Hồ sơ ảo giảm
Theo ông Nguyễn Văn Long (Trưởng phòng Giáo dục Chuyên nghiệp, Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa) cho biết: Năm nay, số lượng hồ sơ đã giảm 14.000 bộ .
Con số thống kê ở Sở GD&ĐT Vĩnh Long là 14.500 hồ sơ thí sinh đăng ký dự thi ĐH - CĐ, giảm hơn 1.500 hồ sơ so với năm 2013.
|
Đã bớt hồ sơ "ảo", nhưng nhiều thí sinh vẫn chọn những ngành thừa nhân lực (Ảnh minh họa) |
Tại TPHCM, sở GD&DT thành phố lượng hồ sơ ĐKDT năm nay giảm hơn 20.000 hồ sơ so với năm 2013. Ước chừng có khoảng 120.000 hồ sơ trong khi năm 2013 có trên 143.000 hồ sơ.
Thống kê của Sở GD-ĐT Đồng Nai cũng cho thấy lượng hồ sơ năm 2014 khoảng 42.000, giảm đến 6.000 hồ sơ so với năm 2013. Tương tự, Sở GD-ĐT Bình Thuận cho biết hồ sơ năm nay của học sinh cả tỉnh nộp là 24.098 hồ sơ (năm 2013 là 30.000 hồ sơ), giảm gần 6.000 hồ sơ.
Tại Hà Nội, trả lời báo chí, ông Ngô Văn Sự (Phó trưởng phòng giáo dục chuyên nghiệp, Sở GD&ĐT Hà Nội) cho biết: Năm nay thành phố có 152.000 hồ sơ đăng ký dự thi đại học, cao đẳng, giảm hơn 10.000 so với năm trước.
Tại tỉnh Thái Bình, Sở GD-ĐT thống kê toàn tỉnh năm nay có 35.000 hồ sơ đăng ký dự thi đại học, cao đẳng giảm 8.000 bộ so với năm ngoái. Năm 2013, con số này là trên 43.000 bộ.
Với việc số hồ sơ nộp dự thi của thí sinh tại rất nhiều tỉnh, thành lớn giảm mạnh có thể phần nào đó khẳng định được khả năng tự đánh giá năng lực bản thân và sự thay đổi nhận thức của các bạn học sinh trong việc lựa chọn hướng đi cho tương lai. Điều này cũng cho thấy rõ sự định hướng đúng đắn, khẳng định hiệu quả, ý nghĩa to lớn của hoạt động tư vấn tuyển sinh.
Ngành Kinh tế vẫn “hút”
Trái với dự đoán từ ban đầu, năm nay, số lượng thí sinh đăng ký vào các ngành kinh tế năm nay có xu hướng tăng.
Đây là điều khá ngạc nhiên trong bối cảnh kinh tế đang suy giảm, ngành kinh tế đang dư thừa nhân lực, người học dễ thất nghiệp khi ra trường. Hơn nữa, điểm thi đầu vào của các trường kinh tế danh tiếng cũng khá cao, rất nhiều trường cắt giảm chỉ tiêu đào tạo kinh tế.
Theo thống kê của Sở GD-ĐT Hà Nội, Học viện Tài chính có 4.700 hồ sơ, ĐH Kinh tế quốc dân có 4.900 hồ sơ, Học viện Ngân hàng cũng có 4.900 hồ sơ và ĐH Thương mại có 3.800 hồ sơ...
Tại Thanh Hóa, năm 2013, Học viện Tài chính chỉ đứng thứ 26 về lượng hồ sơ thí sinh dự thi thì năm nay vươn lên vị trí thứ 5 với khoảng 1.600 hồ sơ, ĐH Kinh tế quốc dân cũng vươn lên vị trí thứ 8 với 1.078 hồ sơ, ĐH Thương mại 1.064 hồ sơ...
Nguyễn Trung Kiên ( học sinh trường THPT chuyên Lê Quý Đôn- Điện Biên) chia sẻ: “Em rất thích học kinh tế, dù hiện tại kinh tế đang trong tình trạng khó khăn, nhân lực dư thừa. Nhưng em tin rằng kinh tế sẽ sớm được phục hồi và ổn định trở lại. Chỉ cần có đam mê và nỗ lực hết mình thì em nghĩ mình vẫn sẽ có nhiều cơ hội việc làm trong ngành kinh tế”.
Tiến sỹ Trần Mạnh Dũng ( Trưởng phòng Đào tạo Học viện Ngân hàng) cho biết: “Khối ngành kinh tế, cụ thể là tài chính - ngân hàng đang gặp khó khăn vì kinh tế đang trong giai đoạn suy thoái. Do đó thị trường lao động, đầu ra của thí sinh gặp khó khăn so với trước. Tuy nhiên, nếu sinh viên vào học sau 4 năm sau thị trường sẽ khác, thí sinh yêu thích vẫn có thể tự tin dự thi".
Số lượng hồ sơ đăng kí thi ngành kinh tế tăng là nỗi lo ngại của các bạn thí sinh, vì tỉ lệ chọi sẽ khá cao, nhất là với những trường top đầu về kinh tế. Tuy nhiên đây cũng vẫn là tín hiệu đáng mừng vì đâu đó niềm tin về sự phục hồi trở lại của nền kinh tế đang phát triển theo hướng tích cực.