Văn hóa số

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chỉ ít ngày trước khi diễn ra Hội nghị văn hóa toàn quốc dự kiến diễn ra ngày 24/11, có một sự việc diễn ra cần nhiều nhà quản lý, nghiên cứu văn hóa chú ý.
Văn hóa số

Câu chuyện xảy ra tại một huyện ngoại thành Hà Nội. Một nam thanh niên bị cho là nợ 500 ngàn đồng của một người phụ nữ. “Chủ nợ” sau đó vào trang facebook của “con nợ” “nhắc nhở” về món nợ. Một cô gái là bạn của “chủ nợ” cũng vào bình luận. Nghe không vừa tai, nam thanh niên tìm đến nhà, đánh đập “người bình luận” thập tử nhất sinh.

Một vụ án hình sự đã xảy ra, người mang thương tích nặng, người có nguy cơ ngồi tù, chỉ vì một lời bình luận tưởng chừng “vu vơ” trên mạng xã hội. Trong sự việc này, người ta lên mạng để đòi nợ nhau, lên mạng để “nói xấu” người khác. Lời nói trên mạng không gió bay như lời nói trong đời thực, nhưng hậu quả của mâu thuẫn trên mạng thì thậm chí nặng nề hơn, hậu quả diễn ra theo cách manh động hơn.

Văn hóa là gì? Ai cũng biết văn hóa bao bọc quanh ta, ảnh hưởng đến từng cử chỉ hành động suy nghĩ, nhưng quả thật rất khó diễn giải.

Nếu nhìn ở câu chuyện Việt Nam phòng chống dịch, chúng ta sẽ thấy văn hóa của đất nước bất khuất kiên cường đoàn kết; dẫn chứng là hàng chục triệu người Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai… nổi tiếng sống khoáng đạt ưa giao lưu; nhưng khi đại dịch ập đến đe dọa sự sinh tồn; đã nhiều tháng trời chấp nhận cuộc sống giãn cách triệt để, chấp nhận kham khổ thiếu thốn, sẻ chia từng hạt gạo, cọng rau với nhau.

Thế nhưng nếu nhìn ở khía cạnh một vài năm nay khi internet xâm nhập vào từng ngóc ngách đời sống, thấy một số thanh niên “thần tượng” những nhóm nhạc nước ngoài chỉ biết ăn diện và nhảy múa, “thần tượng” những “giang hồ mạng” như tên tội phạm Khá “Bảnh”; một số người chỉ biết tôn thờ đồng tiền mà quên đi những giá trị khác của cuộc sống… thì quả là văn hóa của chúng ta “có vấn đề”.

Một chuyên gia văn hóa mới đây khi trả lời báo chí đã có một nhận xét rất hay. Đó là: “Bây giờ tốc độ phát triển và sự thay đổi của cuộc sống diễn ra rất nhanh. Hàng chục triệu người Việt Nam đang tham gia môi trường số. Chúng ta đã có chủ trương xây dựng công dân số, xã hội số, nền kinh tế số, nhưng lại chưa hình thành văn hóa trên môi trường số. Môi trường số luôn song hành, thậm chí chiếm nhiều thời gian của mọi người hơn cuộc sống ngoài đời thực, nên chưa xây dựng được các giá trị văn hóa số, sẽ khiến nhiều người lạc lối trên môi trường mạng”.

Nói như vậy, đúng nhưng chưa đủ. Môi trường số bao phủ toàn cầu chứ không chỉ riêng Việt Nam. Điều quan trọng là chúng ta đã định hướng, quản lý vấn đề ấy như thế nào? Hàng phút, hàng giờ vẫn có nhan nhản những clip, những cuộc livestream nhảm nhí hoành hành trên mạng dần làm lệch lạc quan niệm của bao người. Các kênh truyền hình vẫn chỉ thiên về các bộ phim, chương trình ghi hình nhảm nhí, bạo lực, dung tục, ghê rợn… chiều theo thị hiếu nhất thời… Nói cách khác, phương thức truyền tải văn hóa đã thay đổi, nhưng nếu cách thức chúng ta quản lý định hướng nó vẫn cổ xưa thì tất nhiên sẽ thiếu hiệu quả, ảnh hưởng theo chiều hướng xấu đến những người không có bản lĩnh, thiếu nền tảng kiến thức.

Đọc thêm