Mẹ mất khi em vừa cất tiếng khóc chào đời vì chứng băng huyết. Nhưng bất hạnh không chỉ dừng ở đấy khi em vừa chào đời, bác sĩ đã thông báo với gia đình là em mắc bệnh não úng thủy. Khi em lên 10 tuổi, bố em lại bị tai nạn giao thông dẫn đến liệt nửa người, chấn thương sọ não. Bây giờ tất cả việc chăm nuôi em đều trông chờ vào ông bà già yếu và người cô họ đã có tuổi.
Triệu chứng bệnh của Thương ngày một rõ hơn, kích thước đầu to lên nhanh theo độ tuổi. Hồi bố còn khỏe mạnh cũng đôi ba lần đưa em đi khám, chạy chữa. Nhưng sau khi bố bị tai nạn nằm liệt cộng với chi phí và thủ tục sau mổ phức tạp, gia đình em không theo nổi nên đành nuôi em lớn trong tình trạng bệnh tật đau đớn cùng bữa đói, bữa no và những liều thuốc mua ở bệnh viện để làm dịu đi cơn đau.
Để Thương vui, hàng ngày gia đình đưa em đến Trung tâm Giáo dục phục hồi chức năng cho trẻ em ở gần nhà vừa để học chữ, vừa để cho em tiếp xúc với cuộc sống xung quanh nhiều hơn. Dù tay phải của em bị liệt nhưng chỉ cần ngồi vào bàn học đặc biệt được thiết kế dành riêng cho mình là Thương lại miệt mài viết, miệt mài đọc những dòng chữ trong cuốn sách Tiếng Việt dành cho học sinh lớp 1.
Nhiều khi đang tập viết, em nằm gục xuống bàn. Cô giáo hỏi lí do thì em bảo đầu em nặng quá nên em bị như vậy, rồi em lại cặm cụi viết.
“Vì đầu em có kích thước to và nặng nên nhiều lúc em ngã gục trong vô thức. Sợ tôi nghĩ em lười không chịu viết, em cố gắng giải thích. Nhìn ánh mắt trong veo của em lúc đấy, ai cũng chạnh lòng” - cô Hạnh, người trực tiếp giảng dạy em ở Trung tâm xúc động chia sẻ.
Chưa bao giờ các cô giáo ở Trung tâm nhìn thấy sự ngừng cố gắng của Thương. Tay trái em đã dần viết nên được những nét chữ tròn, những dòng chữ dài và có ý nghĩa. “Em thích đi học lắm, ở đấy vui, được viết, được vẽ. Ước mơ của em sau này là thành một họa sĩ” - ánh mắt Thương sáng rực lên vì vui và hạnh phúc khi chia sẻ về ước mơ của mình. Nhìn ánh mắt ngây thơ của em lúc đấy, người ta không khỏi nhói lòng…
Thương cháu, ông bà em động viên em cố gắng chịu đau để tập luyện những mong khi đi được rồi em có thể chơi trốn tìm với các bạn, rồi đi xe đạp và cả “đi làm ruộng, đi cấy lúa, bẻ ngô để nuôi ông bà” – như mơ ước của em. Không biết với bệnh tật và nghèo khó như vậy, rồi tương lai của Thương sẽ ra sao?