Về Long An chiêm ngưỡng công trình cổ Trăm cột mang kiến trúc nhà rường của xứ Huế

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ở tả ngạn sông Vàm Cỏ Đông, thuộc xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long An, nhà Trăm cột là công trình kiến trúc điêu khắc cổ xây dựng theo lối nhà Rường đặc trưng của xứ Huế. Trải qua hơn 100 năm, ngôi nhà vẫn được các hậu duệ của chủ nhân ngôi nhà gìn giữ qua nhiều thế hệ.
Ngôi nhà Trăm cột tại Long An xây dựng theo lối nhà Rường đặc trưng của xứ Huế.
Ngôi nhà Trăm cột tại Long An xây dựng theo lối nhà Rường đặc trưng của xứ Huế.

Mỗi khi có người tới thăm, bà Trần Thị Ngỏ (72 tuổi), cháu dâu của chủ nhân đầu tiên của ngôi nhà, vui vẻ pha ấm trà cùng những chiếc bánh in (đặc sản của xã Long Hựu, huyện Cần Đước, tỉnh Long An) mời khách. “Ngôi nhà này đã hơn 100 tuổi, được ông nội tôi xây dựng và thuê một đội thợ chạm khắc tinh xảo từ Huế vào chế tác. Dù trải qua chiến tranh nhưng ngôi nhà may mắn không bị tàn phá và vẫn giữ được gần như nguyên vẹn những lối kiến trúc vốn có”.

Nhà Trăm cột đã được Bộ Văn Hóa - Thông tin xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa Quốc gia theo Quyết định số 2890- VH/QĐ/ vào ngày 27/9/1997.

Sự kết hợp tài tình giữ kiến trúc nhà rường kiểu Huế, Nam bộ và mỹ thuật phương Tây

Chủ nhân kiến tạo ngôi nhà này là cụ Trần Văn Hoa, lúc ấy là Hương sư làng Long Hựu, tỉnh Gia Định. Khi mới 22 tuổi cụ đã làm Hội đồng quản hạt Chợ Lớn, vì thế tên gọi ban đầu là Nhà ông Hội đồng, Nhà ông cả. Hiện chủ nhân là bà Trần Thị Ngỏ, cháu dâu của cụ Hoa.

Được biết, ngôi nhà được khởi công vào đầu năm 1898 đời vua Thành Thái, sau 3 năm hoàn thành phần xây dựng thô, và thêm 2 năm để trang trí nội thất, đến năm 1903 thì hoàn thành và năm 1904 thì xong phần chạm khắc trang trí.

Ngôi nhà có tất cả là 120 cột bằng gỗ cẩm lai (68 cột tròn và 52 cột vuông).Ngôi nhà có tất cả là 120 cột bằng gỗ cẩm lai (68 cột tròn và 52 cột vuông).

Theo tìm hiểu, đầu tiên cụ Hoa phải bỏ ra vài trăm đồng bạc Đông Dương để chuẩn bị nguyên vật liệu, mua gỗ từ trên rừng về, mua gạch ngói ở Bình Dương. Sau đó, ông thuê một nhóm thợ chạm nổi tiếng ở gồm 15 thợ từ làng Mỹ Xuyên – làng chạm khắc mộc nổi tiếng của Thừa Thiên – Huế thực hiện bằng chất liệu chủ yếu là các loại gỗ quý như cẩm lai, mun…vào làm ròng rả trong 3 năm thì hoàn thành.

Toàn bộ diện tích công trình bao gồm cả đất vườn là 3.456m2. Riêng diện tích của ngôi nhà là 460,81m2. Ngôi nhà được xây dựng theo kiểu chữ “Đinh” có 2 cổng đi vào ở hướng Đông và hướng Nam. Cổng được xây bằng xi măng bên trên có mái che (hiện nay mái che không còn nữa) lối đi từ cổng vào đến bậc thềm được lát gạch.

Nền nhà cao 92cm, được ẩn đá hộc và xi măng, xung quanh có 5 bậc tam cấp để lên xuống. Nền nhà được lát gạch hình lục giác màu nâu. Ngôi nhà có tất cả là 120 cột bằng gỗ cẩm lai (68 cột tròn và 52 cột vuông). Các cột tròn được phân bổ thành 6 hàng ngang, cột được bào nhẵn. Hàng cột cao nhất có trang trí bao lam cao 4,9m, đường kính 25cm, còn cột vuông được phân bố chủ yếu ở các vạch tường và hai bên chái phía sau.

Nhà gồm có 5 gian, 2 chái, ở phía sau 2 chái nhà đối xứng nhau qua 1 cái hồ khô không nước, có diện tích là 69,52m2. Bờ thành của hồ cũng chính là chiều cao của nền nhà ở phần này. Một bức vách chạy ngang nhà, ngăn ngôi nhà lớn ra thành phần trước và phần sau, được thông nhau qua một cái cửa phía bên trái.

Mái nhà được lớp ngói âm dương, bên dưới lợp ngói được quét vôi trắng. Các bức vách xung quanh đều bằng gỗ. Mỗi đầu gồm kèm nhiều chạm khắc hình rồng. Ở phần giữa của cây kèo, nơi tiếp với đầu cột, chạm một bông hoa nổi lớn, các thanh xà đều trang trí hoa văn.

Ở hàng cột cao nhất phía trước ngôi nhà, giữa các khung cột, được trang trí 3 bao lam, phần trung tâm của bao lam ở giữa chạm hình chim phụng, hai bên thì chạm hình mai liên điểu. Ở phần trung tâm hai bao lam hai bên chạm hình chim công và hai bên là hình chiêm muông thú hoa lá cỏ cây rất công phu. Phía trên các bao lam là một tổ hợp chạm trổ điêu khắc gồm nhiều mảnh gỗ hình vuông, hình chữ nhật ghép lại thành bức vách, các mảnh này được chạm khắc hình chiêm muông thú cỏ cây rất điêu luyện. Một vài mảnh được khắc xà cừ rất tinh xảo.

Những nét trạm trổ, điêu khắc tinh xảo tại ngôi nhà Trăm cột tại Long An.Những nét trạm trổ, điêu khắc tinh xảo tại ngôi nhà Trăm cột tại Long An.

Theo các nhà nghiên cứu, đây là một ngôi nhà có kiểu thức thời Nguyễn, về đại thể mang dấu ấn rõ rệt của phong cách Huế. Nhưng do được làm theo đơn đặt hàng của gia chủ trong bối cảnh Nam Bộ thời thuộc Pháp nên có nhiều nét tiểu dị trong đề tài trang trí, tạo được sự phong phú và đa dạng. Đó cũng là một phần lịch sử - văn hóa đất phương Nam ở cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.

Bên cạnh đó, những đồ vật trong ngôi nhà Trăm cột này cũng có cùng niên đại với nó và đều được làm bằng các loại gỗ quý như cẩm lai và gỗ đỏ. Ở phía trước bàn thờ được bố trí một bộ phận ghế trường kỷ, một bộ bàn tròn và 2 bộ bàn ghế hình chữ nhật. Phía bên phải có đặt một bộ bàn tròn, mộ bộ sa- long (mặt bàn hình hạt xoài)...

Ở gian thờ trên 1 thanh sàn có 3 tấm liễn mà người ta tặng cụ Hoa lúc ăn tân gia. Tấm giữa được sơn son thiếp vàng có 4 chữ nho: “Sơn trang cổ tận” – Tạm dịch “Núi cao không dứt”. Hai tấm 2 bên có dòng chữ giống nhau được khảm xà cừ “Thiện cực lạc” – Tạm dịch “Làm việc thiện rất vui”. Các đồ vật này hiện nay vẫn còn được lưu giữ nguyên vẹn trong ngôi nhà.

Gìn giữ di tích bằng cái tâm và niềm tự hào

Ngôi nhà của ông Cả sở dĩ tồn tại được lâu như vậy là do được làm bằng những loại gỗ tốt. Hơn nữa ngôi nhà luôn có người ở. Các đời con cháu ông nối tiếp nhau ở đây và gìn giữ ngôi nhà. Lần đầu tiên ngôi nhà được tu sửa là vào năm 1969 do ông Trần Văn Miên (con của cụ Hoa) làm. Thời gian sửa chữa là 10 ngày với chi phí hết 4 lượng vàng. Chủ yếu sửa chữa phần trước ngôi nhà, xây lại tường, lắp các cánh cửa, lát gạch men ở hàng hiên và làm lan can phía trước.

Ở phía sau ngôi nhà lớn này, trước đây có một ngôi nhà ngang dài, rộng 8m. Nhà có khoảng 30 cây cột gỗ cẩm lai, mái lợp ngói âm dương, được xây dựng đồng thời với ngôi nhà lớn năm 1952 ông Trần Văn Miên đã bán cho người Hoa ở kinh nước mặn với giá 20 ngàn đồng bạc Đông Dương. Khoảng đất đó hiện nay vẫn bỏ trống không được xây dựng gì.

Từ đó đến nay, ngôi nhà đã trải qua ba đời cai quản theo thứ tự sau: Ông Trần Văn Hoa – đời ông; Ông Trần Văn Miên (Hương cả Đô) – đời con; ông Trần Văn Ngộ - đời cháu. Hiện nay chủ nhân của ngôi nhà là bà Trần Thị Ngỏ - Vợ của ông Trần Văn Ngộ.

Bà Trần Thị Ngỏ (72 tuổi) – Chủ nhân hiện tại của ngôi nhà Trăm cột.

Bà Trần Thị Ngỏ (72 tuổi) – Chủ nhân hiện tại của ngôi nhà Trăm cột.

Từ khi được công nhận là Di tích lịch sử Quốc gia, ngôi nhà đã trải qua 4 lần trùng tu, tất cả đều do các cơ quan chức năng thực hiện bằng kinh phí của nhà nước. Việc tu bổ vẫn giữ được những nét kiến trúc vốn có của ngôi nhà. Về phía gia đình, theo chia sẻ của chị Trần Thị Thanh Bạch (40 tuổi), cháu đời thứ 4 của cụ Hoa, trong suốt hơn 100 năm qua các thế hệ trong gia đình đều cố gắng gìn giữ bằng tình yêu và niềm tự hào với di sản của cha ông.

“Những người khách đến thăm quan họ chiêm ngưỡng kiến trúc và khen ngợi là qua hai cuộc chiến tranh nhưng ngôi nhà vẫn nguyên vẹn thì đây giống như một điều may mắn, đạo đức trường tồn của gia đình. Các thành viên trong gia đình đều cảm thấy vinh hạnh, tự hào với di sản mà tổ tiên mình để lại nên đó là lý do lớn nhất để gia đình mình cũng cố gắng gìn giữ.

Để bảo tốt một di sản thì cần phải xuất phát từ cái tâm, từ đạo đức của mình, đến tổ tiên nên mình cố gắng gìn giữ”, chị Thanh Bạch bày tỏ.

Ngôi nhà Trăm cột tại Long An được xây dựng với mục đích để ở, không gắn với tín ngưỡng của một tôn giáo nào, nhưng nó lại mang giá trị lớn về nghệ thuật kiến trúc điêu khắc. Từ việc lựa chọn những con vậy, cây hoa lá để thể hiện cho đến các đường nét chạm khắc tinh xảo đã cho thấy được tâm huyết và tài năng của những người thợ. Chính những điều đó đã thu hút người xem và tạo cảm giác thanh thoát, nhẹ nhàng, đồng thời cảm phục trước tài năng của những người thợ điêu khắc dân gian tài năng.

Đọc thêm