“Những năm 1960, khi những người đứng đầu chính phủ thường xuyên đến các vùng nông thôn, những năm đó tôi có dịp đi theo, vì nghĩ rằng việc nước là việc chung, dù kẻ thất phu cũng có trách nhiệm, không thể khoán trắng, trông cậy vào một mình ai, mà mình đứng ra ngoài, ngồi không, để chỉ trích khen chê… Dẫu có tài ba, tôi cũng cố gắng lập ra một vài dự án, trong sự hiểu biết và kinh nghiệm của mình, gọi là góp phần của một người công dân biết lo âu cho đất nước…”
Làm sao để lòng mình được an vui thanh thản?
“Sau khi thành công trên đường sự nghiệp, một ngày đẹp trời nọ, tôi đứng trên cao ốc, tầng 12 của President Hotel số 727 đường Trần Hưng Đạo Sài Gòn. Nhìn quanh tứ phía, tôi thấy nhà cửa dân nghèo ở thủ đô Sài Gòn, được gọi là “Hòn Ngọc Viễn Đông” hay “Sài Gòn hoa lệ”.
Người dân đang sống trong các chòi ọp ẹp, sình lầy, tối tăm, bẩn thỉu. Kém xa cuộc sống ở đồng quê, nhà tranh, vách đất mà có thoáng khí… Không kể có lũy tre xanh, hàng dừa cao, vườn rau, cây ăn trái, có sông sâu, đồng lúa vàng thơm ngát…
Tôi chạnh lòng nhớ đến những tá điền quen thuộc xưa kia. Họ mộc mạc, hiền lương, đầy tình người và thật thà giản dị…
Cũng tự nghĩ, dù tôi có giàu đến đâu đi nữa, chỉ được tiếng giàu có như “Thạch Sùng”, cũng chỉ ngày ba bữa ăn thôi, rồi khi chết, chỉ còn lại hai bàn tay trắng với một nấm mồ ở lòng đất lạnh…
|
Một chiếc máy bay HU-1B trên bầu trời Sài Gòn khoảng năm 1965 |
Nay tôi đã giàu có rồi, dư ăn dư để, thử hỏi tại sao tôi tiếp tục làm giàu thêm để sống một nếp sống ích kỷ, không nghĩ đến kẻ bất hạnh nghèo khó, chân lấm tay bùn, họ chỉ vì chiến trận mà bỏ cả nơi “chôn nhau cắt rốn”. Bỏ cả ruộng vườn, nhà cửa cũng vì chiến trận, họ tìm nơi lánh nạn, nên đã chịu ở chui rúc như ổ chuột…
Vậy tôi phải làm gì, trước để giúp dân, sau để lòng mình được an vui thanh thản, còn để lại tiếng tốt cho mai sau, hơn là cứ dấn thân vào tiền tiền, bạc bạc mãi…
Nhân dịp viếng thăm một vùng nông thôn, đến cư xá Tân Thuận Đông do chính phủ thành lập với mục đích di dân lập ấp, tôi nhận thấy đây là một sáng kiến hay. Nhưng người thừa hành, lúc thi hành chương trình lại quá cấp bách, cốt ý làm vừa lòng cấp trên, nên không làm sao tránh được những sơ sót, không thỏa mãn được người dân.
Người dân quê, trước kia dẫu họ làm ruộng rẫy, chân lấm tay bùn, tắm nước ao hồ, đốt đèn dầu cá, nhưng nay đời sống tối thiểu phải hưởng những tiện nghi tối thiểu, mang giày dép, thắp đèn điện, phải có nước sạch mặc dầu nước phải ra ngoài vòi nước công cộng lấy vào nhà xài.
Vậy mà nay nhiều nhà vẫn chỉ có túp lều lợp lá, mái tôn, cất trên sình lầy hôi hám, muỗi mòng. Người Việt Nam có câu “Ăn thì nhiều, ở chẳng bao nhiêu”. Họ ra ngoài đường kiếm ăn suốt ngày, lao động mệt nhọc, đâu còn tâm trí thời giờ để thưởng thức được sự ấm cúng dưới mái nhà.
Họ chỉ cần có chỗ để nghỉ, đụt mưa che nắng lúc về đêm, họ nằm xuống là ngủ thẳng chân thẳng tay. Đến hôm sau mờ sáng lại đi làm lụng kiếm ăn… Họ chỉ mơ được an thân, vừa đủ ăn, đủ ấm, họ chưa hề được quyền mơ một mái nhà khang trang, quần áo đẹp đẽ…
Vậy tôi cố làm sao giúp tạo được giấc mơ khiêm nhường mà họ chưa hề mong ước…
Cũng như cuộc đời của tôi, trước đây đâu dám mơ ước trở thành triệu phú, có nhà cao cửa rộng, lên xe xuống ngựa, kẻ hầu người hạ…
Khi tôi lên Sài Gòn, để lánh nạn, Tôi cũng chỉ mơ được bình an, đủ ăn đủ mặc, chờ ngày trở về sum họp với gia đình, tưởng rằng ra đi là vĩnh biệt, nào ngờ sự đời đưa đẩy tôi thành công vẻ vang…
Nghiên cứu và nhận xét, thấy nhiều chương trình chính phủ thật là hay đẹp, nhân đạo, chỉ vì người thừa hành muốn lập công, nên quá hấp tấp, thiếu thực tế, thiếu chuẩn bị, nên đã tốn kém nhiều công quỹ mà không thành công, bởi vì:
-Không khả cư hóa trước khi xây cất, nghĩa là không làm đường sá, cống rãnh, điện nước trước, nên đã vô tình buộc họ phải sống trở lại đèn dầu, xài nước giếng (có phèn), bước ra khỏi nhà là bùn đất…
-Không phương tiện di chuyển, lại ở xa xôi nơi họ kiếm ăn hàng ngày.
-An ninh ban đêm thỉnh thoảng lại thiếu.
Vì vậy người dân bực bội, cho rằng họ, “bị cấp nhà” mà không phải “được cấp nhà”. Họ có cảm tưởng chính phủ đã tạo cơ hội để đuổi họ ra khỏi nơi ăn, chốn ở cũ. Họ xem như chính phủ đã kỳ thị, và đầy ải họ đi xa, cho khỏi chướng mắt…
Nói đúng ra, lúc đó chính phủ muốn lo cho dân, giúp cho dân và cố tạo an ninh trật tự cho Đô thành Sài Gòn - Chợ Lớn. Nhân cơ hội người dân đang hoang mang, bất mãn nghi kị, thì mỗi khi có hỏa hoạn, biến động, lại có người bình luận rằng chính phủ cho đốt nhà dân, để đuổi dân xa lánh Thủ đô, kỳ thị kẻ nghèo.
Biết và thấy như vậy, đắn đo suy nghĩ mãi, rồi cũng tìm được một chương trình “1 người dân 1 mái nhà”, mà không tốn tiền công quỹ quốc gia, tôi bèn đem chương trình này, trình cho Phó Tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ, nhờ trình chính phủ.
Trước khi trình lên chính phủ, Phó Tổng thống Thơ xem chương trình rồi mời tôi đến để giải đáp các điều thắc mắc. Tôi trao đổi các quan điểm và các thắc mắc, sửa đổi tu chỉnh một vài điều.
|
Nhà ổ chuột bên rạch Bến Nghé |
Khi chính phủ nhận được chương trình của tôi do Phó Tổng thống Thơ trình lên với hảo ý, thì liền sau đó, tôi được cho mời vào dinh, để gặp và thảo luận. Sau một tháng dự án được chấp thuận trên nguyên tắc, rồi giao cho Phó Tổng thống Thơ nghiên cứu, bổ túc những điều cần thiết, pháp lý để thi hành, ra lệnh cho Bộ trưởng Bộ Công Chính là kỹ sư Trần Ngọc Oanh, xuất quỹ số kiến thiết quốc gia 500 triệu cho chương trình: “Một người dân, một mái nhà””.
Đại dự án mở mang Thủ Thiêm
“Nội dung đại cương dự án, tôi xin ghi lại sau đây:
Trước tiên tôi xin được chính phủ chấp thuận chương trình “một người dân một mái nhà” là một trong những lợi ích quốc gia và được tự trị. Ban hành một sắc luật cho chương trình này được đặc quyền:
1.Thương lượng, trưng dụng các chủ đất ở Đô Thành, và các tỉnh, mà các chủ đất đã để cất nhà chòi bừa bãi, thiếu vệ sinh, không giấy phép.
2.Dời nhà nói trên khỏi các miếng đất ấy, đến nơi an ninh và đầy đủ tiện nghi hơn.
3.Xuất quỹ “Xổ số kiến thiết” ra 500 triệu cho chương trình mượn, không lấy lời trong vòng 10 năm.
4.Ban toàn quyền cho ông Nguyễn Tấn Đời. người lập ra chương trình này, được toàn quyền điều hành, với điều kiện đem tất cả tài sản ra bảo đảm.
5.Ban quản lý tiền bạc do Bộ Tài chính đảm trách.
6.Ông Đời làm việc có tính cách bất vụ lợi và không hưởng thù lao.
7.Mua hoặc trưng dụng 500 mẫu đất từ bến Thủ Thiên đến Cát Lái để xây dựng chương trình.
8.Được quyền sử dụng cơ quan xáng thổi đất.
Chương trình sẽ được thực hiện như sau: Xáng xúc đất thành một con kinh, ngang 30 thước, sâu 25 thước, dài 500 thước. Đất được thổi lên hai bên bờ, tiếp theo là đào một hồ nhân tạo rộng 500 thước dài 1000 thước, sâu 15 thước, đất được thổi vào bốn bên bờ hồ.
Lập khu thương mại dọc theo bờ kênh và bờ hồ, bán lấy tiền bỏ vào quỹ.
Lập khu gia cư, biệt lập, sông lập bán lấy tiền bỏ vào quỹ để lập khu gia cư bình dân, cấp không cho dân được dời nhà.
Khả cư hóa, cầu cống, điện nước, đường xá trước khi xây cất.
Lập phà, xe bus qua lại liên tục giữa Thủ Thiêm và Đô thành.
Người dân được cấp nhà có đầy đủ tiện nghi còn gần công ăn, việc làm hàng ngày là Đô Thành Sài Gòn - Chợ Lớn.
Khi chương trình đã thành công, sẽ tiến đến các tỉnh, quận
|
Ngã tư Thủ Đức, xa lộ Sài Gòn - Biên Hòa vừa mới xây dựng |
Biện pháp giải quyết với chủ đất: Mời chủ đất đến thương lượng với các diện tích đất t bỏ hoang sình lầy, bị dân chiếm cất nhà thiếu vệ sinh, mà còn gây rối loạn trật tự, an ninh cho người dân khi có tai biến, hỏa hoạn…
Trước đây vì nhân đạo nên chính phủ đã ban ra một sắc luật, không cho chủ đất trục xuất nhà cửa xây cất bằng vật liệu nhẹ trên đất họ chiếm, gọi là bảo vệ người dân lánh cư. Điều này phải sớm chấm dứt.
Đất đã không mang lợi cho chủ đất và cho chính phủ, đất được sử dụng, chẳng những chủ đất có lợi, mà chính phủ cũng được lợi, vì thâu thêm được nhiều sắc thuế như: Thuế nhà, đất, môn bài, lợi tức… mà còn giúp thêm công ăn việc làm cho dân chúng.
Trường hợp giải tỏa đất giúp chủ đất, đất sẽ được định giá lại tùy vùng giá theo thị trường. Chủ đất phải trả phân nửa số tiền giá trị đất. Chủ đất được lấy đất sử dụng sinh lợi. Nếu có chủ đất nào ngoan cố, mới trưng dụng vào các tiện ích công cộng như: Bệnh xá, trường học… Khi đó đã có Chợ Lớn cũ, Chợ Lớn mới, tiến tới cũng có Sài Gòn cũ và Sài Gòn mới. Sài Gòn mới sẽ có bến ghe, tàu thương mại từ các tỉnh tải hàng về đô thành.
Khi đó kinh tế sẽ tiết giảm được phần ngoại tệ, nhập cảng đáng kể, như vỏ xe, phụ tùng xăng nhớt, chẳng những tăng thêm lợi tức quốc gia mà cũng tăng thêm phần lợi tức người dân.
Khu thương mại ở xung quanh bờ kênh, bờ hồ được ăn thông với sông Sài Gòn. Nên hàng hóa được vận chuyển bằng ghe, bằng thuyền, tàu giúp người tiêu thụ mua hàng được giá rẻ…
Người dân khi có hàng hóa, tự mình đem đi bán tận gốc tự do, rồi mua đổi vật thực tận gốc đem về xài, tránh nạn đầu cơ, đầu nậu đem xe hàng đi mua gom mua góp.
Mỗi dịp lễ, được tổ chức xung quanh bờ hồ, dưới nước thì treo giải thưởng cho các quận, đô thành và các tỉnh lân cận, tổ chức thi đua tàu máy, tàu buồm, chèo thuyền thả bắt vịt… Làm tăng thêm phần long trọng vui vẻ trong ngày lễ, mà còn tạo được phong trào thể thao lành mạnh…
|
Lắp đặt đường ống nước tại góc Phan Thanh Giản - Nguyễn Bỉnh Khiêm |
Trên lề mỗi đường trồng một loại cây riêng biệt có bóng mát. Cây trồng được bảo vệ bằng cách giao cho nhà nào ở gần cây đó nhất, trách nhiệm chăm sóc. Mở cuộc thi đua mỗi năm một lần, chấm thi cây đẹp nhất toàn vùng, đẹp nhất trong đường, ban khen tặng thưởng huy chương danh dự để làm nức lòng tranh đua và tô điểm thành phố.
Nhận xét về địa thế chợ Gia Định, vì nằm sát nách Đô Thành, địa điểm không đúng lên chợ này không thể phát triển, nên tôi đề nghị dời chợ Gia Định cùng một lúc với chương trình mở mang Thủ Thiêm, để mượn tiện nghi chương trình trên cho đỡ tốn kém công quỹ.
Địa điểm chợ Gia Định cũ đã không đúng mà còn được chính phủ cho xây lại y nơi cũ gần Tòa Tỉnh, ngay trụ lộ chính, kế bên Lăng Ông Bà Chiểu. Vì chợ nằm sai địa điểm chật hẹp, thường hay nhóm chợ ra ngoài đường cái, nhằm nơi trục lộ chính, rác rưới để đầy đường, đầy sân, ruồi muỗi hôi thối, kẹt xe cộ…
Đề nghị biến chợ Gia Định thành phòng thông tin và phòng đọc sách để tăng thêm sự hiểu biết của người dân và nâng cao dân trí…
Chợ Gia Định được dời đến bờ Kênh Cầu Sơn, phía sau hồ tắm Lido, để cho có đường thủy chuyển vận, vừa sạch sẽ vừa khang trang và có cơ hội phát triển mau lẹ… Biến vùng đất không giá trị này thành một khu thương mại, tăng thêm lợi tức quốc gia (tỉnh).
|
Trung tâm Sài Gòn 1965 |
Người dân khỏi đổ dồn vào Đô thành để mua sắm vật liệu cần thiết, làm nghẽn đường kẹt xe cộ, tốn phí thời giờ đi lại… Chợ càng được phát triển, kinh tế tỉnh càng mở mang, tăng thêm lợi tức đầu người, công quỹ tỉnh nhờ đó mà dồi dào, giảm bớt áp lực Đô thành thu hút người tiêu thụ làm nghèo nàn, xơ xác lệ thuộc vào Đô thành”.
Niềm tự tôn của một tỷ phú Việt
Đại dự án nói trên của tỷ phú Đời, tiếc rằng đã không thể thành hiện thực vì chính phủ VNCH liên miên đảo chính những năm 1960. Ông Đời sau đó đã xoay sang một lĩnh vực khác, như lời ông tâm sự:
“Việt Nam trước đó từ khi bị Pháp đô hộ, mất chủ quyền nên mọi quyền lợi đều nằm trong tay ngoại kiều. Người Việt Nam không được quyền chọn lựa nghề nghiệp theo khả năng và sở thích để thi thố tài nghệ của mình.
Tất cả ngành thương mại, kỹ nghệ đều bị hạn chế, chỉ có một số rất ít người Việt Nam đến được, được lựa chọn ưu đãi.
Sau thế chiến thứ 2, người Việt Nam mới được tự do lựa chọn nghề nghiệp, lần lượt thay thế những ngoại kiều bằng cách tạo mãi hoặc tạo dựng các ngành thương mại, kỹ nghệ Việt Nam.
Đặc biệt nghề Ngân hàng là một nghề được đóng kín thành một thế giới riêng biệt được cho là một nghề trí thức, sang trọng, cao cả hơn hết. Đối với đa số dân chúng trung lưu và bình dân thủa đó, là một nghề xa lạ, họ e ngại đi đến Ngân hàng như họ đến cửa quan. Phần đông các chuyên viên Ngân hàng thời đó được đào tạo do chuyên viên Pháp, của Đông Dương Ngân Hàng lúc đó rất là thủ cựu và quan liêu.
|
Trẻ em trong một ngôi chợ Sài Gòn năm 1966 |
Rồi Đông Dương Ngân Hàng bán lại cho chính phủ Ngô Đình Diệm để thành lập Ngân Hàng Quốc Gia, để có tiền tệ riêng, và lập một Ngân hàng thương mại, lấy tên là Việt Nam Thương Tín, nhưng vẫn giữ chuyên viên, cố vấn Pháp là ông Becker.
Vì chủ quyền Việt Nam, nên nghề Ngân hàng cũng như những nghề khác bắt buộc phải lập nghiệp đoàn, vì vậy mà Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam được ra đời, chủ tịch là ông Nguyễn Thành Lập (Việt Nam Ngân hàng); Tổng Thư ký là ông Bravard, Tổng Giám đốc Pháp Á Ngân hàng. Chức vụ hai ông này được giữ suốt 15 năm.
Thời đó Ngân hàng Quốc gia Việt Nam có trách nhiệm thiết lập những chính sách tiền tệ và thể thức ngân hàng. Do ảnh hưởng của các cố vấn Pháp và truyền thống của Pháp, đã để lại những hoạt động thiếu tiến bộ và thực tế.
Dù thận trọng và bị áp lực của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, nhưng các giới chức Ngân hàng Quốc gia khi có dịp, đã tỏ ra can đảm, tuy chậm chạp nhưng đã lấy nhiều quyết định sáng suốt, để đi đến sự tiến bộ độc lập và trưởng thành trong ngành Ngân hàng.
Hành động đáng khen của Ngân hàng Quốc gia, trong việc đóng góp cho ngành ngân hàng lúc đó, đã được ghi lại như một sự kiện lịch sử, như trường hợp điển hình của một ngân hàng đã bị sụp đổ, được xây dựng lại một cách nhanh chóng, bằng những phương thức cải cách nhanh chóng mà trong giới ngân hàng gọi là “Không chánh truyền” dùng để dạy sinh viên bậc Đại học, và đã vô tình làm nổi bật vai trò “trọng tài” quan trọng trong lịch sử Ngân hàng Quốc gia, trong việc cải tiến ngành ngân hàng VNCH.
Đó cũng là dịp bằng vàng cho các giới chức Ngân hàng Quốc gia có dịp vào cuộc chọn lựa, cân nhắc, quyết định… để đẩy mạnh cho ngân hàng cải tiến.
(Còn tiếp)
Cũng tự nghĩ, dù tôi có giàu đến đâu đi nữa, chỉ được tiếng giàu có như “Thạch Sùng”, cũng chỉ ngày ba bữa ăn thôi, rồi khi chết, chỉ còn lại hai bàn tay trắng với một nấm mồ ở lòng đất lạnh…
Nay tôi đã giàu có rồi, dư ăn dư để, thử hỏi tại sao tôi tiếp tục làm giàu thêm để sống một nếp sống ích kỷ, không nghĩ đến kẻ bất hạnh nghèo khó, chân lấm tay bùn, họ chỉ vì chiến trận mà bỏ cả nơi “chôn nhau cắt rốn”. Bỏ cả ruộng vườn, nhà cửa cũng vì chiến trận, họ tìm nơi lánh nạn, nên đã chịu ở chui rúc như ổ chuột…
Vậy tôi phải làm gì, trước để giúp dân, sau để lòng mình được an vui thanh thản, còn để lại tiếng tốt cho mai sau, hơn là cứ dấn thân vào tiền tiền, bạc bạc mãi…