Lễ hội nhằm tưởng nhớ cội nguồn tổ tiên, các vị tiền hiền buổi đầu khai sinh đất đảo và đội hùng binh Hoàng Sa - Trường Sa đã có công bảo vệ biên cương Tổ quốc cũng như cầu cho mưa thuận gió hòa, làng xóm yên bình, mùa màng tươi tốt.
Lễ hội của trăm năm
Ngày 27/4, UBND huyện Lý Sơn phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức lễ đón Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội đua thuyền Tứ linh.
Dù trải qua gần 200 năm, Lễ hội đua thuyền Tứ linh (Long, Lân, Quy, Phụng) ở huyện đảo Lý Sơn vẫn được bảo tồn, gìn giữ và phát huy đến tận ngày nay.
Các bậc cao niên ở Lý Sơn cho biết, Lễ hội đua thuyền Tứ linh được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1827, khi các tộc họ từ đất liền ra khai khẩn mở mang đất đảo. Lễ hội đua thuyền tứ linh được tổ chức từ ngày mùng 4 - 8 Tết Nguyên đán hàng năm, với mục đích cầu mong thần linh che chở, phò trợ, cầu cho mưa thuận gió hòa, làng xóm yên bình, mùa màng tươi tốt.
Đồng thời, thông qua lễ hội này, các tộc họ trên đảo sẽ chọn ra những trai đinh khỏe mạnh, can trường để sung vào đội dân binh, có nhiệm vụ dong thuyền ra khơi dựng bia, cắm mốc xác lập chủ quyền tại 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Theo các nhà nghiên cứu, tuân mệnh triều Nguyễn dong thuyền mở cõi Hoàng Sa, người Lý Sơn tại các làng đã chọn ra những chàng trai khỏe, giỏi bơi lội nhất tham gia tranh đua. Từđây chọn ra những người giỏi nhất để đi Hoàng Sa, Trường Sa, nội dung này được ghi chép tại gia phả của các tộc họ trên đảo.
Đối với cư dân đảo Lý Sơn, Lễ hội đua thuyền Tứ linh không đơn thuần là một môn thể thao, mà còn mang tính tâm linh, bởi các thuyền đua được mô tả thành những con vật tượng trưng cho sức mạnh. Cụ thể là thuyền Long, thuyền Lân, thuyền Quy, thuyền Phụng.
Với vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa lâu đời của người dân Lý Sơn, tháng 9/2020, Lễ hội đua thuyền Tứ linh được BộVăn hóa - Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Theo ông Lê Văn Ninh - Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, để gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị Lễ hội đua thuyền Tứ linh, huyện đã tổ chức điều tra, khảo sát, nghiên cứu lập hồ sơ khoa học để đề nghị công nhận lễ hội này là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
“Thời gian qua, huyện cũng thường xuyên tái hiện không gian lễ hội trong dịp Tết Nguyên đán, dịp lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, sự kiện Tuần lễ Văn hóa - Du lịch. Huyện sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền về bảo tồn văn hóa phi vật thể Lễ hội đua thuyền Tứ linh để người dân có ý thức bảo vệ di sản, đặc biệt là phải gìn giữ nguyên trạng hình thù bộ đầu, đuôi tứ linh từ xưa”, ôngNinh cho biết.
Lễ hội đua thuyền Tứ linh vốn là tài nguyên trong hệ thống du lịch văn hóa tâm linh của huyện đảo, nay được nâng tầm thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là cơ hội để Lý Sơn tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là du lịch.
Trải qua gần 200 năm, Lễ hội đua thuyền tứ linh ở Lý Sơn vẫn được bảo tồn. |
Độc đáo thuyền đua
Hàng năm, từmùng 4 - 8 Tết Nguyên đán người dân huyện đảo và nhiều du khách từ đất liền lại tìm đến Lý Sơn để xem Lễ hội đua thuyền Tứ linh. Mỗi hội thường có 8 thuyền đua. Mỗi thuyền đua là của một làng trong xã và được lựa chọn trang trí theo hình ảnh tứ linh. Các thuyền này thường được đặt ở các lăng, miếu, đình làng để thờ cúng.
Trước khi tham gia đua, tối hôm trước hoặc sáng sớm hôm sau, mỗi đội thuyền đều tổ chức cúng tế thần linh theo những nghi thức riêng. Trên đường đến trường đua, các thuyền phải quay đầu vào bờ để lạy thần linh, gọi là “xin phép”.
Trường đua thuyền trên đảo Lý Sơn là trên biển gần bờ, gần các lăng, miếu, đình làng. Một cuộc đua gồm 4 vòng đôi (tức 8 vòng chiếc), tổng chiều dài khoảng hơn 4 hải lý.
Các bậc cao niên ở đảo Lý Sơn đúc kết rằng, nếu thuyền Long về nhất thì năm đó có sự đổi mới toàn bộ về mặt kinh tế - xã hội, thuyền Lân vềnhất thì có sự thay đổi về mặt xã hội, thuyền Quy về nhất thì sẽ làm ăn thuận lợi cả biển và nông nghiệp, thuyền Phụng về nhất thì cả nghề biển và nghề nông sẽ cực kỳ phát đạt.
Ngoài ra, người dân Lý Sơn cho rằng, đội thuyền của làng nào về nhất thì năm đó xóm làng sẽ bình yên, mùa màng bội thu cho nên trai tráng làng nào cũng ra sức tranh tài. Người được tuyển vào đội đua phải được lựa chọn kỹ càng để bảo đảm có cả sức khỏe và sự khéo léo.
Thuyền đua được đóng theo dáng thon, nhẹ sao cho có thể lướt nhanh trên sóng nước. Trước đây, mỗi thuyền chỉ đóng cho 14 trai làng ngồi đua. Tuy nhiên, thời gian gần đây, do nhu cầu được tham gia thuyền đua, mỗi thuyền thường có tới 24 chàng trai tham dự. Ðội nào cũng có đồng phục riêng với khăn đỏ chít trên đầu.
Mỗi lần diễn ra Lễ hội đua thuyền Tứlinh, không khí sôi nổi, náo nhiệt khắp một vùng biển với tiếng reo hò cổ vũ và hình ảnh những tay chèo ra sức tăng tốc để sớm về cán đích. Ðây không phải hội đua thuyền duy nhất nhưng có lẽ là trường đua thuyền lớn nhất và quy củ nhất của nước ta.
Lễ hội đua thuyền tứ linh không chỉ hấp dẫn bởi sự kịch tính, khí thế thi đua giữa các đội thuyền, mà còn thu hút bởi những trang trí tinh xảo của mỗi thuyền đua, nhất là phần đầu và đuôi tứ linh của thuyền.
Người dân nơi đây cho rằng, thuyền trang trí càng đẹp càng mang lại may mắn, hứng khởi cho đội đua nên người được giao vẽ và trang trí thuyền đua phải là các nghệ nhân có tay nghề cao để có thể thổi hồn vào linh vật.
Nghệ nhân Bùi Thanh Hên - người đã hơn 30 năm gắn bó với nghề vẽ thuyền đua tứ linh, cũng là người được cho là trang trí đầu, đuôi thuyền tứ linh đẹp nhất hiện nay ở Lý Sơn cho biết, cái khó nhất của công việc này là phải biết vận dụng các chi tiết, màu sắc mang tính đặc trưng của tứ linh để thổi hồn của từng linh vật cho mỗi chiếc thuyền đua. Hơn nữa, mỗi lần làm là mỗi lần đòi hỏi sự sáng tạo để sản phẩm sau không lặp lại sản phẩm trước, vì vậy người thực hiện luôn phải đổi mới, linh hoạt.
Theo ông Hên, trước đây, đầu và đuôi thuyền đua tứ linh thường làm bằng gỗ, khi các thuyền va đập dễ bị cong, vênh, thậm chí sứt, vỡ. Chính ông đã sáng tạo thay gỗ bằng mút để chuyên làm các bộ đầu, đuôi thuyền. Ðặc tính của mút là nhẹ, mềm, có độ dai, do vậy khi các thuyền va chạm, các chi tiết trang trí khó bị hỏng hơn, nhờ đó mà độ bền cao hơn.
Nhưng cái khó là mỗi tấm mút chỉ dày 5 phân nên để tạo thành khối, phải mất nhiều thời gian để ghép các tấm lại sao cho thật khít, từ đó mới có thể đẽo, gọt, tạo hình theo ý muốn. Nếu không thạo nghề, phải mất 2 - 3 tháng mới xong một bộ đầu, đuôi. Như ông Hên, dù là người lão luyện cũng mất tới một tháng để hoàn thiện, cộng thêm khoảng một tuần trang trí cho thuyền.
Để làm và trang trí nên một chiếc thuyền đua tứlinh không phải là điều mà ai cũng có thể làm được. Quan sát từng chi tiết, họa tiết trên thuyền mới thấy sự công phu, tài hoa của thợ vẽ. Những nét vẽ tỉ mỉ, uyển chuyển, phối hợp ăn ý giữa pha trộn các sắc màu đã làm nên “thần thái” cho chiếc thuyền. Không chỉ vậy còn tạo nên sự độc đáo trong văn hóa đời sống của người dân đảo Lý Sơn qua Lễ hội đua thuyền Tứ linh, góp phần gìn giữ nét đẹp truyền thống bao đời của người dân miền biển đảo.