Chuyện của “Bà Già Nước Ngọt” khuấy động cộng đồng mạng

(PLO) -  “Tôi nghiệm ra rằng không gì có thể đánh gục tình yêu thương con người; và tuổi tác, bệnh tật không bao giờ là giới hạn khi mình sống vì mọi người” - bà Nguyễn Thị Tâm, nickname Bà Già Nước Ngọt, giãi bày. 

Chuyện của “Bà Già Nước Ngọt” khuấy động cộng đồng mạng
Không ít người bất ngờ khi chủ nhân nickname “câu like”, ngày ngày nhận được hàng trăm lời mời kết bạn trên facebook – “Bà Già Nước Ngọt” là nữ quân nhân về hưu Nguyễn Thị Tâm (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội). Dáng nhỏ bé, tuổi đã 60 nhưng dường như bà Tâm không lúc nào “ngơi tay ngơi chân” mà thường là bận việc “làng nước” hơn việc nhà.
“Gom” máu cứu người
Năm 2002, bà Tâm rời quân ngũ bắt đầu “cuộc đời hưu trí”, tránh nhàn rỗi và cải thiện thu nhập với cửa hàng tạp hóa nhỏ bán bánh kẹo, nước ngọt trước cửa nhà. Nhưng biết bà Tâm có nhiều kinh nghiệm hoạt động xã hội trong thời gian công tác ở Bệnh viện 354, UBND phường Trung Hòa lập tức mời bà nhận chức Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ của phường. Bà nhận lời không chút đắn đo. “Làm công tác chữ thập đỏ là đi vận động người dân, tổ chức đóng góp cho quỹ nhân đạo. Tôi luôn ưu tiên cho việc thiện này nên tôi mới chọn biệt danh trên mạng dễ nhớ như thế để công việc hiệu quả tốt” - bà Tâm bộc bạch.
Người dân, chủ doanh nghiệp, các tổ chức trên địa bàn phường Trung Hòa đã quá quen thân với người đàn bà nhỏ bé, gầy guộc, lóc cóc đạp xe tới tuyên truyền, vận động tham gia hiến máu. Còn “cư dân mạng” thì theo lời kêu gọi của Bà Già Nước Ngọt, “kết bạn” với bà ngày càng nhiều, đồng nghĩa với ngày càng nhiều người hơn sẻ chia và vận động bạn bè cùng hiến máu cứu người.
Bà nhiệt tình với phong trào hiến máu đến quên bản thân. Trận mưa lớn tháng 6 năm ngoái, khi đoàn xe hiến máu “cắm chốt” trên đường Trần Duy Hưng, từ sáng sớm có rất nhiều thanh niên, sinh viên theo lời kêu gọi của bà đến tham gia. Nhưng rồi trời bất chợt đổ mưa, nước ngập đường, bà Tâm đã về nhà nhưng không yên tâm lại lội mưa đến điểm hiến máu để động viên mọi người. Bà Tâm còn bỏ tiền túi thuê một chuyến xe đưa từng bạn tình nguyện viên về trường. Còn bà 22h30 mới về đến nhà, người ướt lướt thướt, bụng đói meo nhưng lòng phấn chấn vì lượng máu thu được.
Sự tận tâm của bà khiến các bác sĩ, cán bộ của Viện Huyết học Trung ương cũng cảm kích. Họ gọi bà với cái tên trìu mến là “bà Tâm vượt chỉ tiêu” bởi số lượng máu mà bà Tâm vận động được luôn vượt dự đoán của mọi người.
12 năm bà Tâm làm Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ cũng là 12 năm hoạt động hiến máu nhân đạo của phường Trung Hòa luôn đứng đầu toàn quận. Từ những ngày đầu khó khăn, cả năm chỉ vận động được 50 đơn vị máu, đến nay con số ấy đã tăng lên 10 lần. 
Bà Tâm và người thanh niên 13 lần hiến máu ở phường Trung Hòa.
Bà Tâm và người thanh niên 13 lần hiến máu ở phường Trung Hòa. 
Dẹp bỏ cảm xúc cá nhân vì việc thiện
Cùng với vận động hiến máu, hàng ngày bà Tâm còn làm rất nhiều “việc không tên” trong hoạt động chữ thập đỏ. Chữ “Ngọt” trong nickname Bà Già Nước Ngọt của bà Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Trung Hòa còn có ý nghĩa ngọt ngào thuyết phục, ngọt ngào nhẫn nhịn để làm việc thiện cho đời. 
Vì hoạt động thiện nguyện, bà Tâm từng bị hiểu nhầm, thậm chí phải hứng chịu thái độ, hành vi xúc phạm cá nhân. Đơn cử, vào năm miền Trung oằn mình gánh chịu bão lũ, thiệt hại lớn, cả nước hướng về đồng bào miền Trung với sự cảm thông, sẻ chia. Bà Tâm cùng hai hội viên Hội Chữ thập đỏ của phường không ngại mưa nắng, ngày đêm đến các hộ dân, các cửa hàng, doanh nghiệp trên địa bàn vận động quyên góp. 
Hầu hết mọi người đều nhiệt tình ủng hộ. Duy có một chủ cơ sở kinh doanh tỏ vẻ nghi ngờ:“Tôi hỏi thật các ông, các bà nhé, tiền này có đến được với người nghèo thật không, hay các ông, các bà chỉ nói nghe cho hay để thu được tiền rồi giữ lại làm việc khác?”. 
Hai người đồng hành với bà Tâm tự ái, định lớn tiếng phản ứng. Tuy nhiên, bà Tâm một mặt trấn an bạn đồng hành, một mặt nhỏ nhẹ giải thích với chủ cơ sở kinh doanh kia về ý nghĩa hoạt động của Hội Chữ thập đỏ. Chủ cơ sở kinh doanh im lặng rút ví lấy ra tờ tiền… 10.000 đồng đặt lên mặt bàn. Bà Tâm cầm tờ tiền, ghi giấy biên nhận cẩn thận rồi cảm ơn ông ta, ra về. 
Rời khỏi cơ sở này, bà nói với hai người đi cùng mà như nói với chính mình: “Các cụ nói bách nhân bách tính, nhân vô thập toàn, làm việc thiện này mình phải biết dẹp bỏ đi cảm xúc cá nhân mà nghĩ đến những số phận đang cần sự giúp đỡ”. 
Làm mẹ, làm bạn những số phận bất hạnh
Cách làm việc xuất phát từ cái tâm của Bà Già Nước Ngọt đã lay động được trái tim nhiều người. Và chính sự ủng hộ của những người dân trên địa bàn là động lực giúp bà Tâm luôn hoàn thành tốt công việc của mình. Có vị lão thành cách mạng, chủ doanh nghiệp sản xuất thuốc chống mối khi hấp hối, sau khi dặn dò công việc gia đình đã không quên nhắn nhủ vợ “phải nhớ ủng hộ cô Tâm, đừng đắn đo hơn thiệt”. Thực hiện lời dặn của ông, vợ và các con luôn đi đầu trong các phong trào quyên góp từ thiện của địa phương.
Trung Hòa là phường có số hộ nghèo, người khuyết tật, trẻ em không may mắn nhiều nhất quận Cầu Giấy. Đồng thời với công tác ở Hội Chữ thập đỏ, bà Tâm phụ trách lớp học tình thương của phường mà học trò là hơn 10 đứa trẻ có số phận éo le. Bà Tâm luôn lo lắng cho các em như một người mẹ, bên cạnh việc tận dụng mọi nguồn lực gây quỹ cho lớp, năm nào bà cũng bỏ tiền túi ra tặng các em. 
Bà kiên trì mời giáo viên dạy chữ, hướng dẫn kỹ năng sống, tạo điều kiện cho các em tự tin bước vào đời. 12 năm trôi qua, biết bao mảnh đời từ lớp học này đã trưởng thành, tìm được việc làm ổn định, xây dựng được hạnh phúc riêng. Họ đến thăm bà, vợ chồng – con cái ríu rít nhận mẹ, nhận bà…
Đầu tháng 6 này, bà Tâm còn chủ trì sửa nhà cho hai học sinh của lớp tình thương, một cặp mẹ con. Người mẹ bị thiểu năng trí tuệ, là học sinh của lớp hơn 10 năm trước, sau đó, đứa con giống mẹ, cũng tiếp bước vào học. Bà Tâm đã xin hỗ trợ 20 triệu đồng, sửa căn nhà xập xệ dọa đổ của hai con người bất hạnh này. 
Bản thân luôn bị khối u trực tràng hành hạ, cơ thể suy nhược vì phẫu thuật, xạ trị, hiện vẫn đeo túi chứa chất thải bên người, nhưng chưa lúc nào bà Tâm thôi nghĩ đến công việc tình nguyện./.

Đọc thêm