Về đền Tiên La trong nghi lễ linh thiêng "Tháng Ba giỗ Mẹ"

(PLVN) - Huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình – mảnh đất Long Hưng ngự thiên xưa vốn là vùng đất cổ, địa linh nhân kiệt với nhiều Đền thờ là di tích lịch sử cấp quốc gia. Tự hào về bề dày truyền thống lịch sử, người dân nơi đây cũng vô cùng kiêu hãnh khi đã bảo tồn được nét đẹp văn hóa truyền thống ở các lễ hội, đặc biệt nhất là di sản văn hóa phi vật thể ở Lễ hội đền Tiên La thuộc xã Tân Tiến và xã Đoan Hùng. 
Về đền Tiên La trong nghi lễ linh thiêng "Tháng Ba giỗ Mẹ"

Đền Tiên La – nơi vị nữ tướng quân tài giỏi hi sinh

Từ TP Thái Bình, xuôi theo tỉnh lộ 223 khoảng hơn 30km về phía Tây Bắc là tới thị trấn Hưng Hà. Từ đây rẽ phải đi 1km là đến đê sông Tiên Hưng, rẽ trái đi dọc theo đê tiếp 3km nữa là đến Đền Tiên La . 

Nơi đây, từng được coi là một thắng cảnh giữa đồng bằng, là một trong số ít ngôi đền có kiến trúc đá đồ sộ bậc nhất vùng châu thổ sông Hồng. Sự độc đáo của nghệ thuật kiến trúc và thế đất thiêng huyền bí của gò Kim Quy, nơi tọa lạc của ngôi đền đã tạo ra sự cộng hưởng diệu huyền, sức hút mãnh liệt khi hội tụ các giá trị nhân văn trong tín ngưỡng thờ Thánh Mẫu của người Việt với du khách muôn phương khi tìm về.

Cổng vào Khu di tích đền Tiên La
Cổng vào Khu di tích đền Tiên La  

Theo sử cũ, Đền Tiên La là nơi thờ Đông Nhung Đại tướng Vũ Thị Thục (thường gọi là Thục Nương) – một nữ tướng tài giỏi dưới thời Hai Bà Trưng,  sống vào thời thuộc Hán ở trang Phượng Lâu (nay là huyện Phù Ninh, Phú Thọ). Bà là một người phụ nữ tài sắc vẹn toàn, yêu nước, thương dân. Bà đã đính hôn với con trai huyện trưởng Chu Diên (nay thuộc đất Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên và một số vùng phụ cận).

Khi giặc Đông Hán tràn sang xâm lược nước ta, tên Thái thú Tô Định thấy bà là người có nhan sắc, hắn đã ép làm vợ nhưng bị bà từ chối. Tức giận, Tô Định đã giết cha và chồng của bà đồng thời cho quân lùng bắt bà. Quyết không để lọt vào tay kẻ thù, bà đã phá vòng vây, vượt sông Hồng về Tiên La, Đa Cương Hương (Hưng Hà ngày nay) chiêu binh dựng cờ khởi nghĩa.

 

Khi Hai Bà Trưng dấy binh chống quân Đông Hán, Thục Nương đã đem quân sĩ hội quân cùng Hai Bà Trưng đánh giặc, lập nhiều chiến công, được Hai Bà Trưng phong là “Đông Nhung Đại tướng quân”. 

Năm 41 sau công nguyên, Mã Viện đem quân sang đánh chiếm lại nước ta. Thế giặc rất mạnh, bà đành lui về vùng Đa Cương Hương cầm cự. Tuy nhiên, trong trận chiến đấu cuối cùng với quân giặc, vì thế giặc quá mạnh, quân sỹ bị hi sinh nhiều, Thục Nương đã tự sát tại gò Kim Quy.

Chính tại nơi bà tuẫn tiết đó, nhân dân đã dựng Đền Tiên La và tôn bà là bà chúa Tiên La để muôn đời tưởng nhớ đến công ơn của bà. Theo đó, Đền tọa lạc trên diện tích hàng nghìn m2, được xây dựng theo đúng nguyên mẫu kiến truc cổ “Tiền nhất, Hậu đinh”, từ cột, kèo đến đao mái uốn cong với kiểu dáng Lưỡng Long Chầu Nguyệt. Mặt trước đền hướng ra sông Tiên Hưng, gần ngã ba đổ ra sông Luộc.

Nghi lễ rước thánh mẫu trong lễ hội Tiên La
Nghi lễ rước thánh mẫu trong lễ hội Tiên La  

Bao quanh đền là những rặng nhãn sum xuê, xanh tốt cùng nhiều công trình với lối kiến trúc đẹp, chạm trổ công phu và các họa tiết sinh động như: “Long – Lân – Quy – Phượng” đan xen với “Thông – Trúc – Cúc – Mai”. Tại đậy còn có những bức đại tự có nội dung ca ngợi triều Trưng Vương và đức hạnh, tài sắc của nữ tướng Bát Nạn Thục Nương. Trải qua nhiều lần tu bổ, đến nay đền có quy mô to lớn, đẹp lộng lẫy cả về địa thế và vóc dáng, bao gồm nhiều công trình như hệ thống cổng đền, tòa tiền tế, tòa trung tế, thượng điện và hệ thống sân đền.

Ngoài ra, tại Đền Tiên La còn lưu giữ được nhiều đồ tế quý giá có giá trị thẩm mỹ cao, có niên đại từ thời Lê, các tài liệu như thần tích và sắc phong thần thời Lê đến thời Nguyễn, bia đá, minh chuông đều có giá trị lịch sử quý giá.

Lễ hội “giỗ Mẹ”

Đền Tiên La được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào ngày 12/11/1986. Hàng năm, cứ vào dịp tháng 3 Âm lịch, người dân lại mở lễ hội Tiên La, tục gọi là lễ “giỗ mẹ tháng ba” để tri ân công đức, giáo dục truyền thống yêu nước trong các tầng lớp nhân dân.

Hàng năm, Lễ hội đền Tiên La được tổ chức từ ngày 10 đến 18 tháng 3 âm lịch
 Hàng năm, Lễ hội đền Tiên La được tổ chức từ ngày 10 đến 18 tháng 3 âm lịch 

Theo định lệ, hội Đền Tiên La được khai hội vào ngày mùng 10, chính hội vào những ngày 17 và 18 tháng 3 Âm lịch với quy mô lớn, gồm các nghi thức, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao hấp dẫn nhằm phục vụ nhu cầu văn hóa tín ngưỡng của người dân và du khách khi về đây trẩy hội.

Càng về những năm gần đây, hội Đền Tiên La càng đông hơn. Du khách từ nhiều nơi trong và ngoài nước đổ về vừa với tâm thức tưởng niệm bà Chúa có đức thiêng vừa để thưởng ngoạn một công trình kiến trúc cổ quý hiếm bên dòng sông Tiên Hưng với cảnh quan thơ mộng. 

Lối vào đền
Lối vào đền  

Về với lễ hội Tiên La, du khách sẽ có nhiều ấn tượng đẹp với nhiều nghi thức tế lễ và các trò chơi dân gian độc đáo như rước kiệu, rước nước, đánh đáo, biểu diễn chèo, chọi gà, đấu vật, múa rồng, múa sư tử, thổi sáo trúc… Trong đó, nổi bật nhất là lễ rước nước trên sông được coi là loại hình văn hóa dân gian, một nghi thức tâm linh đặc biệt, biểu hiện tín ngưỡng cầu nước của nhân dân sống với nền văn minh lúa nước sông Hồng. Nghi lễ này còn có ý nguyện cầu mong tổ tiên trợ giúp cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu.

Đền Tiên La quả xứng đáng là một ngôi đền cổ đẹp đẽ, trang nghiêm với những nét đẹp riêng có của vùng quê dân dã Thái Bình. Với những giá trị lịch sử và vị trí cũng như với lối kiến trúc độc đáo của mình, ngôi đền chắc chắn sẽ là một điểm dừng chân hấp dẫn đầy mê hoặc với du khách trong và ngoài nước mỗi khi có dịp về đây trẩy hội.

Đọc thêm