Một lòng theo cách mạng
Vào những năm 1920, nổi bật trong làng Kim Nại có gia đình ông Lê Công Ôn, bà Trần Thị Đóc - một gia đình nông dân khá giả, đi theo tiếng gọi của cách mạng. Những người con của ông Ôn, bà Đóc từ nhỏ đã có tinh thần theo cách mạng. Trong cuốn Địa chí làng Kim Nại viết lại rằng: “Sau Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (5/1941), phong trào Việt Minh phát triển và lan rộng khắp nơi. Ông Lê Công Duân (con cả) và Lê Công Trản (con út) biết chữ nghĩa, thông minh lanh lợi và sớm tham gia vào các tổ chức do Việt Minh lập ra”.
Đến năm 1945, ông Duân là cán bộ cách mạng tiền khởi nghĩa, một trong những người đi đầu trong đoàn người đi cướp chính quyền ở phủ, ở tỉnh vào đêm 22, rạng sáng 23/8/1945. Cũng lúc này, ông Trản trở thành cán bộ Việt Minh tham gia lãnh đạo nhân dân Kim Nại và các vùng lân cận đứng lên tổng khởi nghĩa. Còn ông Lê Công Kiệp (con trai thứ) thời niên thiếu đã được vào học tại Trường Quốc học Huế từ trước năm 1940 (cùng lớp với Đại tướng Võ Nguyên Giáp). Tốt nghiệp, ông về quê nhà làm thầy giáo mà người trong vùng vẫn quen gọi là thầy giáo Kiệp.
Sau đó, ông tìm cách xuất dương sang Pháp và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Pháp. Năm 1946, chàng thanh niên trẻ Kiệp làm Chủ tịch Hội người Việt yêu nước tại Pháp, thay mặt tổ chức đi đón Chủ tịch Hồ Chí Minh sang dự bàn Hội nghị Phông-ten-nơ-blô. Cuối năm ấy, ông Kiệp đã được tổ chức cách mạng cử về nước hoạt động bí mật ở Kim Nại với danh nghĩa “Việt kiều Pháp về thăm quê”.
Hiến trọn đời cho Tổ quốc mai sau…
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, hai ông Lê Công Duân và Lê Công Trản trở về quê nhà lãnh đạo dân quân du kích tham gia kháng chiến chống Pháp. Tháng 8/1947, bị Việt gian bán nước chỉ điểm, giặc Pháp bắt hai ông và dùng mọi thủ đoạn dụ dỗ, tra tấn dã man để lấy thông tin về lực lượng kháng chiến. Dù bị tra tấn tàn bạo đến mức bị mù mắt, miệng không còn nuốt được nước nhưng họ vẫn giữ trọn nghĩa khí “không biết, không nghe, không thấy”. Thấy hai ông đã kiệt sức hoàn toàn và không khai thác, giặc đem họ ra bắn tại đồn Vạn Xuân.
“Ba ngày sau, người thân và du kích tìm đủ mọi cách mới đưa được xác họ về làng cấp táng. Nhưng không ai còn nhận ra đâu là em, đâu là anh nữa vì mặt mũi, thịt xương biến nát. Người trong vùng ai cũng cảm phục, thương tiếc vô hạn hai chiến sĩ cách mạng kiên trung và lòng căm thù giặc càng thêm sục sôi” - cụ ông Trần Công Tha (91 tuổi, người trong làng) kể lại.
Ông Lê Công Chúc (74 tuổi, gọi ông Lê Công Kiệp bằng bác ruột) cho biết: “Chuyện bác Kiệp, về sau làng vẫn còn nhắc nhớ mãi. Từ khi mới về đã bị mật vụ và Việt gian theo dõi. Không lâu sau, các đồn trưởng quân Pháp ở Vạn Xuân, Xuân Dục đều gọi bác lên, yêu cầu làm việc cho chúng. Bác Kiệp nói bằng tiếng Pháp, khéo léo từ chối. Không ép buộc được bác, giặc ra lệnh quản chế. Bác Kiệp về nói với bà con Kim Nại rằng: Tôi thà hy sinh chứ nhất định không chịu làm tay sai cho giặc”.
|
Ông Chức thắp hương cho phần mộ “gió” của liệt sĩ Lê Công Đỗ - hài cốt vẫn còn nằm lại nơi chiến trường, chưa tìm được. |
Ngày 17/3/1948, biết tình hình của đồng chí Kiệp, tổ chức Việt Minh trung tâm ở Quảng Bình lên kế hoạch cho xe lên đón ông về làm chính quyền để đảm bảo an toàn cho lực lượng cách mạng, nhưng không may bị Việt gian nắm được. Giặc Pháp lập tức bắt ông Kiệp và kết tội “hoạt động chống lại chính quyền Pháp ở Việt Nam”, bắn chết ông tại đồn Vạn Xuân. Khoảng 3 giờ sau, đoàn tổ chức của Việt Minh lên đến nơi thì đã muộn. Chiều ấy trời Kim Nại mưa tầm tã, ông Kiệp đã ngã xuống hiên ngang trước mũi súng quân thù.
Trở lại với người anh cả - liệt sĩ Lê Công Duân, có con trai cả là Lê Công Sà - cháu đích tôn trong gia đình, cũng theo cha tham gia hoạt động trong chính quyền kháng chiến và được giao nhiệm vụ làm Đại đội trưởng dân quân xã An Ninh. Đêm 24/7/1947, thực dân mở cuộc tấn công nhằm tiêu diệt lực lượng kháng chiến Việt Minh trong vùng chiến khu, ông Sà chỉ huy một đội du kích xông lên giáp mặt địch để chống càn, ông đã ngã xuống bên bến sông Long Đại, hy sinh trước cha mình.
Sau khi giết hại được hai anh em ông Duân và chiến sĩ cách mạng trẻ Lê Công Sà, lính thực dân đốt nhà cửa, tịch thu hết tài sản của họ. Cuối năm 1947, vợ liệt sĩ Duân - bà Ngô Thị Thụy đã trút hơi thở cuối cùng vì một trận ốm, thiếu tiền thuốc thang, không nhà ở và đói. Đứa con trai còn lại của ông Duân, bà Thụy là Lê Công Đỗ, trưởng thành khi đế quốc Mỹ chiếm miền Nam Việt Nam. Ông tiếp bước cha anh với sức trai trẻ, theo tiếng gọi của Tổ quốc lên đường vào chiến trường miền Nam. Ông hy sinh ngày 5/5/1968 và đến nay gia đình vẫn chưa tìm được hài cốt hoặc thông tin về nơi ông nằm lại.
Còn liệt sĩ Lê Công Trản, ông hy sinh khi đã có vợ và 2 con gái. Bà Nguyễn Thị Giữ - vợ ông quyết định ở giá nuôi con, một lòng nối bước chồng làm du kích theo cách mạng. Góp phần chiến thắng thực dân Pháp và đánh đuổi đế quốc Mỹ xâm lược, ngày 2/6/1967 bà Giữ đã nằm xuống sau loạt đạn càn của Mỹ - ngụy khi anh dũng bảo vệ kho súng đạn, lương thực của Hợp tác xã An Ninh.
Nỗi lòng những người đang sống
“Không ai như gia đình tôi, chỉ trong 8 tháng (từ tháng 8/1947 - tháng 3/1948) mà thực dân Pháp đã giết mất 4 người. Giặc còn tuyên bố trước trường bắn: Giết cho sạch dòng máu Việt Minh của gia đình này. Và cũng hiếm có gia đình nào như chúng tôi, 3 đời theo lý tưởng cách mạng. Con tiếp bước cha cầm súng chống giặc, con dâu theo bước mẹ chồng tiễn những đứa con ra chiến trận mãi mãi không trở về…” - ông Chúc nói.
Nay, ngoài Nghĩa trang liệt sĩ xã An Ninh, 6 anh hùng liệt sĩ được bố trí nằm thành một nhóm để những linh hồn bất diệt mãi quây quần bên nhau, chở che nhau… Riêng phần mộ của liệt sĩ Lê Công Đỗ là mộ “gió”, bởi hài cốt còn nằm lại nơi chiến trường, chưa tìm được.
Bây giờ trong nhà ông Chúc, mỗi tấm Bằng Tổ quốc ghi công các liệt sĩ, mỗi tấm danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng vẫn treo trong những góc bàn thờ đơn sơ, dưới căn nhà tuềnh toàng. “Sau hòa bình, cả ông Duân, ông Kiệp và ông Trản đều không ai còn con trai để thờ phụng. Có mấy con gái thì đều tha phương đi lấy chồng xa, ít khi có điều kiện về thăm quê. Nay việc hương khói cho các mẹ, các liệt sĩ vẫn chủ yếu do tôi làm. Nhưng trong căn nhà nhỏ này đến 4 thế hệ sống chung, chỗ đặt giường ngủ đã khó, làm một gian thờ đàng hoàng cho các mẹ, các liệt sĩ còn khó hơn. Nhiều đêm tôi nằm nghĩ mà xót xa không ngủ được”, ông Trúc giãi bày.
Chị Trần Thị Phương Lan - giáo viên Trường Mầm non Đồng Sơn, TP.Đồng Hới (Quảng Bình) cháu ngoại của liệt sĩ Lê Công Kiệp xót xa kể: “Chục năm nay, mẹ tôi gần 70 tuổi mang đầy bệnh tật vẫn chỉ ao ước một điều là dựng được một gian nhà thờ chung cho các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và các liệt sĩ, nhưng lực bất tòng tâm! Hy vọng vào các cậu, chú bác còn sống nhưng ai cũng đã già yếu mất rồi. Con cháu thì chủ yếu theo nghề nông bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Không biết đến đời con, đời cháu chúng tôi, có còn ai nhớ được lớp ông cha mình đã hy sinh cao cả và oanh liệt như thế?. Chỉ còn biết mỏi mòn mong vào điều diệu kỳ”.
Trao đổi với PLVN, ông Nguyễn Văn Đồng - Chủ tịch UBND xã An Ninh cho biết: “Có lẽ gia đình ông Chúc là gia đình có truyền thống cách mạnh và nhiều Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, liệt sĩ nhất ở huyện này. Cả tỉnh này, tôi cũng chưa nghe có trường hợp nào như vậy. Dẫu biết gia cảnh họ rất khó khăn nhưng Nhà nước chưa có quy định về chế độ chính sách xây nhà tưởng niệm cho đối tượng như gia đình này. Cũng xót xa lắm nhưng trong quyền hạn của UBND xã thì đành chịu…”.
Những ngày Tháng 7 tình nghĩa, với mong muốn có một mái nhà tri ân cho gia đình có 2 bà mẹ Việt Nam anh hùng và 6 liệt sĩ này, Báo PLVN phát động Chương trình đóng góp gây quỹ từ thiện Xây dựng Nhà tri ân gia đình cách mạng Mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Đóc. Ban Biên tập báo kêu gọi các bạn đọc, các cá nhân, tấm lòng hảo tâm, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước chung tay ủng hộ.
Mọi sự đóng góp xin gửi về: Quỹ xây dựng Nhà tri ân gia đình cách mạng Mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Đóc. Tòa soạn Báo PLVN - số 42/29, đường Nguyễn Chí Thanh, Ba Đình, Hà Nội. Số tài khoản: 0051101004008 - Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội - Chi nhánh Trần Duy Hưng. Điện thoại: 04.37245180 (số máy lẻ Phòng Bạn đọc: 112).
Tại Quảng Bình: Trần Nguyên Phong - Phóng viên thường trú Báo PLVN, địa chỉ: 08 - Nguyễn Trãi, TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. ĐT: 093.562.7787 - 097.752.1333.
Hoặc ủng hộ trực tiếp về gia đình ông Lê Công Chúc - thôn Kim Nại, xã An Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. ĐT: 098.5723.701 (gặp chị Lan).
Mọi sự đóng góp xin gửi về: Quỹ xây dựng Nhà tri ân gia đình cách mạng Mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Đóc. Tòa soạn Báo PLVN - số 42/29, đường Nguyễn Chí Thanh, Ba Đình, Hà Nội. Số tài khoản: 0051101004008 - Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội - Chi nhánh Trần Duy Hưng. Điện thoại: 04.37245180 (số máy lẻ Phòng Bạn đọc: 112).
Tại Quảng Bình: Trần Nguyên Phong - Phóng viên thường trú Báo PLVN, địa chỉ: 08 - Nguyễn Trãi, TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. ĐT: 093.562.7787 - 097.752.1333.
Hoặc ủng hộ trực tiếp về gia đình ông Lê Công Chúc - thôn Kim Nại, xã An Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. ĐT: 098.5723.701 (gặp chị Lan).