Lặng thầm công việc của Trợ giúp viên pháp lý

(PLO) - Công việc trợ giúp viên Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) đối với người nghèo, người dân tộc thiểu số, người có công cách mạng… luôn lặng lẽ và mang một ý nghĩa vô cùng lớn lao. Phần thưởng của họ là khi trợ giúp có kết quả tốt nhất cho các đối tượng để cảm thấy yêu nghề hơn, gắn bó với nghề hơn...  
Vai trò của trợ giúp viên hết sức quan trọng trong việc trợ giúp cho các đối tượng người dân tộc thiểu số, người có công
Vai trò của trợ giúp viên hết sức quan trọng trong việc trợ giúp cho các đối tượng người dân tộc thiểu số, người có công

“Trèo đèo, vượt rừng như cơm bữa”

Nhắc đến công việc của trợ giúp viên Trung tâm TGPL ông Nguyễn Ngọc Thanh, Giám đốc Trung tâm TGPL Sở Tư pháp Nghệ An chia sẻ, việc lặng thầm  của anh chị em thôi mà. Nhưng thực tế, những con người lặng thầm đó đang giúp những đối tượng được TGPL miễn phí tìm được công bằng, tìm được quyền lợi mà nếu thiếu họ không biết sẽ tìm đến bao giờ.

Nhớ đến những vụ việc trợ giúp thành công, và đáng nhớ nhất trợ giúp viên Nguyễn Văn Hùng nói, “vụ nào cũng là thành công của người trợ giúp, vụ việc nào cũng có những điều đáng nhớ cả”. Anh kể lại, với tư cách là luật sư bào chữa cho bị cáo Ven Văn Xi (SN 2000, trú tại xã Bắc Lý, Kỳ Sơn, Nghệ An) trong vụ án Tàng trữ trái phép chất ma túy.

Nhận được đơn xin trợ giúp của Xen Văn Xi, hình ảnh một học sinh buôn bán ma túy ám ảnh anh, qua tiếp xúc nhận thấy có điểm bất thường trong vụ án. Hơn 3 lần lặn lội hơn hơn 300km đường từ Vinh lên Bắc Lý – nơi địa đầu miền Tây Nghệ An để tiếp xúc với gia đình bị can trong khi mưa rừng xối xả, đường giao thông hết sức khó khăn. 

Hai lần về trường tiếp xúc một số thầy cô giáo, nhưng phần vì sợ ảnh hưởng đến nhà trường nên cũng gặp rất nhiều khó khăn. Bị cáo khẳng định mình không bị nghiện ma túy, lại không phải là thanh niên ăn chơi sa đọa.

Qua xác minh làm rõ được, Ven Văn Xi là một học sinh lớp 10 ở trọ tại thị trấn để theo học, một số thanh niên nghiện ngập đến dụ dỗ, gạ gẫm và có cả đe dọa Xi dẫn đi mua ma túy. Trong một lần Ven Văn Xi cùng 2 đối tượng đi mua ma túy bị công an bắt giữ, vụ án được đưa ra xét xử lưu động tại xã Bắc Lý. Tại tòa, trợ giúp viên đề nghị tòa tuyên án phạt tù đúng thời gian tạm giam với các yếu tố: bị cáo đang là một học sinh cấp 3, trẻ chưa tuổi vị thành niên nên được giảm nhẹ theo quy định.

Bản chất là một học sinh hiền lành, có thành tích học cao, cùng với thái độ thành khẩn trong quá trình khai báo. Sau khi xem xét các tình tiết, HĐXX đã tuyên phạt Ven Văn Xi 3 tháng 28 ngày, đúng thời điểm tạm giam, bị cáo được thả tự do tại tòa. Hiện Ven Văn Xi đang theo học tại trường giáo dục thường xuyên huyện Kỳ Sơn. 

Một trường hợp khác Vi Văn Na (SN 1999, trú tại xã Chiêu Lưu, Kỳ Sơn) bị bắt về tội tàng trữ trái phép chất ma túy. Với tư cách là luật sư bào chữa, trợ giúp viên đề nghị CQĐT gặp riêng bị can để động viên bị can vì yếu tố tâm lý của độ tuổi, hướng dẫn bị can khai đúng theo hành vi của mình như quá trình phạm tội.

Bị cáo được thả tự do tại tòa khi bản án mang tính nhân văn được phán xét trong đó có công lớn của trợ giúp viên
Bị cáo được thả tự do tại tòa khi bản án mang tính nhân văn được phán xét trong đó có công lớn của trợ giúp viên

“Quá trình tiếp xúc bị can khẳng định không nghiện ma túy, nguyên nhân việc tàng trữ ma túy là vì bị đau bụng mà không đi viện được, đi khám tại trạm xá thì được chuẩn đoán là đau đại tràng nhưng không có điều kiện chữa trị. Được người hàng xóm bày cho cách lấy thuốc phiện đốt lên để uống sẽ giảm đau, mục đích việc bị can tàng trữ thuốc phiện đó chỉ để sử dụng như một bài thuốc để chữa đau bụng. Đây là tình tiết đắt giá trong quá trình xét xử…”, trợ giúp viên Hùng kể lại.

Tại tòa, trợ giúp viên cũng đề nghị xử treo đối với bị cáo, viện kiểm sát không đồng ý với ý kiến của luật sư bào chữa. Hơn 30 phút nghị án, xem xét các yếu tố, tình tiết giảm nhẹ HĐXX đã tuyên phạt Vi Văn Na được hưởng án treo. 

Đòi lại quyền lợi người có công

Ngoài việc là luật sư bào chữa thì việc xác minh vụ việc cũng là việc thường xuyên nhận được đơn đề nghị. Trường hợp Lương Cương Quyết (SN 1954, trú tại bản Cắng, Mường Nọc, Quế Phong) là bệnh binh 2/3 bị cắt chế độ trợ cấp ưu đãi chính sách do bị kết án tù 12 năm về tội mua bán ma túy. Năm 2004, ông chấp hành án phạt tù xong thì trở về địa phương, sau nhiều lần đề nghị phục hồi chế độ cho mình không được, năm 2015 ông đã làm đơn gửi Trung tâm TGPL Nghệ An đề nghị giúp đỡ. 

Theo trợ giúp viên Nguyễn Thị Quỳnh Trang do chế độ của ông Quyết bị cắt từ năm 1996 đã hơn 20 năm, quá trình lưu trữ cũng để nhiều nơi nên rất khó khăn về thời gian. Phòng LĐTB&XH huyện Quế Phong từ chối giải quyết chế độ vì ông Quyết đi tù trên 10 năm nên không được hưởng lại theo quy định tại Pháp lệnh Ưu đãi người có công và Nghị định 28-CP ngày 29/4/1995.

Tuy nhiên, theo hồ sơ thì từ tháng 8/2004, ông Quyết chấp hành án xong thì ngày 1/10/2015 Pháp lệnh ưu đãi người có công và khoản 3 Điều 10, Thông tư 16/2015 BLĐTBXH hướng dẫn điều 67 Nghị định 31/2013 về việc xử lý đối với người đang hưởng chế độ ưu đãi người có công mà phạm tội như sau: Trường hợp đang hưởng chế độ ưu đãi mà bị kết án tù treo trên 5 năm mà không thuộc diện bị  đình chỉ ưu đãi, đã chấp hành xong hình phạt tù trước ngày 1/1/2013 thì được phục hồi chế độ ưu đãi. Thời gian hưởng lại chế độ từ ngày Giám đốc Sở LĐTB&XH ra quyết định.

Ông Quyết được giải quyết chế độ lại sau đó trước niềm vui sướng và hạnh phúc. Rất nhiều, rất nhiều các trường hợp khác được trợ giúp thành công có công sức không nhỏ của các trợ giúp viên… 

“Mình cảm thấy mình cũng góp được một phần công sức trong việc giúp ích cho xã hội đặc biệt là người dân tộc thiểu số. “Phần thưởng” mà người dân trao lại cho những trợ giúp viên nhận được đôi lúc là một lời cám ơn, một lời tri ân, hay có khi là con gà rừng, chai mật ong rừng… Thế nhưng cũng cảm thấy vui và hạnh phúc lắm của những người làm trợ giúp viên. Việc trợ giúp miễn phí cho dân mà không công tâm, không yêu nghề thì rất khó có thể làm được… ”, anh Hùng chia sẻ.

Bên cạnh những thành công đó, một điều trăn trở đối với các trợ giúp viên là thù lao trong các lần đi trợ giúp đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xã còn hạn chế, đôi lúc phải bỏ tiền túi ra để đi làm. 

Trong 6 tháng đầu năm Trung tâm TGPL Nghệ An đã giải quyết xong 236 vụ việc, trong đó trợ giúp viên pháp lý thực hiện 183 vụ việc gồm tư vấn pháp luật 29 vụ việc; tham gia tố tụng 145 vụ việc; 9 vụ việc các hình thức khác.Trong số đó có 161 vụ việc hình sự; 13 vụ việc dân sự: 17 vụ việc hành chính: 17 vụ việc; 12 vụ việc thuộc các lĩnh vực khác….

Trung tâm cũng đã tiến hành trợ giúp lưu động 4 đợt về tận xã nghèo, thôn bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh tuyên truyền pháp luật cho 258 lượt người và trợ giúp pháp lý cá biệt cho 25 trường hợp. 

Đọc thêm