Gỡ thế “kẹt” cho dân khi chia di sản

(PLO) - Trong một số quan hệ cụ thể,  việc áp dụng thời hiệu về yêu cầu chia di sản thừa kế luôn gây bức xúc cho những người trong cuộc. Bộ luật Dân sự (BLDS) sửa đổi tới đây có thể sẽ quy định không áp dụng thời hiệu yêu cầu chia di sản.
Gỡ thế “kẹt” cho dân khi chia di sản
Hết thời hiệu, không đòi được di sản hợp pháp
Cha mẹ anh Nguyễn Văn Đ. có tất cả 8 người con. Hai cụ mất trước năm 1985, để lại cho các con một căn nhà. Người anh cả đại diện các đồng thừa kế quản lý, sử dụng. Sau đó, ông này tự tiến hành khai nhận di sản với tư cách đại diện thừa kế duy nhất để hưởng tiền đền bù giải tỏa căn nhà. 
Phát hiện ra sự việc, tháng 2/2009 bảy anh em anh Đ. khởi kiện ra TAND Quận 12 (TP.HCM) đòi chia thừa kế. Tại đây, cán bộ tòa cho họ biết là thời hiệu khởi kiện chia thừa kế đã hết. Sở dĩ có tình trạng trên là vì theo quy định tại Điều 645 BLDS năm 2005, thời hiệu khởi kiện thừa kế là 10 năm và Tòa án sẽ từ chối giải quyết yêu cầu khởi kiện về thừa kế nếu hết thời hiệu khởi kiện.
Một số trường hợp khi đương sự khởi kiện chia tài sản thừa kế thì có một phần di sản đã hết thời hiệu khởi kiện, một phần vẫn còn thời hiệu khởi kiện. Trường hợp này thường Tòa án không thụ lý vụ án để giải quyết với lý do chưa có hướng dẫn xử lý phần di sản đã hết thời hiệu. 
Việc áp dụng thời hiệu khởi kiện về chia thừa kế giới hạn trong 10 năm như hiện nay cũng chưa phù hợp, sẽ làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người dân bởi thực tế có nhiều trường hợp sau 10 năm đương sự mới phát hiện được hưởng thừa kế và nảy sinh tranh chấp, tương tự trường hợp gia đình anh Đ. vừa nêu. 
Tuy nhiên, pháp luật lại không quy định trong trường hợp hết thời hiệu khởi kiện thì di sản sẽ thuộc quyền sở hữu của ai và căn cứ xác lập quyền đối với di sản thế nào? Việc không có quy định về tình trạng pháp lý đối với di sản sau khi Tòa án từ chối giải quyết vụ việc thừa kế dẫn đến việc không được xác lập quyền sở hữu, quyền sử dụng gây khó khăn trong việc quản lý nhà nước, nhất là trong lĩnh vực quản lý đất đai và tài sản gắn liền với đất.
Báo cáo tổng kết thi hành BLDS năm 2005 của Bộ Tư pháp cũng đánh giá: BLDS quy định thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế (Điều 654) và thời hạn để người thừa kế từ chối nhận di sản là 6 tháng kể từ thời điểm mở thừa kế (Điều 642) đã gây nhiều bất cập giữa truyền thống đạo đức và tập quán về thừa kế với quy định của luật. 
Đồng thời, căn cứ vào thời hiệu, Tòa án sẽ ra quyết định đình chỉ giải quyết yêu cầu khởi kiện về thừa kế nếu hết thời hiệu khởi kiện, trong khi pháp luật lại không có quy định về tình trạng pháp lý đối với di sản sau khi Tòa án từ chối giải quyết vụ việc thừa kế. 
Nếu những người thừa kế có yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận sở hữu tài sản đối với di sản thì các cơ quan này thường từ chối cấp giấy chứng nhận sở hữu nếu không có sự đồng ý của tất cả người thừa kế hoặc bản án, quyết định của Tòa án giao quyền sở hữu, quyền sử dụng cho họ. Như vậy, người dân sẽ “kẹt” ở giữa hai quy định mà không đăng ký được quyền sở hữu, quyền sử dụng.
Không áp dụng thời hiệu yêu cầu chia di sản
Về thời hiệu khởi kiện về thừa kế, đại diện UBND TP.HCM kiến nghị bổ sung quy định về việc xác định quyền sở hữu đối với di sản thừa kế trong trường hợp hết thời hiệu khởi kiện thừa kế và việc xác định tình trạng pháp lý đối với di sản sau khi Tòa án từ chối giải quyết vụ việc thừa kế.
Đại diện Khoa Luật Dân sự (Đại học Luật TP.HCM) đề xuất bỏ thời hiệu yêu cầu “chia di sản”. Nếu có tranh chấp về việc xác định một tài sản có là di sản hay không thì đây không là tranh chấp về “chia di sản” (để chia di sản thì chúng ta phải qua công đoạn xác định một tài sản là di sản). Nên thời hiệu sẽ là thời hiệu của việc xác định một tài sản có là di sản hay không. 
Việc bỏ thời hiệu 10 năm để yêu cầu “chia di sản” không ảnh hưởng đến thời hiệu vừa nêu. Việc bỏ thời hiệu để “chia di sản” còn làm cho pháp luật về thừa kế phù hợp với pháp luật Tố tụng Dân sự. Bởi lẽ, theo Điểm a Khoản 3 Điều 159 BLTTDS sửa đổi năm 2011: “Tranh chấp về quyền sở hữu tài sản; tranh chấp về đòi lại tài sản do người khác quản lý, chiếm hữu; tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện”. 
Dự thảo BLDS sửa đổi cũng theo hướng quy định không áp dụng thời hiệu yêu cầu chia di sản. Thời hiệu yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm kể từ thời điểm người có yêu cầu xác nhận quyền thừa kế, người bác bỏ quyền thừa kế của người khác biết hoặc phải biết về việc mở thừa kế. 
Người thừa kế có quyền vận dụng thời hiệu làm phương tiện pháp lý để tuyên bố quyền được miễn trừ nghĩa vụ mà người chết để lại nếu trong thời hạn 3 năm kể từ ngày người có quyền biết hoặc phải biết về việc mở thừa kế nhưng không có yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ người chết để lại./.

Đọc thêm