Từ “thượng cẳng chân” tới hầu bao “thủng”

(PLO) - Kết quả một nghiên cứu của Cơ quan Liên Hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ ở Việt Nam về tình trạng bạo lực gia đình (BLGĐ) cho thấy một mối liên hệ rất kỳ khôi giữa chiếc hầu bao “thủng” và nắm đấm vũ phu. 
Đấm mạnh tới suýt rơi con
Câu chuyện của một phụ nữ được các nhà điều tra xã hội học ghi lại là một ví dụ. Nạn nhân N.T.L, 41 tuổi, đã ly hôn kể: “Mỗi ngày anh ta đánh tôi 2, 3 lần. Anh ta đã đánh tôi gần 100 lần kể từ khi cưới 5 năm về trước. Anh ta đấm mạnh đến nỗi tôi suýt đánh rơi con. Mỗi lần đánh, anh ta đều đấm vào mặt và đầu tôi, vào bất cứ chỗ nào anh ta có thể”.  
Minh họa: nguồn Internet
 Minh họa: nguồn Internet
Kết quả nghiên cứu của Cơ quan Liên Hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ cho thấy thực tế rất đáng lo ngại: có khoảng 48% phụ nữ ở nông thôn và 38% ở thành thị cho biết đã từng trải qua bạo lực thể chất đôi khi vì những lý do rất trời ơi từ người đầu gối tay ấp. Tỷ lệ bạo hành tình dục cũng cao tương đương với hơn 1/4 phụ nữ phải chịu đựng hình thức bạo hành này trong đời. Bạo hành tâm lý là loại bạo lực xảy ra phổ biến nhất. Gần 60% phụ nữ nông thôn và 48% phụ nữ đô thị cho biết đã phải trải qua ít nhất một hành vi bạo hành tâm lý. Xúc phạm và dọa nạt là cách mà các đấng mày râu hay sử dụng. 
Nắm đấm mình chịu, tiền phạt mình nộp
Điều quan trọng, theo các kết quả nghiên cứu là luật pháp Việt Nam không khẳng định rõ ràng phần lớn nạn nhân của BLGĐ là phụ nữ, cũng không khẳng định rõ ràng bạo lực trên cơ sở giới và bạo lực do chồng gây ra là một vi phạm về quyền.
Luật Phòng, chống BLGĐ không đề cao các chế tài hình sự mà chỉ đưa ra các chế tài dân sự như ra lệnh cấm, phạt tiền, hòa giải và cải tạo. Còn việc truy cứu trách nhiệm hình sự, theo một báo cáo gần đây do Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp quốc tiến hành đã chỉ ra rằng: “Cảnh sát chỉ đánh giá mức độ thương tích của 5% các trường hợp xảy ra và cứ 100 trường hợp BLGĐ thì mới có một trường hợp thủ phạm bị kết án hình sự”!.
Thế nên mới có chuyện có những người vừa bị đánh vừa phải mất tiền nộp phạt thay chồng vì cái tội… đánh mình (?!).  Chị P.T.H ở Lạng Sơn kể một câu chuyện cười ra nước mắt: khi bị chồng bạo hành, chị báo với công an và được trả lời cơ quan công an không có quyền cho chồng chị vào tù mà chỉ có thể phạt tiền. Chồng chị không có tiền và người phải nộp 500.000 đồng tiền phạt là chị. Câu chuyện đã xảy ra trên thực tế này cho thấy, biện pháp can thiệp đối với các hành vi BLGĐ bằng cách phạt tiền không những không giúp ích gì cho người phụ nữ mà còn làm gia tăng sự bất an và gánh nặng tài chính lên vai họ. 
Đứng trước bạo lực, cơ quan liên quan thường không có phản ứng gì hoặc nhiều nhất cũng chỉ là khuyên giải phụ nữ nên tiếp tục chịu đựng hay ly thân. Các cấp chính quyền thường dựa vào việc hòa giải và coi đó là biện pháp ứng phó chính. Những điều này lý giải vì sao bạo hành gia đình vẫn có lý do để tồn tại.
Thiệt hại tiền tỷ
Bà Pratibha Mehta - Điều phối viên Liên Hợp quốc thường trú tại Việt Nam cho hay, bạo lực với phụ nữ gây những tổn thất to lớn về mặt kinh tế, vì mỗi năm hàng tỷ USD được chi cho các chi phí y tế và sự giảm sút hiệu suất làm việc do hậu quả của bạo lực. 
Nghiên cứu trên cũng khẳng định mức thiệt hại do BLGĐ gây ra đối với phụ nữ ở Việt Nam là rất lớn, bao gồm cả những chi phí họ phải trả trực tiếp và những khoản thu bị mất do gián đoạn công việc. Chỉ riêng số tiền trung bình mỗi lần bị đánh phải tiếp cận dịch vụ y tế, khám, thuốc men… của một phụ nữ đã lên đến 804.000 đồng, tương đương 28% thu nhập trung bình hàng tháng của đối tượng này. Các chi phí khác tính toán được như tiền mua đồ đạc và tài sản bị hư hại, chi phí nhờ sự giúp đỡ của cảnh sát, tòa án hoặc các cơ quan có thẩm quyền khác vào khoảng 600.000 đồng một vụ, tương đương 21% thu nhập trung bình của họ. 
Mức giảm sút thu nhập trung bình tương ứng với mỗi vụ BLGĐ là 382.234 đồng. Sau mỗi lần chịu đòn roi của chồng, chị em thường phải mất 33 giờ làm việc nhà, với giá trị kinh tế là 502.525 đồng, tương đương 17,8% thu nhập hàng tháng của họ. Đối với toàn bộ nền kinh tế, ước tính chi phí trực tiếp lẫn thiệt hại về thu nhập và giá trị kinh tế của các công việc gia đình bị mất tương đương 1,41% GDP. 

Đọc thêm