Vì Ba Lan là thành viên của Liên minh châu Âu (EU) nên phải chịu sự chế tài của luật pháp chung của EU. Thực chất vụ việc ở đây là EU cho rằng cuộc cải cách tư pháp ở Ba Lan không tương thích với những quy chuẩn về giá trị, tiêu chí và tiêu chuẩn áp dụng chung cho luật pháp và tư pháp ở tất cả các nước thành viên EU.
Điều khiến EU không hài lòng nhất là cho rằng cuộc cải cách này trong thực chất nhằm lược bớt quyền hạn của tòa án, bào mòn tính độc lập của tòa án trong cơ chế tam quyền phân lập và gây áp lực trực tiếp tới nhữn người làm công việc xét xử ở các cấp tòa án để buộc họ luôn xét xử và phán xử theo ý muốn và chỉ đạo của phía đảng cầm quyền.
Có hai điểm nội dung ở trong ấy bị EU đặc biệt phê phán là tuổi làm việc của các vị chánh án, thẩm phán bị hạ xuống thấp - với mục đích hợp pháp hoá việc buộc những vị thẩm phán, chánh án hiện tại quá tuổi phải nghỉ hưu để phía cầm quyền bố trí người của phe mình thay thế - và quy cách sa thải thẩm phán và chánh án, cụ thể là để cho Bộ trưởng Tư pháp, tức là phía hành pháp, có quyền làm việc này.
Uỷ ban Liên minh châu Âu (EU) sau nhiều lần thuyết phục nhưng chính phủ Ba Lan không nghe theo đã khởi kiện lên ECJ để buộc phía Ba Lan phải rút lại cuộc cải cách này và nếu phía Ba Lan không thay đổi thì coi phán xử của tòa này là sự hợp pháp hoá việc khởi động quá trình áp dụng những biện pháp chính sách trừng phạt Ba Lan theo quy định chung trong EU.
Để thông qua được những biện pháp trừng phạt một nước thành viên là tước quyền biểu quyết trong EU, EU cần sự nhất trí của tất cả các thành viên còn lại. Trong EU, Ba Lan không thiếu đồng minh hậu thuẫn nên không phải lo ngại gì nhiều. Dù vậy, bị như thế vẫn rất tai tiếng, vẫn bị tổn hại thể diện và thanh danh quốc gia, không bị vẫn tốt hơn rất nhiều đối với Ba Lan. Đấy là lý do vì sao phía Ba Lan kháng án sau khi bị tuyên án hồi năm ngoái.
Vụ việc này quá rõ ràng nên ECJ không thể đưa ra phán xử khác. Hơn nữa, bên nguyên lại còn là Ủy ban EU. Nhưng điều còn quan trọng hơn cả thế đối với ECJ là ngăn ngừa hình thành tiền lệ và bảo vệ nguyên tắc “nhập gia tuỳ tục”, tức là một khi đã tham gia EU thì phải chấp nhận tuân thủ những luật pháp và quy định chung của EU. Sứ mệnh của ECJ là bảo vệ EU, không để EU rệu rã bởi những mưu tính manh động của thành viên nào đấy.
Hơn nữa, một khi chỉ dùng sự tồn tại của cơ chế trừng phạt mà chưa có được hiệu ứng răn đe cần thiết thì phải dùng đến phán quyết áp dụng cơ chế trừng phạt ấy để có được hiệu ứng răn đe lớn hơn. Thật ra, không phải Ba Lan không biết là đã vào hội thì phải tuân thủ luật chơi chung của hội. Vấn đề ở đây là Ba Lan ở trong tâm trạng không thích EU nhưng lại không dám ra khỏi EU.
Vì thế, chủ trương của chính phủ hiện tại ở Ba Lan là tận dụng EU khi có lợi và bất chấp EU khi thấy EU không có lợi.