Tượng đồng Bồ tát Tara - Báu vật của nền Phật giáo Chămpa cổ đại

(PLVN) - Tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng (TP Đà Nẵng), bức tượng Bồ tát Tara bằng đồng nổi bật, thu hút người xem bởi những nét chạm trổ tinh tế. Bức tượng được một người nông dân tình cờ phát hiện vào năm 1978, tại làng Đồng Dương, xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. 
Ảnh Phật viện Đồng Dương chụp trong chuyến thám hiểm của đoàn Henri Parmentier năm 1902.
Ảnh Phật viện Đồng Dương chụp trong chuyến thám hiểm của đoàn Henri Parmentier năm 1902.

Báu vật của nền Phật giáo Chăm- pa cổ đại

Nơi phát hiện ra bức tượng Bồ tát Tara quý giá thuộc khu phế tích của Phật viện Đồng Dương, từng là một kỳ quan kiến trúc Phật giáo lớn của Chăm Pa. Phế tích này được chuyên gia khảo cổ học Mỹ thuật người Pháp là Parmentier khai quật từ đầu thế kỷ XX và nhận ra đây là một Phật viện lớn được xây dựng vào khoảng thế kỷ IX với một phong cách nghệ thuật rất độc đáo. Ông đã đặt tên phong cách đó là Đồng Dương. 

Năm 1978, trong lúc đào đất làm gạch, người dân khu vực di tích Đồng Dương đã phát hiện ra bức tượng bị chon sâu chừng 1,5m dưới lòng đất. Lúc được tìm thấy, bức tượng trong thế nằm ngửa, đầu quay về hướng Tây, chân quay về hướng Đông. Phía trên bức tượng phủ nhiều đất cùng các lớp gạch vụn. Xung quanh bức tượng có một lớp gạch hình tròn với đường kính khoảng 1,50m.

Bức tượng được đưa về Bảo tàng Điêu khắc Chăm Pa ở Đà Nẵng vào năm 1981. Thoạt đầu tượng còn mang lớp áo patin màu xanh gỉ đồng như ngọc, hiện đã được tảy rửa làm lộ ra lớp da đồng màu nâu ánh kim chắc nịch. Cả ba phần chính của bức tượng: đầu - mặt - cổ / thân - vai - ngực / hông - thắt lưng – chân, đều được thể hiên bằng những thủ pháp nghệ thuật điêu khắc riêng biệt nhưng rất điêu luyện.

Tượng bồ tát Tara trưng bày tại Điêu khắc Chăm tại Đà Nẵng.
Tượng bồ tát Tara trưng bày tại Điêu khắc Chăm tại Đà Nẵng.  

Tượng Bồ tát Tara được khắc họa trong tư thế đứng thẳng vừa trang nghiêm vừa mỹ miều, thân hình cân đối với bộ ngực căng đầy để trần. Vị Bồ tát Tara mặc một loại sà-rông hai lớp kéo dài từ eo xuống phía dưới với những đường xếp sắc sảo, mềm mại. Trên đầu Bồ tát Tara đội một chiếc mũ Jatamukuta cổ điển bọc lấy bộ tóc quấn cao ở bên trong. Phía trước mũ có hình vị Phật A-di-đà.

Khuôn mặt có hàm vuông của Bồ tát Tara ánh lên vẻ trang nghiêm, trí tuệ nhưng không kém phần dịu dàng, thuần khiết, bao dung. Phía trước trán tượng khắc một hình thoi lõm sâu, được gọi là Huệ nhãn. Hai hàng lông mày được khắc sâu nối liền nhau qua gốc mũi. Bức tượng được khắc với sống mũi cao, thẳng, nhọn ở đầu mũi cùng khuôn miệng rộng và cặp dày, toát lên nét nhân chủng Chăm. Đồng thời, chứa đựng những nét đặc trưng của phong cách nghệ thuật Đồng Dương thời bấy giờ.

Đôi bàn chân trần của bức tượng mang hình dáng của “bàn chân Siva” truyền thống. Các ngón chân thon dài và phần móng được cắt gọt gọn gàng, đơn sơ, chân thực và toát lên phong cách tạo tượng phóng khoáng, hiện đại.

Nhiều nhà nghiên cứu đã cùng nhận định rằng, tượng Bồ tát Tara được xem là tác phẩm bằng đồng lớn nhất của nghệ thuật điêu khắc Chăm đến thời điểm hiện tại với chiều cao 1148m.

Cận cảnh khuôn mặt Mẹ Tara.
Cận cảnh khuôn mặt Mẹ Tara.  

Tới thời điểm hiện tại, bức tượng thu hút khách tham quan không chỉ vẻ đẹp của những đường nét chạm trổ tinh tế mà còn bởi những 2 hiện vật bị mất ở đôi tay của bức tượng. Theo các chuyên gia, vật thứ nhất là một bông sen nở gồm 5 cánh đều đặn ôm gọn sát một bát sen tròn bên trong. Bông sen này tượng trưng cho sự tinh khiết, trí tuệ, tình yêu thương, sự sinh sôi nảy nở. Vật thứ hai là con ốc biển có chiều cao 7,2cm tượng trưng cho sự chủ trì mọi âm thanh, là vũ khí để thanh lọc, tập hợp, ban phát niềm hy vọng cho mọi loài vật trên thế gian. 

Trong cuốn sách Phật viện Đồng Dương, PGS.TS Ngô Văn Doanh đã kể lại cuộc trao đổi với ông Trà Gặp - một trong ba người phát hiện pho tượng.

Ông Gặp cho biết lúc mới tìm thấy, nhóm ông cho rằng tượng công chúa bằng kim loại quý nên đập gãy hai vật nhỏ cầm trên tay để xem thực hư. Từ sự tò mò này mà cổ vật quý lại phát sinh một chuyện nữa. Khi tượng được đưa về bảo tàng thì con ốc và đóa sen hiện vẫn còn được giữ ở xã Bình Định Bắc mãi đến nay.

Truyền thuyết về những nữ thần Tara

Theo truyền thuyết gắn liền với Phật giáo Tây Tạng, ngàn năm trước, trong rừng sâu ở Ấn Độ có những nữ tu, tu luyện theo phương pháp bí truyền. Họ được gọi là yogini. Mạnh mẽ, độc lập và nghiêm khắc, những yogini đã đạt được trạng thái tâm không mong cầu.

Người Tây Tạng gọi họ là những nữ thần Tara. Tara còn có nghĩa là “ngôi sao”, là ngôi Sao Bắc Đẩu, là ánh sáng soi đường cho những người bị lạc đường, là hiện thân của năng lượng ánh sáng. Thần Tara là người mẹ giàu lòng thương yêu và cũng là người bảo vệ mạnh mẽ, kiên cường, chinh phục những khó khăn. Ánh mắt của thần sáng như ánh chớp, thần giậm chân khiến đất phải rung chuyển, quỷ thần cũng phải kinh sợ.

Theo một truyền thuyết khác, trong vô số kiếp tại một cảnh giới khác có công chúa tên Yeshe Drawa, nhờ sở học và trí tuệ thông minh, công chúa có niềm tin kiên cố nơi Ba ngôi Tam Bảo, và nhờ sự quán chiếu về tính chất bất như ý của cuộc sống luân hồi nên công chúa phát nguyện giải thoát khỏi tất cả mọi đau khổ. 

Hai hiện vật được xem là gắn liền với tượng Bồ Tát Tara.
Hai hiện vật được xem là gắn liền với tượng Bồ Tát Tara.  

Do thấu hiểu rằng tất cả chúng sinh đều giống như mình, mong muốn hạnh phúc và không muốn đau khổ nên Công chúa đã trưởng dưỡng lòng từ bi hướng về tất cả các loài hữu tình. 

Nàng không thích lối sống xa hoa nơi cung vàng điện ngọc và phát nguyện dẫn dắt hàng chục ngàn chúng sinh trên bước đường giải thoát vào trước mỗi bữa ăn sáng thậm chí còn nhiều hơn nữa trước khi đi ngủ. Vì nhân duyên này Nàng được xưng tụng là Arya (bậc tôn quý) Nàng có thể chứng ngộ trực tiếp bản chất của thực tại và danh xưng này biểu lộ các hạnh nguyện giải thoát của Nàng.

Các vị Trưởng lão tâm linh đã khuyên Nàng nên tu tập phát nguyện để tái sinh trong thân hình nam giới và đạt tới giác ngộ. Tuy vậy Nàng đã phát nguyện thành tựu giác ngộ trong hình tướng Nữ và liên tục hóa thân trở lại trong hình tướng nữ để giải thoát chúng sinh.

Trong tín ngưỡng Phật giáo Tây Tạng, thần Tara thực sự là một vị thần trẻ đẹp, có khả năng hóa thân. Thần có thể hiện ra trong màu xanh, màu trắng, đỏ, hay màu của vàng. Mỗi màu đều có ý nghĩa riêng của nó. Phía sau đầu của thần Tara là ánh sáng của trăng tròn, là biểu tượng của áng sáng soi sáng trái đất. Ánh sáng đem lại sự mát lành, xóa tan đau khổ của vòng luân hồi.

Thần thường được thể hiện dưới hình tượng ngồi trên một tòa sen nở và một chiếc đĩa tròn hoặc đứng. Vòng quanh thần là một vòng lửa màu vàng, mà lời kinh cầu nguyện số 21 nói rằng: “như lửa cháy ở cuối thời đại này”.

Trên mỗi bàn tay, thần Tara nhẹ nhàng cầm một cành hoa dài màu xanh trắng, hoa Utpala, một loại hoa có mùi hương thơm ngọt giống như hoa sen, loại hoa mọc trên bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn. Hoa Utpala là sự trong sạch tự nhiên, mà theo Gehlek Rinpoche nói “để có thể là người trong sạch, hãy hành động một cách trong sạch”.

Ba ngón tay của tay trái thần Tara chỉ lên để biểu hiện ba thứ quý giá, đó là: Đức Phật, Phật Pháp và Giác Ngộ, hay sự tự giải phóng (tự tại). Tay phải duỗi ra, ngửa bàn tay về phía trước với một cử chỉ mời gọi. Genlek Rinpoche nói “thần Tara nói với những người bị mất hi vọng và không có ai giúp đỡ, rằng: 'hãy lại đây, ta đang ở đây”. 

Thần có những sợi lụa mềm được trang điểm bằng những hạt châu báu, dái tai dài và thanh nhã. Trên thực tế, các Đức Phật thì không đeo châu báu, nhưng nữ thần Tara lại mang châu báu. Những châu báu này sáng lấp lánh như sự cảnh báo về những đau khổ trên trần thế.

Bồ tát Tara là vị Phật mà đại đa số phật tử theo truyền thống Kim Cương thừa - Đại thừa luôn gửi gắm mọi sự cầu nguyện, bởi tin tưởng vào sự bao dung và che chở của Người. Người ta có thể cầu nguyện tới Ngài bằng cách tán tụng bài 21 lục Độ Mẫu hoặc trì chân ngôn của Ngài. 

Đọc thêm