Diễn biến của vụ nhận hối lộ này chẳng có gì gọi là thủ đoạn tinh vi cả mà nó quá ư thông dụng và thô thiển, “trắng phớ” trong các trường hợp buộc người vi phạm phải hối lộ. Tài xế xe bồn chở chất thải đổ trộm, bị cảnh sát môi trường bắt, giam xe. Thỏa thuận của cảnh sát là “cưa đôi”, tiền phạt 100 triệu đồng thì anh ta lấy một nửa, thế là xong, Nhà nước thất thu 100 triệu, người vi phạm “đỡ” được 50 triệu, người thực thi pháp luật bỏ túi 50 triệu.
Phương thức “cưa đôi” nghe rất quen và không gì khác, chính nó đã phá hoại kỷ cương pháp luật, dung túng cho các vi phạm cứ tiếp tục tái diễn, hậu quả cả xã hội gánh chịu, từ làm xấu hình ảnh đội ngũ thi hành pháp luật đến sự xem thường của dân chúng, từ việc pháp luật không được thực thi đến tiền nộp phạt không vào công quỹ và cái hại lớn hơn cả là tạo ra những bất công xã hội và tổn hại đến niềm tin vào sự công minh pháp luật, tin rằng cứ “đi đêm” và “cưa đôi” là mọi việc ổn thỏa, dù nghiêm trọng đến đâu.
Ở trong vụ việc cụ thể này còn cho thấy một nghịch lý rất đáng lo ngại, người thi hành công vụ ở cơ quan chống tội phạm môi trường mà hành xử như một kẻ phá hoại môi trường. Đây là một điển hình cho tình trạng chung như kiểm lâm thông đồng với “lâm tặc”, biên phòng bắt tay với buôn lậu, quản lý thị trường “chống lưng” cho hàng giả, thuế vụ “đi đêm” với hộ kinh doanh, cán bộ phường “bảo kê” cho lấn chiếm vỉa hè, thanh tra giao thông nhận “hụi chết” từ các chủ xe quá khổ, quá tải, cán bộ môi trường nhận tiền để làm ngơ cho những hoạt động xâm hại môi trường...
Khi người thi hành công vụ, nhân danh thực thi pháp luật để tống tiền những người vi phạm pháp luật thì rõ ràng là kỷ cương pháp luật đã bị buông lỏng quá mức, đạo đức công vụ đã suy đồi nghiêm trọng.
Cũng cần một động thái tiếp theo sau khi vụ nhận hối lộ này bị phanh phui là cần tuyên dương và tặng thưởng cho người đã tố giác vụ việc và đảm bảo cho người đó không bị “trả thù”, giáo dục để người ta không tái phạm và yên tâm hành nghề, tuân thủ pháp luật.