Về Lạc Thổ xem gà tiến Vua

(PLO) -Một giống gà quý hiếm để người dân trấn Kinh Bắc xưa (nay là Bắc Ninh, Bắc Giang) tiến cống vua chúa thời phong kiếnĐó là giống gà Hồ, ở làng Lạc Thổ (đất vui), Thị trấn Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Trải qua hơn nghìn năm lịch sử, đến nay giống gà Hồ đang được bảo tồn như một nét đẹp trong di sản văn hóa vùng Kinh Bắc bên cạnh lợi ích kinh tế.
Mào gà đỏ đẹp đáng bậc quân tử
Mào gà đỏ đẹp đáng bậc quân tử

Gà Hồ quý hiếm bởi để nuôi một con gà từ lúc ấp nở cho đến khi trưởng thành có thể giết thịt làm cỗ phải mất đến 2 năm. Trong khi những giống thông thường chỉ mất 3-4 tháng là có thể đem bán. Khi trưởng thành, gà Hồ có thể đạt trọng lượng từ 5-7kg.

Vào mỗi dịp Tết nguyên đán, về làng Lạc Thổ, chúng ta sẽ thấy không khí tấp nập,  cảnh tìm gà, ngắm gà để mua bán, ngã giá. Người dân vẫn quan niệm thịt gà Hồ làm cỗ cúng tổ tiên, trời đất trong dịp Tết nguyên đán sẽ mang lại tài lộc, thịnh vượng, sung túc cho gia chủ. Chính vì thế giá gà thường rất cao, vào ngày thường từ 300.000- 400.000đ/kg, đến dịp lễ tết có thể lên đến 500.000đ/kg. Theo các hộ nuôi gà Hồ ở Lạc Thổ th tết Đinh Dậu (con gà) năm nay, giá gà chắc sẽ được đẩy lên cao từ 600.000-1.000.000đ/kg. Với những con gà có trọng lượng khủng, hình thức đẹp chắc chắn có giá trên 4 triệu đồng/1 con.

Trong hội thi có cả sự tham dự của đại diện Viện Chăn Nuôi Quốc Tế
Trong hội thi có cả sự tham dự của đại diện Viện Chăn Nuôi Quốc Tế

Giống gà quý hiếm bậc nhất thiên hạ này đã được thể hiện trên tranh giấy gió Đông Hồ với ý nghĩa đại cát, thịnh vượng.  Chính vì gà Hồ mang những nét văn hóa, truyền thống xa xưa nên ở làng Lạc Thổ suốt 23 năm nay đã duy trì Hội thi gà Hồ đẹp.

Gà Hồ trống được ví như bậc quân tử. Còn gà Hồ mái được ví như đại mỹ nhân.

Ông Nguyễn Đăng Chung, Chủ nhiệm CLB gà Hồ truyền thống ở Lạc Thổ cho biết: Với gà trống đẹp mang khí chất bậc quân tử để tham dự hội thi phải đạt các tiêu chuẩn sau: Trọng lượng phải đạt từ 5-7kg. Mào gà đỏ tươi tượng trưng cho chiếc mũ của quan văn ( văn). Cựa gà chắc khỏe tượng trưng cho thanh kiếm (võ). Khí phách anh dũng khi chiến đấu với kẻ địch để bảo về đàn gà (dũng). Biết chia sẻ với đồng loại khi kiếm được mồi (nhân). Khôn ngoan, tinh tường dẫn đàn đi kiếm mồi và phòng kẻ địch ( trí). Luôn dậy sớm gáy đúng giờ để  báo thức một ngày mới (tín). Nghĩa là một con gà Hồ trống đáng bậc quân tử phải văn-võ song toàn.

Một đôi gà mái mầu mã thó ( mầu trắng của đất thó)
Một đôi gà mái mầu mã thó ( mầu trắng của đất thó)

Với những nàng gà mái tiêu chí đại mỹ nhân chủ yếu được đánh giá trên mầu sắc của lông. Gà Hồ mái đẹp để đi dự thi phải có 3 mầu lông đó là: mầu mã thó (trắng của đất thó), mã sẻ (mầu lông chim sẻ) và mã nhãn (mầu quả nhãn chín).

         Người ta không đơn thuần coi gà Hồ như một loại động vật cung cấp thực phẩm quý, mà còn coi nó như một tác phẩm nghệ thuật. Bởi gà Hồ mang những nét dũng mãnh mà các giống gà khác không có được. Có nhiều người nuôi gà Hồ để làm cảnh chứ không giết thịt.

         Làng Lạc Thổ trước kia có tục nuôi gà Hồ để thờ cúng trong lễ lên lão cho những người đàn ông đã qua 55 tuổi. Lễ ấy có tên gọi Khao trầu diễn ra vào ngày mồng 4 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Sau nhiều năm tháng khó khăn chiến tranh kéo dài, gà Hồ truyền thống đã bị lai tạp dẫn tới nguy cơ tuyệt chủng. Đến năm 1992, những cụ cao niên tâm huyết với gà Hồ truyền thống đã họp bàn và thành lập CLB nuôi gà Hồ, Lạc Thổ truyền thống. Đến năm 1993, hội thi gà Hồ truyền thống đẹp lần đầu tiên được diễn ra ở đình làng.

         Năm 2010, gà Hồ là giống gà đầu tiên ở Việt Nam nhận được sự hỗ trợ về kinh phí và khoa học kỹ thuật của Chương trình môi trường Liên Hiệp Quốc phối hợp với Viện Chăn Nuôi Quốc Tế (GEF-UNEP ILRI). Cho đến nay, đã có hơn 70 hộ ở làng Lạc Thổ nuôi gà Hồ truyền thống với thu nhập mỗi lứa từ 100-200 triệu đồng ( tùy số lượng từng hộ), góp phần cải thiện đời sống của người dân vùng quê này. 

Đọc thêm