Tướng Nguyễn Công Nhàn Kỳ I: Dấu ấn binh nghiệp nơi chiến trường

(PLO) -Làm tướng trải ba đời vua Nguyễn, tài năng được bảo chứng từ những ân thưởng của vua qua bao chiến thắng trên chiến trường, Hùng dũng tướng Nguyễn Công Nhàn xứng đáng được lưu danh vào sử nhà Nguyễn cho một tài năng toàn tài văn võ.
Đền thờ Hùng dũng tướng công Nguyễn Công Nhàn.
Đền thờ Hùng dũng tướng công Nguyễn Công Nhàn.

Theo Đại Nam chính biên liệt truyện, Nguyễn Công Nhàn người đất Biên Hòa nhưng không rõ làng nào, bởi thời điểm Liệt truyện ra đời thì đất Biên Hòa đã là nhượng địa cho Pháp, nên sử quan không tra xét được. Trong Biên Hòa sử lược toàn biên thì cho rằng ông ở huyện Phước Chánh, tỉnh Biên Hòa. Dẫu vậy, Đại Nam thực lục lại chép quê quán của ông ở đất Bình Định: “Tổng đốc An Hà là Nguyễn Công Nhàn gặp tang mẹ, chuẩn cho do đường quan lộ về quê hai tháng để lo việc tang. Nhàn là người tỉnh Bình Định”. 

Thân thế “Hùng dũng tướng”

Thần chủ đặt tại đền thờ Nguyễn Công Nhàn nơi đất Cao Lãnh, Đồng Tháp cho hay, thân phụ ông là quan Lưu thủ dinh Quảng Đức (Huế) Nguyễn Công Hòa, từng làm quan tới chức Khâm sai Cai cơ thời chúa Nguyễn, sau được phong là Anh Liệt tướng quân. Mẹ ông là Uyên Tĩnh tục nhơn Nguyễn Thị Quốc (tự là Lại). Kế nghiệp cha, Nguyễn Công Nhàn được theo học Anh Danh giáo trường (trường đào tạo võ quan) tại Phú Xuân (Huế), được bổ làm lính hiệu nhờ học giỏi.

Ấy, xuất thân từ một lính hiệu, nhưng bằng tài năng thiên bẩm và được đào tạo bài bản, Nguyễn Công Nhàn dần thay đổi vị trí của mình, in dấu sự nghiệp trong lịch sử nhà Nguyễn chứ chẳng thường đâu. 

Theo những hậu duệ đời thứ 5, thứ 6 của tướng Nguyễn Công Nhàn hiện sống ở Đồng Tháp, vị tướng họ Nguyễn Công có ít nhất hai bà vợ. Bà chính thất tên Nhựt (Nhật), còn bà kế thất không rõ tên.

Sau này khi Nguyễn Công Nhàn mất đi, con cháu vị “Hùng dũng tướng” để tránh bị giặc truy lùng, phải thay tên đổi họ thành họ Châu, sinh cơ lập nghiệp nơi đất Đồng Tháp. Ngôi mộ vị tướng nhà Nguyễn theo con cháu cho hay, nay còn ở ấp Hưng Thành Tây, xã Long Hưng A, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. 

Dấu ấn bình Man 

Lấy tay kiếm, đường gươm làm đường tiến thân bởi hơn người ở khoản võ nghệ, công nghiệp, danh tiếng của tướng Nhàn được tạo lập trong buổi cuối thời trị vì của vua Minh Mạng và vua Thiệu Trị cùng khoảng đầu thời tại vị của vua Tự Đức. 

Danh tiếng của vị tướng dòng họ Nguyễn Công, được sử nhà Nguyễn lần đầu nhắc đến, là từ năm Ất Mùi (1835). Khi ấy, theo ghi chép của Đại Nam thực lục, Nguyễn Công Nhàn đang làm Quyền sung Quản vệ vệ Hòa dũng “chuyên đốc việc đào một chỗ đường hầm ở mặt tả, đã suốt được đến đầu quách. Các Tướng quân, Tham tán, Lãnh binh đem việc tâu lên. Vua sai thưởng thụ chức Chư quân Phó Vệ úy, sau đổi bổ làm Quản cơ cơ Hòa Thắng”. Đây là lần đầu tiên quân công của Nguyễn Công Nhàn được chép lại.

Tài liệu Hán Nôm về Nguyễn Công Nhàn.

Tài liệu Hán Nôm về Nguyễn Công Nhàn.


  Cũng năm này, Nguyễn Công Nhàn nhiều lần tham gia tiễu trừ người Man thiểu số phản trắc. Đại Nam thực lục cho hay, khi thì cùng Thành ủy úy Tống Hữu Quỳnh đem 300 lính, 3 thớt voi cùng đi đánh người Man ở Bình Thuận nổi loạn nơi Giang Mang, Thạch Bích thuộc Khánh Hòa. Tháng 4 lại cùng Quản vệ Nguyễn Đức Lễ đem 600 lính đánh người Man làm phản tại núi Thạch Cốc, đốt hết đồn trại của chúng.

Đến tháng 6, đánh giặc ở rừng Long Bàn làm cho chúng khiếp sợ mà trốn chạy. Ghi nhận công lao của ông, tháng 8 năm ấy, Nguyễn Công Nhàn được vua Minh Mạng gia quân công 1 cấp. Không lâu sau vào tháng 11, ở Bình Thuận có tên Lầy xúi giục người Man quấy nhiễu các sách Man đã hàng phục, Nguyễn Công Nhàn lại cùng Lãnh binh Vũ Văn Nguyên đem quân lùng bắt, chiêu dụ người Man. Tên Lầy bị bắt, còn Công Nhàn được vua lại gia quân công 1 cấp. Ghi nhận những công lao diệt ngụy, bình Man của ông, tháng 9 năm Bính Thân (1836), Quản cơ Nguyễn Công Nhàn được làm Phó Vệ úy vệ Khánh Hòa. 

Dấu ấn binh nghiệp đất Nam Bộ

Đến năm Mậu Tuất (1838), Nguyễn Công Nhàn được sung đi đồn thú ở Tiền Giang. Kể từ đây, ông liên tiếp lập công trên chiến trường vùng đất Nam Bộ của Tổ quốc. Điểm qua những lần lập công nơi trận tiền của Nguyễn Công Nhàn nơi miền đất Nam Bộ, ta có thể sơ lược qua một số chính tích ông lập được. 

Năm Mậu Tuất (1838), bấy giờ bọn tên Châu, tên Di ở Khai Biên tỉnh Hà Tiên làm phản, trốn lên núi Dao Bốc. Nguyễn Công Nhàn liền cùng Phó Lãnh binh Nguyễn Tiến Phúc đem quân tiễu phạt, bắt sống được bè lũ của chúng. Tin ấy lan về triều, vua Minh Mạng “thưởng cho Công Nhàn kỷ lục quân công và ngân tiền hạng lớn, rồi thăng Vệ úy, nhưng vẫn cai quản vệ binh lưu đóng thú ở đấy” (Trích Liệt truyện). Đến tháng 3, theo lời thuật của Đại Nam thực lục, vua lại lần nữa thăng thưởng ông khi “Cho Phó Vệ úy vệ Khánh Hòa là Nguyễn Công Nhàn làm Vệ úy để đóng ở thành Trấn Tây (thuộc Chân Lạp – Người dẫn chú). Nhàn là người siêng năng tài cán, sai phái được việc”.

Đối với quân Xiêm hay xâm phạm cương vực, bờ cõi quốc gia, Nguyễn Công Nhàn nhiều lần tham chiến, làm cho giặc phải thua mà rút lui. Cuối năm Kỷ Hợi (1839), Nguyễn Công Nhàn đang làm Phó Lãnh binh thành Trấn Tây, thì quân Xiêm kéo đến sát Chi Trinh.

Nhận biết tình hình địch, ông tuyển 100 quân tinh nhuệ đánh ập vào đội hình của chúng, kẻ bị cắt tai, đứa bị đâm chết. Giặc ỷ đông vây thành, tự lượng sức quân chỉ có ngót 200, Nguyễn Công Nhàn lệnh đào hố để tránh đạn giặc bắn, giữ thành không trực tiếp giáp chiến, chủ động chờ viện binh.

Gần một tháng sau, khi Lãnh binh Đoàn Văn Sách đem quân tiếp viện, ông liền mở cửa thành để trong đánh ra, ngoài đánh vào, vây địch ở giữa mà diệt. Vua biết tin, khen ngợi ông là “cố giữ thành trơ trọi, giặc không dám phạm, lại có thể ra quân kỳ binh, giết giặc dựng công, thực là có dũng có mưu, rất là đáng khen” (Trích Đại Nam thực lục). 

Cũng năm ấy vào tháng 11, khi Đoàn Văn Sách cùng em là Đoàn Văn Lộc và tướng hiệu Hoàng Văn Quang bị rơi vào trận địa phục kích của giặc, Nguyễn Công Nhàn dẫn quân tiếp cứu buộc giặc phải lui. Tin đưa về triều, như Liệt truyện chép, vua ban khen mà dụ rằng “Công Nhàn lấy cô quân giữ đồn lâu mãi, giặc không dám phạm. Đến sau lúc giải vây, Sách gặp phục kích bị thương. Nhàn dấn thân giết giặc cứu Sách, đáng khen là dũng tướng. Chuẩn thưởng cho Nhàn 1 chiếc nhẫn vàng khảm mặt pha lê, và 1 đồng kim tiền phù lang, lại gia cho 1 cấp quân công”.

Nhờ những công lao lập được, nên năm Canh Tý (1840), Công Nhàn được bổ làm Lãnh binh Trấn Tây (thuộc Chân Lạp). Ở vị trí này, ông được vua ban cho tấm bài vàng “hùng dũng tướng” để đeo. Ấy là khi giặc ở Sa Tôn nổi lên, Công Nhàn đem 700 quân tiến đánh, hạ 10 đồn, chém và bắt sống, thu vũ khí của địch nhiều không kể xiết. Vua nhớ những lần lập công xưa, liền đặc cách ban cho ông tấm bài vàng “hùng dũng tướng” như đã nói ở trên để đeo, có ý khen ngợi đặc biệt một vị tướng anh hùng, dũng lược hiếm có.

Chiến công ở đất Sa Tôn này không chỉ thế là dừng, mà sang thời vua Thiệu Trị nối ngôi năm Tân Sửu (1841), vua truy xét công lao, thăng Công Nhàn làm Chưởng vệ, sung Tham tán. Tháng 9 năm Tân Sửu (1841), Nguyễn Công Nhàn cùng Đoàn Văn Sách “đem 3.000 quân thẳng tới Lạc Hóa hội đánh” (Trích Quốc triều sử toát yếu), rồi hợp cùng Phạm Văn Điển đánh tan quân Xiêm ở Súc Sâm. 

Sang năm Nhâm Dần (1842), khi quân Xiêm xâm phạm bờ cõi, Nguyễn Công Nhàn đang ở Vĩnh Tế. Sau khi nhận định tình hình địch, ông thấy địch nhiều, ta ít nên không thể trực tiếp giáp chiến, nên liền đem một toán quân đánh thẳng vào trung đoàn giặc, các tướng khác thì hợp sức vây đánh.

Quân Xiêm nhanh chóng tan vỡ. Cái tài nhận diện chiến trường và lấy ít địch nhiều của ông, được vua Thiệu Trị khen ngợi hết lời, rằng “Nhàn lấy quân một đạo mà đánh phá ba đồn sở của giặc, đã đánh là được, trí nghĩa vẹn toàn” (Trích Liệt truyện). Sau đấy, ông được bổ làm Đô đốc An Giang, rồi thưởng thêm 1 cấp quân công, phong tước. Sự ân sủng của vua với ông, kể cũng đáng trọng.  

Cũng năm này, đồn giặc ở Sâm Phủ, Bàn Ly bị Nguyễn Công Nhàn cùng Tổng thống Lê Văn Đức, Tôn Thất Bạch hiệp quân tiêu diệt. Bởi thế, ông lại được bổ làm Tổng đốc An Hà. Đặc biệt hơn, như lời ghi trong Liệt truyện, vua còn gia ân cho ông được phép “phàm các chương tấu, tờ từ được ghi chữ “hùng dũng tướng” lên trên chữ họ tên”. Rõ là một cách gia ân hiếm có đối với vị tướng tài.../.

(Mời xem tiếp trên Pháp luật 4 phương số 55, ngày 30/5/2016) 

Đọc thêm