Huyền tích Man Nương sinh ra Tứ Pháp
Vào đầu Công nguyên, đất Việt bị lệ thuộc phương Bắc, với tên gọi Giao Châu.Nhà Hán chọn Luy Lâu (Thuận Thành Bắc Ninh ngày nay) làm trụ sở. Chính tại nơi này, có một câu chuyện đã thay đổi lịch sử Phật giáo nước nhà được nhiều sách cổ ghi lại như: Lĩnh Nam Chích Quái (do các soạn giả Trần Thế Pháp, Vũ Quỳnh, Kiều Phú soạn trong thế kỷ XIV-XV), Kiến Văn Tiểu Lục (Lê Quý Đôn)...
Câu chuyện xoay quanh cuộc đời người con gái tên là Man Nương. Thời trẻ, Man Nương đến chùa Phúc Nghiêm học đạo. Ngôi chùa này do vị sư Khâu Đà La, người Tây Trúc (Ấn Độ) trụ trì. Một đêm, khi nàng Man Nương ngủ quên ở thềm, Khâu Đà La bước qua người, và nàng thụ thai.
Man Nương sinh ra một hài nhi, rồi đem đến chùa trả cho Khâu Đà La. Nhà sư cầm cây tích trượng gõ vào thân cây dâu. Cây dâu mở ra, đón đứa trẻ vào thân cây. Khâu Đà La trao cho Man Nương cây gậy. Nhờ làm theo chỉ dẫn của Khâu Đà La, sau này Man Nương đã dùng cây gậy để cầu mưa giúp dân thoát nạn hạn hán.
Khi Man Nương đã ở tuổi 80, một ngày trời đất nổi cơn mưa lớn, cây dâu sư Khâu Đà La gửi đứa trẻ ngày nào đổ xuống trôi theo sông Dâu đến Luy Lâu thì dừng lại. Người dân tìm mọi cách vớt cây dâu mà không thể nào lay chuyển. Chỉ có Man Nương có thể kéo cây dâu lên bờ.
Thái thú Sĩ Nhiếp (khoảng 137-226) cho người lấy cây dâu tạc tượng bốn vị nữ thần là: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện; đặt thờ ở bốn chùa, lần lượt là: chùa Dâu, chùa Đậu, chùa Giàn, chùa Tướng. Trong cây dâu, con của Man Nương hóa đá, được đưa vào chùa Dâu thờ phụng, gọi là Thạch Quang Phật. Bà Man Nương qua đời vào ngày 8-4 âm lịch. Người dân tôn là Phật Mẫu Man Nương, thờ bà tại chùa Tổ (làng Mãn Xá, xã Hà Mãn, Thuận Thành).
Tại Hưng Yên, cụ thể huyện Văn Lâm cũng hình thành hệ thống Tứ Pháp với những nét văn hóa tâm linh độc đáo. Nơi đây hình thành một dải chùa chiền: Pháp Lôi – Pháp Vũ – Pháp Vân – Pháp Điện và các câu chuyện huyền ảo từ việc mua gỗ tạc tượng Tứ Pháp. Khi sự tích đã nhuốm màu huyền sử, việc thông qua các nghi lễ là minh chứng rõ nhất giải đáp các thông điệp tín ngưỡng, tôn giáo ẩn sâu trong đó.
Những nghi lễ độc đáo
Tục thờ Tứ pháp gắn liền với lễ truyền thống rước Tứ Pháp tại dải 4 chùa thuộc huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Các nghi lễ liên quan đến tứ pháp đặc biệt độc đáo thể hiện văn hóa sinh hoạt nông nghiệp của người dân từ xưa đến nay.
Nếu trước đây, mỗi khi tổng (đơn vị hành chính ngày xưa) chỉ khi hạn hán mới cầu đảo bốn bà Tứ Pháp ban mưa để cho hết hạn hán, mùa màng bội thu. Ngày nay, tục lễ được phục dựng lại 3 năm rước tổng một lần.
Người dân té nước vào đoàn rước để cầu sự may mắn |
Đám rước với sự tham gia của 4 làng có 4 ngôi chùa: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện. Ngay từ sáng sớm, kiệu bà Pháp Lôi được rước từ làng Nhạc Miếu sang làng Hồng Cầu. Tất cả phù giá là những chàng trai được tuyển chọn, to béo, mình mặc khố điều. Cứ khoảng 300m, kiệu bà lại chạy một đoạn rồi dừng. Khi chạy trai kiệu sẽ kêu: Huế...Huế...(gọi tên tục của bà), còn người cờ lệnh đọc bài ca:
“Một vui vẻ ơi già
Hai vui vẻ ơi già
Ba vui vẻ ơi già”
Tiếng này là tiếng thứ ba ta cùng vui vẻ ơi...
Xong bài lệnh trai kiệu sẽ chạy tiếp tục và cứ một đoạn lại dừng lại và lặp lại tương tự. Người trong làng tương truyền rằng việc kiệu chạy mô phỏng tính cách vui vẻ của bà Lôi. Bà vốn là em út, hay mải chơi hái hoa bắt bướm nên phải chạy theo các chị.
Khi Kiệu bà Pháp Lôi qua trường Tiểu Học, tương truyền xưa là nơi bà hái hoa bắt bướm, mỗi lần đi qua kiệu dừng lại để mô phỏng tích này. Học sinh và người dân dừng hai bên đường lễ bà, các cháu chui qua kiệu để cầu sự may mắn. Có một tích khác là việc mua gỗ chạy mưa của người dân khi mua khúc gỗ thứ tư để tạc tượng thờ bà Lôi nơi đây.
Khi rước bà Pháp Lôi đến chùa Hoàng Cầu - nơi bà Pháp Vũ, đám rước bà Pháp Vũ đứng chờ sẵn ngoài sân chùa để chào em gái. Trước khi gặp kiệu chị, kiệu bà Lôi sẽ quay vài vòng thể hiện sự vui mừng khi em út gặp gỡ chị ba.Trai kiệu sẽ lễ 3 lễ bằng việc hạ 3 lần, thể hiện là bà Lôi có lời chào đến chị mình và kiệu bà Pháp Vũ chào lại em để đáp lễ.
Khi kiệu hai bà Pháp Lôi và Pháp Vũ được rước xuống chùa Cả là chùa thờ bà Pháp Vân (chị cả trong bốn bà).Trai kiệu của bà Pháp Vân sẽ ra sân chùa đón hai em của mình.Tại đây, các kiệu bà thực hiện nghi lễ chào nhau, mỗi lần 3 lễ. Cờ lệnh hô bài ca:
“Ba bà xuống ngự chùa Vân
Cơn mưa cơn gió xoay vần
Để cho thiên hạ dễ làm ăn
Ta cùng vui vẻ già...”
Riêng bà Pháp Điện thì chỉ ngự tại chùa Pháp Điện làng dưới chứ không ra ngoài nên khi ba bà Lôi – Vân – Vũ cùng tụ họp để xuống bà Điện. Người xưa quan niệm, bà Pháp Điện đi đến đâu, nhìn vào làng nào thì làng đó cháy.Vì vậy, riêng bà Pháp điện chỉ được rước đến cổng chùa rồi chạy vào. Đứng trước cổng để chào các chị em của mình rồi qay vào nhà. Các cụ xưa quan niệm, bốn bà thương nhau khôn xiết, bịn rịn gặp nhau mà trời đổ mưa nên mới thành lễ cầu mưa như hiện tại.
Hệ thống Tứ pháp tại Văn Lâm, Hưng Yên vô cùng độc đáo |
Trong lúc rước các bà Tứ Pháp xuống thăm bà Pháp Điện (em thứ hai), người dân hai bên đường đều chuẩn bị mâm lễ, hoa thơm, đặc biệt một chậu nước. Họ sẽ té nước lên đoàn rước với ý nghĩa cầu mưa, cầu may mắn. Ai được nước té lên người sẽ nhận được may mắn trong năm đó. Một nét văn hóa khá giống lễ hội té nước của Thái Lan.
Khi đến chùa Pháp Điện, cờ lệnh sẽ đọc bài ca:
“Ba bà xuống chơi chùa Tông
Bốn bà công đồng để rồng lấy nước làm mưa
Chảy tràn đồng Chưa, chảy xuống đồng Chuối
Xối xuống đồng Văn
Để cho thiên hạ dễ làm ăn
Ta cùng vui vẻ già ơi...”
Dấu tích Phật giáo buổi đầu và tín ngưỡng phồn thực
Mặc dù chuyện Man Nương sinh ra Tứ Pháp là huyền tích, nhưng câu chuyện trên phản ánh nhiều sự thật lịch sử. Trong cuốn Việt Nam Phật giáo sử luận, tác giả Nguyễn Lang đã chứng minh thời kỳ đầu Công nguyên, Luy Lâu (gần với hệ thống Tứ Pháp Hưng Yên và chùa Dâu) đã là một trung tâm Phật giáo lớn.
Mặt khác, tục thờ có những biểu hiển của tín ngưỡng phồn thực dân gian xưa như: Các trai tráng rước kiệu đều cởi trần, đóng khố, to béo. Việc cầu mưa để tạp sự sinh sôi cũng là minh chứng cho nhu cầu “phồn thực”, lao động sản xuất của người dân. Đặc biệt qua hiện tượng “thụ thai” nơi cửa chùa của Man Nương khi gặp Khâu Đà La. Như vậy, ngay từ buổi đầu của Phật giáo hiện tượng “Việt hóa” Phật và ghép cùng tín ngưỡng dân gian đã xuất hiện sớm và được giữ gìn đến ngày nay.
Người xưa thường gửi gắm những triết lý, những “mã văn hóa” qua các câu chuyện cổ. Cuộc gặp gỡ giữa Man Nương và Khâu Đà La thực chất là cuộc gặp gỡ giữa đạo Phật và văn hóa bản địa. Ở buổi đầu của lịch sử, người Việt theo tín ngưỡng đa thần, tôn sùng các lực lượng tự nhiên. Phật giáo, với những triết lý mới đã hòa vào văn hóa bản địa thông qua hình tượng Khâu Đà La và Man Nương.
Sự hòa trộn này đã sản sinh ra một dạng thức đặc biệt của việc thờ phụng Phật giáo - thờ bốn lực lượng thiên nhiên mây, mưa, sấm, chớp. Sâu xa hơn, đó là mong ước về mưa thuận gió hòa của cư dân bản địa. Trong hệ thống chùa Tứ Pháp, nữ thần đứng ở vị trí trung tâm. Điều ấy phản ánh tư duy của nền nông nghiệp lúa nước, coi trọng sự sinh sôi, nảy nở, đề cao vai trò người phụ nữ. Sau những màu huyền tích ấy là mong ước cuộc sống sinh sôi nảy nở, mưa thuận gió hòa của người dân.