Đổi đời nhờ “cây vàng, cây bạc…”
Một ngày cuối tháng 6, trong một dịp tình cờ chúng tôi đã về Viễn Sơn, xã đi đầu trong việc phát triển chất lượng và sản lượng quế. Mới về đến gần địa bàn xã, chúng tôi bắt gặp đến cả chục xe ô tô lớn chở đầy các vỏ quế khô, lá quế xanh chín và gỗ ra ngoài các xưởng, doanh nghiệp tư nhân ngoài phố huyện.
Đem sự “nhộn nhịp” này thuật lại, tôi được ông Doãn Hải Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Viễn Sơn thông tin nhanh: “Ở Viễn Sơn, người Dao chiếm đến 70% dân số, với 750 hộ dân và khoảng 3.400 nhân khẩu, xã đã quy hoạch canh tác được hơn 1.503 ha quế”.
Nói sâu hơn về nguồn gốc loại cây này, ông Sơn chia sẻ thêm: Trước đây, người ta không gọi cây quế mà gọi là cây quý. Vào khoảng cuối thế kỷ 19, có người nông dân tên là Bàn Phú Sáu lên rừng, thấy và nhổ 3 cây quế về trồng, đến khi quế lến ra hoa đơm quả ông lấy hạt và trồng cả một vùng quế. Từ đấy, người dân quanh vùng thấy vậy cũng trồng theo, dần dần lan ra cả vùng, phát triển như bây giờ.
Không rõ “gốc gác” cây quế mà ông Phó Chủ tịch kể xác thực đến đâu nhưng có một điều chắc chắn là hiện ở huyện Văn Yên cây quế là loại được trồng nhiều bậc nhất. Trong đó, quế được phát triển gây trồng đặc biệt nhiều ở 4 xã dọc khắp huyện Văn Yên là: Viễn Sơn, Đại Sơn, Phong Dụ, Châu Quế Hạ. Quế ở những xã này đem lại chất lượng tinh dầu bậc nhất, được các doanh nghiệp săn đón trên thị trường.
Theo một cán bộ huyện Văn Yên, cây quế đã giúp hàng trăm hộ dân trong địa phương “đổi đời”. Với giá thu mua bình quân vào khoảng 38 nghìn đồng/kg vỏ quế khô; 2.000 đồng/kg lá, cành, ngọn; 1,2 triệu đồng/m3 gỗ quế (cây đốn hạ bóc vỏ thì thân làm tượng gỗ hoặc dùng để xẻ ván gỗ xuất khẩu) thì khi thu hoạch toàn bộ, mỗi ha quế sẽ mang lại cho người dân trên dưới 500 triệu đồng.
Nhắc chuyện “lộc” thu được từ quế, một chủ hộ “làm quế” vào hàng nhất, nhì ở Văn Yên thủng thẳng mào đầu câu chuyện bằng lời kết luận ngắn gọn: “Nói cây quế là lộc, là của để dành là còn khiêm tốn. Kỳ thực với người dân nơi đây, những cánh rừng quế đã đem lại sự đổi đời theo đúng nghĩa. Như thế phải gọi là “cây vàng, cây bạc” mới là đúng....”
Gắn liền văn hóa cưới xin của người Dao
Có một chuyện ít ai biết gắn với cây quế ở Văn Yên là suốt từ bao đời người dân ở các bản người Dao tại Viễn Sơn, Châu Quế Hạ đã coi quế là một loại “sản vật” truyền thống, là nét đẹp trong văn hóa tín ngưỡng của đồng bào dân tộc. Họ không những xem cây quế là loại cây kinh tế chủ lực, làm thuốc, làm quà mà còn lấy loại cây này làm của hồi môn khi cưới vợ, gả chồng cho các con.
Theo đó, cưới hỏi là một nghi lễ vô cùng quan trọng trong nét văn hóa của người dân tộc Dao. Và đối với người Dao ở Văn Yên, mỗi khi con cái họ sinh ra đã được trồng cho một đồi quế. “Mỗi một dân tộc, vùng miền đều có những nét văn hóa, bản sắc dân tộc đặc trưng, và người Dao Văn Yên cũng vậy. Ngoài những nét đẹp văn hóa như lễ cấp sắc, những điệu hát Páo Dung (làn điệu dân ca), trang phục… trẻ con khi chào đời đều được cha mẹ trồng quế để đánh dấu. Tùy theo diện tích đất nhà rộng đến đâu và phụ thuộc số lượng con cái, cha mẹ sẽ trồng, đợi khi con lớn đến tuổi dựng vợ gả chồng sẽ được trao tặng” – một cao niên Châu Quế Hạ bộc bạch.
Theo tập tục trong vùng, khi các con còn bé, bố mẹ sẽ là người trồng và chăm sóc quế, chăm sóc bao gồm việc làm cỏ quế, bón phân. Còn khi các con lớn, bố mẹ sẽ chia cho mỗi con một mảnh hoặc một đồi quế để con tự chăm lo và thu hoạch.
Ở nhiều bản làng người Dao, trẻ con lên 5 tuổi đã biết theo mẹ lên nương, đồi cao trồng quế. Đến nay, quế Văn Yên đã và đang đem lại giá trị kinh tế cao nên mỗi người con gái đến tuổi cập kê đều có một số tiền nhất định. Người ít quế thì giá trị vài chục triệu, người chăm chỉ đến khi lấy vợ, lấy chồng có cả bạc tỷ trong tay.
Chị Triệu Mùi (20 tuổi), trú tại xã Châu Quế Hạ trước khi về nhà chồng được bố mẹ trao cho 1 đồi quế thay của hồi môn, với diện tích gần 1 ha quế đến độ thu hoạch. Chị Mùi chia sẻ: “Lấy chồng bố mẹ cho để làm vốn, nhờ thế mà cuộc sống cũng bớt bề khó khăn”.
Theo ông Triệu Tiến cán bộ tư pháp xã Mỏ Vàng, sở dĩ người dân tặng quế cho con cái thay vì những món đồ trang sức xa xỉ, bởi phần lớn họ cho rằng đây là món quà ý nghĩa, thiết thực đối với con cái. Hơn nữa, loại cây này từ lâu đã gắn liền, trở thành một phần cuộc sống của người dân tộc Dao. Khi còn sống, quế giúp “đuổi” đói nghèo, khi chết đi muốn con cái của họ tiếp tục sự nghiệp trồng và bảo tồn những nét văn hóa đẹp của dân tộc mình. Hơn nữa, khi các con vừa lớn bố mẹ đã chia đất, chia quế để các con tự làm sẽ giúp các con có động lực, chăm chỉ làm lụng hơn.