Kết quả của sự sáng tạo từ nghệ nhân Óc Eo
Giữa năm 1937, người dân tại ấp Lợi Mỹ, làng Phong Mỹ, Sa Đéc cũ, thuộc cuối rìa phía Nam Đồng Tháp Mười (nay là tỉnh Đồng Tháp) đã tìm thấy bức tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni bằng gỗ, vì vậy sau này tượng được đặt tên là tượng Phật Lợi Mỹ.
Nhận thấy giá trị độc đáo của tượng gỗ nặng hơn 100 kg, tỉnh trưởng Sa Đéc lập tức gửi công văn đến Thống đốc Nam kỳ thông báo. Sự việc được viện Viễn Đông Bác Cổ tiếp nhận, thẩm định.
Ông Louis Malleret, nhà khảo cổ chuyên về nền văn hóa Óc Eo, Viện Viễn Đông Bác Cổ đánh giá tượng có tính thẩm mỹ cao, thể hiện nghệ thuật điêu khắc của người Óc Eo sống khoảng 1.500 năm trước và yêu cầu mau chóng đưa vào bảo tàng Blanchard de la Brosse nay là Bảo tàng Lịch sử TP HCM hiện nay.
Bức tượng có kích thước lớn và hoàn chỉnh với chiều cao 200cm, rộng 50cm và đường kính bệ là 41cm. Pho tượng nặng 100kg này được các chuyên gia thuộc Viện Viễn Đông Bác Cổ đánh giá cao về mặt giá trị, cũng như tính thẩm mỹ trong nghệ thuật điêu khắc của các nghệ nhân Óc Eo những ngày đầu Tây lịch.
Tượng Phật được chạm khắc hoàn toàn từ một thân gỗ trai nguyên khối, trong tư thế đứng thẳng trên một bệ sen hai tầng. Tầng trên gồm một lớp cánh tròn, đầu cánh thuôn nhọn với nhiều lớp xen kẽ, cùng phần nhụy giữa tạo thành bệ. Tầng dưới gồm một lớp đài sen úp, hai lớp cánh được tạc trên một nền trụ tròn như để đỡ đài sen. Phần đầu của tượng đội mũ miện tròn, đỉnh có chóp nhọn, được gọi là Usnisa.
|
Tượng Phật Thích Ca Mâu Ni còn gọi là Phật Lợi Mỹ - Ảnh tư liệu |
Về danh tính của nhân vật được tạc tượng, các chuyên gia nhận định đây là một trong những tiêu bản tạc Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Ngài được tạo tác có khuôn mặt hơi gãy, miệng dường như đang mỉm cười với hai vành môi hiện rõ và chiếc cằm hơi đưa ra. Khuôn hàm của người được điêu khắc vuông vức, đôi tai cong và dài gần chấm vai. Thân tượng được tạc khá thon mảnh, bờ vai xuôi với hai tay gập vuông góc, đưa ra ngang ngực.
Những sự khác biệt này của tượng Phật Lợi Mỹ cũng làm dấy lên nhiều nghi ngờ về việc liệu đây có thực sự là hình tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Bởi hình tượng nguyên thủy của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni được thờ ở Thánh đại Bồ Đề Đạo Tràng tại Ấn Độ có nhiều điểm khác biệt với tượng Phật Lợi Mỹ.
Tuy nhiên, những người khẳng định đây là hình tượng của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni lại cho rằng: Tượng Phật ở các nước châu Á như Tây Tạng, Trung Quốc, Nhật, hay các nước Đông Nam Á như Lào, Miến Điện, Việt Nam… trong đó có tượng của người Óc Eo, không nhất thiết phải giống với khuôn mặt Phật của người Ấn Độ. Trong kinh nói rõ, khi thành đạo, cùng với danh hiệu Thích Ca Mâu Ni, Đức Phật vượt khỏi khuôn khổ chật hẹp của một thân người để hóa hiện pháp thân thường trụ chu biến khắp các cõi. Như vậy, ở đâu Đức Phật khai thị và giáo hóa chúng sanh thì ứng thân thị hiện của Ngài cũng sẽ tùy vào đó mà hòa hợp với con người nơi ấy.
Điều này cho thấy sự sáng tạo của những nghệ nhân Phù Nam cổ, không dừng lại ở đó, họ còn thể hiện tài năng của mình bằng việc thể hiện đôi mắt tượng với một bên nhắm và một mắt mở khẽ.
Không chỉ dừng lại đó, sự sáng tạo đa dạng của họ còn chứa đựng ở phần đôi mắt tượng, với một mắt nhắm và một mắt mở khẽ. Trong bộ luận Đại Trí Độ có nội dung về 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp của Đức Phật, ghi rõ: Khi Phật nhắm mắt, điều đó biểu hiện Ngài đang an trú vào đại định, hay còn gọi là trạng thái thiền định sâu xa. Khi Ngài mở mắt, nhưng khép lại quá nửa theo hướng nhìn xuống, thể hiện trạng thái thiền định nội quán, tức quán chiếu nội tâm, tự mình soi xét bản thân, lấy đó làm việc bổn phận, nhận rõ tự tánh đi đến giác ngộ.
Bên cạnh nét độc đáo vừa kể trên, tư thế thủ ấn của tượng Phật Lợi Mỹ cũng trở thành đề tài hấp dẫn đối với nhiều nhà nghiên cứu Phật giáo trong nước và thế giới. Tượng Phật khoác y kín hai vai, phủ dài đến chân tạo thành hình vòng cung, làm nổi bật hai bàn tay đưa ra phía trước. Đáng chú ý, bàn tay phải của tượng với ngón trỏ và ngón cái chạm vào nhau, ba ngón còn lại để thẳng một cách thong thả, hiện rõ tư thế bắt ấn. Theo học giả Alexander Grisworld, đây có thể là biến tướng của động tác thuyết pháp Dharmachakramudra, được hiểu là ấn Chuyển pháp luân.
Còn Ttong cuốn “Mỹ thuật và kiến trúc Phật giáo” của Robert E. Fisher, thủ ấn Vô úy thí có nghĩa “Ngài có hai bàn tay đặt ngang ngực, lòng bàn tay đưa tới đằng trước và tượng dường như là một biểu tượng của cử chỉ an ủi (Vitarkamudra)”.
Giai đoạn thăng hoa của nghệ thuật điêu khắc Óc Eo
Văn hóa Óc Eo là một nền văn hóa cổ hình thành và phát triển trên cơ tầng bản địa trong khoảng 10 thế kỷ đầu Công nguyên, cách ngày nay khoảng 2.000 năm ở khu vực Đồng bằng Nam bộ. Tên gọi nền văn hóa này là do nhà khảo cổ học người Pháp Louis Mallerret đặt ra sau cuộc khai quật khảo cổ học đầu tiên năm 1944 tại khu di tích Óc Eo thuộc xã Vọng Thê, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang.
Những khám phá khảo cổ học sơ kỳ thời đại đồ sắt ở Nam Bộ (cách ngày nay 2.000-2.500 năm) đã chứng minh nguồn gốc bản địa của văn hóa Óc Eo. Các di tích này tuy phân bố ở những tiểu vùng sinh thái khác nhau nhưng đều hàm chứa những yếu tố sẽ phát triển thành đặc trưng của văn hóa Óc Eo, mà biểu hiện rõ ràng nhất là trong đồ gốm. Ngoài ra, đóng góp không nhỏ vào sự hình thành nền văn hóa này là những yếu tố văn hóa Sa Huỳnh ở cực Nam Trung bộ và nhiều yếu tố ngoại sinh khác, mà điển hình là tiếp xúc, trao đổi và tiếp biến với văn hóa Ấn Độ.
Theo TS Nguyễn Thị Hậu, tượng thờ Bàlamôn và Phật giáo bằng đá và bằng gỗ, một số ít bằng đồng, được tìm thấy trong nhiều di tích và rải rác trên khắp vùng Nam bộ cả miền Tây và miền Đông. Giai đoạn phát triển rực rỡ nhất cuả nghệ thuật điêu khắc Hindu giáo và Phật giáo ở đây là từ thế kỷ thứ V - VII. Sự đa dạng về loại hình và hình thức thể hiện đã phản ánh sự phức tạp và đan xen cuả các nguồn gốc ảnh hưởng trong đó chủ yếu là nghệ thuật Ấn Độ, đồng thời vẫn thể hiện rõ xu hướng hiện thực – bản điạ hóa các hình tượng tôn giáo Ấn Độ.
Về loại hình không phải chỉ có tượng và biểu tượng thần phật mà còn có nhiều hình tượng linh thú, thần thoại trong điện thờ Ấn Độ giáo và Phật giáo. Đặc biệt trong văn hóa Óc Eo có những pho tượng Phật bằng gỗ khá lớn và độc đáo như sưu tập tượng gỗ ở di tích Gò Tháp. Truyền thống nghệ thuật tượng cổ ở Nam bộ còn được duy trì và phát triển trong giai đoạn sau, từ thế kỷ 8 trở đi mà nhiều nhà nghiên cứu tạm gọi là “Giai đoạn hậu Óc Eo”.
Nghệ thuật Phật giáo và Ấn Độ giáo đến đồng bằng sông Cửu Long thông qua giao lưu trao đổi các vật phẩm chủ yếu bằng đường biển, chúng góp phần làm giàu thêm văn hóa bản điạ và là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy sự hình thành, phát triển các trung tâm tôn giáo- văn hóa- kinh tế- chính trị lớn ở vùng đất này trong những thế kỷ đầu Công nguyên.
Sau hàng ngàn năm bị hoang phế bởi thiên nhiên (lũ lụt, sự bồi lấp cuả phù sa), bởi những nguyên nhân xã hội như chiến tranh, sự phá hoại vô thức cuả con người, dấu tích văn hoá Óc Eo chỉ còn là những phế tích và “các mảnh vụn” của nghệ thuật, kỹ thuật chế tạo sản phẩm phục vụ mọi mặt đời sống xã hội. Việc sưu tầm, lưu giữ, nghiên cứu và bảo tồn di tích - di vật văn hóa Óc Eo, tiêu biểu như bức tượng Phật Lợi Mỹ sẽ góp phần làm sáng tỏ quá trình khai phá, mở mang và phát triển vùng đất Nam bộ một cách xác thực nhất.