Tứ trấn xứ Lạng – Bài 1: Trấn Đông : Đền Cửa Đông thờ thần Bạch Đế

(PLVN) - Lạng Sơn - mảnh đất địa linh, nhân kiệt với những trầm tích văn hóa theo suốt chiều dài lịch sử nước Việt, với những ngôi đền thiêng ẩn chứa nhiều thông điệp sâu sắc của tiền nhân để lại. Trong đó có bốn ngôi đền nằm ở bốn hướng trấn giữ và bảo vệ Đoàn Thành (thành cổ Lạng Sơn xưa), được mệnh danh là “Xứ Lạng tứ trấn”. 
Đền Cửa Đông - trấn Đông thành Lạng Sơn.
Đền Cửa Đông - trấn Đông thành Lạng Sơn.

Theo các tư liệu lịch sử, thành cổ Lạng Sơn (Đoàn Thành) xưa có bốn cổng chính ở bốn hướng Đông - Tây - Nam - Bắc. Tương ứng với bốn cổng này có bốn ngôi đền linh thiêng thờ 4 vị thần trấn giữ bảo vệ tòa thành bao gồm: đền Cửa Đông (Đông Môn từ); đền cửa Tây (Tây Môn từ); đền cửa Nam (Nam Môn Từ) và đền cửa Bắc (Bắc Môn Từ) được xây dựng khoảng cuối thế kỉ XVIII đầu thế kỉ XIX. Các đền đều tọa lạc tại phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn và hướng ra dòng sông Kỳ Cùng.

Ngôi đền thiêng thờ thần sông 

Trấn Đông - đền Bạch Đế là một trong bốn ngôi đền thiêng trấn giữ quanh Thành cổ Lạng Sơn, thờ thần Bạch Đế. Thần Bạch Đế hay còn gọi là Quan lớn Thoải phủ, Quan lớn Đệ Tam - người có công giúp vua Hùng Duệ Vương đánh tan giặc xâm lăng, được sắc phong “Bạch Long Hầu Chi Thần”, “Hộ quốc an dân”. Việc thờ phụng này vừa thỏa mãn tín ngưỡng thờ Mẫu (mẫu Thoải) vừa thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta.

Theo sách Đại Nam Nhất Thống chí của Quốc Sử Quán triều Nguyễn chép: “Đền Bạch Đế nằm ở phía Đông thành Lạng Sơn. Địa phận xã Mai Pha thuộc Châu Ôn, thờ Thủy Thần”. Theo các nhà nghiên cứu nhận định và căn cứ vào một số tài liệu ghi chép về đền, cho rằng Đền được xây dựng muộn nhất là vào khoảng giữa thế kỷ XVIII.

 

Đối tượng thờ chính của Đền là thần Bạch Đế (tức là thờ thủy thần, thần sông, thần rắn), đó là đặc trưng của cư dân nông nghiệp gieo trồng lúa nước thờ tự theo mô típ “ông Cộc – ông Dài” thần sông nước như trong các truyền thuyết của Việt Nam.

Đền là một di tích tôn giáo - tín ngưỡng được xây dựng theo kiến trúc hình chữ Đinh, cửa chính đền quay hướng chính Đông nhìn ra sông Kỳ Cùng, cổng vào Đền quay mặt hướng chính Tây, trên bức tường sau Đền ở phía tây có trang trí và đắp hai chữ đại tự lớn “Đông Môn”, cổng Đền liền kề ngay đó về phía tay phải. Cấu trúc Đền gồm 3 phần liền nhau: Nghi môn – Chính điện – Tả hữu vu.

Đỉnh cao kiến trúc nghệ thuật

Trải qua thời gian dài với nhiều lần trùng tu, tôn tạo, đến nay, đền vẫn bảo tồn được kiểu kiến trúc nghệ thuật truyền thống và nhiều di vật, cổ vật có giá trị như: 32 pho tượng thánh, 4 hoành phi, 6 đôi câu đối, 2 chuông đại, 2 đôi lọ lộc bình, cây đa cổ thụ 400 năm tuổi… 

Vào năm 2013, Đền Cửa Đông được Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia. Nói cụ thể hơn thì Đền Cửa Đông là loại hình kiến trúc tín ngưỡng tôn giáo có lịch sử lâu đời trên quê hương xứ Lạng. Ngày nay, ngoài thờ thần sông “Bạch Đế”, đền còn là nơi thờ Mẫu và Đức Thánh Trần. Đây là địa chỉ sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng đặc sắc của nhân dân và là địa điểm du lịch tâm lịch thu hút du khách gần xa. 

(Đón đọc: Trấn Tây - đền Cửa Tây thờ vọng Đức Thánh Trần) 

Đọc thêm