Văn hóa các dân tộc miền Trung - Bình đẳng, đoàn kết, hội nhập và phát triển

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tối 8/9, tại TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Bình Định tổ chức Lễ khai mạc Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ IV năm 2023, với chủ đề: “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc miền Trung - Bình đẳng, đoàn kết, hội nhập và phát triển”.
Lung linh sắc màu qua tiết mục “Về miền tháp nắng”.
Lung linh sắc màu qua tiết mục “Về miền tháp nắng”.

Dự lễ khai mạc có các đồng chí: Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương; Nguyễn Văn Hùng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch; Y Vinh Tơr - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.

Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ IV năm 2023 có sự tham gia của hơn 1.000 nghệ nhân, diễn viên, vận động viên đến từ 11 tỉnh miền Trung, gồm: Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận.

Trong dòng chảy lịch sử của dân tộc, dải đất miền Trung được xem là nơi hội tụ, chuyển tiếp và kết tinh nhiều giá trị văn hóa; cộng đồng các dân tộc miền Trung đã góp phần tạo nên bức tranh văn hóa đa sắc màu với bề dày hơn 2.000 năm, tiêu biểu là nền văn hóa Sa Huỳnh và nền văn minh Chăm Pa.

Đông đảo người dân, du khách tham dự lễ khai mạc.
Đông đảo người dân, du khách tham dự lễ khai mạc.

Thông qua quá trình đấu tranh sinh tồn, cải tạo thiên nhiên, lao động, sản xuất và sinh hoạt hằng ngày đã hình thành nên kho tàng văn hóa phong phú. Nơi đây sở hữu giá trị tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên văn hóa đồ sộ với 5 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 6 di sản văn hoá phi vật thể được UNESCO ghi danh, 37 di tích quốc gia đặc biệt, 49 bảo vật quốc gia, 691 di tích quốc gia, 176 di sản văn hóa phi vật thể trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Miền Trung cũng là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Thái, Mường, Bru-Vân Kiều, Cơ Tu, Ba Na, Gia Rai, Giẻ Triêng, Co, Xơ Đăng, Mnông, Chăm và nhiều tộc người khác, gắn liền với quá trình khai thiên lập địa, thể hiện mối quan hệ khăng khít giữa con người với thiên nhiên, ước mơ cũng như khát vọng của con người về cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Tiết mục “Mùa thổ cẩm trên núi” để lại nhiều ấn tượng trong lòng người dân, du khách.
Tiết mục “Mùa thổ cẩm trên núi” để lại nhiều ấn tượng trong lòng người dân, du khách.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ IV năm 2023 hứa hẹn tạo ra một không gian văn hóa ý nghĩa, để các cơ quan quản lý văn hoá, các nghệ sĩ, nghệ nhân, đồng bào các dân tộc thiểu số… gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ những kinh nghiệm trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; để nhân dân và du khách có cơ hội hiểu rõ hơn về những đặc trưng văn hóa vùng núi cao, núi thấp, vùng ven biển mang hơi thở cuộc sống gắn với núi rừng, sông suối, biển cả cùng các tập quán canh tác mùa vụ của đồng bào các dân tộc miền Trung qua các hoạt động dân ca, dân vũ, trình diễn trang phục dân tộc truyền thống, khám phá ẩm thực, thưởng thức các tiết mục nghệ thuật được trình diễn công phu, được đắm mình vào không gian lễ hội gắn với đời sống tâm linh, tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc qua phần thể hiện khéo léo, tài hoa của các nghệ nhân trong các nghi lễ truyền thống…

“Thông qua Ngày hội, những thành tựu về văn hóa được tạo dựng qua nhiều thế hệ sẽ được nối tiếp, vun đắp và tô đậm hơn theo thời gian của lịch sử, đó cũng là minh chứng hùng hồn cho tinh thần đoàn kết, ý chí bất khuất và khát vọng vươn lên của đồng bào các dân tộc nơi đây. Đây cũng là dịp tôn vinh và quảng bá các giá trị văn hóa độc đáo, đặc sắc của đồng bào các dân tộc miền Trung tới người dân, du khách quốc tế, góp phần phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Sắc màu văn hóa các dân tộc miền Trung.
Sắc màu văn hóa các dân tộc miền Trung.

Tại lễ khai mạc, đồng chí Hồ Quốc Dũng - Bí thư Tỉnh ủy Bình Định cho biết, Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ IV năm 2023 là sự kiện có ý nghĩa chính trị, văn hóa, xã hội sâu sắc nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc miền Trung trong nền văn hóa thống nhất, đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam; góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

“Ngày hội là cơ hội để tỉnh Bình Định quảng bá, giới thiệu các sản phẩm văn hóa du lịch của quê hương, con người Bình Định với bạn bè, du khách trong và ngoài nước, gắn công tác gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa với phát triển du lịch bền vững. Tôi hy vọng rằng những hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch phong phú, hấp dẫn mà các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên mang đến Ngày hội là những bông hoa tươi thắm góp phần làm rạng rỡ bản sắc văn hóa của các dân tộc anh em trong vườn hoa văn hóa, nghệ thuật của nước nhà”, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định cho hay.

Sau phần lễ là chương trình nghệ thuật, với chủ đề: “Miền Trung lung linh sắc màu hội tụ”, gồm 3 chương: Bình Định - huyền thoại ngàn năm; Sắc màu văn hóa các dân tộc miền Trung; Miền Trung hội nhập và phát triển cùng đại gia đình các dân tộc Việt Nam đã để lại nhiều ấn tượng trong lòng người dân, du khách.

Đọc thêm