Việc công dân được mời lên làm việc và tử vong tại đồn công an luôn đẩy vấn đề lên cao trào giữa người dân và cơ quan thực thi luật pháp khi mà thông tin chưa thực sự rõ ràng. Người dân cho rằng công dân khi lấy lời khai đã bị đánh đập, còn lực lượng chức năng cho rằng “công dân đã tử tự hay thắt cổ”?
Hai công an ở TP Cần Thơ vừa bị bắt vì liên quan đến cái chết của công dân Nguyễn Chí Hiếu (29 tuổi, ngụ phường Trường Lạc, quận Ô Môn, TP Cần Thơ). Cơ quan CSĐT thông báo cho gia đình nạn nhân biết là đã khởi tố vụ án hình sự cố ý gây thương tích.
Theo thông tin từ Cơ quan CSĐT thì anh Hiếu đã tử vong sau ba ngày làm việc với CSGT.
Theo gia đình, khoảng 5 giờ ngày 10/8, anh Hiếu có gọi điện thoại cho người bạn nói là bị CSGT quận Ô Môn giữ từ tối hôm trước và nhờ bạn đến chở về nhà.
Đồng thời, anh Hiếu có nói với bạn là mình bị đau vùng bụng do bị đánh ở đồn công an. Trưa cùng ngày, anh tiếp tục nhờ người bạn chở đi bệnh viện.
Trong giấy ra viện BV đa khoa Trung ương Cần Thơ, các bác sĩ chẩn đoán Hiếu bị viêm phúc mạc cấp, sốc nhiễm khuẩn; bị đập đánh, đá, vặn, cắn, cào, hậu phẫu ngày 2 vỡ tá tràng, suy đa cơ quan.
Sau đó, Hiếu được chuyển sang BV đa khoa TP Cần Thơ để chạy thận, đến ngày 13-8 thì tử vong.
Chiều 14/10, lãnh đạo Đội tổng hợp Công an thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) xác nhận vụ việc một người phụ nữ chết sau khi làm việc với cơ quan điều tra Công an thị xã Ninh Hòa.
Thông tin dân đến nguyên nhân công dân “tự sát” cho biết, Công an thị xã Ninh Hòa phối hợp với Công an xã Ninh Sim, kiểm tra hành chính nhà nghỉ Thùy Nhung (thôn Tân Khánh 2, xã Ninh Sim).
Tại đây, lực lượng chức năng bắt quả tang một đôi nam nữ có hành vi mua, bán dâm.
Sau đó, Cơ quan điều tra Công an thị xã Ninh Hòa đã đưa chủ nhà nghỉ Thùy Nhung là bà Huỳnh Thị N (45 tuổi, trú thôn Ninh Sim), cùng một số người về cơ quan điều tra làm việc.
Đến 21h40 cùng ngày, tại phòng làm việc Đội cảnh sát hình sự, cán bộ điều tra thụ lý làm việc với bà N ra ngoài báo cáo lãnh đạo. Tại phòng làm việc lúc này ngoài người phụ nữ còn có một cán bộ điều tra nhưng ngồi, quay lưng về phía bà.
Khoảng 2 phút sau, một cán bộ phát hiện bà N tay cầm kéo, máu chảy nhiều từ vùng cổ. Bà sau đó được đưa tới Bệnh viện Đa khoa khu vực Ninh Hòa cấp cứu. Đến 22h15 cùng ngày, người phụ nữ tử vong.
Trong khi đó, người thân gia đình bà N. bức xúc vì vụ việc xảy ra từ đêm 13/10, nhưng đến 8h sáng 14/10, gia đình mới nhận được tin báo của cơ quan công an. Ngoài ra, cơ quan điều tra chưa cung cấp bất cứ thông tin, chứng cứ gì để chứng minh bà N. tự tử tại phòng làm việc của công an.
Những cái chết như vậy thông tin đưa ra rất mơ hồ, người nhà nạn nhân luôn bức xúc vì không hiểu tại sao được mời đến đồn công an làm việc đang khỏe mạnh, nhưng khi gặp lại thì người thân “gần đất xa trời”.
Bên cơ quan công an đưa ra thông báo ngắn gọn là tử tự hay thắt cổ tại đồn, mà không có hình ảnh, hay bằng chứng gì để minh chứng cho cái chết nhanh chóng như vậy.
Điều đó sẽ kéo theo sự phẩn nỗ không phải từ người nhà mà cả cộng động. Họ cho rằng công an đã lạm quyền, vượt qua giới hạn của luật xâm phạm thân thể người khác.
Nghi vấn đặt ra là người nhà tôi thắt cổ ra sao? Tại sao trong đồn công an có nơi treo cổ được? Vụ việc ở Khánh Hòa người nhà còn đặt nghi vấn về lý do gì mà bà N phải dùng kéo đâm vào cổ mình?
Báo PLVN đã có rất nhiều kỳ báo nêu vấn đề việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở Cơ quan điều tra (CQĐT), cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh.
Theo quy định tại Khoản 6 Điều 183 BLTTHS 2015, việc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can không chỉ là hoạt động bắt buộc đối với CQĐT thuộc lực lượng công an.
Nhưng quy định này chỉ được tiến hành với bị can, còn công dân được mời đến làm việc vẫn chưa có biện pháp này. Điều đó rất khó để lực lượng công an giải thích thông tin với người dân một cách thấu đáo.
Khi có những công cụ ghi âm, ghi hình hỗ trợ, thông tin về những sự việc đáng tiếc sẽ được công bố rõ ràng. Lực lượng công an sẽ được “minh oan” nếu như thực sự họ không lạm dụng quyền lực, tránh được việc khiếu nại, tố cáo, gây bức xúc trong dư luận.
Nó cũng là bằng chứng quan trọng khi ghi nhận lời khai mà sau này trong quá trình tố tụng sẽ hỗ trợ rất nhiều cho cơ quan điều tra, xét hỏi. Cán bộ công an khi tiến hành lấy lời khai công dân cũng không dám lạm quyền.