Lào Cai: Nâng cao năng lực đội ngũ trợ giúp viên pháp lý

(PLVN) -Với mục tiêu lấy người được trợ giúp pháp lý (TGPL) làm trung tâm và nâng cao chất lượng dịch vụ TGPL, thời gian vừa qua, Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Lào Cai đã chú trọng nâng cao năng lực người TGPL, đáp ứng kịp thời nhu cầu TGPL của người dân.
Lào Cai: Nâng cao năng lực đội ngũ trợ giúp viên pháp lý

Nhiều cách làm mới trong TGPL

Để triển khai các hoạt động TGPL, Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Lào Cai luôn bám sát các mục tiêu, chương trình, kế hoạch của tỉnh, của ngành và những yêu cầu thực tiễn để chủ động kịp thời ban hành theo thẩm quyền hoặc tham mưu giúp Sở Tư pháp ban hành hoặc trình UBND tỉnh ban hành các kế hoạch hoạt động, văn bản chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thi hành Luật TGPL và các văn bản hướng dẫn thi hành có hiệu quả.

Trong năm 2020, trung tâm TGPL tỉnh và các chi nhánh đã tiếp nhận và thực hiện xong 847/976 vụ việc (đạt 86,8%), trong đó tư vấn pháp luật tại trụ sở: 423/423 vụ đạt 100%; tham gia tố tụng 423/552 vụ, còn 129 vụ tham gia tố tụng đang thực hiện ở giai đoạn thụ lý, điều tra vụ án.

Trung tâm tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn thực hiện kịp thời, đáp ứng nhu cầu TGPL của người dân khi có yêu cầu. Thực hiện tư vấn pháp luật cho người dân nói chung và người được TGPL nói riêng. 

Trung tâm đã chủ động phân công trợ giúp viên pháp lý theo dõi địa bàn, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tố tụng trong từng giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử để rà soát, xác định đối tượng được trợ giúp pháp lý; đồng thời quyết định cử người thực hiện TGPL phù hợp, tạo điều kiện cho các trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện trợ gúp pháp lý tham gia trong quá trình tố tụng. 

Nhằm góp phần đưa pháp luật đến với người dân ở vùng sâu, vùng xa, các xã nghèo biên giới, nơi có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn. Trung tâm đã tổ chức hoạt động truyền thông hướng về cơ sở với 196 đợt truyền thông về địa bàn 196 thôn, bản, xã đặc biệt khó khăn trong toàn tỉnh với hơn 7.448 lượt người tham dự. Qua đó đã tuyên truyền và phổ biến tới người dân các quy định của Luật TGPL và văn bản pháp luật khác có liên quan đến các lĩnh vực đời sống của nhân dân. 

Tạo điều kiện cho người dân tiếp cận TGPL

Ngoài các hoạt động TGPL và truyền thông TGPL, trung tâm TGPL tỉnh đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cho trợ giúp viên pháp lý. Trong năm 2020, trung tâm đã xây dựng kế hoạch và tổ chức 02 lớp tập huấn tăng cường năng lực cho người thực hiện TGPL và phối hợp thực hiện TGPL trong hoạt động tố tụng. Thường xuyên cử cán bộ tham gia các hội nghị tập huấn chuyên sâu với các chuyên đề liên quan đến lĩnh vực Hình sự, Dân sự, Hành Chính, Đất đai do Cục TGPL (Bộ Tư pháp) tổ chức. 

Các lớp đào tạo nghiệp vụ hay hội nghị là cơ hội trao đổi những vướng mắc phát sinh và kinh nghiệm trong quá trình thực hiện TGPL nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ thực hiện trợ giúp pháp lý, tăng cường hơn nữa công tác phối hợp trợ giúp pháp lý giữa Trung tâm và các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn tỉnh. 

Tuy nhiên, hoạt động TGPL tại tỉnh Lào Cai vẫn gặp phải những thách thức: tỉnh vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới thường gặp nhiều khó khăn trong việc đi lại. Đồng thời, có nhiều địa phương người dân tộc thiểu số không biết tiếng phổ thông cho nên tạo ra khoảng cách khi tiếp cận, trình bày nội dung vụ việc với những người cần TGPL.  

Bên cạnh đó, các tổ chức thực hiện TGPL chưa được trang bị đồng bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị phù hợp, chưa bố trí đủ kinh phí cho việc bồi dưỡng nâng cao các kỹ năng chuyên sâu về tư vấn, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng cho người thực hiện TGPL khi tiến hành thực hiện TGPL cho nhóm đối tượng đặc thù, nhất là tỉnh biên giới có nguy cơ cao về tình trạng mua, bán người.

Để công tác TGPL phát huy hiệu quả, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thực tiễn cuộc sống, trong thời gian tới Trung tâm TGPL tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông về TGPL; đồng thời, tăng cường bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ trợ giúp viên pháp lý, tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành thành viên của hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng của tỉnh nhằm nâng cao hơn nữa số lượng, chất lượng dịch vụ TGPL của Nhà nước. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền các địa phương cần tăng cường quan tâm, phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi đối với hoạt động TGPL để người dân trên địa bàn được tiếp cận với một chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước, bảo đảm công bằng xã hội. 

Đọc thêm