Tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam có xu hướng tăng: Cảnh báo những hệ lụy

(PLVN) - Kết quả cuộc Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019 vừa được công bố cho thấy, tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam có xu hướng tăng hơn so với mức sinh học tự nhiên từ năm 2006 đến nay. Tỷ số này cao nhất ở Đồng bằng sông Hồng với mức chênh lệch 115,5 bé trai/100 bé gái… Trước thực trạng này, Quỹ Dân số Liên Hợp quốc đã đưa ra những khuyến cáo.
 Mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam có xu hướng tăng.
Mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam có xu hướng tăng.

Áp lực sinh con trai 

Mai Ly (tên nhân vật đã được thay đổi) 36 tuổi, ở Hải Dương chia sẻ câu chuyện của mình với những người làm công tác bình đẳng giới rằng: Sau khi chị sinh con thứ hai cũng là con gái phải chịu cảnh khinh rẻ của gia đình nhà chồng. Gia đình chồng có 3 anh em trai đều sinh con một bề là gái, nhưng các nàng dâu kia không bị áp lực về tinh thần vì chồng chị là con trưởng. 

“Đó đâu phải là lỗi của tôi, nhưng nhà chồng nói là họ vô phúc khi con trai họ lấy tôi, không biết đẻ con nối dõi cho gia đình nhà chồng. Giờ tôi sức khỏe kém, tuổi lại cao khó có thể mang thai tiếp, nhà chồng muốn tôi chia tay chồng để anh ấy tìm con nối dõi. Vì không đồng ý, tôi bị chồng bạo hành cả về tinh thần và thể xác.

Năm 2020, dự kiến Bộ Y tế sẽ trình Quốc hội Luật Dân số, trong đó đề nghị xử lý hình sự hành vi vi phạm lựa chọn giới tính thai nhi nhằm kiểm soát và giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.

Bên cạnh đó, để dần xóa bỏ tâm lý, quan niệm ưa trai, ghét gái của người Việt, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình đã có các chiến dịch truyền thông về bình đẳng giới đến các gia đình, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh với thông điệp mỗi người dân cần phải suy tích cực và có quan niệm không chỉ đàn ông mới có thể là trụ cột mà ngày nay phụ nữ hoàn toàn có thể đảm đương, chia sẻ các công việc với nam giới trong cuộc sống cũng như phụng dưỡng cha mẹ.

Giờ đồng ý ly hôn thì tôi tay trắng, cũng không thể quay về nhà bố mẹ đẻ được vì gia đình không bao giờ đồng ý con cái bỏ chồng. Quyết tâm ở lại thì bị đày đọa, ngày ngày hai đứa con nhìn mẹ bị mắng chửi, chúng cũng sợ hãi và buồn bã”, người phụ nữ quê Hải Dương giãi bày.

Trầm cảm và trầm cảm sau sinh là sát thủ âm thầm đối với mỗi người phụ nữ. Nghiên cứu mới nhất của Trường Đại học Y Hà Nội cho thấy, ngoài những nguyên nhân về sự thay đổi trong cơ thể sau khi sinh con và yếu tố kinh tế gia đình thì áp lực phải có con trai để nối dõi tông đường là nguyên nhân quan trọng làm tăng nguy cơ trầm cảm đối với phụ nữ mang thai và sau khi sinh con. 

Cũng theo nghiên cứu, ở Việt Nam, cứ 4 phụ nữ mang thai thì có 1 người có thể bị trầm cảm sau sinh. Đặc biệt, trong trường hợp gia đình đã có con gái mà người chồng thích con trai thì người vợ có nguy cơ bị trầm cảm cao gấp đôi so với bình thường. 

Bà Trần Thơ Nhị - Viện Đào tạo y học dự phòng và Y tế công cộng, Đại học Y Hà Nội cho biết, những người chồng thích thai nhi là con trai thì nguy cơ của người phụ nữ bị trầm cảm cao gấp gần 2 lần so với những trường hợp ông chồng không quan tâm về mặt giới tính.

Có thể thấy, bạo lực gia đình và áp lực phải có con trai là những nguyên nhân chính làm tăng nguy cơ trầm cảm đối với phụ nữ sau sinh. Trong những trường hợp nghiêm trọng, điều này có thể dẫn đến suy nghĩ và hành vi khó kiểm soát có thể gây nguy hiểm cho chính bản thân người mẹ hoặc cháu bé.

Những số liệu báo động

Ngày 19/12 vừa qua, Kết quả cuộc Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019 đã được công bố. Theo đó, tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam có xu hướng tăng hơn so với mức sinh học tự nhiên từ năm 2006 đến nay.

Tỷ số giới tính khi sinh năm 2019 giảm so với năm 2018 nhưng vẫn ở mức cao (năm 2018: 114,8 bé trai/100 bé gái; năm 2019: 111,5 bé trai/100 bé gái). Tỷ số này cao nhất ở Đồng bằng sông Hồng (115,5 bé trai/100 bé gái) và thấp nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long (106,9 bé trai/100 bé gái).

Ngay tại buổi công bố, bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp quốc tại Việt Nam đã nhấn mạnh việc lựa chọn giới tính thai nhi vẫn còn diễn ra ở Việt Nam, bắt nguồn từ truyền thống "trọng nam, khinh nữ", tâm lý ưa thích con trai hơn con gái. Điều này dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Việc lựa chọn giới tính theo giới cần phải dừng lại và phải tăng cường thực hiện các chính sách pháp lý để nhằm ngăn cản điều này.

Hoạt động ngoại khóa về mất cân bằng giới tính khi sinh tại Quảng Ninh.
 Hoạt động ngoại khóa về mất cân bằng giới tính khi sinh tại Quảng Ninh.

Tại sao việc lựa chọn giới tính theo giới cần phải dừng lại? Để trả lời câu hỏi này cần biết về bức tranh ở Việt Nam sau 30 năm nữa. Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình dự báo đến năm 2050, với 55/63 tỉnh, thành có tỉ số giới tính khi sinh cao ở mức báo động, Việt Nam sẽ thiếu từ 2,3-4,3 triệu phụ nữ, đồng nghĩa từ 2,4-4,3 triệu đàn ông Việt có nguy cơ ế vợ. Trước đó, nhiều chuyên gia dân số từng cảnh báo những nam giới được sinh sau năm 2000 sẽ có nguy cơ khó lấy vợ. 

Sự khan hiếm phụ nữ cũng dẫn đến việc tranh giành trong hôn nhân, dễ gây xung đột, án mạng; nạn lừa đảo, bắt cóc, buôn bán phụ nữ, đã xảy ra và có thể sẽ tăng lên. Sinh nhiều bé trai, ít bé gái thì khi lớn lên, lao động nữ khan hiếm, những ngành sử dụng nhiều lao động nữ có nguy cơ khó tuyển dụng lao động và ngược lại, lao động nam nhiều, cho nên nam giới sẽ phải cạnh tranh gay gắt hơn trên thị trường lao động…

Từ những viễn cảnh hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh mà Nghị quyết số 21 của Hội nghị T.Ư 6 (khóa XII) về “Công tác dân số trong tình hình mới” đã đề ra mục tiêu đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, trước hết đến năm 2030, tỷ số giới tính khi sinh dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống.

Cần giải pháp quyết liệt hơn

Để thực hiện được mục tiêu, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức đầy đủ hiểm họa của mất cân bằng giới tính khi sinh, dần xóa bỏ quan niệm cũ phải có con trai nối dõi tông đường…, thì việc tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát các cơ sở y tế nhằm phát hiện ngăn chặn kịp thời những hành vi vi phạm lựa chọn giới tính thai nhi khi sinh cũng rất cần thiết theo tinh thần của Điều 10 Nghị định số 104/2013/NĐ-CP ngày 16/9/2003 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Dân số nghiêm cấm các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức.

Tuy nhiên, tại buổi công bố Kết quả cuộc Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019, ông Nguyễn Bích Lâm – Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Tổng điều tra Dân số và Nhà ở Trung ương nhận định, những cảnh báo về hệ lụy của sự mất cân bằng giới tính khi sinh và sự quyết liệt thực hiện các chính sách nhằm xóa bỏ sự can thiệp có chủ đích trong lựa chọn giới tính khi mang thai ở Việt Nam trong thời gian qua chưa mang lại hiệu quả, dẫn đến việc mất cân bằng giới tính khi sinh chưa được khắc phục.

Thực tế cho thấy, mặc dù Điều 10 Nghị định số 104/2013/NĐ-CP nghiêm cấm các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi như tuyên truyền, phổ biến phương pháp tạo giới tính thai nhi dưới các hình thức; chẩn đoán để lựa chọn giới tính thai nhi bằng các biện pháp; loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính bằng các biện pháp phá thai… nhưng theo Bộ Y tế, trên thực tế một số người không biết hoặc cố tình không biết về các hành vi bị luật nghiêm cấm.

Có một số hành vi vi phạm khó có khả năng thu thập được chứng cứ pháp lý, nhất là các hành vi lựa chọn giới tính như bói toán, nói chuyện để xác định giới tính trước sinh hoặc phổ biến phương pháp lựa chọn giới tính thai nhi; hành vi bắt mạch, xác định qua triệu chứng, siêu âm, các loại xét nghiệm, cung cấp thuốc, hóa chất để xác định giới tính hoặc loại bỏ thai nhi…

 GS-TS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân:

 “Cân bằng giới tính theo quy luật sinh sản tự nhiên không thể thành công trong "một sớm một chiều". Với chính sách dân số 2 con như hiện nay, Việt Nam cũng phải mất tới gần 40 năm để vận động, truyền thông nhưng cũng chưa thể thành công ở tất cả vùng miền. Trong khi đó, để thay đổi một tư tưởng đã ăn sâu vào ý nghĩ của không ít người dân từ hàng ngàn năm là chuyện không dễ dàng.

Để làm được điều này, điều kiện kinh tế - xã hội cần phát triển hơn nữa. Phải có chính sách an sinh xã hội tốt hơn cho người cao tuổi để những người già bớt phụ thuộc kinh tế con cái. Làm thế nào để khẳng định giá trị của một người nằm ở sự cống hiến của người đó cho gia đình và xã hội chứ không phải giới tính nam hay nữ. Phải tăng cường khung pháp lý, thậm chí xử lý hình sự với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực dân số như việc lựa chọn giới tính khi sinh”.  

Ông Nguyễn Doãn Tú - Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế: 

“Trong thời gian ngắn, rất khó để giảm tỉ số giới tính khi sinh do tâm lý ưa thích con trai của người Việt vẫn còn rất nặng nề. Việt Nam đã và đang thực hiện một số biện pháp nhằm xóa bỏ vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh.

Tuy nhiên, cần tăng cường hơn nữa cơ chế phối hợp liên ngành và thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức xã hội, bao gồm cả những nỗ lực nhằm giải quyết phân biệt đối xử đối với phụ nữ và trẻ em gái - nguyên nhân chính dẫn đến việc lựa chọn giới tính trước sinh”. 

Đọc thêm