Thẩm tra viên cần được xem xét vào nguồn bổ nhiệm lãnh đạo các cơ quan THADS

(PLVN) -Theo quy định tại khoản 1 Điều 22 Luật Thi hành án dân sự (THADS):  Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự phải là Chấp hành viên. Như vậy, công chức bổ nhiệm vào ngạch Thẩm tra viên đã bị hạn chế phần nào quyền phấn đấu để trở thành lãnh đạo cơ quan THADS.

Thẩm tra viên có vai trò quan trọng

Thẩm tra viên thi hành án là công chức, có nhiệm vụ giúp Thủ trưởng cơ quan quản lý THADS, cơ quan THADS và cơ quan quản lý, cơ quan thi hành án trong quân đội thực hiện nhiệm vụ thẩm tra thi hành án và các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

Các ngạch thẩm tra viên THADS hiện nay bao gồm thẩm tra viên, thẩm tra viên chính và thẩm tra viên cao cấp. Vị trí, tiêu chuẩn, chức trách nhiệm vụ của Thẩm tra viên thi hành án được quy định tại Nghị đinh số 62/2015/NĐ/CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS và Thông tư số 03/2017/TT-BTP quy định chức danh, mã số ngạch và tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch công chức chuyên ngành THADS. Pháp luật về THADS cũng quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của thẩm tra viên.

Thẩm tra viên là một chức danh rất quan trọng, góp phần đảm bảo chất lượng, hiệu quả công tác thi hành án . Tuy nhiên trong thực tiễn, vai trò của thẩm tra viên vẫn còn một số hạn chế, chưa phát huy hết hiệu quả của chức danh này.

Luật THADS sửa đổi bổ sung năm 2014 còn thiếu các quy định về thẩm tra viên thi hành án. Hiện nay, chức danh Thẩm tra viên chỉ được quy định ở một số văn bản dưới luật là Nghị định 62/2015/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 03/2017/TT-BTP. Điều này chưa thật xứng tầm một chức danh tư pháp của Cơ quan THADS. Mặt khác, xét ở góc độ chuyên môn, công việc của thẩm tra viên có vai trò và ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình tổ chức thi hành án, không kém vai trò của Chấp hành viên.

Trong thực tiễn, khối lượng công việc của thẩm tra viên thi hành án là khá nhiều, như: Thực hiện thẩm tra hồ sơ các vụ việc đã và đang thi hành do chấp hành viên sơ cấp thực hiện theo kế hoạch được duyệt hoặc theo sự phân công của Thủ trưởng cơ quan quản lý THADS, cơ quan THADS, đề xuất hướng giải quyết và chịu trách nhiệm về ý kiến đề xuất của mình; Thẩm tra thống kê, báo cáo, dữ liệu THADS của chấp hành viên sơ cấp, của các cơ quan THADS trực thuộc; Tham mưu giúp Thủ trưởng cơ quan quản lý THADS, cơ quan THADS: Trả lời kháng nghị, kiến nghị của Viện kiểm sát nhân dân theo thẩm quyền đối với những vụ việc đơn giản; tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với những vụ việc đơn giản thuộc thẩm quyền giải quyết của Thủ trưởng cơ quan quản lý THADS, cơ quan THADS; Thẩm tra, kiểm tra, tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác tổ chức cán bộ trong hệ thống tổ chức THADS….Khi tiến hành thẩm tra, kiểm tra, Thẩm tra viên phải tuân thủ các quy định của pháp luật, chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Thủ trưởng cơ quan về việc thực hiện nhiệm vụ được giao.

Nhưng ít có cơ hội thăng tiến

Với tính chất công việc mang tính “hậu kiểm” và kèm theo đó là trách nhiệm nặng nề, công việc của thẩm tra viên khá nhiều áp lực. Bên cạnh công việc chính của  thẩm tra viên thi hành án, nhiều nơi thẩm tra viên còn phải kiêm nhiệm khá nhiều công việc khác như công tác văn phòng, tổng hợp báo cáo...Chính vì vậy, việc bổ nhiệm chức danh này chưa thực sự thu hút được các cán bộ, thư ký, chuyên viên thi hành án.     

Về chế độ đãi ngộ cho Thẩm tra viên hiện nay vẫn còn nhiều bất cập. Ví dụ: Về phụ cấp trách nhiệm, đối với Thẩm tra viên chỉ là 25% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có). Mức phụ cấp này thấp hơn so với Chấp hành viên sơ cấp là 05%. Do đó đề nghị xem xét nâng mức phụ cấp cho thẩm tra viên thi hành án tương đương với chấp hành viên, góp phần khuyến khích cán bộ đảm nhiệm công tác này. 

Về sự thăng tiến trong nghề nghiệp, khoản 1 Điều 22 Luật THADS quy định:  Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải là Chấp hành viên. Như vậy, công chức bổ nhiệm vào ngạch Thẩm tra viên đã bị hạn chế phần nào quyền phấn đấu để trở thành lãnh đạo cơ quan THADS. Bên cạnh đó, khi chọn lựa bổ nhiệm một Thẩm tra viên, thường phải lựa chọn người am hiểu pháp luật, có chuyên môn tốt, nhưng điều đó lại đồng nghĩa với việc có thể mất đi một chấp hành viên năng động hay xa hơn là một cán bộ lãnh đạo nòng cốt trong tương lai. Do đó đề nghị bổ sung quy định về việc xem xét thẩm tra viên vào nguồn bổ nhiệm lãnh đạo các cơ quan THADS để đảm bảo quyền lợi cho các cán bộ, công chức đảm nhiệm chức danh này.

Hiện nay vẫn còn một số cơ quan thi hành án còn thiếu thẩm tra viên, điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân như do thiếu biên chế, chưa có nguồn bổ nhiệm... Ở những nơi chưa kiện toàn được chức danh thẩm tra viên, công việc của thẩm tra viên được giao cho thư ký kiêm nhiệm. Điều này cũng phần nào ảnh hưởng đến chất lượng công tác và hiệu quả công việc thẩm tra viên. Do đó cần tiếp tục quan tâm đến công tác tạo nguồn và bổ nhiệm đủ biên chế thẩm tra viên tại các cơ quan THADS.  

Đọc thêm