Góp ý vào Dự thảo Báo cáo giám sát “Việc chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính trong giải quyết các vụ án hành chính, thi hành các bản án, quyết định hành chính... của Chủ tịch UBND” do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tiến hành đã chỉ ra thực trạng không mấy sáng sủa trong lĩnh vực này, đặc biệt là tình trạng tránh né đối thoại, không đến phiên tòa, không chấp hành các quyết định bản án hành chính,... của các vị Chủ tịch UBND là khá phổ biến.
Đáng chú ý là tỷ lệ cán bộ lãnh đạo không tham gia đối thoại, không đến phiên tòa hành chính ngày một tăng cao, nếu năm 2015 tỷ lệ đó là trên 10% thì đến năm 2017 là trên 30%. Tăng gấp 3 lần từ sau khi Luật Tố tụng Hành chính có hiệu lực!
Từ việc người đứng đầu chính quyền địa phương ngại đối thoại với dân, ngày một xa dân, tìm cách tránh dân... mà hầu như tất cả các vụ khiếu nại, các sự cố về môi trường, đất đai, người dân thường tập trung phản đối và đưa ra một yêu cầu: “Lãnh đạo phải trực tiếp gặp dân, nghe dân trình bày trực tiếp, phải đối thoại với dân!”. Chỉ khi nào tình hình quá căng thẳng, khả năng “tức nước, vỡ bờ” có nguy cơ diễn ra thì lúc đó, người ta mới thấy sự xuất hiện của cán bộ lãnh đạo trước người dân.
Các cuộc gặp gỡ này dẫu không đạt được kết quả như mong muốn thì chí ít cũng giải tỏa đi rất nhiều sự bức xúc trong dân. Người dân được trình bày, được nêu thực trạng, chỉ ra khuất tất, tìm lẽ công bằng, thậm chí được khóc lóc trước lãnh đạo là họ đã một phần nguôi ngoai rồi. Lãnh đạo biết nghe, biết chia sẻ, thậm chí biết xin lỗi, hứa hẹn là người dân đã an tâm phần nào, “ngòi nổ” đã được tháo. Tuy nhiên, lãnh đạo đã hứa thì cần thực hiện đúng cam kết của mình, hứa rồi để đó thì đối thoại chỉ đơn giản là một giải pháp “hoãn binh”, “câu giờ” mà thôi.
Rõ ràng, phương thức đối thoại giữa lãnh đạo và nhân dân thể hiện một nét văn hóa trong quản lý xã hội, tôn trọng người dân, biểu hiện của dân chủ rất cần duy trì. Đối thoại mang lại cho người dân sự tin tưởng khi sự việc được công khai, minh bạch, đối thoại là tìm ra sự thật, phải trái phân minh và có giải pháp rõ ràng, bước đi cụ thể chứ không phải là sự chung chung, rồi đâu lại đóng đó. Nếu đối thoại để cho tình trạng xấu vẫn tiếp diễn ắt hẳn dân sẽ đến đối đầu.
Việc đối thoại giữa những người dân ở Sa Huỳnh với Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi vừa qua là một thất bại của đối thoại. Người dân chặn xe rác, mang cả quan tài ra như vậy là rất quyết liệt. Khi đối thoại thì ngoài việc giữ nhà máy xử lý rác trên địa bàn, Chủ tịch tỉnh còn “đe” là sẽ tìm ra và trừng trị “kẻ cầm đầu”, “kích động”. Người dân không thể chịu được sự đe dọa này và họ tiếp tục ngăn xe, chặn đường vào nơi xử lý rác và tình hình trở nên nghiêm trọng hơn.
Văn hóa đối thoại là đặt người đối thoại vào vị trí ngang với mình, tôn trọng ý kiến của nhau, cùng nhất trí, đồng tâm tìm ra những giải pháp tích cực. Không có những yếu tố này, đối thoại sẽ chỉ còn là sự chỉ trích, phê phán, cãi vã, đe dọa dùng vũ lực và kết quả của nó không giải quyết đến vấn đề mà lại còn trầm trọng hơn.