Về Dạ Trạch lắng lòng trong giai điệu Trống quân

(PLVN) - Hát trống quân ở Dạ Trạch (Khoái Châu, Hưng Yên) nghe rất mộc mạc, đơn sơ dựa trên nền thơ lục bát dung dị, dễ nhớ. Khi nghe ai cũng thấy lòng mình như tĩnh lại.
Về Dạ Trạch lắng lòng trong giai điệu Trống quân

Câu hát Tình yêu

Trống quân là một làn điệu hát nhưng do các phong cách diễn xướng của từng địa phương mà nó có những phương thức khác nhau được biểu hiện qua âm nhạc và nội dung lời ca, hiện 3 vùng còn lưu giữ được nhiều làn điệu nhất là Dạ Trạch (Khoái Châu, Hưng Yên), Thường Tín (Hà Nội) và Đức Bác (Vĩnh phúc). 

Về Dạ Trạch hôm nay, được nghe các lão làng kể chuyện đánh giặc và câu chuyện Chử Đồng Tử, lại được thưởng thức điệu hát Trống Quân. Có lẽ tên gọi Trống Quân xuất phát từ các chiến tích của đội quân đánh giặc năm nào, đánh trống để hát mừng công chăng? Hiện nay, các nghệ nhân còn giữ được khoảng hơn 100 bản văn lời ca hát của trống quân Dạ Trạch.

Hát trống quân thường được biểu diễn trong các dịp lễ hội
Hát trống quân thường được biểu diễn trong các dịp lễ hội 

Nhạc sĩ Thao Giang - Trung tâm phát triển âm nhạc Việt Nam cho biết: Hát trống quân Dạ Trạch nghe mộc mạc, đơn sơ lắm. Thậm chí, khi hát lời ca, các nghệ nhân ở đây còn không đưa những tiếng đệm như “rằng, thời, này, kia” vào. Khi tiếng hát vang lên cộng với tiếng trống đất đệm (trống được làm bằng việc đào một hố dưới đất, trên miệng đặt miếng ván và giăng sợi dây), nghe rất cổ sơ và hay.

Nghe một điệu hát mở đầu cho canh hát bằng những lời hát gắn với khung cảnh làng quê và chan chứa tình yêu đôi lứa: “Lúa thu xanh mượt cánh đồng/ Lân kha chớ vội nở đòng chàng ơi/Mến chàng thiếp đã ra chơi/Xin chàng chớ vội ngỏ lời nước non…”, ai cũng thấy lòng như tĩnh lại.

Dâng trọn Tình yêu cho điệu hát Trống quân

Nghệ nhân Nguyễn Hữu Bổn (89 tuổi, xã Dạ Trạch, Khoái Châu, Hưng Yên) - người “chủ trò” của hát trống quân Dạ Trạch cho biết: “Khi bắt đầu khôi phục lại nghệ thuật này vào năm 1994, chúng tôi biết là sẽ có rất nhiều khó khăn ở phía trước. Nhưng chúng tôi tin rằng, nếu làm sống lại được những làn điệu ấy thì chắc chắn sẽ có nhiều người cùng yêu thích, tiếng hát trống quân sẽ được lưu giữ và sẽ phát triển”.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Thanh Xuyên (Dạ Trạch, Khoái Châu, Hưng Yên) chia sẻ: “Sự động viên, tiếp sức cả về vật chất lẫn tinh thần cho chúng tôi còn đang rất thiếu. Nhiều người trong câu lạc bộ đi hát còn phải xin tiền của con cái để may trang phục diễn. Biết là khó khăn, nhưng vì đam mê và muốn lưu giữ tiếng hát trống quân cho thế hệ mai sau chúng tôi sẽ cố gắng”. Được biết, từ năm 1994 đến nay, câu lạc bộ hát trống quân Dạ Trạch vẫn được các nghệ nhân cao tuổi tổ chức sinh hoạt đều đặn và tham gia nhiều buổi biểu diễn, các chương trình văn hóa - văn nghệ trong và ngoài tỉnh, đem về những tấm huy chương danh giá cho làn điệu trống quân.

Các nghệ nhân biểu diễn hát trống quân
Các nghệ nhân biểu diễn hát trống quân 

Để đưa nghệ thuật hát cổ này đến gần người dân trong những dịp lễ hội, các nghệ nhân đã nghĩ ra một cách làm mới để hấp dẫn người xem, đó là “sân khấu hóa” các bài biểu diễn để người nghe, người xem dễ dàng thưởng thức hơn. Xem một canh trống quân ở Dạ Trạch, khán giả cảm thấy rất vui mắt bởi trang phục của các nghệ nhân, tuy tuổi đã cao nhưng các cụ bà vẫn mặc trang phục mớ ba, mớ bảy rực rỡ, nổi bật các cụ ông trong áo the, khăn xếp.

Ngày nay, người dân Hưng Yên dần khôi phục các hoạt động văn hóa truyền thống, tâm linh, trong đó có hát trống quân. Nhiều địa phương đã thành lập các đội văn nghệ hay câu lạc bộ để cùng sinh hoạt như: Câu lạc bộ hát trống quân thôn Tiên Kiều, xã Bãi Sậy (huyện Ân Thi); Câu lạc bộ hát trống quân thôn Kênh Cầu, xã Đồng Than (huyện Yên Mỹ); Tổ hát trống quân thôn Đồng Chung, xã Việt Hưng (huyện Văn Lâm); Câu lạc bộ hát trống quân lời cổ xã Vĩnh Khúc (huyện Văn Giang). Ở huyện Khoái Châu có Đội văn nghệ thôn Đức Nhuận, xã Dạ Trạch; Câu lạc bộ hát trống quân Hương Nhãn, xã Hàm Tử. Huyện Kim Động có Đội văn nghệ thôn Phú Mỹ, xã Đức Hợp; Câu lạc bộ Nghệ thuật truyền thống xã Hùng An...

Để trống quân không rơi vào cảnh thất truyền, từ đầu năm 2011, Nghệ nhân Nguyễn Hữu Bổn đã phải đến liên hệ với Trường tiểu học và Trung học cơ sở Dạ Trạch để đưa trống quân vào trường dạy cho các thế hệ em thơ đang lớn lên trên vùng đát đã sinh ra huyền sử về đầm Dạ Trạch. Tuần 3 buổi, ông đạp xe đến trường cần mẫn dạy cho các học sinh về cái hay, cái đẹp của câu hát quê mình. Thật cảm động với hình ảnh mái tóc bạc kề bên những mái tóc xanh của đàn con trẻ, cùng ngân lên làm điệu mộc mạc ca ngợi tình yêu, ca ngợi quê hương, làng xóm.

Ngày 27/12/2011, Hội Văn nghệ dân giân Việt nam tổ chức 7 nghệ nhân hát trống quân ở Dạ Trạch (Khoái Châu, Hưng Yên). Bảy nghệ nhân được vinh danh là: Nghệ nhân Nguyễn Hữu Bổn, Nguyễn Thị Thanh Xuyên, Bùi Văn Bình, Nguyễn Thị Đưa, Lê Xuân Mau, Nguyễn Thị Thóc, Lê Thị Lâm.  Đây là những nghệ nhân dân gian có nhiều đóng góp trong việc giữ gìn thực hành, truyền dạy hát trống quân trong cộng đồng và giới trẻ

Ngày 11/5/2017, UBND tỉnh Hưng Yên đã tổ chức đón nhận bằng ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “hát trống quân Hưng Yên”. Hát trống quân Hưng Yên là một trong 17 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao quyết định công nhận lần này. 

Đọc thêm