Về Lam Kinh nghe chuyện trung thần - Kỳ 3: Đền Ngọc Lan - trạm chiêu binh của nghĩa quân Lam Sơn

(PLVN) - Cách Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt Lam Kinh (tỉnh Thanh Hóa) khoảng 1km là di tích Chiêu Anh quán - đền Ngọc Lan - một ngôi đền nhỏ đã gắn liền với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn lừng lẫy chiến công.
Đền Ngọc Lan - Chiêu Anh quán.
Đền Ngọc Lan - Chiêu Anh quán.

Ngược dòng lịch sử, thời Lê Lợi khởi binh Chiêu Anh quán - đền Ngọc Lan chính là nơi trạm canh gác, nơi chiêu binh đầu tiên trước khi quân sỹ vào Lam Sơn. Trạm canh được chủ tướng Lê Lợi giao cho một thôn nữ tài trí mưu lược, sắc nước hương trời, giả mở quán bán hàng nước dưới gốc cây Ngọc Lan để che mắt quân Minh.

Đây đồng thời là trạm đưa tin, dò la các hoạt động của giặc để kịp báo cho nghĩa quân Lam Sơn. Quán nước cũng là một cơ sở bí mật lựa chọn tuyển mộ binh lính trong vùng cho chủ tướng Lê Lợi.

Thanh niên trai tráng muốn đầu quân thì tới đây đăng ký tên tuổi để trình lên các tướng lĩnh, sau đó mới được vào vòng trong huấn luyện để gia nhập nghĩa quân Lam Sơn. Với những công trạng của mình, sơn nữ ấy đã giúp Lê Lợi có những người tôi trung, chung sức làm nên chiến thắng trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Khi qua đời, cô được sắc phong là công chúa Ngọc Lan, được nhân dân lập đền thờ để tỏ lòng nhớ ơn. Nơi đây vua Lê cũng đặt bàn thờ bảy vị công thần của nhà Lê: Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn, Nguyễn Xí…

Chiêu Anh quán - đền Ngọc Lan đã được xây dựng và tôn tạo khang trang hơn, dưới tán cây ngọc lan ngôi đền đẹp, linh thiêng và huyền ảo. Đền Ngọc Lan được người dân xem như một ngôi đền thờ Thánh mẫu thiêng liêng. Năm 1962, đền Ngọc Lan được xếp hạng là Di tích lịch sử cấp quốc gia. 

Cầu Rồng bắc qua suối Ngọc dẫn vào đại điện Lam Kinh.
Cầu Rồng bắc qua suối Ngọc dẫn vào đại điện Lam Kinh. 

Ngày nay, Chiêu Anh quán- đền Ngọc Lan thuộc khu 1- thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, nằm bên hữu ngạn sông Chu. Ngôi đền thiêng tọa lạc ở địa thế sơn thủy hữu tình, dưới bóng cây ngọc lan cổ thụ và đặc biệt khuôn viên đền trồng nhiều cây ngọc lan và hoa cảnh đẹp và thơm đúng như tên gọi của ngôi đền. 

Theo nhà nghiên cứu Lê Xuân Kỳ, đền Ngọc Lan được xây dựng lại to lớn hơn vào thời Nguyễn, xưa kia chỉ là một đền thờ nhỏ lợp bằng tranh tre, nứa lá dựng trên một gò đất cao đằng sau có rừng Lim, quay mặt về hướng đông nam liền kề sông Nông Giang( sông đào thời Pháp thuộc), hai bên có núi Chủ Sơn và núi Mục Sơn làm tiền án tả hữu.

Dưới thời Lê Lợi, khi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn diễn ra các khai quốc công thần từ khắp nơi trong nước về đất Lam Sơn tụ nghĩa. Chiêu Anh Quán- Đền Ngọc Lan chính là nơi chiêu binh đầu tiên ( trạm thông tin liên lạc) trước khi nghĩa quân vào Lam Sơn tham gia cuộc khởi nghĩa, trong đó có Nguyễn Thận, Nguyễn Xí, Lê Đạt, Lê Phần, Nguyễn Nhữ Lãm, Lê Văn An, Lê Bổng….

Sau khi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn giành thắng lợi, các vị khai quốc công thần thời Lê đã được thay tên đổi họ và lấy họ Vua. Để tưởng nhớ công ơn các vị khai quốc , nhân dân đã lập đền thờ. Chiêu Anh Quán- Đền Ngọc Lan thờ 7 vị khai quốc công thần thời Lê đó là: Nguyễn Xí, Nguyễn Nhữ  Lãm (Lê Nhữ Lãm), Nguyễn Thận (Lê Thận), Lê Văn An, Lê Bổng, Lê Phần, Lê Đạt.

Cây đa di sản trên 300 năm tuổi với tán lá có đường kính hàng trăm mét, tỏa bóng xuống sân Rồng ở Khu di tích Lam Kinh.
Cây đa di sản trên 300 năm tuổi với tán lá có đường kính hàng trăm mét, tỏa bóng xuống sân Rồng ở Khu di tích Lam Kinh.

Các vị cao niên trong vùng cho biết, Chiêu Anh quán- đền Ngọc Lan không những thờ 7 vị khai quốc công thần thời Lê có công trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn  mà còn là nơi thờ cô bé Ngọc Lan. “Xưa kia có một người con gái không chồng mở quán bán nước dưới gốc cây hoa Ngọc Lan, nghĩa quân Lam Sơn đã dừng chân nơi đây và làm cơ sở tuyển quân, được cô gái bán nước đưa đón, giúp đỡ.

Khi có giặc minh truy đuổi nghĩa quân Lam Sơn cô bán nước chính là người che dấu quân sỹ, đánh lạc hướng để giặc Minh không tìm được mục tiêu. Khi cô bán nước chết đi, nhân dân lập đền thờ dưới gốc cây hoa Ngọc Lan , vì vậy gọi là đền Ngọc Lan- Chiêu Anh quán”.

Hiện tại, Chiêu Anh quán- đền Ngọc Lan đã được trùng tu, tôn tạo lại trên nền móng cũ và có mở rộng thêm ra hai bên với diện tích khoảng 200mm, xung quanh được bao tường khép kín để bảo vệ.

Không gian nội thất đồ thờ ở trong đền được sắp xếp như sau: Tính từ cổng đền vào phía bên trái, bàn trong cùng là nơi thờ 7 vị khai quốc công thần thời Lê: Lê Thận, Lê Nhữ Lãm, Lê Văn An, Lê Đạt, Lê Phần, Lê Bổng, Nguyễn Xí. Bát hương ở giữa là thờ hội đồng các quan, hạ ban là nơi thờ Ngũ Hổ Nam Dinh.

Trong đền có các tượng: Tượng phật Tổ, tượng phật Bà Quan âm, tượng Bồ Tát và tượng Nguyễn Xí (được làm vào khoảng những năm 1990- 1991).

Phía bên phải tính từ ngoài đền di vào gọi là Lầu Cô: có một bát hương thờ cô bé Ngọc Lan và tượng cô chủ điện. Ngoài sân đền còn có 2 bát hương: một bát hương thờ Mẫu Cửu Thượng Thiên và một bát hương thờ thần kim quy (thần rùa do cô Lan ở xã Thọ Diên vớt được rùa dưới sông Nông Giang mang về nhà thờ cúng được 3 năm dâng lên đền ).

Hiện nay, trong đền chỉ còn lại duy nhất một bát hương bằng đá khoảng thế kỷ 15, bát hương niên đại 5 thế kỷ tuy đã bị sứt 2 quai nhưng trang trí chạm khắc trên bát hương rất tinh xảo và rõ nét. Mặt trước bát hương khắc mặt hổ phù, xung quanh 4 bên có hình hoa sen và rồng chầu mặt nguyệt rất đẹp, bát hương này đang được chủ Đền lưu giữ. Đây là một trong những đồ thờ có giá trị để có thể nghiên cứu về quá trình hình thành, tồn tại, phát triển của đền.

(Đón đọc: Bà chúa Chằm - người nuôi giấu nghĩa quân Lam Sơn) 

Đọc thêm