Khá nhiều người dân bày tỏ ý kiến cho rằng, hàng chông tre này tiềm ẩn nguy hiểm với người đi đường, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ. Được biết, hàng chông tre này được dựng lên nhằm ngăn chặn việc thú nuôi của các gia đình xâm nhập vào bên trong vườn hoa phóng uế, dẫm đạp làm hỏng vườn hoa.
Tuy nhiên, cách xử trí của lực lượng quản lý không nhận được sự đồng tình của người dân sống xung quanh khu vực. Hôm qua - 10/4, tiếp nhận thông tin phản ảnh, đơn vị quản lý vườn hoa đã cho tháo bỏ hàng chông tre.
Chuyện hàng rào bảo vệ vườn hoa gây nguy hiểm cho người đi bộ không chỉ xuất hiện ở Hà Nội. Trước đó, tại TP HCM ở khu dân cư Him Lam, phường Tân Hưng, quận 7 có chủ nhà đã thiết kế những rào chắn xung quanh bồn hoa bằng sắt, có độ cao khoảng 20cm nhọn hoắt, chĩa thẳng lên trời.
Không chỉ gây mất thẩm mỹ, những rào chắn bồn cây “có một không hai” này khiến không ít người lo sợ bởi mức độ nguy hiểm của nó gây ra, nhất là gần đó có một trường tiểu học rất nhiều học sinh ra vào đoạn đường này. Ban quản lý khu dân cư Him Lam khi được phản ánh đã cử người xác minh vụ việc và thông báo cho chủ nhân của ngôi nhà để tháo dỡ, tránh những sự cố đáng tiếc xảy ra.
Còn nhớ vào đầu tháng 3 vừa qua, chính bản thân ông Chủ tịch UBND quận 5 phải thừa nhận rằng hàng rào trên vỉa hè trước Bệnh viện Chợ Rẫy biến thành “ma trận” nhốt người đi bộ.
Cụ thể, tại vỉa hè đường Nguyễn Chí Thanh và đường Thuận Kiều, trước Bệnh viện Chợ Rẫy để người đi bộ đã có lối đi riêng và không cho bán hàng rong, xe ôm, tập trung trước cổng bệnh viện, chính quyền dựng các hàng rào tạo lối đi cho người đi bộ nhưng hành rào lại được lắp đặt quá dày, zic zắc cao ngang gần tới đầu người, khiến người đi bộ như lạc vào “ma trận”, thậm chí, nhiều người đi bộ không biết phải đi vào bằng lối nào nên chấp nhận xuống đường đi cho thoáng.
Thế mới biết, nhiều việc không phải chỉ cốt đạt được mục đích chính là xong, nhất là khi để đạt được mục đích ấy ảnh hưởng đến nhiều người, biến việc có lợi thành có hại. Hay nói như TS.Nguyễn Hữu Nguyên - Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam: “Khi làm xong hàng rào, người dân phản ứng thì mới tính đến việc người già thế nào, người khiếm thị thế nào, độ cao thế nào cho hợp lý… Sau đó, người ta lại cắt lại sửa.
Làm cái gì cũng có cái lợi và hại. Tuy nhiên, trách nhiệm của người quản lý là cân nhắc giữa lợi và hại cái nào lớn hơn, người dân được hưởng nhiều hơn. Còn không cân nhắc mà cứ thực hiện thì hậu quả sẽ là cái lợi ít hơn cái hại”.