Về Hải Phòng ngắm “sông Seine” thương nhớ

Về Hải Phòng ngắm “sông Seine” thương nhớ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Cùng với những địa danh nổi tiếng gắn bó với bao thế hệ người Hải Phòng như ga Hải Phòng, Nhà Hát Lớn, cầu Rào, cầu Đất, bến Bính... sông Tam Bạc cũng là niềm tự hào của người đất Cảng. Dòng Tam Bạc đẹp và thơ trong tim người Hải Phòng được ví như “sông Seine” của thành Paris hoa lệ. Với du khách, sẽ thật đáng tiếc nếu tới đây không được ngắm “sông Seine” thương nhớ của Hải Phòng...

“Thành phố Cảng”, “Thành phố Hoa phượng đỏ”… hay cả những địa danh cầu Rào, cầu Đất, sông Tam Bạc, bến Bính… đã rất đỗi thân thuộc với không chỉ những người con xứ này. Không những thế, dải vườn hoa trung tâm TP Hải Phòng trải dài từ đập Tam Kỳ tới cổng cảng Hải Phòng, bao gồm hồ Tam Bạc, khu vực tượng đài nữ tướng Lê Chân, nhà hát lớn và các công viên phủ đầy màu xanh tươi mát của cây cối, dường như không chỉ có trong ký ức…

Nơi du khách không thể bỏ lỡ

Thế kỷ 19, các thương nhân Việt Nam, Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ đã chọn nơi này để cư trú và làm ăn. Thời kỳ đỉnh cao, sông Tam Bạc chen chúc tàu, thuyền, trên bờ là những dãy phố đông đúc. Người dân, đa số là người Hoa, sống bằng đủ mọi nghề và tạo ra một không gian văn hóa thật thú vị. Sau này, các bến xe Lạc Long, Tam Bạc, bến tàu Bính cũng lần lượt mở gần Tam Bạc.

Theo nhà sử học Ngô Đăng Lợi, đô thị Hải Phòng với nền kinh tế cảng biển thậm chí còn được manh nha và phát triển từ khu vực này. Điểm nhấn của Tam Bạc một thời là chợ Sắt đình đám ở một đầu, đầu còn lại là tòa nhà ngân hàng bằng đá trắng do người Pháp xây dựng, nay vẫn còn ở đầu phố Nguyễn Tri Phương.

Ảo diệu là ấn tượng chung của du khách trước dòng Tam Bạc, khi đứng trên cầu Lạc Long ngắm nhìn đường cong hoàn mỹ mà con phố tạo nên cùng dòng sông. Hoàng hôn buông, mặt sông Tam Bạc vốn đỏ màu phù sa được tô thắm và hắt ánh sáng huyền ảo lên con phố rêu phong. Và sắc vàng của đèn điện bừng sáng khiến Tam Bạc trở nên lung linh, huyền ảo.

Dòng sông Tam Bạc hiền hòa, bình yên trong lòng Khu đô thị mới của Hải Phòng.
Dòng sông Tam Bạc hiền hòa, bình yên trong lòng Khu đô thị mới của Hải Phòng.  

Trước năm 1990, đây còn là khu vực trên bến dưới thuyền. Họa sĩ nào từ Hà Nội cũng muốn xuống Hải Phòng để vẽ về Tam Bạc. Nổi bật là họa sĩ nổi tiếng Lưu Công Nhân đã có nhiều tác phẩm vẽ địa danh này bằng thuốc nước, bột màu. Họa sĩ Hải Phòng ai cũng có vài bức tranh vẽ Tam Bạc. Tam Bạc nối liền với dải vườn hoa trung tâm thành một vòng khép kín. Từ Nhà hát lớn, du khách có thể xuyên qua các khu phố Trần Quang Khải, Lãn Ông, Quang Trung để ra Tam Bạc và vòng về chợ Sắt để trở lại nơi xuất phát. 

Được biết từ nhiều năm nay, dải Trung tâm thành phố được đầu tư, chỉnh trang, cải tạo đã mang lại nhiều giá trị, lợi ích thiết thực cho người dân. Nơi đây đã trở thành điểm nhấn cho các hoạt động văn hóa nghệ thuật cùng với trục không gian cây xanh có giá trị về lịch sử, văn hóa và môi trường và trở thành điểm tham quan hấp dẫn du khách.

Có một "sông Seine" hoa lệ giữa lòng thành phố Cảng.
Có một "sông Seine" hoa lệ giữa lòng thành phố Cảng.  

Trước đó, không ít kiến trúc sư, khách du lịch và người dân thành phố cảm thấy nuối tiếc vẻ đẹp phố cổ Hải Phòng hai bên bờ sông Tam Bạc chưa được khai thác đúng tầm của nó. Đã có không ít ý tưởng, mong muốn biến khu vực này thành “sông Seine” thu nhỏ với những quán sách; họa sĩ vẽ ký họa hai bên bờ sông, những góc thư giãn lý tưởng; quán cà phê nhỏ; những hàng cây xanh; đàn bồ câu an bình…

Chính bởi thế, chính quyền và người dân thành phố này đã gìn giữ nét xưa trong lòng đô thị đang từng bước hiện đại hóa. Trong quá trình chỉnh trang đô thị, việc quy hoạch nâng cấp đường Tam Bạc vẫn giữ lại những nét cổ xưa.

Đó là mặt sau của các khu nhà các phố Lý Thường Kiệt, Tôn Đản kết hợp hài hòa với một số công trình kiến trúc mới mọc lên tôn thêm vẻ đẹp vốn có của phố cổ Tam Bạc đã in đậm dấu ấn trong lòng người Hải Phòng. Một số biệt thự mới đối diện với đường Tam Bạc như một  gam màu mới làm tăng giá trị của phố cổ Tam Bạc hôm nay…

Và không gian văn hóa từ đầu thế kỷ trước

Trở lại dải vườn hoa bắt đầu từ Nhà hát Lớn Hải Phòng là một trong ba Nhà hát do Pháp xây dựng ở Việt Nam, là một trong những công trình kiến trúc văn hóa tiêu biểu của Thành phố Cảng. Dải trung tâm thành phố hôm nay đã được mở rộng thẳng từ đập Tam Kỳ đến cổng cảng Hải Phòng, nằm giữa hai trục đường Quang Trung - Trần Hưng Đạo và Nguyễn Đức Cảnh - Trần Phú thuộc quận Hồng Bàng, với những công trình kiến trúc văn hóa được cải tạo, khôi phục; vườn hoa được mở rộng để phục vụ hoạt động công ích. Theo lãnh đạo quận Hồng Bàng, trong tương lai gần, dải trung tâm sẽ mở rộng lên gấp nhiều lần so với hiện nay, được đấu nối với các khu trung tâm hành chính - chính trị, nhà ở, shop-house mới của thành phố, tạo thành “vùng lõi” động lực thúc đẩy phát triển đô thị Hải Phòng trong tương lai...

Tượng đài Nữ tướng Lê Chân.
Tượng đài Nữ tướng Lê Chân.  

Không những thế, dải trung tâm thành phố Hải Phòng cũng được các chuyên gia quy hoạch đánh giá là một trong những dải trung tâm đẹp nhất cả nước với những công trình kiến trúc ghi dấu chiều dài lịch sử văn hóa của đất Cảng. Nơi đây liền mạch với làng Vẻn, tiền thân đất Hải Phòng, gần đền thờ Nữ tướng Lê Chân, người mở đất năm xưa, vị “Thành hoàng” đất Cảng đặt ngay ở trung tâm thành phố.

Một dấu ấn đặc biệt không thể bỏ qua là Nhà hát thành phố, công trình lịch sử, kiến trúc mang đậm dấu ấn Hải Phòng, là một trong 3 nhà hát được Pháp xây dựng tại các đô thị lớn của Việt Nam. Đây còn là một địa danh lịch sử, ghi dấu nhiều mốc son lịch sử cách mạng của thành phố. Ngày nay, các hoạt động mít tinh, biểu diễn văn nghệ và vui chơi giải trí vào dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn, chào mừng các sự kiện lịch sử quan trọng hay các dịp lễ, Tết được thành phố tổ chức tại đây.

Tấm bích họa lớn "Tôi người Hải Phòng" trở thành điểm check in khá hot bên sông Tam Bạc.
Tấm bích họa lớn "Tôi người Hải Phòng" trở thành điểm check in khá hot bên sông Tam Bạc. 

Bên cạnh quảng trường Nhà hát thành phố là Trung tâm Triển lãm và Mỹ thuật thành phố nằm giữa không gian công viên, cây xanh rộng lớn. Nơi đây thường xuyên có hoạt động trưng bày, triển lãm tranh, ảnh của các nghệ sĩ, họa sĩ và cả của các cháu thiếu nhi.

Cùng với đó, Nhà Kèn thành phố Hải Phòng xây dựng năm 1928, cùng thời gian với một Nhà Kèn khác được người Pháp xây dựng ở Vườn hoa Chí Linh (Hà Nội), theo dạng kiến trúc hình bát giác (nghĩa là có 8 hướng - mặt), cột bằng thân gỗ to, có 8 mái lợp tôn dày. Trong lòng sân khấu Nhà kèn lúc bấy giờ, có ai đó đặt một biểu tượng giống hình Trống Đồng ở chính giữa. Nhà Kèn được dựng lên ở khu vực chung quanh là những thảm cỏ rất đẹp (vườn hoa Nguyễn Du).

Sông Tam Bạc mới được TP Hải Phòng đầu tư chỉnh trang, như khoác lên mình trang phục mới.
Sông Tam Bạc mới được TP Hải Phòng đầu tư chỉnh trang, như khoác lên mình trang phục mới.  

Đây  là một phần của dãy vườn hoa dọc trung tâm thành phố. Công trình Nhà Kèn được người Pháp xây dựng với mục đích làm nơi cho quân lính tập chơi kèn. Nay là nơi sinh hoạt văn hóa và giao lưu âm nhạc của người dân.  Nơi đây cũng từng là sân khấu biểu diễn nhiều nhạc sĩ tên tuổi của nền tân nhạc Việt Nam, như nhóm Đồng Vọng có Văn Cao, Hoàng Quý cùng các nhạc sĩ Ngô Thụy Miên, Đoàn Chuẩn…

Tới đây, tuyến phố này sẽ trở thành phố đi bộ, là điểm check in của người dân, du khách khi có dịp ghé sông Tam Bạc.
Tới đây, tuyến phố này sẽ trở thành phố đi bộ, là điểm check in của người dân, du khách khi có dịp ghé sông Tam Bạc.  

Bà Nguyễn Thị Hoa, gần 80 tuổi, nhà ở phố Lý Tự Trọng, nhớ lại: Nhà Kèn đã được lưu giữ trong ký ức những người con thành phố này từ những năm đầu thế kỷ 20 tới nay. Không thể quên ngày 30/4/1975, sân khấu Nhà Kèn được trang hoàng rực rỡ, bộ đội về cắm trại ca hát suốt nhiều ngày đêm, mừng đất nước giải phóng… 

Có thể nói, với người Hải Phòng, sông Tam Bạc, nhà Kèn, nhà hát Lớn, dải vườn hoa trung tâm mãi vẹn nguyên trong tim mỗi người. Và sông Tam Bạc  không chỉ đơn thuần là dòng chảy mang đi những con sóng, mà ở đó chứa đựng những ký ức riêng của một thời, trở thành một trong những biểu tượng riêng có. Thành phố cảng Hải Phòng đang vươn mình ra biển lớn, khẳng định vị trí vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, cửa ngõ quan trọng của đất nước và vùng duyên hải Bắc Bộ …

Đọc thêm