Trước khi lấy nhau, anh Hùng (quận 1 TP Hồ Chí Minh) luôn coi vợ mình là hình mẫu lý tưởng mặc dù gia đình Lê không được toàn vẹn. Mẹ Lê lấy bố Lê khi đã lỡ thì và chỉ sinh một mình cô. Năm Lê 1 tuổi họ ly hôn.
Lê ở với mẹ. Nhà nghèo nhưng hiếu học và học giỏi, cộng với vẻ ngoài xinh đẹp, hoạt bát, mọi thứ đối với Lê cứ như được sắp sẵn. Lấy nhau về, hai vợ chồng mua được căn nhà nhỏ. Vì mẹ chỉ có mình Lê nên cô bàn với chồng đón mẹ từ quê lên ở. Nghe vợ tỷ tê, vả lại lúc đó Hùng đang trong thời kỳ luân chuyển, công tác xa nhà nên anh cũng không ngại ngần mà đồng ý.
Những ngày đầu, cứ cuối tuần Hùng mới về nhà thì cả nhà đều vui vẻ. Thế nhưng sau ba năm, khi Hùng hết nhiệm kỳ công tác thì trở về mọi chuyện mới phát sinh. Lý do là vì nhà Lê bao năm nay chỉ có một mẹ một con nên cái gì mẹ Lê cũng cho rằng con gái mình là nhất.
Đến như bữa ăn, bà còn gắp hết đồ ăn nọ thức ăn kia vào bát con gái mình trong khi con rể ngồi ngay đó. Những việc nhỏ nhặt nhưng nhiều khi làm Lê ngượng chín mặt. Vì ở lâu nhà con gái nên mẹ Lê nghiễm nhiên coi đó là nhà mình. Hùng làm gì trái mắt bà mẹ vợ lại hậm hực, bóng gió rất khó chịu.
Ban đầu, bức bách Hùng còn tranh luận với mẹ vợ nhưng lâu dần anh chán đến nỗi không buồn nói. Mẹ vợ ốm anh cũng hỏi thăm qua vợ rồi thôi. Khổ nỗi, người già thì hay tủi thân, suy diễn, thấy con rể ngày càng lạnh nhạt, mẹ Lê lại làm mình mẩy đòi về quê.
Nhưng mẹ về quê thì không ai trông hai đứa nhỏ, thế là Lê lại phải làm công tác tư tưởng. Mẹ Lê chấp nhận ở lại, mà thực ra bà cũng chẳng muốn về quê khi đã quen cuộc sống ở thành phố.
Còn anh Hùng thì coi như mặc kệ vợ nhưng cũng từ đó anh hay đi sớm về muộn, tình cảm vợ chồng nhạt dần cho đến khi Lê bàng hoàng phát hiện chồng có một chốn đi về với một người đàn bà khác, không xinh đẹp, giỏi giang, có địa vị như Lê nhưng theo cái cách anh Hùng thừa nhận thì ở bên người đó, Hùng thấy bình yên…
Hình minh họa |
Không giống gia đình anh Hùng, anh Thái Khang ở Ngọc Khánh, Ba Đình Hà Nội lại thường xuyên rơi vào khủng hoảng khi cả bố mẹ và ông nội anh sống cùng trong căn hộ tập thể vốn chật chội. Nhà đông người, nhiều thế hệ, nên cuộc sống khá ngột ngạt.
Trong khi ông nội anh Khang nghiện cả rượu và thuốc lào thì bố anh lại chỉ mê nhảy đầm. Bao tiền lương, tiền ăn sáng con cháu đưa ông nướng hết vào những việc nhảy nhót. Nhảy cả trên sàn, ở những chỗ đẳng cấp, bình dân, thậm chí cả ngoài công viên. Ai nhờ là ông dạy, gọi là đi.
Bạn nhảy của ông cũng toàn những bà sồn sồn, có hôm ông đưa về nhà đến cả một đội nói năng cười đùa ầm ỹ như thanh niên. Mẹ anh Khang lại là người sống khép kín, lặng lẽ nên bà không chịu nổi. Thế là chiến tranh lạnh giữa cặp vợ chồng già diễn ra cả tuần cho đến khi mẹ anh bỏ đi cùng người bạn lên chùa.
Khác biệt về sở thích, lối sống đến chuyện nhỏ như ăn uống, ngủ nghỉ cũng mỗi người một kiểu. Khổ nhất là chị Hồng, vợ anh, con nhỏ, chị lại làm công việc văn phòng không bớt xén được thời gian, nên cứ về đến nhà là tối mặt tối mũi với con cái, bố mẹ chồng, rồi ông nội.
Bức bách, nhiều lần chị Hồng đòi ra ở riêng để 3 người già sống với nhau nhưng anh Khang gạt phắt đi. Phần vì anh chị cũng không phải khá giả để có thể mua nhà, thuê giúp việc riêng, phần vì nghĩ thương bố mẹ vì “trẻ cậy cha, già cậy con”. Riêng chuyện này mà vợ chồng họ mâu thuẫn đến cả tháng trời.
Người xưa có câu mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh. Không phải gia đình nào cũng có điều kiện để con cái ở riêng mà việc ở chung với bố mẹ vừa là trách nhiệm, vừa là quyền lợi. Chỉ đơn giản, hai vợ chồng đã có cả một quá trình yêu thương về chung sống với nhau còn phát sinh đủ vấn đề mâu thuẫn, huống hồ một gia đình nhiều thế hệ.
TS Lê Thị Bích Hồng, Hà Nội cho rằng chính sự khác biệt về kinh nghiệm, nhu cầu và sở thích trong cuộc sống dẫn đến sự không bằng lòng giữa các thế hệ, dẫn đến các hiện tượng như: con cháu không tôn trọng sự khuyên bảo, cư xử không đúng gây xúc phạm tình cảm, không quan tâm chăm sóc, thiếu tâm tình cởi mở, thậm chí có hiện tượng bạc đãi người cao tuổi… Những nguyên nhân đó khiến cho các mối quan hệ trong gia đình có nhiều rạn nứt và tan vỡ.
Giữ gìn hạnh phúc gia đình, nhất là trong những gia đình nhiều thế hệ cùng sống chung, theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Lan Hương, bản thân mỗi người phải biết dung hòa các mối quan hệ, nhất là với những người có vai trò chủ đạo về kinh tế, có tiếng nói trong gia đình.
Hãy luôn để những người già thấy rằng họ được tôn trọng, yêu thương. Nếu có mâu thuẫn phát sinh, các thành viên hãy lựa chọn trao đổi và giải quyết hợp lý, không nên để tích tụ trong lòng.
Hãy luôn tin, việc sống dưới cùng một mái nhà không những tốt cho mình mà còn cho các con trẻ bởi chúng có cơ hội gần gũi, báo hiếu cha mẹ, ông bà, học được nhiều điều hay lẽ phải.