, mặc áo nhiều nếp nhăn, để hở ngực và cánh tay.

Tượng được nhấn mạnh những nét gồ ghề, tạo sự già dặn từng trải pha chút hóm hỉnh như đầu nhô nhục kháo, lông mày nhíu lại tạo những vết nhăn dọc trên ấn đường, lưỡng quyền nổi cao, cánh mũi nở, miệng mở hẹp với nếp nhăn bên khoé mép, cằm bạnh, mắt sáng nhìn xuống. Tay trái Ngài cầm một cuốn sách mở, tạo được sự hợp lý của khuôn mặt đang nhìn xuống sách, đọc và phát hiện những tư tưởng mới như chính ngài đặt ra khi nói câu đầu tiên: ". . . Đạo lớn kia là Đạo ta cần biết. Còn cái gì cần biết hơn Đạo kia?". Đây là tác phẩm thể hiện được một nội tâm khá phức tạp. 

Đọc thêm