Hà Nội: Trợ giúp lưu động “hóa giải” mối bất hòa về đất đai

(PLO) - Tranh chấp về đất đai giữa hai thôn lên đến đỉnh điểm khi một thôn chiếm ruộng để cấy, còn thôn kia thì bỏ hoang đất canh tác... Thông qua hoạt động lưu động, trợ giúp pháp lý (TGPL) đã vào cuộc và chứng minh “tiếng nói” của mình một cách hiệu quả.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Tổ chức 290 đợt lưu động
Cụ thể là việc tranh chấp đất canh tác giữa người dân hai thôn Lưu Thượng và Tư Sản, xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên, TP.Hà Nội. Năm 1993 có sự phân chia lại ruộng đất, khi phân chia lại, cấp có thẩm quyền đã chia một phần đất canh tác của người dân thôn Tư Sản cho người dân thôn Lưu Thượng. Vì vậy, người dân thôn Tư Sản có phần đất đã chia cho người dân Lưu Thượng đã kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền, lý do là đất này thuộc nguồn gốc ông cha để lại nên không có quyền chia lại. 
Sau nhiều đơn thư và qua các cấp có thẩm quyền giải quyết, UBND các cấp đã áp dụng mọi biện pháp thuyết phục, giải thích nhưng người dân thôn Tư Sản vẫn chiếm ruộng để cấy và thôn Lưu Thượng biểu tình bằng cách bỏ hoang tất cả các ruộng canh tác. 
Từ những hành vi này của người dân, UBND thành phố đã họp bàn và đưa ra các phương án giải quyết thỏa đáng như giảng đạo Phật, phân tích các hành vi của người dân là không đúng với quy định của pháp luật... nhưng không có hiệu quả nên đã ra quyết định cưỡng chế thu hồi ruộng. 
Trước khi thực hiện cưỡng chế, UBND thành phố giao Sở Tư pháp tổ chức TGPL lưu động tại xã Phú Túc (địa điểm tổ chức tại thôn Tư Sản, trực tiếp tại sân đình và qua hệ thống loa truyền thanh của xã). Từ việc áp dụng các phương pháp, biện pháp phù hợp đã làm cho người dân thôn Tư Sản hiểu được quy định của pháp luật về đất đai, về việc chiếm ruộng đất là sai, là vi phạm quy định của pháp luật. Từ đó, họ đã viết đơn tự nguyện trả lại đất cho hợp tác xã thu hoạch lúa và trả lại diện tích đất cho người dân Lưu Thượng.
Qua đây có thể nói, công tác TGPL cho người dân bằng nhiều hình thức khác nhau, trong đó có hoạt động tư vấn pháp luật trực tiếp, có ý nghĩa sâu sắc và ảnh hưởng rất lớn đến nhận thức và định hướng ứng xử phù hợp với pháp luật của người dân. 
Đóng vai trò trung gian trong mối quan hệ giữa chính quyền và nhân dân, đội ngũ những người thực hiện công tác TGPL đã giúp cho người dân nhận thức được hành vi của mình và hiểu rõ các quy định của pháp luật để có cách ứng xử phù hợp. Phát huy kết quả này, trong 2 năm gần đây Hà Nội đã tổ chức 290 đợt TGPL lưu động với hơn 29.000 lượt người tham dự, tư vấn trực tiếp về các lĩnh vực pháp luật cho 6.475 người. 
Đáp ứng được 100% yêu cầu của đối tượng thuộc diện TGPL 
Bên cạnh đó, vừa qua Hà Nội vẫn duy trì thực hiện tốt các vụ việc TGPL trên địa bàn như tiếp, tư vấn pháp luật tại trụ sở 538 lượt đối tượng với 551 vụ việc một cách kịp thời, đầy đủ, đúng trình tự quy định về TGPL; các tổ chức TGPL thành phố đã tham gia và hướng dẫn sinh hoạt cho 180 lượt câu lạc bộ TGPL về những chuyên đề pháp luật và những vấn đề vướng mắc tại địa phương; tham gia tố tụng 620 vụ cho 628 đối tượng, đại diện ngoài tố tụng 7 vụ việc về dân sự. 
Về cơ bản, Hà Nội đã đáp ứng được 100% yêu cầu của người được TGPL và yêu cầu phối hợp của các cơ quan phối hợp liên ngành trên địa bàn thành phố nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đối tượng. 
Cũng trong 2 năm này, các tổ chức TGPL thành phố đã thụ lý và hoàn thiện 1.079 hồ sơ, trong đó có 538 hồ sơ tư vấn pháp luật, 290 hồ sơ TGPL lưu động, 251 hồ sơ tham gia tố tụng và đại diện ngoài tố tụng đã hoàn thành. 100% hồ sơ tư vấn, 100% hồ sơ TGPL lưu động được đánh giá chất lượng vụ việc TGPL, 168/251 hồ sơ tham gia tố tụng và đại diện ngoài tố tụng được thẩm định. 
Qua đánh giá, chất lượng tham gia thực hiện vụ việc TGPL của trợ giúp viên pháp lý và luật sư cộng tác viên rất đáng biểu dương. Cụ thể, đối với trợ giúp viên pháp lý, tư vấn pháp luật trực tiếp đạt 100% yêu cầu và đạt 80% yêu cầu khi tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng; với luật sư cộng tác viên TGPL, tương ứng là 100% và 75%.

Đọc thêm