Về Cai Lậy, tưởng nhớ Tứ Kiệt anh dũng chống Tây

(PLO) - Với phương châm “tịnh vi dân, động vi binh”, những người nông dân bình dị chân chất bỗng chốc “hoá” thành anh hùng trong lửa đạn chiến tranh. Dọc theo chiều dài lịch sử của dân tộc chẳng biết đã có bao nhiêu trường hợp như thế. Hình ảnh 4 vị anh hùng mà người dân Cai Lậy, Tiền Giang quen gọi là Tứ Kiệt cũng vì thế mà sống mãi trong lòng dân tộc.
Một góc lăng Tứ Kiệt
Một góc lăng Tứ Kiệt

Về vùng đất Cai Lậy, Tiền Giang hỏi lăng Tứ Kiệt thì hầu như ai cũng biết và lăng luôn được người dân địa phương kính trọng, thờ phụng. Hiện Lăng Tứ Kiệt toạ lạc tại đừng 30/4, thị trấn Cai Lậy, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang và được bà con trong vùng thành kính dâng hương tưởng niệm và ca ngợi những chiến công oanh liệt kháng chiến chống Pháp vào giai đoạn cuối thế kỷ XIX.

Uy danh tứ vị anh hùng

Tứ Kiệt đã trở thành biểu tượng bất tử sống trong lòng người dân Cai Lậy. Khi bước vào cổng chính của lăng, chúng ta dễ dàng bắt gặp đôi câu đối ca ngợi những chiến tích và công lao của bốn ông trong công cuộc chống Pháp và lòng thành kính, tưởng niệm, tôn kính của thế hệ sau dành cho các ông. 

“Tứ vị anh hùng vị quốc hy sinh vĩnh niệm;

Kiệt nhân nghĩa cử tinh thần bất khuất lưu tồn”

Hiện nay, sau nhiều lần trùng tu, sửa chữa, lăng Tứ Kiệt đã trở nên khang trang và rộng rãi hơn. Lăng được xây theo kiến trúc truyền thống gồm nhà tưởng niệm và nhà mồ. Nhà tưởng niệm ở phía trước rộng hơn 100m², mái cong hai lớp chạm rồng với 16 cây cột chạm khắc tinh xảo. Bên trong được bày trí theo lối thờ phụng. Chính giữa là bàn thờ, lư hương, bài vị tạo nét nghiêm trang. Hai bên có hai giá binh khí và đôi hạc cưỡi qui bằng gỗ được chạm khắc rất đẹp. Phía sau là nhà mồ với một lớp mái cong với 4 cây cột đỡ chạm rồng, phía dưới là 4 ngôi mộ được dán  đá hoa cương màu đỏ sẫm.

Bốn ngôi mộ của Tứ Kiệt phía sau lăng.
Bốn ngôi mộ của Tứ Kiệt phía sau lăng.

Tứ kiệt mà bà con hay xưng gọi và ca ngợi bao gồm: Trần Công Thận, Nguyễn Thanh Long, Ngô Tấn Đước và Trương Văn Rộng.

Ông Trần Công Thận (SN 1825) là người xóm Võng, ấp Mỹ Phú, làng Mỹ Trang, huyện Kiến Đăng, tỉnh Định Tường (nay thuộc ấp Mỹ Phú, xã Long Khánh, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) là thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa nên giặc Pháp và người dân địa phương hay gọi ông là “Ngươn (Nguyên) soái Thận”.

Ông Nguyễn Thanh Long sinh năm 1820, là người xóm Cầu Ván, ấp Cẩm Hòa, thôn Cẩm Sơn, huyện Kiến Đăng, tỉnh Định Tường (nay là ấp 2, xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) là người có tài thao lược nổi bật trong 4 người. Vì là con thứ 5 trong gia đình nên bà con quen gọi là ông Năm Long.

Ông Trương Văn Rộng, nguyên quán thôn Tân Lý Đông, huyện Kiến Hưng, tỉnh Định Tường (nay là xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang).

Ông Ngô Tấn Đước (có tài liệu ghi là Đức), là người xóm Vuông, thôn Tân Hội, huyện Kiến Đăng, tỉnh Định Tường (nay thuộc xã Tân Hội, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang).

Ngoài tên gọi tôn kính là Tứ Kiệt, người dân địa phương và bà con quanh vùng vẫn hay gọi với cái tên thân quen gần gũi là Bốn Ông.

Bốn Ông đều xuất thân là nông dân, quanh năm gắn bó với đồn điền nhưng kiên gan, dũng cảm, mưu lược và võ nghệ phi phàm. Trên tinh thần hưởng ứng chủ trương vừa xây dựng kinh tế vừa chuẩn bị quốc phòng với phương châm “tịnh vi dân, động vi binh” do Nguyễn Tri Phương khởi xướng ngay sau khi Pháp chiếm được ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ, Bốn Ông về phò dưới trướng của Thiên Hộ Dương (tức Võ Duy Dương) và Đốc Binh Kiều. Đây là 2 thủ lĩnh nổi bật trong phong trào chống Pháp ở Nam bộ giai đoạn lúc bây giờ. Tuy nhiên do thế yếu sức cô, lực lượng của Thiên, Hộ Dương tan rã, Bốn Ông liền về Cai Lậy chiêu mộ nghĩa quân tiếp tục phất cao cờ khởi nghĩa. Địa bàn hoạt động của bốn ông chủ yếu ở các vùng nay là Tháp Mười, Cái Bè, Cai Lậy, Thuộc Nhiêu và Mỹ Tho.

Mặc dù lực lượng rất mỏng, vũ khí thô sơ chủ yếu chỉ là giáo mác, gậy gộc khó có thể chống lại vũ khí tối tân hiện đại, súng ống, đạn dược của thực dân Pháp nhưng nhờ hình thức tổ chức hoạt động “xuất quỷ nhập thần”, hành tung bí ẩn, ngày là dân, đêm lại thành lính nên nhiều lúc bọn chúng phải “thất điên bát đảo” không sao kháng cự được.

Cùng với tinh thần yêu nước sâu sắc, ý chí kiên gan, quật cường và tài thao lược võ nghệ xuất chúng, cuộc khởi nghĩa của các ông đã giành được nhiều chiến công hiển hách, làm suy giảm nhuệ khí của quân giặc, khiến bọn chúng phải khiếp sợ khi nghe đến danh của Bốn Ông. Những chiến công của ông đến nay vẫn còn được người dân địa phương nhắc lại với niềm kính phục sâu sắc.

Trong những chiến công đó, hai trận đánh được xem là oanh liệt, tiêu biểu nhất là cuộc tấn công vào thành Mỹ Tho và trận thiêu hủy đồn Cai Lậy. Bốn Ông đã chủ động tấn công quân Pháp, làm cho chúng chịu nhiều tổn thất. Khuya 1/5/1868, nghĩa quân bí mật đột kích vào thành Mỹ Tho đốt kho lương, giết được một số tên giặc. Đêm Giáng sinh 24/12/1870 nghĩa quân tấn công, thiêu hủy đồn Cai Lậy và dinh Tham biện. Hai chiến thắng này giúp tiếng tăm nghĩa quân Tứ Kiệt ngày càng lừng lẫy, chiêu mộ thêm nhiều nghĩa sĩ, liên tiếp lập nhiều chiến công ở Mỹ Quí, Cái Bè. Từ đây quân Pháp càng khiếp sợ và dùng mọi thủ đoạn để tiêu diệt nghĩa quân của Bốn Ông. 

Bia khắc dòng chữ “Ðại Nam Mỹ Tho tỉnh, Thanh Hòa thôn, Tứ vị cựu quan chi mộ” năm 1938 hiện vẫn còn giữ phía trước 4 ngôi mộ của Tứ Kiệt.
Bia khắc dòng chữ “Ðại Nam Mỹ Tho tỉnh, Thanh Hòa thôn, Tứ vị cựu quan chi mộ” năm 1938 hiện vẫn còn giữ phía trước 4 ngôi mộ của Tứ Kiệt.

Tài năng xuất chúng, uy lực khác thường

Theo lời kể của các bậc cao niên, Bốn Ông có thân hình cao lớn khác thường, gương mặt cương nghị, tay chân lanh lẹ, sức mạnh phi thường, giỏi võ nghệ. Đồng thời có nhiều mưu mẹo trong tổ chức nghĩa binh. Vì vậy, quân Pháp lùng sục, truy tìm khắp nới cũng không thể nào bắt được Bốn Ông.

Theo đó, bọn chúng đã dùng thủ đoạn thâm độc, bắt giam gia đình của  Bốn Ông và 150 dân thường khác tra tấn dã man để hòng dụ  ông lộ diện. Không đành lòng để  người thân và dân thường vì mình mà phải chịu cực hình, thậm chí mất mạng, Tứ Kiệt đành phải xuất hiện để nộp mình. Thời giam bắt giam Bốn Ông, bọn chúng đã dùng mọi thủ đoạn tra khảo, mua chuộc, dụ dỗ Bốn Ông đầu hàng nhưng bất thành.

Bực tức trước thái độ anh dũng, ngoan cường của Bốn Ông, ngày 14/2/1871 (tức là ngày 25/12 năm Canh Ngọ), quân Pháp đành phải đem Bốn Ông ra chém đầu ở chợ Cá (nay là chợ Cai Lậy). Dã man hơn khi bọn chúng chỉ cho gia đình mang thân thể Bốn Ông về chôn cất, còn thủ cấp thì bọn chúng đem bêu trong 7 ngày liền để khủng bố, uy hiếp tinh thần dân chúng rồi vùi xuống mé ruộng gần chợ. Thân nhân gia đình chỉ mang thân mình ông về quê nhà, gắn chiếc đầu giả làm bằng đất sét vào chôn cất. 

Chợ Cá (nay là chợ Cai Lậy) nơi Tứ Kiệt bị thực dân pháp chém đầu.
Chợ Cá (nay là chợ Cai Lậy) nơi Tứ Kiệt bị thực dân pháp chém đầu.

Cảm thương tinh thần bất khuất vì dân vì nước của Tứ Kiệt, nhân dân Cai Lậy đã bí mật mang chôn thủ cấp của Bốn Ông và đắp mộ bằng đất, dựng miếu, hương khói trang nghiêm. Để che mắt chính quyền thực dân, người ta gọi đó là chùa Ông (vì phía trước lập bàn thờ Quan Công tượng trưng cho trung nghĩa), còn phía sau lập bài vị khắc bốn chữ “Tứ vị thần hồn” sơn son thếp vàng rực rỡ.

Tuy nhiên, trận bão năm Giáp Thìn (1904) làm ngôi miếu đổ sập. Ngôi miếu được dời về làng Thanh Sơn (nay là thị trấn Cai Lậy). Mãi đến năm 1954, nhân dân xây dựng lại ngôi miếu và bốn ngôi mộ tượng trưng bằng xi măng song song và gần sát nhau trên nền nấm đất cũ. Khu vực này gọi là lăng Tứ Kiệt. Năm 1967, nhân dân Cai Lậy tiến hành trùng tu ngôi miếu và khu mộ bốn ông quy mô hơn, trong có miếu thờ. Năm 1997, trùng tu toàn diện khu lăng mộ Tứ Kiệt như ngày nay.

Đến nay, những câu chuyện về Tứ Kiệt vẫn còn được lưu truyền trong dân gian từ thế hệ này qua thế hệ khác. Theo tương truyền và lời kể của các bậc cao niên tại Cai Lậy, vào những năm 30 của thế kỷ trước, người ta đồn rằng, những đêm thanh vắng ở khu mộ bốn ông có tiếng quân reo, ngựa hí.

Năm 1938, trong đội lính mã tà có ông Ðội Lung vì cảm mộ tấm lòng trung nghĩa của Bốn Ông nên thuê thợ làm tấm bia đá đặt tại đầu mộ. Bia khắc dòng chữ “Ðại Nam Mỹ Tho tỉnh, Thanh Hòa thôn, Tứ vị cựu quan chi mộ”. Tương truyền, khi bị bêu đầu, cặp mắt Bốn Ông còn mở trừng trừng. Người dân đưa thuốc, vái mời Bốn Ông hút thì lập tức điếu thuốc cháy bùng lên. Có một khách buôn người Tàu ngó thủ cấp Bốn Ông mà châm chọc, về nhà liền bị hộc máu, ngã lăn ra chết. 

Từ đó đến nay, hàng năm, cứ đến ngày 25 tháng Chạp, người dân Cai Lậy luôn thành kính tưởng niệm ngày “Tứ Kiệt” hy sinh. Lễ giỗ Tứ Kiệt đã trở thành lễ giỗ thân thuộc không chỉ của người dân Tiền Giang mà còn của những khách thập phương. Trong lễ giỗ, du khách sẽ được nghe ôn lại những quá trình sinh ra, lớn lên, tham gia kháng chiến, chiến công, thành tích… của từng nhân vật trong Tứ Kiệt. Du khách cũng sẽ có cơ hội thắp một nén nhang như lời tri ân gửi đến các anh hùng ngã xuống cho độc lập dân tộc. Di tích lăng Tứ Kiệt được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích cấp quốc gia năm 1999. 

Tứ Kiệt đã trở thành hình tượng người nông dân tiêu biểu của vùng đất Nam bộ. Họ là những người dân hiền lành, chất phác nhưng mỗi khi “có biến” họ lại trở thành những anh hùng quả cảm kiên gan chống lại kẻ thù xâm lược. Tứ Kiệt cùng những uy danh, chiến công hiển hách và tinh thần kiên gan vì nước, vì dân đã sống mãi trong lòng người dân Cai Lậy, Tiền Giang nói riêng và người dân cả nước nói chung.

Đọc thêm