Ngập tràn không khí sôi nổi và trách nhiệm

(PLO) - Trước thềm Đại hội Đại biểu Đảng bộ Bộ Tư pháp nhiệm kỳ 2015-2020, chúng tôi đã có dịp tham dự Đại hội của một số Đảng bộ, Chi bộ trực thuộc Bộ Tư pháp. Cảm nhận chung là không khí sôi nổi, dân chủ và đầy trách nhiệm, nghiêm túc của các cán bộ, đảng viên. Đồng thời, mỗi Đại hội để lại những nét rất riêng cùng xúc cảm khó quên…
Ban Chấp hành Đảng bộ Tổng cục Thi hành án dân sự
Ban Chấp hành Đảng bộ Tổng cục Thi hành án dân sự
“Niềm vui của những người dọn đến ngôi nhà mới”
Là một Chi bộ cấp cơ sở được Đảng ủy Bộ Tư pháp chọn tổ chức Đại hội điểm để rút kinh nghiệm chỉ đạo chung cho các Đảng bộ, Chi bộ khác, phải nói rằng Đại hội Chi bộ Nhà xuất bản Tư pháp được tiến hành rất sớm. Sự vui tươi, phấn khởi càng được nhân lên khi đơn vị vừa khánh thành trụ sở mới trước đó không lâu tại địa điểm 35 Trần Quốc Toản (Hoàn Kiếm, Hà Nội). 
Đại hội Chi bộ Nhà xuất bản Tư pháp
 Đại hội Chi bộ Nhà xuất bản Tư pháp
Mặc dù trong bối cảnh cơ sở vật chất, điều kiện làm việc của Bộ và của toàn ngành còn nhiều khó khăn, Lãnh đạo Bộ vẫn quyết định đầu tư xây dựng Trụ sở Nhà xuất bản Tư pháp để Nhà xuất bản ngày càng phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, kịp thời đáp ứng nhu cầu làm việc ổn định, nâng cao hiệu quả công việc. 
Trước sự quan tâm trên, tập thể lãnh đạo, cán bộ, đảng viên Nhà xuất bản cam kết trong thời gian tới sẽ tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được, đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, hoàn thành các nhiệm vụ được giao và giữ vững mối quan hệ chặt chẽ, tốt đẹp với cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương. Trong nhiệm kỳ 2015 -2020, Chi bộ Nhà xuất bản Tư pháp phấn đấu là Chi bộ Đảng tiêu biểu, là một trong những lá cờ đầu trong khối các Chi bộ trực thuộc Bộ Tư pháp.
Cũng chuyển đến “ngôi nhà mới” nhưng khác ở chỗ là gia nhập “mái nhà chung” của Bộ Tư pháp là Cục Kiểm soát thủ tục hành chính. Được thành lập và đi vào hoạt động khi kết thúc Đề án 30, sau gần 2 năm thuộc Văn phòng Chính phủ, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính chuyển nguyên trạng chức năng, nhiệm vụ và tổ chức biên chế sang Bộ Tư pháp. 
Chi bộ Cục được thành lập ngày 11/1/2011, đến ngày 19/11/2012 được nâng cấp thành Chi bộ cơ sở và cuối năm 2014 được nâng cấp thành Đảng bộ cơ sở với 6 Chi bộ trực thuộc. Như vậy, trong vòng hơn 2 năm, Chi bộ Cục đã 2 lần được nâng cấp, thể hiện sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng, Đảng ủy, Lãnh đạo Bộ Tư pháp đối với Đảng bộ Cục.
Ngay sau thời điểm chuyển sang Bộ Tư pháp, mặc dù có sự biến động về tổ chức, tác động đến tâm tư, tình cảm của đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức Cục nhưng được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp, sự phối hợp, giúp đỡ của cấp ủy các đơn vị thuộc Bộ, với trách nhiệm của mình, Cục đã làm tốt công tác tư tưởng cho đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, cùng nhau nỗ lực, phấn đấu vượt qua những khó khăn, thách thức để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Liên tục 3 năm liền, từ năm 2012 - 2014, công tác kiểm soát thủ tục hành chính đều được lựa chọn là một trong 10 sự kiện tiêu biểu của ngành Tư pháp. 
Quy củ và ấn tượng
Nói đến sự lớn mạnh của Đảng bộ Bộ Tư pháp không thể không nhắc đến Đảng bộ Văn phòng. Công tác văn phòng thường được ví như “làm dâu trăm họ”, công việc vất vả nhưng đáng mừng là hoạt động của Đảng bộ Văn phòng trong thời gian từ năm 2011 - 2015 đã có nhiều khởi sắc và chuyển biến mạnh mẽ, đạt được nhiều kết quả quan trọng với 2 chỉ tiêu vượt, 6 chỉ tiêu đạt kế hoạch đề ra. 
Đại hội Đảng bộ Văn phòng Bộ Tư pháp
Đại hội Đảng bộ Văn phòng Bộ Tư pháp 
Đảng bộ Văn phòng cũng đã được kiện toàn một bước, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng trong Đảng bộ. Việc triển khai các nghị quyết, kế hoạch của Đảng ủy cấp trên được Đảng bộ Văn phòng quan tâm triển khai đầy đủ, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, bảo đảm sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của Văn phòng; không ngừng nâng cao kỷ luật, kỷ cương công vụ, phòng chống, đấu tranh các hành vi vi phạm đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tạo tiền đề cho sự phát triển của Đảng bộ trong những năm tiếp theo…
Cũng chú trọng đến kiện toàn tổ chức bộ máy là tổ chức đảng của Báo Pháp luật Việt Nam, năm 2013 Chi bộ cơ sở Báo Pháp luật Việt Nam được nâng cấp thành Đảng bộ cơ sở trực thuộc Đảng bộ Bộ Tư pháp gồm 3 chi bộ trực thuộc (Chi bộ khối nội dung, Chi bộ khối hành chính và Chi bộ các cơ quan đại diện) với 38 đảng viên. 
Thuận lợi là từ khi thành lập, được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Tư pháp, sự phối kết hợp giữa Đảng bộ, Ban Biên tập, các tổ chức chính trị, xã hội và ý thức tự giác chấp hành của các đảng viên trong Đảng bộ nên các mặt công tác của Đảng bộ đều đạt được những thành tích đáng khích lệ. 
Ban Chấp hành Đảng bộ Báo Pháp luật Việt Nam
Ban Chấp hành Đảng bộ Báo Pháp luật Việt Nam 
Đặc biệt, Đảng bộ Báo đã làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nhận xét, đánh giá, bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển cán bộ nên đến nay đã cơ bản kiện toàn đội ngũ lãnh đạo cấp phòng ban và các tổ chức chính trị xã hội.
Đáng chú ý nữa là nhiệm kỳ vừa qua, Đảng bộ Báo đã cử 35 quần chúng ưu tú tham gia lớp học nhận thức về Đảng, kết nạp mới được 27 đảng viên. Bởi vậy, trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, bên cạnh xác định tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, trau dồi bản lĩnh chính trị, nghề nghiệp, phẩm chất đạo đức và lý tưởng cách mạng cho cán bộ đảng viên; tăng cường kiểm tra giám sát nhằm nâng cao năng lực, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, xây dựng Chi bộ, Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; quan tâm chỉ đạo việc kiện toàn tổ chức và hoạt động của các đoàn thể thì Đảng bộ Báo sẽ tiếp tục chú trọng công tác phát triển Đảng về chất lượng, số lượng. 
“Áp đảo” về số lượng đảng viên tham dự là Đại hội của Đảng bộ Tổng cục Thi hành án dân sự với tổng số hiện nay là 96 đảng viên, trong khi đầu nhiệm kỳ mới chỉ có 53 đảng viên. Tổ chức bộ máy của Đảng bộ Tổng cục cũng có tới 5 ban chuyên trách làm công tác xây dựng Đảng. 
Nhờ được kiện toàn một bước căn bản như vậy, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng trong Đảng bộ Tổng cục được tăng cường. Nhiều nhiệm vụ đạt và vượt chỉ tiêu đề ra, góp phần quan trọng vào việc nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng bộ, vị thế của Tổng cục và thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Tổng cục, của ngành Thi hành án dân sự. 
Tất cả những nét riêng đều hướng tới sự thành công của Đại hội Đảng bộ Bộ Tư pháp nhiệm kỳ 2015 – 2020. Tất cả đảng viên đều kỳ vọng Đại hội sẽ sáng suốt lựa chọn bầu cử những đảng viên ưu tú nhất vào Ban Chấp hành khóa mới để vị thế, vai trò lãnh đạo của Đảng ngày càng được nâng lên.
* Ông Trần Tiến Dũng, Bí thư Đảng ủy, Chánh Văn phòng Bộ:
Phấn đấu 100% đảng viên học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Hoạt động của Đảng bộ Văn phòng trong thời gian từ năm 2011 - 2015 đã có nhiều khởi sắc và chuyển biến mạnh mẽ, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nổi bật phải kể đến là những kết quả đạt được trong lãnh đạo triển khai thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. 
Những năm qua, với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ Văn phòng, mỗi đảng viên, công chức, người lao động nhận thức sâu sắc những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ Bộ Tư pháp nhiệm kỳ 2010 - 2015.
Cụ thể, Đảng ủy Văn phòng Bộ đã chỉ đạo các chi bộ, đảng viên học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh từ những việc làm nhỏ nhất, thiết thực hàng ngày như hưởng ứng và phát động phong trào thực hành tiết kiệm, chống lãng phí qua việc tiết kiệm điện, nước, văn phòng phẩm đến việc tham mưu cho Lãnh đạo Bộ lồng ghép các hội nghị, hội thảo, các chuyến công tác; tích cực tham gia phong trào thi đua nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc, đề cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu quả, chất lượng các cuộc họp, giảm thiểu các cuộc họp không cần thiết. 
Thái độ, phong cách, phương pháp làm việc của cán bộ, đảng viên, công chức, người lao động Văn phòng Bộ phải ngày càng chuyên nghiệp, thân thiện. Bên cạnh đó, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, người lao động của Văn phòng Bộ luôn kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, tự tu dưỡng bản thân, tích cực đấu tranh chống các “bệnh” như quan liêu, tham lam, kiêu ngạo, hiếu danh, tị nạnh, xu nịnh, a dua, kéo bè cánh... 
Trong nhiệm kỳ 2015 – 2020, cùng với phương hướng, mục tiêu chung, Đảng bộ Văn phòng Bộ đề ra mục tiêu là có 100% đảng viên đăng ký và thực hiện có hiệu quả việc tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
* Ông Nguyễn Văn Sơn, Bí thư Đảng bộ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự:
Kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết TW 4 là một dịp tốt để cấp ủy, tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên tự nhìn nhận, soi xét lại mình
Việc thực hiện Nghị quyết TW 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng nói chung, việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình của Ban Chấp hành Đảng bộ Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS) và các chi bộ trực thuộc đã được quan tâm chỉ đạo chặt chẽ, tiến hành nghiêm túc và đem lại một số kết quả, kinh nghiệm bước đầu. Nhận thức về công tác xây dựng Đảng trong cán bộ, đảng viên được nâng lên rõ rệt. Các cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên thấy rõ hơn những hạn chế, khuyết điểm của mình để từ đó có biện pháp sửa chữa, khắc phục. 
Đặc biệt, với THADS - lĩnh vực nhạy cảm, liên quan trực tiếp đến quyền lợi của tổ chức, công dân, nếu không làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đảng viên dễ xảy ra sai sót, nhũng nhiễu, thậm chí là sa ngã, tiêu cực. Đợt kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết TW 4 là một dịp tốt để cấp ủy, tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên tự nhìn nhận, soi xét lại mình. Qua đó nếu có tồn tại khuyết điểm phải có giải pháp cụ thể để tự sửa chữa khắc phục.Thực hiện Nghị quyết TW 4 các cấp ủy cũng có thêm kinh nghiệm trong chỉ đạo thực hiện nghị quyết về công tác xây dựng Đảng.
Để tiếp tục thực hiện tốt hơn Nghị quyết TW 4 tại Đảng bộ và các cơ quan THADS địa phương trong thời gian tới, Đảng bộ Tổng cục THADS xác định sẽ tập trung lãnh đạo trên một số nội dung cơ bản như: thực hiện tốt công tác chính trị tư tưởng; công tác cán bộ; đổi mới sinh hoạt Đảng, đối mới phương thức lãnh đạo… 
Đảng ủy Tổng cục THADS đề nghị Đảng ủy Bộ Tư pháp và cấp ủy cấp trên tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ, toàn diện, kiên trì 3 vấn đề cấp bách về công tác xây dựng Đảng đã nêu tại Nghị quyết TW 4 khóa XI; tiếp tục nghiên cứu, bổ sung Quy định số 101-QĐ/TW của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, về biện pháp xử lý đối với trường hợp cán bộ, đảng viên vi phạm. 
Lựa chọn một số ngành, lĩnh vực, địa phương để tập trung cao chỉ đạo thực hiện, từ đó rút ra các bài học kinh nghiệm, nhân rộng ra toàn quốc. Riêng trong lĩnh vực THADS sẽ tập trung vào các lĩnh vực nhạy cảm như quản lý tài chính, cơ sở vật chất, tiếp công dân, giải quyết dứt điểm những vụ việc bức xúc kéo dài, công tác cán bộ… 
Thông qua đó, cùng với các giải pháp đồng bộ khác để tiếp tục tạo sự chuyển biến trong toàn hệ thống, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác THADS trong tình hình mới, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao.
* Bà Phan Thị Hồng Hà, Bí thư Chi bộ, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ: 
Nâng cao hơn nữa vai trò của Chi bộ Đảng trong tham gia lãnh đạo công tác xây dựng ngành
Trong nhiệm kỳ qua, trên cơ sở kế thừa những kết quả đã đạt được của nhiệm kỳ trước, cùng với việc phát huy trí tuệ tập thể của các đảng viên, Chi bộ Vụ Tổ chức cán bộ đã triển khai toàn diện việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và công tác xây dựng Đảng. Điểm nổi bật trong công tác của Chi bộ là đề cao tính chủ động, sáng tạo, tinh thần trách nhiệm của từng đảng viên cũng như các công chức của Vụ, gắn kết hoạt động của Chi bộ với hoạt động của đơn vị. 
Nội dung, phương pháp sinh hoạt của Chi bộ được đổi mới… Nhờ vậy đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của đơn vị. Từ năm 2011 - 2014, Chi bộ đều được công nhận là Chi bộ trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu. Năm 2014, Vụ Tổ chức cán bộ cũng được nhận Cờ thi đua của Chính phủ về những thành tích xuất sắc đã đạt được trong phong trào thi đua, hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Đặc thù hoạt động của Chi bộ Vụ Tổ chức cán bộ là có sự gắn kết giữa nhiệm vụ của Chi bộ với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của đơn vị bởi quản lý công tác tổ chức, cán bộ cũng chính là một trong các phương thức lãnh đạo của Đảng. Bản thân công tác tổ chức, cán bộ là công tác nhạy cảm, phức tạp, dễ nảy sinh tiêu cực do liên quan đến con người. 
Điều này đặt ra yêu cầu rất lớn đối với hoạt động của Chi bộ trong nhiệm kỳ tới. Theo đó, Chi bộ phải nâng cao hơn nữa vai trò trong tham gia lãnh đạo thực hiện công tác xây dựng ngành, đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành trong giai đoạn mới; phải luôn quán triệt và thực hiện nhiệm vụ xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; thực hiện nghiêm túc Nghị quyết TW IV về “Một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay. 
Đặc biệt, Chi bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, chú trọng vận dụng tư tưởng của Bác, các nghị quyết của Đảng về tổ chức, cán bộ trong thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn của đơn vị được giao.
Đại hội Đảng bộ Bộ Tư pháp lần này là sự kiện chính trị vô cùng quan trọng đối với Đảng bộ và các đảng viên. Với vai trò, trách nhiệm của Chi bộ Vụ Tổ chức cán bộ, tôi mong muốn Đại hội sẽ thảo luận và quyết nghị được phương hướng nhiệm vụ trong nhiệm kỳ 2015-2020, trong đó quyết định các nhiệm vụ, giải pháp để tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng bộ đối với công tác cán bộ nhằm tiếp tục xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ của Ngành, tạo sự đoàn kết, nhất trí, sáng tạo, cùng nhau nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ của Bộ, ngành, đóng góp chung cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
* Ông Ngô Hải Phan, Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC: 
Người đứng đầu cấp ủy, Thủ trưởng đơn vị phải “đứng mũi chịu sào”
Trong nhiệm kỳ vừa qua, cả hệ thống cơ quan làm kiểm soát TTHC được chuyển từ Văn phòng Chính 
phủ, Văn phòng các bộ, ngành, địa phương sang hệ thống các cơ quan tư pháp, tổ chức pháp chế các bộ, ngành. 
Mặc dù có sự biến động về tổ chức như vậy nhưng cấp ủy, Lãnh đạo Cục đã chủ động tham mưu giúp Ban Cán sự Đảng, Đảng ủy, Lãnh đạo Bộ thực hiện tốt chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác quản lý nhà nước về cải cách TTHC, kiểm soát TTHC nói chung và nội bộ Bộ, ngành Tư pháp nói riêng. 
Theo đó, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác cải cách TTHC, kiểm soát TTHC mà tính đến hết tháng 7/2015 các bộ, ngành cơ bản hoàn thành phương án đơn giản hóa hơn 4.400 TTHC theo 25 Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ; thể chế về cải cách TTHC, kiểm soát TTHC đã được hoàn thiện; hiện đại hóa hoạt động kiểm soát TTHC… 
Đặc biệt, chúng tôi vẫn giữ được sự “đều tay” trong công việc, tiếp tục chủ động nghiên cứu đề xuất nhiều sáng kiến cải cách TTHC, kiểm soát TTHC, làm cơ sở triển khai thực hiện nhiệm vụ cải cách TTHC, kiểm soát TTHC trong giai đoạn 2013-2020 và những năm tiếp theo. 
Nổi bật là trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 43/NQ-CP về một số nhiệm vụ trọng tâm cải cách TTHC trong hình thành và thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất để cải thiện môi trường kinh doanh; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án tổng thể đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020” (Quyết định số 896/QĐ-TTg), “Đề án liên thông các TTHC đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi” (Quyết định số 1299/QĐ-TTg)…
Đạt được kết quả nêu trên, bên cạnh sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng, Đảng ủy, Lãnh đạo Bộ, sự phối hợp, hỗ trợ chặt chẽ của các đơn vị thuộc Bộ còn có nguyên nhân không nhỏ đó là sự đoàn kết gắn bó giữa cấp ủy với Lãnh đạo Cục. Chúng tôi đã và luôn xác định rõ cấp ủy phải giữ đúng vai trò định hướng, quyết định các vấn đề thuộc phạm vi quyền hạn. Người đứng đầu cấp ủy, Thủ trưởng đơn vị phải là người thực sự “đứng mũi chịu sào”, chịu trách nhiệm cao nhất trước Lãnh đạo Bộ về việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. 
* Ông Nguyễn Hồng Diện, Bí thư Chi bộ, Phó Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp: 
Kiểm tra, giám sát là một biện pháp quan trọng trong xây dựng Chi bộ trong sạch, vững mạnh
Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng là một bộ phận rất quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Trong những năm qua, Chi ủy cũng như đơn vị luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo của Đảng ủy Bộ, của Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy, Chi ủy luôn coi trọng và làm tốt công tác kiểm tra, giám sát và coi đây là một biện pháp quan trọng trong xây dựng Chi bộ trong sạch, vững mạnh. 
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chi ủy, đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra được tăng cường về số lượng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ được nâng lên; có nhiều đổi mới trong phương pháp, nắm vững các quy trình, quy định; vừa triển khai thực hiện toàn diện các nhiệm vụ theo quy định tại Điều 30, Điều 32 Điều lệ Đảng, vừa tham mưu giúp Chi ủy thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra, giám sát. 
Hầu hết các chỉ tiêu về số lượng, chất lượng và nội dung đề ra trong chương trình, kế hoạch công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy đều đạt và vượt. Chất lượng các cuộc kiểm tra từng bước được nâng cao. Hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát ngày càng thể hiện rõ rệt.
Thời gian tới, để thực hiện tốt nhiệm vụ “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng”, bên cạnh các giải pháp đã nêu trong Dự thảo Báo cáo Chính trị cần tiến hành rà soát lại các quy định, quy chế đã ban hành để bổ sung, sửa đổi những vấn đề không còn phù hợp hoặc ban hành mới theo thẩm quyền để  tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện công tác kiểm tra, giám sát; thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu về công tác kiểm tra, giám sát cho Ủy ban Kiểm tra và cán bộ kiểm tra thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Bên cạnh việc thường xuyên tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ công tác kiểm tra, giám sát cho cán bộ kiểm tra, cần thiết phải tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ công tác kiểm tra, giám sát cho cấp ủy, lãnh đạo các tổ chức đảng thuộc Đảng bộ, đáp ứng tốt yêu cầu công tác kiểm tra, giám sát trên từng vị trí công tác. Đồng thời, cần kịp thời biểu dương, khen thưởng tổ chức đảng và đảng viên thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện uốn nắn, chấn chỉnh những nơi thực hiện thiếu nghiêm túc. 
* Ông Phan Hồng Nguyên, Bí thư Đoàn thanh niên Bộ Tư pháp, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật:
Mong tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo về đường lối, phương hướng, nhiệm vụ, tư tưởng và tổ chức, cán bộ
Trong nhiệm kỳ hiện nay, Đoàn thanh niên Bộ Tư pháp luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt, sự lãnh đạo của Ban Cán sự Đảng, Đảng ủy Bộ Tư pháp. Hiện nay tổ chức đoàn và đội ngũ đoàn viên đã phát triển cả về số lượng, nâng cao về chất lượng với hơn 530 đoàn viên (chiếm khoảng 34% tổng số cán bộ, công chức, viên chức trong Bộ) so với 320 đoàn viên ở đầu nhiệm kỳ, sinh hoạt tại 36 Chi đoàn, Cơ sở đoàn trực thuộc (so với 16 Chi đoàn, Cơ sở đoàn trực thuộc ở đầu nhiệm kỳ) .
Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đoàn viên được quan tâm, đổi mới về hình thức, chú trọng hình thức giáo dục về nguồn. Công tác đoàn đã gắn hơn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Bộ, ngành Tư pháp. Phong trào thanh niên tình nguyện vì cộng đồng được tổ chức phù hợp với đặc thù của cơ quan. 
Đoàn thanh niên đã quan tâm kiện toàn, củng cố tổ chức, tham gia có hiệu quả công tác xây dựng Đảng với mỗi năm giới thiệu từ 30-40 đoàn viên để Đảng ủy xem xét, kết nạp… Ghi nhận kết quả công tác đã đạt được, Đoàn thanh niên Bộ Tư pháp được Trung ương Đoàn tặng Bằng khen, nhiều năm được Đảng ủy Bộ khen thưởng, hàng năm được Đoàn Khối các cơ quan Trung ương tặng Bằng khen.
Bước sang nhiệm kỳ tới, Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp kính mong tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo của Ban Cán sự Đảng, Đảng ủy về đường lối, phương hướng, nhiệm vụ, tư tưởng và tổ chức, cán bộ. 
Chúng tôi tin tưởng Đại hội Đảng bộ Bộ Tư pháp nhiệm kỳ 2015-2020 sẽ bầu ra một Ban Chấp hành đoàn kết, trí tuệ để lãnh đạo hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của Bộ, ngành Tư pháp, đáp ứng ngày càng tốt hơn sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Đọc thêm