Tự sự của những thôn nữ bán thân nuôi miệng

(PLO) - Hành nghề lén lút, sống trong sợ hãi, cô đơn và sự nguy hiểm là những lát cắt về cuộc sống của gái bán dâm.Việc trở thành gái bán dâm đối với nhiều cô gái không phải là điều mong muốn, nhưng vì nhiều nguyên nhân, họ bị đẩy vào con đường u tối này. 
Cảnh sát kiểm tra một cơ sở mát-xa ở Trung Quốc- Ảnh minh họa.
Cảnh sát kiểm tra một cơ sở mát-xa ở Trung Quốc- Ảnh minh họa.

Yong Gan (không phải tên thật) là một phụ nữ có thân hình quyến rũ dù đã ở độ tuổi trung niên. Người phụ nữ này từng làm cho một tiệm mát-xa ở thành phố Thiên Tân. Trước đây, khi Yong Gan mới 20 tuổi, cô phải cưới một người đàn ông lớn tuổi do sự gán ghép của gia đình nhưng cuộc hôn nhân đó nhanh chóng tan vỡ. Sau đó, cô quyết định bỏ lại đứa con 4 tháng tuổi ở nhà để mẹ chăm sóc và thử vận may ở vùng phía Nam Trung Quốc nhưng rồi cuộc đời đưa đẩy mà trở thành gái bán hoa.

Từ bé đã sống khổ

Yong Gan sinh ra trong một gia đình làm nông ở ngôi làng miền núi tỉnh Cát Lâm. Khi lên 2, mẹ cô li dị người chồng vũ phu, luôn đổ lỗi cho vợ vì chỉ biết sinh con gái. Bố dượng Yong Gan là một người đàn ông tốt tính nhưng sức khỏe kém. Từ khi lên 8 tuổi Yong Gan đã học cách kiếm tiền từ những rau rừng và đào củ sâm trên núi.

 “Từ bé tôi đã ý thức được giá trị của tiền bạc vì gia đình nghèo mà chúng tôi chẳng bao giờ có một đồng tiết kiệm nào cả”, Yong Gan nói. 

Là một người thông minh và luôn là một học sinh giỏi ở trường nhưng cái nghèo đeo bám khiến cô phải bỏ học từ năm 14 tuổi. Yong Gan bắt đầu lên thành phố và làm cho một tiệm bánh ở Đại Liên trước khi vào làm thuê trong nhà hàng, chuyên rửa bát, thái rau. Ban đêm, cô ngủ trên những chiếc ghế xếp lại thành giường ngủ tạm bợ. 

Năm lên 16, Yong Gan bị đầu bếp trưởng nhà hàng cưỡng hiếp. Do chưa từng trải qua chuyện này, Yong Gan  chấp nhận “mối quan hệ yêu đương” và phải phá thai 4 tới 5 lần sau đó. Cô trở về nhà và lấy chồng nhưng rồi cuộc hôn nhân cũng tan vỡ, cuộc sống nghèo khổ vẫn tiếp diễn và cuối cùng cô vẫn phải ra đi tìm kiếm cơ hội đổi đời.

Sa chân vào nghề

Khi nghe Yong Gan nói muốn làm việc trong một nhà máy sản xuất giày ở một thị trấn nhỏ gần Thiên Tân, một người bạn của cô đã ngay lập tức gạt bỏ ý định và nói rằng công việc ấy sẽ rất vất vả và ít tiền. Chưa kể, việc tay chân như vậy không hợp với một cô gái xinh đẹp như Yong. Tuy nhiên, bỏ qua những lời mời gọi, Yong Gan vẫn quyết định đi làm ở một số nhà máy ở các khu công nghiệp.

Mọi sự diễn ra đúng như lời người bạn. Sau 3 tháng đứng dây chuyền sản xuất, cô bỏ việc và tới một cơ sở mát-xa ở Thiên Tân xin việc. 

Sau một thời gian được huấn luyện, Yong Gan bắt đầu làm việc và thường khách hàng là nam giới. Mỗi một tiếng mát-xa cô sẽ được trả 60 NDT. Nhưng dần dà cô trở thành gái bán dâm bởi mát-xa chỉ là một loại dịch vụ nhỏ, rất nhiều cô gái như Yong làm những việc còn hơn thế nữa, đó là cung cấp dịch vụ bán dâm từ “a đến z” với giá là 600 NDT, gấp đôi lương cô từng nhận ở nhà máy giày.

Con đường trở thành gái bán hoa của Yong Gan cũng rất nhanh chóng. Cô nhận ra mình sống vì con gái nên quyết định làm gái mại dâm. Trong khoảng thời gian từ trưa tới tối, cô sẽ phục vụ nhiều khách hàng với những yêu cầu khác nhau, từ “nhỏ tới lớn”. Cô phải giả vờ vui vẻ trước mặt khách hàng, dù kiệt sức và mệt mỏi đến thế nào. Tồi tệ nhất là trong lòng lúc nào cũng cảm thấy lo lắng. 

Khi một khách hàng xuất hiện, các cô gái như Yong Gan sẽ phải tập trung ở quầy lễ tân, cười quyến rũ và liếc mắt đưa tình. “Nếu tôi không được khách chọn, tôi sẽ rất thất vọng và lo lắng. Nếu được chọn, tôi cũng lo lắng vì sợ rằng ông khách ấy khó chiều hoặc bạo lực”, Yong Gan  nói.

Không chỉ Yong Gan, rất nhiều phụ nữ rơi vào hoàn cảnh bán thân, phần lớn là do bị dồn vào đường cùng, buộc phải chấp nhận cuộc sống nhơ nhớp này. Họ thường phải lén lút, chui lủi, hành nghề môi trường mất vệ sinh không đảm bảo sức khỏe. Không những thế, họ cũng thường xuyên bị cảnh sát hành hung, đánh đập nếu chẳng may bị phát hiện. Cuộc sống của họ thường rất bí bách, ngột ngạt do luôn phải trốn chui trốn lủi và thắt chặt chi tiêu dành dụm tiền cho gia đình cũng như cuộc sống tương lai sau khi “hạ cánh”.

Thậm chí, hiện nay có một thực trạng đó là đa số người hành nghề mại dâm ở Trung Quốc không sử dụng bao cao su vì nếu bị cảnh sát bắt, công cụ phòng tránh bệnh lây nhiễm này sẽ là bằng chứng chống lại họ, ngay cả khi không bắt quả tang họ đang bán dâm. 

Một gái dâm có tên Shasha nói rằng, có lần cô đang ở trên phố thì bị cảnh sát bắt và cáo buộc cô đang bán dâm, chỉ vì trong túi xách có bao cao su và chất bôi trơn, mặc dù hôm đó cô không hành nghề. “Lúc đó tôi rất tức giận. Họ không có bằng chứng, cũng không bắt quả tang tôi đang quan hệ hay trò chuyện với bất kỳ người nào. Họ dựa vào đâu mà nói rằng tôi hành nghề mại dâm”, Shasha nói.

Mại dâm là bất hợp pháp ở Trung Quốc, nhưng vấn nạn này vẫn diễn ra tràn lan ở những điểm như phòng mát-xa, hộp đêm, salon làm tóc và quán karaoke. Một số nhà nghiên cứu tin rằng, hiện nay có tới hơn 10 triệu gái bán dâm hoạt động trên toàn quốc. Chính phủ Trung Quốc cũng đã đưa ra hàng hoạt những quy định, luật lệ trong vài thập kỷ qua, trong quá trình đó chính phủ cũng đã chuyển trọng tâm từ bắt bớ, cấm đoán sang kiểm soát và thường xuyên có những đợt truy quét nhằm vào các cơ sở trá hình. 

Lúc nào Yong Gan cũng đấu tranh với lương tâm của mình, nhưng cô cũng bắt đầu quen với cuộc sống mới, thậm chí còn đi khách nhiều hơn để kiếm tiền. Cô bắt đầu gửi tiền nhiều hơn cho gia đình và mối quan hệ với mẹ cũng bắt đầu cải thiện từ sau khi cô bỏ chồng, bỏ con đi làm. Nhưng cảm giác xấu hổ, tủi nhục vẫn luôn giằng xé, dằn vặt cô mỗi đêm, rồi cô tự động viên mình vì đứa con nhỏ ở nhà và tự tâm niệm rằng, “bán thân để mua lại cuộc đời”. Rồi sẽ có lúc nào đó cô từ bỏ nghề này và sống một cuộc đời bình thường như bao người. 

Cuộc đời mới

Nhiều lúc khi hành nghề ở quán mát-xa, Yong Gan tự an ủi mình rằng “ít ra ở đây còn khá hơn làm nhà hàng hay nhà máy giày”. Cô cũng tự nghĩ rằng mình là một gái bán hoa thành công. Sau vài năm ở Thiên Tân, cô theo bạn tới Bắc Kinh và làm ở một quán mát-xa trả lương cao hơn. 

Một ngày mùa hè năm 2007, cô gặp một tình nguyện viên từ Viện Aizhixing, một tổ chức phi chính phủ lớn nhất Trung Quốc về chống HIV. Người này là tình nguyện viên có nhiệm vụ phát tờ rơi thông tin về căn bệnh thế kỉ. Dù làm lâu trong nghề nhưng Yong Gan chưa bao giờ nghe nói về bệnh HIV/AIDS.

Cô lo lắng, sợ hãi khi biết rằng nhiều lần mình quan hệ không sử dụng biện pháp an toàn. Yong Gan tới một trung tâm xét nghiệm và thử máu. Vài tuần sau đó, cô như phạm nhân chờ đợi án tử được công bố. Nghĩ về quá khứ và tương lai, Yong Gan thêm đau nhói trong lòng. Cô đã tự hứa với lòng mình: nếu kết quả là âm tính, cô sẽ không bao giờ quay trở lại con đường xưa.

May mắn kết quả xét nghiệm âm tính. Cô mua một căn hộ nhỏ cho mẹ và con gái ở thị trấn gần quê nhà. Với sự biết ơn lớn lao tổ chức Anzhixing, cô quyết định thành lập tổ chức phi chính phủ của riêng mình để giúp những gái bán hoa hành nghề. Đúng thời điểm đó, chính phủ Trung Quốc yêu cầu bất kỳ tổ chức phi lợi nhuận nào cũng phải được sự tài trợ của chính phủ, phải đăng ký với cảnh sát và thông báo chi tiết tình hình tài chính.

Yong Gan đăng ký tổ chức của mình như một công ty và chạy vạy khắp nơi tìm nguồn tài trợ. Cô trải qua rất nhiều khó khăn nhưng ít nhất, cô được trải nghiệm sự hạnh phúc mà chưa bao giờ trong đời được biết đến. Tổ chức phi lợi nhuận của cô thường tới những tiệm mát-xa, salon tóc, nhà chứa và cấp bao cao su miễn phí, thông tin dịch tễ và lời khuyên cho những cô gái bán hoa nếu chẳng may bị cảnh sát bắt. 

“Chúng tôi không khuyên các cô gái bỏ nghề”, Yong Gan  nói. “Đó là lựa chọn và kế sinh nhai duy nhất của họ. Chúng tôi chỉ hỗ trợ và cung cấp một bến đỗ để họ quay về nếu cần”.

Ban đầu, những cô gái bán hoa rất thận trọng khi có một tổ chức phi lợi nhuận xuất hiện và cấp đồ miễn phí cũng như đưa ra lời khuyên. Sau đó, họ dần tin tưởng Yong Gan hơn. Khi bị cảnh sát bắt, người đầu tiên họ xin gặp là Yong Gan. Lúc này, cô sẽ gọi cho tình nguyện viên là các luật sư để giúp đưa các cô gái ra ngoài hoặc gây quỹ để trả tiền cảnh sát.

Đọc thêm