Cần đẩy mạnh hơn nữa xã hội hóa công tác trợ giúp pháp lý

(PLO) - Hôm qua (17/1), dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Hà Hùng Cường và Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Quyết định 678/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển trợ giúp pháp lý (TGPL) ở Việt Nam theo hình thức trực tuyến tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. 
Cần đẩy mạnh hơn nữa xã hội hóa công tác trợ giúp pháp lý
Đại diện lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ương và địa phương đã tham dự hội nghị, đặc biệt Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã có bài phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Có lộ trình chuyển đổi trợ giúp viên pháp lý thành luật sư
Báo cáo sơ kết 2 năm, Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền đã điểm lại một số kết quả đạt được theo các mục tiêu, chỉ tiêu và giải pháp của Chiến lược qua 2 năm đầu triển khai (từ tháng 6/2011 đến tháng 6/2013). Cụ thể, đến nay 43% xã, phường, thị trấn trong toàn quốc và 87% cơ quan tiến hành tố tụng, trại tạm giam, nhà tạm giữ đã lắp đặt bảng thông tin, hộp tin về TGPL tại UBND và nơi tiếp dân; 62/63 trung tâm có giám đốc, trung bình 19 biên chế/trung tâm, thành lập được 199 chi nhánh đặt tại huyện hoặc liên huyện; có 4.345 câu lạc bộ TGPL thành lập tại 39% xã, phường, thị trấn; các tổ chức xã hội, tổ chức nghề nghiệp và cá nhân đăng ký tham gia TGPL tăng 22%; đã thực hiện gần 232 nghìn vụ việc, khoảng 8.500 đợt TGPL lưu động… 
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Chiến lược cũng còn một số hạn chế, bất cập như việc nâng cao nhận thức về TGPL còn hạn chế, phát triển mạng lưới tổ chức TGPL nhà nước chưa phù hợp, công tác xã hội hóa hoạt động TGPL chưa được đẩy mạnh, chất lượng vụ việc tham gia tố tụng chưa cao, đánh giá chất lượng vụ việc chưa hiệu quả, công tác phối hợp trong hoạt động TGPL một số nơi chưa nhịp nhàng, kinh phí cấp cho hoạt động TGPL còn thấp…
Bàn về các giải pháp tháo gỡ, Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Lê Hùng Dũng đề xuất tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của cán bộ các cơ quan, tổ chức và người dân về TGPL, nhất là thông qua việc thực hiện các vụ việc thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội; đồng thời nghiên cứu quy định thu một phần phí đối với một số đối tượng TGPL được mở rộng. 
Ông Dũng còn mong muốn có quy định trợ giúp viên pháp lý (TGVPL) được hưởng phụ cấp công vụ do đặc thù trung tâm TGPL là đơn vị sự nghiệp không có thu do Nhà nước bảo đảm toàn bộ kinh phí, đảm nhận nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Tại điểm cầu TP.HCM, Giám đốc Sở Tư pháp Ung Thị Xuân Hương lại tha thiết kiến nghị có lộ trình chuyển đổi chức danh TGVPL thành chức danh luật sư hưởng lương của Nhà nước. Bên cạnh đó, Liên đoàn Luật sư sớm có hướng dẫn cụ thể về nghĩa vụ thực hiện TGPL của luật sư để có thể huy động lực lượng đông đảo luật sư cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người dân, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu chỉ đạo hội nghị
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu
chỉ đạo hội nghị
Không thành lập mới câu lạc bộ TGPL
Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Nguyễn Trọng Đàm thì đề nghị Chính phủ quan tâm đầu tư kinh phí, bố trí thêm biên chế cho công tác TGPL, đặc biệt ưu tiên cho vùng nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. 
Ông Đàm cũng cho rằng, cần phối hợp chặt chẽ rà soát đánh giá lại các chính sách, cơ chế, kết quả thực hiện quy hoạch mạng lưới các trung tâm TGPL để điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi cho phù hợp; lồng ghép giữa hoạt động của Trung tâm TGPL, các chi nhánh TGPL với các trung tâm cung cấp dịch vụ xã hội trong việc tư vấn, TGPL cho các đối tượng…
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đánh giá, việc triển khai các mục tiêu đề ra của Chiến lược trong giai đoạn 2011 – 2015 về cơ bản đã được hầu hết các Bộ, ngành và địa phương thực hiện, đạt được một số kết quả cụ thể. 
Tuy nhiên, Bộ trưởng nhìn nhận, trong bối cảnh không còn nguồn vốn ODA, dịch vụ pháp lý, tư pháp đã bước vào thời kỳ phát triển mới, công tác TGPL đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, cùng với những hạn chế, bất cập về thể chế, chính sách và quá trình tổ chức thực hiện đã ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ pháp lý cho người dân.
Vì vậy, đồng tình với nhiều giải pháp trên, Bộ trưởng cho rằng trước mắt cần nghiên cứu đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho sửa đổi, bổ sung một số mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp của Chiến lược, Đề án Quy hoạch mạng lưới trung tâm và chi nhánh; đồng thời cần đẩy mạnh hơn nữa xã hội hóa TGPL với cơ chế, chính sách thiết thực, phù hợp, trong đó phát huy tối đa vai trò, đóng góp của đội ngũ luật sư… 
Đối với các địa phương, Bộ trưởng đề nghị các Sở Tư pháp phối hợp với các sở, ngành tham mưu cho UBND cấp tỉnh điều chỉnh những chỉ tiêu Chiến lược đã tỏ ra bất cập và Đề án Quy hoạch mạng lưới. Theo đó, “không thành lập mới chi nhánh mà tập trung củng cố, kiện toàn tổ chức, hoạt động của các chi nhánh đã thành lập; không thành lập mới CLB mà rà soát lại các CLB đã thành lập, nếu hoạt động không hiệu quả, hình thức, chồng chéo với công tác PBGDPL, hòa giải cơ sở thì có thể chấm dứt hoạt động” – Bộ trưởng nhấn mạnh. 
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu: 
“Đừng để người dân đói nghèo về pháp luật”
“Thay mặt các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi biểu dương và ghi nhận những cố gắng, nỗ lực của toàn thể các đồng chí về những thành tích đã đạt được. Tuy nhiên, công tác TGPL vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế, nhiều chỉ tiêu trong Chiến lược chưa đạt cần có sự điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Sau hội nghị này, tôi đề nghị các đồng chí quan tâm, tập trung thực hiện tốt một số việc sau đây:
Một là, nghiên cứu, xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới công tác TGPL theo hướng Nhà nước đóng vai trò quản lý, điều phối nguồn nhân lực và tài chính bảo đảm hoạt động TGPL có hiệu quả, đồng thời hoàn thiện chính sách TGPL trong các chương trình giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, đừng để người dân đói nghèo về pháp luật.
Hai là, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung mục tiêu, chỉ tiêu chưa phù hợp trong Chiến lược và Đề án Quy hoạch mạng lưới trung tâm TGPL và chi nhánh.
Ba là, Bộ Tư pháp tiếp tục phối hợp với TANDTC, VKSNDTC, Bộ Công an và các cơ quan liên quan chỉ đạo ngành thực hiện nghiêm túc các biện pháp bảo đảm sự tham gia sớm và hiệu quả của người thực hiện TGPL trong các quá trình tố tụng…”.

Đọc thêm