Những đồn đại bủa vây
“Dư luận đồn trước khi tôi bị giam một cách bất hợp pháp: “Vì ông Thiệu quá đa nghi ông Đời” nên đã ra tay tận diệt tôi. Còn có những suy đoán khác, có cái gần đúng, có cái trật lất, như:
1. Ông Thiệu thất bại trong việc ngăn chặn tôi bành trướng uy tín thế lực.
2. Khi tôi ra ứng cử Dân biểu, đã ra lệnh cho Tỉnh trưởng Kiên Giang tìm cách cho tôi thất cử, mà tôi vẫn thắng vẻ vang.
3. Khi tôi ra ứng cử Chủ tịch Phòng Thương Mại, Công Kỹ Nghệ, đã ra lệnh cho các bộ có ảnh hưởng với Thương Kỹ Nghệ Gia, không nên bỏ phiếu cho tôi, kết quả tôi vẫn thắng cử.
4. Ông Thiệu muốn mua cổ phần của Tín Nghĩa cho gia dình bên vợ đứng tên, bị từ chối nên mất mặt, buồn phiền, nổi giận và dẹp Tín Nghĩa Ngân hàng, để lập một ngân hàng lấy tên Mékông, cho anh em cột chèo là Tám Nguyên tức Nguyễn Xuân Nguyên mà một dạo người này độc quyền phân bón, ai cạnh tranh đều bị bắt giam.
5. Mời ông Đời làm phụ tá chính trị, kinh tế thay thế cho Phụ tá Dược sỹ Nguyễn Cao Thắng đã chết, tôi nhiều lần từ chối, càng làm cho ông Tổng thống Thiệu nghi ngại sự bất hợp tác nên bắt ngay.
6. Sợ ông Đời ra tranh cử Tổng thống, hoặc sẵn tiền trong tay, ông Đời sẽ ủng hộ một liên danh nào đó ra tranh cử nên đã dùng sách “Tiên hạ thủ vi cường”.
7. Ông Đời lấy bớt 2 triệu dollars của Tổng thống Thiệu nhờ ông Đời đem ra ngoại quốc.
8. Đi hành quân ở mật khu, bắt gặp toàn tiền có nhãn hiệu Tín Nghĩa Ngân hàng, ghim trên xấp bạc.
9. Tín Nghĩa Ngân hàng giữ tiền của các tướng lãnh, gửi “mật quỹ” dùng để đảo chánh, sợ phi tang nên lừa tôi đi vắng, ra mật lệnh cho cảnh sát đột kích đóng cửa, lục soát.
Một nước chậm tiến, mà có Tổng thống đa nghi như ông Thiệu, và sử dụng lòng đa nghi để củng cố quyền hành. Mỗi khi nghi ai, dùng quyền để loại trừ hoặc thủ tiêu là việc cố nhiên.
Nhờ sự bình tĩnh của một doanh nhân, ông Đời vẫn đắc cử dân biểu bất chấp sự phá hoại của Tổng thống |
Người ta còn phao truyền ác ý trong lúc tôi bị giam với báo chí để đăng tin: “Tôi có người nấu ăn, hầu cận, mỗi ngày cao lầu mang thức ăn vào theo thực đơn, phòng giam có máy lạnh, có tivi…”. Rồi cho rằng:
“Ông Đời bị đè chích xì ke bạch phiến, nên mỗi lần tới cữ ghiền, phải quỳ lạy các tù ghiền để được bố thí…”. Nói như vậy là chứng tỏ thêm một cách bôi nhọ vô lý, chớ tôi khi bị giam, có 8 lính gác, rồi cho rằng “tôi có hầu cận, được biệt đãi đủ điều” thì làm sao “bị đè chích”.
Sự phao truyền này, đến nỗi năm 1982, khi tôi gặp lại bạn bè ở Canada, Mỹ đều hỏi: “Anh đã cai ghiền được chưa?” Sự tai hại của dự luận, ảnh hưởng sâu xa đến bậc nào? Nhưng sự thật vẫn là sự thật.
Mới tuần trước cho rằng: Được biệt đãi, hưởng tiện nghi đầy đủ, tuần kế tiếp lại có tin “bị đè chích xì ke, bạch phiến, mỗi lần ghiền lên phải quỳ lậy các tù ghiền để được mua thuốc, cho cữ ghiền đỡ hành hạ”. Cứ mỗi lần tin đồn được báo chí đăng, ngày sau đó ông Lê Công Chất ở Bộ Nội vụ được lệnh vào xét.
Sự thật, tôi bị biệt giam trong hầm tối của tử tội, sợ tôi thông đồng với bên ngoài, nên được canh gác 8 người, gồm 2 cảnh sát Đô thành, 2 của Tổng nha, 2 của Quận 10, 2 Giám thị để họ dòm ngó lẫn nhau, sợ các Tướng lãnh cướp tù.
Sự phao truyền đã ăn sâu, lan rộng đến nỗi, bạn bè cũng phải thắc mắc, sau này trong những dịp gả cưới, con của cựu Đô trưởng Đỗ Kiến Nhiễu ở San Francisco (Mỹ) ông ta hỏi nhỏ tôi: “Anh bị đè chích xì ke, nay đã cai ghiền được chưa?”.
Như vậy mới hiệu rõ dụng tâm của chánh quyền Thiệu đã tung tin, ác ý, tai hại đến mức nào cho tương lai của tôi. Trong khi đó, đến ngày nay một điếu thuốc lá, tôi chưa hề hút.
Chẳng hiểu ông Thiệu có buồn phiền gì tôi không? Nếu có, là khi bị tôi từ chối bán cổ phần, làm phụ tá chính trị để kinh tài cho ông.
Nhưng có điều chắc chắn, sau khi Tín Nghĩa Ngân hàng bị giật sập, ông Thiệu lại cho lập một ngân hàng Mékông do người anh em cột chèo đứng tên. Đó là ông Tám Nguyên như đã nói trên. Đó chính là vua phân bón và buôn lậu có xe hộ tống còi hụ Long An”.
Quá khứ “vua” cao ốc
Ôn lại thời kỳ trước khi trở thành “đại gia” ngân hàng, ông Đời từng được Sài Gòn mệnh danh là “vua cao ốc”. Ông Đời hồi ức:
“Có người gọi tôi là “Vua gạch bông, Vua Building, Vua Ngân hàng” chứ ít ai biết tôi còn là “Vua chuyển ngân”.
Dư luận nghĩ rằng: nhờ mở Tín Nghĩa Ngân hàng, nên tôi mới có nhiều tiền, hay làm kinh tài cho ông Thiệu… Một số người nữa, cho là tôi tay trắng, chẳng có gì. Đến thời Đệ nhị Cộng Hòa mới khá. Tất cả đều lầm, tôi đã có tiền từ lâu, từ hồi ông Thiệu còn là Trung úy, chưa làm Tổng thồng..
Tôi xây cao ốc (building) Mai Loan, số 16 đường Trương Công Định từ năm 1953, khi ông Thiệu chỉ là một sĩ quan cấp úy mơ hồ. Cao ốc Mai Loan gồm 125 phòng, số phòng không nhỏ vào thời kỳ đó. Đường Trương Công Định nối liền với đường Gia Long và chợ Bến Thành, cao ốc Mai Loan nằm ở giữa góc đường Trương Công Định, Nguyễn An Ninh.
Ông Đời từng được mệnh danh là “vua cao ốc” nhờ sở hữu nhiều căn nhà cao tầng cho thuê những năm 1960 - 1970 |
Khu vực này là trung tâm thương mại, trung tâm báo chí của miền Nam Việt Nam. Trong đó có trụ sở báo Dân Chúng, của ê kíp ông Trần Chánh Thành, Bùi Anh Tuấn, vua truyện trinh thám một thời. Tòa soạn báo Tiếng Chuông, nhà in Nam Sơn, nơi giáo sư Nguyễn Văn Trung in tạp chí Đất Nước. Những cơ sở báo chí cách cao ốc Mai Loan độ 100, đến 200 thước.
Gần đó, phía tay phải của cao ốc này, có tiệm phở Gia Long, nơi tập trung đông đảo ký giả, tờ báo sống của Chu Tử cũng ở đây. Ngay tại cao ốc Mai Loan, có tòa soạn tạp chí Hiện đại Miền Nam và những tạp chí Sáng tạo, Thế kỷ 20, Văn học…
Tạp chí Hiện đại do nhà thơ Nguyên Sa làm chủ nhiệm, nhà thơ Thành Nam chủ bút, quản lý là nhà thơ Thái Thủy, nhà văn Trịnh Viết Thành lo việc phát hành. Nhà thơ Nguyên Sa thuê 2 phòng của cao ốc Mai Loan, 1 căn ở lầu 3 làm tòa soạn, 1 căn ở lầu 2 không biết để làm gì.
Chính vì Hiện đại đặt trụ sở ở đấy, nên “bản doanh” của anh em Hiện đại, cũng là một cái quán nhậu bia 33 và thịt bò khô, ở căn tiệm dưới đất của cao ốc. Quán Mỹ Xuyên nhỏ này có hân hạnh tiếp đón những danh sĩ của thời đó. Trong số đó có thi hào Vũ Thành Chương, có thi hào Đinh Hùng, nhà văn Mặc Đổ, nhà triết học Nguyễn Văn Trung, nhà thơ Trần Dạ Tử, nữ sĩ Nhã Ca…
Cao ốc Tân Lộc nằm trên đường Lê Thánh Tôn, số 177-179, gồm 90 phòng, xây năm 1955, sau Mai Loan 2 năm. Đến năm 1956 xây thêm Victoria, số 937 Trần Hưng Đạo, gồm 240 phòng. Năm 1960 có thêm Président Hotel số 727 cũng đường Trần Hưng Đạo, phía gần Sài Gòn, có 1200 phòng. Như thế, tôi nhiều tiền từ hồi nào chắc quý vị đã rõ. Nghĩa là trước năm 1966, trước khi làm chủ Ngân hàng bất đắc dĩ.
Ngoài ra, còn một số cao ốc như: Đức Tân, 491 Phan Thanh Giản, Prince ở 175 - 177 Phạm Ngũ Lão, Sài Gòn, đều do tôi giúp đỡ tạo dựng. Đức Tân xây cho gia đình bên tôi, Prince cho bên vợ, nhạc gia tôi lúc sinh tiền, ước ao nhưng chưa làm được. Cao ốc Prince chính là nơi xưa kia người ở, và cũng là nơi tôi mướn làm văn phòng, tôi phải đứng ra cho thuê, thâu lại những số tiền ứng trước để xây cất.
Nhà cho Mỹ mướn vào thời gian cố vấn Mỹ bắt đầu tới Việt Nam, những năm của thập niên 50 đã khá, đến thập niên 60, nhất là khúc sau đảo chánh 1963, khi quân nước ngoài kéo vào Việt Nam, cho Mỹ mướn nhà là dịch vụ bằng vàng.
Nếu có 1 - 2 căn biệt thự, phố lầu ở khu Trương Minh Giảng hay gần phi trường mà cho thuê là có tiền. Còn tôi được diễm phúc có những cao ốc tọa lạc giữa trung tâm Sài Gòn, trên những trục lộ lưu thông hạng nhất, số phòng lên tới 1655, mỗi phòng đều được trang bị máy điều hòa, phòng tắm, vệ sinh tối tân…
Tôi còn là một thương gia, kỹ nghệ gia trong ngành sản xuất: gạch, ngói, gạch bông, gạch men, dụng cụ xây cất nhà cửa… Vì ở vị trí tốt, nên dễ quan sát nhu cầu nhà cửa, tôi cảm thấy nhà cửa ở Sài Gòn thiếu thốn trước làn sóng người di cư vào Nam.
Tôi cảm thấy nhu cầu này càng rõ rệt cùng lúc số cố vấn Mỹ mỗi ngày gia tăng, về mọi ngành: Phái bộ viện trợ kinh tế, kỹ thuật, và sau chót là quân sự của đồng minh Hoa Kỳ. Vì lẽ đó, tôi dồn hết vào sự đầu tư ngành xây cất, tiếp tục sản xuất dụng cụ gạch ngói, xây cất.
Khám Chí Hòa, nơi ông Đời bị giam hai năm |
Giá cả so sánh năm 1956 với năm 1970, 1 chiếc lavobo, 1 bao xi măng trắng đắt gấp 10 lần. Vàng năm 1956 khoảng 4,000$ 1 lượng, đến năm 1970 giá trên 10,000$. Nhưng giá vật liệu xây cất đã bỏ xa tỉ lệ ấy. Vì nhu cầu xây cất vọt cao, như là một cuộc chạy đua tốc độ.
Chỉ bán những vật dụng xây cất, tôi đã “ăn to”. Ai xây gì mà không phải ghé tới Đời Tân? Trong gần 20 năm nhờ Trời thương, nên tôi có tiền vô như nước, nhờ trúng mối các cao ốc, đúng lúc quân nước ngoài ào ạt đổ vô Việt Nam. Lúc đó nhà cửa đắt như vàng”.
Tỷ phú ra ứng cử dân biểu
“Những năm 1960, tôi ra ứng cử Dân Biểu Rạch Giá, Kiên Giang. Khi tôi vừa bước lên để diễn đàn, tôi cũng bị họ sắp đặt trước để mắng chửi, phủ đầu tôi một cách thậm tệ.
Sự việc như sau: Tôi vừa bước lên khán đài để thuyết trình: “Kính thưa đồng bào. Tôi sinh trưởng ở miền tây, tôi hiểu rõ nỗi khổ của đồng bào hơn ai hết. Tôi đã thành công trên đường sự nghiệp, mà tôi không tự mãn, nên tôi ra ứng cử để có dịp giúp đỡ đồng bào…”. Đến đây tôi bị la hét, cốt áp đảo tinh thần, không cho tôi mở lời, bằng những lời thô tục: “Mày là tài phiệt, mày xạo chớ làm gì mày giúp đỡ đồng bào ruộng rẫy”.
Tôi tức quá liền chỉ tay xuống đám đông hỏi, tại sao anh chửi tôi? Họ đáp: “Tao chửi mày, mày làm gì tao?”. Tôi giận quá, nhưng chưa kịp suy nghĩ, nếu cãi vã, không giải quyết được cái gì mà làm cho thất cử nhục nhã. Tôi đành cắn răng nuốt nước miếng, sau một phút suy nghĩ, đành vui vẻ khen anh ta:
“Tôi khen anh rất can đảm, đã dám công khai chửi tôi trước dân chúng, nhưng xin anh hãy nghĩ lại quyền lợi của anh, của đồng bào có mặt hoặc vắng mặt hôm nay, xin cho tôi bày tỏ, rõ ràng lập trường của tôi trước, sau đó mặc tình đồng bào khen chê, chửi mắng tùy ý cũng không muộn…”.
Anh ta chưa kịp phản ứng, đồng bào hô to: “Đồng ý”.
Tôi được tiếp tục: “Kính thưa đồng bào, tôi giúp đồng bào bằng cách thiết thực, cho đồng bào vay tiền lúa để khỏi bán lúa non, đợi khi lúa tới mùa có giá, bán lúa trả tiền cho tôi.” Anh ta liền chửi: “Làm sao mày dám cho vay nhà nông. Nó nói láo, láo quá bà con ơi! Đả đảo nó”…
“Tôi xin cảm ơn anh và đồng bào cho tôi giải thích”, vừa nói, tôi vừa bước xuống, mời người đại diện vùng Cái Sắn bước lên khán đài: “Tôi xin giới thiệu đây sẽ là đại diện cho tôi. Trách nhiệm cho vay, vị này sẽ ước lượng số sào, mẫu trồng lúa, lượng định số lúa giặt được trong mùa, tôi sẽ trao tiền qua tay người đại diện. Người đại diện có trách nhiệm trao cho đồng bào…”
Đến đây, đồng bào vỗ tay hoan nghênh nhiệt liệt. Nhưng vừa dứt sự hoan nghênh, anh ta bồi thêm một cú: “Mày sinh trưởng ở Long Xuyên, sao mày không ra ứng cử ở đó, mà lại ra ứng cử tại đây?...”.
Tôi lên tiếng: “Kính thưa đồng bào, xin đồng bào cho biết, có phải tỉnh Long Xuyên là tỉnh thanh bình và giáp ranh với Rạch Giá hay không?”. Họ đồng thanh trả lời: “Đúng, đúng như vậy…”.
Một góc Sài Gòn khoảng năm 1970 |
Tôi tiếp thêm: “Long Xuyên đã là tỉnh thanh bình, nếu không ra ứng cử ở đó, vậy có gì để giúp đồng bào, sở dĩ tôi ra ứng cử tại đây, là một tỉnh ven biên chịu đau khổ về chiến tranh nhiều nhất, tôi mới có dịp phục vụ đắc lực cho đồng bào, bằng cớ quyết tâm của tôi là đã mở một chi nhánh Tín Nghĩa Ngân hàng tại đây”.
Đồng bào vỗ tay hoan hô, sau đó đã dồn phiếu cho tôi, và đã đắc cử vẻ vang, dù rằng ông Nguyễn Văn Ngân, đại diện cho Tổng Thống Thiệu làm đủ cách cho tôi thất cử , có thể họ đã đưa “anh chàng chửi” để bịt miệng, để tôi thất cử mà không được.
Nỗi ấm ức trước bất công xã hội
Tôi không được du học nước ngoài để mang về cho xứ sở nhiều ý tưởng mới lạ, tân tiến, nhưng những năm đi học ở Sài Gòn tôi cũng hấp thu một số kiến thức, tôi hiểu thế nào là lẽ công bằng. Tôi biết yêu mến con người, trông nom cơ sở của ông cha, ruộng vườn của tổ phụ.
Hàng ngày chứng kiến những điều bất công, tôi đứng ra cầm đầu phe tá điền, để đưa ra những yêu sách chế giảm những chủ trương cố hữu của chủ điền.
Tá điền lúc đó ở nước ta quá nghèo khổ. Muốn cày cấy đầu tiên phải có lúa giống, không có họ phải đi vay. Hễ vay hột giống thì khi tới mùa gặt tới, phải trả 1 thành 2, bất kể được mùa hay mất mùa. Câu “trả 1 thành 2” nghe thì thật đơn giản, nhưng thật ra là lời 100% trong vòng từ đầu mùa tới cuối mùa gặt. Nếu mất mùa, hẹn đến mùa sau thì lại nhớn thêm lên.
Người tá điền thưở đó sống trong tình trạng lệ thuộc vào người chủ điền như nô lệ Hằng năm, các đám giỗ tổ tiên của chủ điền, phải đến làm xâu trước 5, 3 ngày, như gánh nước bổ củi, lau, sơn nhà, cắt cỏ, quét sân… Dĩ nhiên khi tới, không phải là tới tay không, phải đem theo nạp những lễ vật như: gà thiến, cá to, vịt, nếp gạo phải sàng sảy lấy nguyên hột, để góp vào phần cúng biếu…
Trước những bất công to lớn đó, tôi cùng với các tá điền, đứng ra tranh đấu. Xin bỏ lệ nạp các lễ vật cúng biếu, để cho tá điền tự nguyện không được đòi hỏi, xin được chiết giảm mức lời vay hột giống những năm mất mùa.
Cha tôi nổi giận lôi đình, người gọi là “nghịch tử” la rầy, có lần lấy roi gân bò rượt, tôi chạy bỏ nhà lánh mặt một ngày. Má tôi đi tìm, bắt về và giải thích cho tôi hay, đó là những luật lệ thông thường của các chủ điền, tất cả các nơi nào cũng áp dụng như nhau, nếu không tin cứ việc đi hỏi sẽ rõ.
Vì vậy mà ba tôi không thể chấp nhận những thỉnh cầu, không cãi được. Tôi chọn biện pháp khác, vờ đồng ý, nhưng khi thâu lúa, bỏ thêm thẻ cho tá điền, họ chung lúa ít mà thành đủ số, nhờ đó mà họ đủ cơm ăn.
Khi lúa bán, số thâu và số bán khác biệt, tôi phải giải thích lấy cớ là lúa đông lúa nặng, nhẹ, hoặc do ngoại kiều cân già mà ra. Tôi đã đối xử với những tá điền, với tinh thần công bằng, tình người…
Vì bản chất của tôi, được ông cha rèn luyện, tự vệ bằng lời nói, bằng sức lực riêng mình, như thế ít nguy hiểm cho mình, cho người. Lúc thiếu thời, coi đất điền của tổ phụ, tôi có dịp học võ, được thầy dạy theo tinh thần “võ sĩ đạo”, nên dù tôi đã học và sử dụng một cây roi rất là lão luyện, nhưng tôi vẫn giữ tinh thần đó.
Dù khi làm Dân biểu, tai nạn xảy đến liên miên, tôi cũng không hề có cây súng trong tay, nhưng các cộng sự viên của tôi e ngại, có nhờ an ninh theo hộ vệ cho tôi mà thôi.
Tôi nhớ có lần, bị cha mẹ rầy oan: Đi săn bắn với các bạn ở rừng Tánh Linh, đem về một con nai xẻ thịt ăn và phơi khô. Ba má tôi giận rầy la: “Con ngày nay nghèo quá, phải đi rượt bắn giết mới có thịt ăn, con vật nó cũng muốn sống như mình, sao lại nhẫn tâm đuổi giết?”.
Cũng vì muốn răn dạy tôi, nên đã tuyệt thực 2 ngày để niệm kinh sám hối cho tôi. Thật sự, kỳ đó nói đi săn cho oai, chớ tôi có bắn viên đạn nào đâu, tôi chỉ đi theo cho vui…
Lần nữa các bạn tôi lên “club” để trượt nước, sẵn dịp có mang theo súng hơi để bắn chim cò ăn chơi, quanh vùng cầu Bình Lợi, thấy họ nhổ lông làm thịt (vì nhà ba má ở kế bên), tôi cũng bị la rầy, buộc ở lại ăn chay một ngày để ghi nhớ…
Đường phố Sài Gòn khoảng 1968 |
Hai sự việc trên đây làm tôi nhớ lại, hồi tôi lên 6 tuổi, gia đình tôi đã khép vào khuôn phép, nghiêm ngặt, phải nén tánh ham chạy nhảy, la hét… Đến năm 8 tuổi, trong những ngày lễ lộc, giỗ quảy (kỵ cơm)… phải khăn áo chỉnh tể, đứng chắp tay bên bàn thờ, sẵn sằng để được sai bảo, tập tiếp dọn đồ cúng quảy, bưng trà nước sao cho khỏi đổ, sao cho không nghe tiếng khua động.
Đi phải ngay ngắn, khoan thai, ngồi phải ngó trước ngó sau, có ai hỏi đến mới được nói, nói phải lễ độ, thưa dạ rành mạch, ăn thì phải ngồi ngay thẳng, chờ đủ lượt người lớn gắp, mới được bắt đầu, gắp đồ ăn thì không được với xa, lựa món ăn phải bằng con mắt trước rồi gắp sau, gắp đồ ăn thì không được lựa miếng lớn, hoặc lựa miếng này miếng kia.
Ăn không được ăn nhanh, nhai và húp canh không được mở miệng lớn và nghe tiếng, ngồi ăn thì phải để tay ngay thẳng, không được phép chống tay lên bàn.
Nền giáo dục xưa, quá nghiêm khắc như vậy có thể trái với tuổi trẻ, nhưng quả là đã luyện đức tính: Kiên nhẫn, tự chủ tự trọng, thắng được mọi cảm xúc thể theo con đường mà cổ nhân tin và cho là một tư cách cao, một nhân phẩm quý, nhờ đào luyện khuôn khổ ấy: Một tư cách cao là một quyền lực mạnh; Một người tuy nhỏ tuổi mà có tư cách cũng làm cho người lớn kiêng nể.
(Còn tiếp)
Trong thời gian những năm 1960, có người gọi tôi là “Vua Building, Vua gạch bông, và Vua chuyển ngân”. Tôi có rất nhiều tiền. Nhà cửa cho Mỹ mướn lúc đó là vàng, tôi đứng ở chỗ cao nhứt của núi vàng đó. Nhưng tôi cũng không làm kinh tài cho ông Thiệu, để có thêm một lượng vàng nào.
Để cho vấn đề thêm sáng tỏ, tôi không phải vì muốn khoe khoang, mà chỉ muốn trình bày sự thật. Tôi xin đi thẳng vào sự thật ghê gớm, ít ai biết. Ai cũng nhìn thấy cao ốc Mai Loan, Président, Victoria, Prince…
Cũng như hãng gạch bông Đời Tân, trên đường Trần Hưng Đạo, Sài Gòn, nhưng không ai biết chuyện Nguyễn Tấn Đời, trước khi trở thành vua building, gạch bông, ngân hàng, đã một thời vào thập niên 1945 - 1955, là vua chuyển ngân.
Vào thập niên 1945-1955, sau đệ nhị thế chiến, việc chuyển ngân sang Pháp cho du học sinh, chuyển ngân tiền tiết kiệm là một dịch vụ sinh lợi cho Pháp kiều mà cho cả nhiều giới Việt Nam. Nó chẳng những giúp tăng thêm lợi tức, mà còn giúp phương tiện cho du học sinh, nhờ chuyển tiền, tặng vật gửi đi Pháp rồi gửi tiền trở về, đã không làm nặng gánh cho gia đình.
Đến năm 1951, tôi nghĩ ra được cách làm giàu trong dịch vụ chuyển ngân này, song song với hãng gạch Đời Tân. Tôi tìm đến các cấp thẩm quyền, tổ chức, đề nghị các giới này để tôi đại diện, đứng ra xin chuyển ngân dùm cho người của họ, sau đó đi xin phép, ra tiền gửi, rồi mua lại để họ có tiền lời. Có lúc tiền vô như nước vỡ bờ, mỗi tháng chuyển ngân trên 30 triệu Việt Nam, lúc đó $1 Việt Nam đổi 17 hay 10 quan Pháp.