...Nhật nguyệt sáng bừng trời Pác Bó

(PLO) - Hơn 70 năm trước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đặt những bước chân đầu tiên về lại đất Việt tại địa danh Pác Bó nơi địa đầu biên cương Tổ quốc. Ngút ngàn rừng thẳm, cheo leo những lối mòn nhưng chính từ nơi đây, đốm  lửa Cách mạng đã rạng hồng để không lâu sau đó bùng lên thành biển lửa Cách mạng Tháng Tám 1945, mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc…
Lễ kết nạp đảng viên mới của Đảng bộ Báo Pháp luật Việt Nam tại Cao Bằng.Ảnh: Lan Hương
Lễ kết nạp đảng viên mới của Đảng bộ Báo Pháp luật Việt Nam tại Cao Bằng.Ảnh: Lan Hương
Ba lần lên với Cao Bằng, mỗi lần đều là mắt thấy, tai nghe nhiều hơn những đổi thay, mới lạ. Trước lần thứ ba về lại nơi cội nguồn Cách mạng nổi tiếng này, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng – ông Nguyễn Hoàng Anh – chỉ tủm tỉm và nhẹ nhàng bảo: “Các anh cứ lên đi. Cao Bằng nay nhiều lần khác so với 7 năm trước khi anh lên. Tỉnh còn nghèo, bà con các dân tộc nơi đây còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng vùng đất căn cứ địa cách mạng nay “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” nhiều rồi...”.
Căn cứ địa kiên trung
Hãy cùng hồi tưởng lại đôi chút những ngày trước Cách mạng Tháng Tám để có thể hiểu vì sao Cao Bằng lại có vinh dự trở thành căn cứ địa cách mạng và luôn kiên trung, xứng đáng với danh hiệu ấy.
Gặp được chủ nghĩa Mác – Lênin, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc nóng lòng quay về Tổ quốc, tìm cách thúc đẩy phong trào cách mạng Việt Nam, nhất là khi năm 1940, thực dân Pháp đã đầu hàng phát xít Đức, hé mở cơ hội có những chuyển biến lớn trong đấu tranh giải phóng ở các nước thuộc địa, trong đó có Đông Dương. Bác nhận định: “Việc Pháp mất nước là cơ hội rất thuận lợi cho Cách mạng Việt Nam. Ta phải tìm mọi cách về nước ngay để tranh thủ thời cơ, chậm trễ lúc này là có tội với Cách mạng”. 
Tháng 11/1941, đồng chí Hoàng Văn Thụ - thay mặt T.Ư Đảng – sang Trung Quốc gặp Bác báo cáo công tác và đề xuất Bác nên về nước theo đường Cao Bằng. Bác đồng ý và vài ngày sau, giao cho đồng chí Lê Quảng Ba - Ủy viên Ban Thường vụ Châu ủy Hà Quảng  - về Cao Bằng trước gặp đồng chí Vũ Anh để tìm địa điểm trở về hoạt động và dặn kỹ: “Chỗ ấy phải có quần chúng tốt để bảo vệ, sát biên giới, phòng khi có động rút được ngay, kín đáo ở được lâu dài”. 
Ít ngày sau, đồng chí Lê Quảng Ba cùng đồng chí Vũ Anh quay lại tìm gặp Bác, báo cáo: “Chúng cháu đã tìm được chỗ ở trong thung lũng Cốc Bó, lũng này ở sát biên giới, người từ bên ngoài muốn vào lũng phải qua làng Pác Bó. Làng này có cơ sở từ năm 1937 mà bấy lâu nay quân giặc không hề biết”. Đồng chí Ba nói thêm: “Pác Bó là quê vợ cháu, từng người tốt, xấu ra sao, từng mô đá, gốc cây cháu đều biết. Ban đầu về ở nhà một quần chúng cơ sở, nếu không tiện thì ta tìm hang, vùng này toàn núi đá, chắc có nhiều hang”. Bác gật đầu, đồng ý.
Phong trào cách mạng ở Cao Bằng phát triển rất sớm với các tổ chức yêu nước như Hội đánh Tây, Hội Thanh niên phản đế… Ngày 1/4/1930, đồng chí Hoàng Văn Nọn thay mặt Chi bộ Long Châu kết nạp hai đồng chí Lê Đoàn Chu và Nông Văn Đô vào Đảng Cộng sản Việt Nam, tuyên bố thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của Cao Bằng tại khe suối Nặm Lìn (xã Hoàng Tung, châu Hòa An). 
Tiếp theo, các chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam lần lượt ra đời ở Hòa An (6/1930), Nguyên Bình (10/1930), Hà Quảng (6/1931), Quảng Uyên (3/1932), góp thành những điều kiện quan trọng để ngày 28/1/1941 vinh dự được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại chọn làm nơi đặt bước chân đầu tiên trở về sau 30 năm bôn  ba tìm đường cứu nước; chọn Pác Bó (huyện Hà Quảng) làm căn cứ địa lãnh đạo Cách mạng Việt Nam. 
Ăn cháo bẹ, rau măng, nằm núi, ngủ hang nhưng Bác Hồ luôn tin tưởng ở thắng lợi ngày mai của phong trào cách mạng. Người nhận định: “Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng lớn cho cách mạng nước ta. Cao Bằng có phong trào tốt từ trước lại kề sát biên giới, lấy đó làm cơ sở liên lạc quốc tế rất thuận lợi; nhưng từ Cao Bằng còn phải phát triển về Thái Nguyên và thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc với toàn quốc được. Có nối được phong trào giữa Thái Nguyên với toàn quốc thì khi phát động đấu tranh vũ trang lúc thuận lợi có thể tiến công, lúc khó khăn có thể giữ”. Quả là như vậy, chỉ sau đó 4 năm, tháng Tám mùa Thu 1945, Cách mạng đã thành công, Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, mở ra một kỷ nguyên mới rực rỡ, huy hoàng của dân tộc Việt.
“Con đường tươi màu nắng…”
Tháng 5, tập thể đảng viên, cán bộ, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã có chuyến hành hương về Cao Bằng, tìm đến nguồn cội của Cách mạng Việt Nam để cùng nhau ôn lại những trang sử vẻ vang, hào hùng của cách mạng nước nhà, tưởng nhớ công ơn to lớn của Bác và các bậc tiền bối cách mạng và góp tay gia cố thêm sự vững bền, lớn mạnh của Đảng ta bằng việc kết nạp thêm những Đảng viên mới ưu tú.
Đường đi Cao Bằng để lại ấn tượng mạnh cho không chỉ những người lần đầu lên vùng đất này. Từ Hà Nội, nếu không muốn chọn đi theo quốc lộ (QL) 3 qua Thái Nguyên, Bắc Kạn thì có thể đi theo QL1 đến Lạng Sơn rồi rẽ QL4 qua Thất Khê, Đông Khê  để tới Cao Bằng. Cả hai ngả đường đều rộng rãi, êm thuận uốn lượn qua hết rặng núi này tới rặng núi kia. “Khi trở lại Cao Bằng con đường tươi màu nắng/Tiếng chim hót trên cao giữa rừng già im vắng/Khi trở lại Cao Bằng làng bản mờ trong sương/ Vẫn ngọt ngào tiếng hát của người đi làm nương/Ơi Cao Bằng yêu thương...”. 
Bài hát “Khi trở lại Cao Bằng” của nhạc sĩ Tân Huyền cứ văng vẳng theo từng khúc cua từ Lạng Sơn qua Thất Khê rồi Đông Khê. Cảnh và người Cao Bằng dần trải dài trước mắt với những nương ngô, vườn sắn, thửa ruộng cây thuốc lá xanh ngắt miên man. Và rồi TP.Cao Bằng hiện ra trước mắt khách Hà Nội với phố xá khang trang, sầm uất và trong lành đến ngạc nhiên. Vùng biên viễn mà nhà cửa san sát, cửa kính sáng choang, xe cộ nườm nượp. Hiện đại, mới mẻ nhưng trên gương mặt từng người dân vùng cao vẫn hiện rõ nét chất phác, thảo hiền, trung hậu như thuở nào đón lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về gieo những “hạt giống Đỏ” đầu tiên cho mùa Thu Cách mạng. 
Những cái siết tay thật chặt, những nụ cười nồng ấm, những cái khoác tay “cạn chén” đầy tình thương mến thương của người Cao Bằng dường như khiến mấy chục cán bộ, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam – cả người đã từng hay mới lần đầu đặt chân đến Cao Bằng – cùng chuếnh choáng cả. “Người Cao Bằng chúng em thật thà, chân tình lắm. Đừng khách sáo mà Cao Bằng chúng em buồn đấy”- giọng cô cán bộ trẻ thỏ thẻ nhưng đủ mạnh khiến cánh đàn ông con trai Hà Nội chẳng thể nào chối từ nổi chén rượu sóng sánh trong vắt. Lóng lánh rượu, lóng lánh mắt và nghiêng ngả cả lòng người, dù khách hay chủ…
“Nhật nguyệt bừng soi…”
Hơn 70 năm trước, Bác về Pác Bó, đường mới chỉ là đường mòn, nhà chỉ là tranh tre nứa lá. Nay, đường lên Pác Bó thênh thang, phẳng phiu với 2 làn xe và cũng là những ki-lô-mét đầu tiên của con đường Hồ Chí Minh nối từ Bắc vào Nam (thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, đến năm 2020 sẽ hoàn thành các dự án thành phần của con đường này, nối thông toàn tuyến từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) với quy mô 2 làn xe - PV), kéo dài suốt từ TP.Cao Bằng đến Pác Bó chỉ còn rất hiếm hoi vài ngôi nhà sàn giữa san sát nhà 2 – 3 tầng bê tông, ngói đỏ. “Non xa xa, nước xa xa/Nào phải thênh thang mới gọi là/Đây suối Lênin, kia núi Mác/Hai tay gây dựng một sơn hà”. Bài thơ Bác viết năm nào phải chăng chính là những tiên cảm vĩ đại của một bậc hiền triết? Từ bếp lửa nhỏ nơi hang Pác Bó đã bừng lên ngọn lửa Cách mạng Việt Nam, đã lừng lẫy một cơ đồ mới dân chủ cộng hòa “của dân, do dân, vì dân”. Từ một thuộc địa, một phận nô lệ, nay nước Việt Nam đã tự tin sánh vai cùng năm châu, người Việt được ngẩng cao đầu làm dân tự do của một nước độc lập. Thế mới thấy, công ơn Bác to lớn đến dường nào, sự nghiệp của Đảng vĩ đại dường nào! 
Bên suối Lênin trong mát dào dạt, bóng núi Mác sừng sững vững chãi, tưởng như vẫn còn đâu đây hình bóng Bác sớm hôm trăn trở, lo lắng cho phong trào cách mạng, cho tiền đồ của dân của nước!
Bên hang Pác Bó, từng đảng viên, cán bộ, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam một lần nữa xúc động nghiêng mình tưởng nhớ Người. Mỗi người – lòng tự dặn lòng – còn phải gắng sức, nỗ lực nhiều lần hơn nữa  mà hẳn vẫn chưa xứng với sự hy sinh và công lao to lớn của Bác và các thế hệ đảng viên đi trước.
Trước anh linh Người, trước cờ Đảng và cờ Tổ quốc thấm đẫm xương máu, hy sinh của các thế hệ cha anh, những quần chúng ưu tú nhất trong tập thể Báo Pháp luật Việt Nam giơ nắm tay thề kiên định, trung thành với lý tưởng của Đảng, với sự nghiệp cách mạng của dân tộc mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn, hết lòng phấn đấu vì sự nghiệp đổi mới và cải cách tư pháp, vì Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” như ước nguyện đau đáu của Người. 
Hơn 70 năm trước ở nơi này, Bác nhen đốm lửa đầu tiên cho phong trào cách mạng, và nay tập thể Báo Pháp luật Việt Nam – một thành viên của ngành Tư pháp, của báo chí Cách mạng Việt Nam – tìm về Pác Bó góp tâm nguyện, trí tuệ, bản lĩnh của mình cùng vun bồi cho sự nghiệp của Đảng, của Tổ quốc, của ngành Tư pháp thêm cao dày, vững chắc. Vẫn còn văng vẳng lời Bác dạy năm nào: “Nghĩ cho cùng, vấn đề tư pháp là vấn đề ở đời và làm người”, “Phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân. Giúp dân, học dân để giúp mình thêm liêm khiết, thêm công bằng”… 
“Lãnh tụ trở về, nhật nguyệt bừng soi trời Pác Bó/ Anh hùng tụ lại, tinh hoa rực sáng đất Cao Bằng” – giữa đôi câu đối lấp lánh ở đền thờ trên đỉnh đồi lộng gió, Bác Hồ đang nhìn tất cả chúng ta, hiền từ và ấm áp,  lắng nghe hết thảy các tâm nguyện. Ngoài kia, trên ngọn núi Các Mác, mặt trời đang tỏa ánh hồng rạng rỡ, càng làm sáng trong vẻ ngọc của dòng suối Lênin. Cơ đồ nước Việt, tương lai dân tộc Việt – từ ngọn núi, con suối này – dường như trường cửu, miên viễn...

Đọc thêm