Miệt mài giữ lửa nghề
Cụ Công Tôn Nữ Trí Huệ hiện đang sinh sống tại thôn Giáp Đông (xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế) năm nay đã bước sang tuổi 98. Cụ Trí Huệ là chắt nội của vua Minh Mạng, cháu nội của Hoài Đức Quận Công Miên Lâm, người có công phò tá vua Hàm Nghi và Thành Thái. Gia đình cụ Trí Huệ xưa kia nổi tiếng với nghề bốc thuốc cứu người.
Trước khi theo cha lên kinh thành Huế mở tiệm thuốc bắc, là con cháu của hoàng tộc, cụ Trí Huệ được cho phép vào trong Đại Nội làm công việc như các Công Tôn Nữ khác. Công việc cụ yêu thích là dùng chỉ thêu thùa, cắt từng miếng gấm, kết hợp những miếng sốp nhỏ để bọc ngoài vỏ gấm, rồi thêu rồng, phụng làm thành từng chiếc gối dựa hay còn gọi là “trái dựa”, một loại gối tựa tay phục vụ cho hoàng tộc.
Năm 17 tuổi, cụ Trí Huệ chính thức vào cung làm nghề may gối dựa và đảm trách luôn việc may áo cho Đức Từ Cung, mẹ vua Bảo Đại. Cụ Trí Huệ cho biết việc may gối dựa đều làm theo mẫu có sẵn và tuân thủ quy tắc may gối cho vua phải đủ 5 lá, gối của Hoàng Thái Hậu và các quan phải đủ 4 lá.
Việc may gối trong cung đình cũng phải tuân thủ theo những quy tắc hết sức nghiêm ngặt: Gối trái dựa của vua được thêu rồng, gối dựa của Hoàng Thái Hậu được thêu phụng, gối của các quan thường để trơn. Để đảm bảo tính thẩm mỹ của chiếc gối, công đoạn may do người chuyên may gối đảm nhận còn việc thêu sẽ có những thợ thêu chuyên nghiệp làm.
|
Những đường kim mũi chỉ khi làm gối trái dựa đòi hỏi phải vô cùng nhỏ và tỉ mỉ. |
Cụ Huệ kể rằng: “Khi may gối trái dựa thì việc chọn màu vải là hết sức quan trọng. Gối của vua và Hoàng Thái Hậu thường sẽ có màu vàng, màu tượng trưng cho uy quyền, còn gối của các quan sẽ là màu xanh, tím tùy theo màu của ghế, sập đặt gối”, bà Huệ kể. Chọn màu vải khi may gối trái dựa cũng hết sức quan trọng. Thường thì gối của vua và Hoàng Thái Hậu có màu vàng, tượng trưng cho uy quyền, còn gối của các quan là màu xanh, tím tùy theo màu của ghế đặt gối”.
May gối cho vua Bảo Đại, bà Trí Huệ bảo phải rất chú ý đến kích thước của ghế và lượng bông nhồi gối sao cho phù hợp với thân hình của hoàng đế. Nếu may gối theo mẫu cũ dành cho các ông vua trước thì không ổn vì vua Bảo Đại cao to hơn nhiều. “Nhờ đó mà vua Bảo Đại rất vừa lòng. Vua còn sai may gối trái để có thể đặt trên ôtô mang theo mỗi khi vua lên Đà Lạt đi săn”, bà Trí Huệ nhớ lại.
Cũng chính sự bắt mắt và tác dụng của chiếc gối trái dựa trong cung Nguyễn mà nhiều bạn người Pháp của vua Bảo Đại đã đặt bà Trí Huệ may để mang về làm quà cho người thân.
Theo bà Công Tôn Nữ Trí Huệ, ngày xưa, gối trái dựa thường được vua, quan sử dụng để gối đầu, tựa lưng hay tì tay lúc ngồi nghỉ ngơi, đọc sách. Vì được sử dụng nhiều ở chốn hoàng cung, vương giả mà mọi người mới quen gọi với cái tên là gối cung đình.
|
Cụ Công Tôn Nữ Trí Huệ đã dựa vào việc làm gối trái dựa để nuôi giấu cán bộ, phục vụ cho Cách mạng (Ảnh: Éternité Việt Nam). |
“Việc may gối để thẳng mép, không lỗi chỉ thì phải có mẹo, người may phải nhồi bông cho thật khéo để gối luôn giữ được độ em, căng phồng đều sau nhiều lần giặt. Một người thợ lành nghề để hoàn thành một chiếc gối dựa nếu chăm chỉ cũng phải mất 5 ngày công”, cụ Huệ cho biết.
Ngoài việc may gối cho vua, bà Trí Huệ còn đảm nhận việc may áo cho bà Từ Cung. “Áo luôn phải phẳng khi mặc, phải may bó sát người, vừa gọn gàng, vừa kín đáo”, bà Trí Huệ tiết lộ bí quyết may áo cho Đoan Huy Hoàng Thái Hậu.
Suốt 9 năm làm nghề may trong cung cấm, ban ngày bà Trí Huệ chăm chỉ làm việc phục vụ vua, hoàng thái hậu, nhưng đêm đêm lại bí mật hoạt động cách mạng, nuôi giấu cán bộ trong nội thành Huế.
Một gia đình hoàng tộc kiên trung
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân: “Ngay trong cuộc khởi nghĩa Duy Tân năm 1916 chính bố của cụ Tôn Nữ Trí Huệ là Nguyễn Phúc Hường Dẫn đã giúp vua Duy Tân lúc đó còn nhỏ tuổi xây dựng binh quyền để chống Pháp. Tuy nhiên, cuộc khởi nghĩa không thành, vua Duy Tân và bố của bà bị địch bắt giam tại đồn Mang Cá, TP Huế.
Đáng lẽ Hường Dẫn phải bị khép tội chết, nhờ có người anh con bác ruột là Hường Đề (con ông Tuy An Công Miên Kháp) rất thân với vua Khải Định nên xin bảo lãnh thoát khỏi tội chết. Hường Dẫn bị giam một thời gian rồi được thả về làm nghề bốc thuốc bắc tại xã Hương Cần, ngay chính ngôi nhà cụ Trí Huệ đang sống hiện nay”. Tuy cuộc khởi nghĩa thất bại nhưng đến nay, người dân đất cố đô vẫn lưu truyền câu “Thứ nhất Phan Thành Tài, thứ hai Hường Dẫn”.
Từ thuở nhỏ bà Trí Huệ đã học được nghề làm thuốc bắc của bố, đó cũng chính là nghề gia truyền của cả gia đình. Tiếng tăm của cụ Hường Dẫn vang đến đô thành. Những người được cụ chữa lành bệnh đến tạ ơn và xin đăng tin trên các bản tin tiếng Pháp lúc đó. Vì vậy, cụ không còn nằm trong danh sách bị nghi ngờ của binh lính Pháp và chính quyền phong kiến Nam triều.
Sau đó cụ Hường Dẫn cùng gia đình lên Huế mở phòng mạch tại số tại số 10 kiệt Chương Đức, phường Thành Cát nay là phường Thuận Hòa. Cùng thời gian này, Tôn Công Nữ Trí Huệ vừa ở nhà phụ làm nghề thuốc bắc vừa đi học may vá và làm gối trái dựa ở Nội Cung.
|
Bà Lê Thị Liền học nghề làm gối của cụ Trí Huệ (Ảnh: Tuổi trẻ). |
Cách mạng tháng Tám thành công, bà được bầu làm đại biểu hội phụ nữ ở địa phương và kết duyên cùng ông Nguyễn Văn Lộc chủ tiệm thuốc Tây Trung Việt – đây nơi chuyên nuôi giấu cán bộ hoạt động trong nội thành Huế. Lợi dụng việc bốc thuốc, bà Trí Huệ đã tổ chức vận chuyển thuốc cung cấp cho các chiến sĩ hoạt động nội thành Huế hay đi theo sông Như Ý về núi Dạ Lê để chuyển thuốc lên chiến khu Dương Hòa chữa trị cho các chiến sĩ cách mạng bị thương.
Trong một lần vận chuyển thuốc lên chiến khu, hai nhân viên của tiệm thuốc tây Trung Việt là ông Hiền và ông Lộc bị bắn chết tại làng Vân Dương (nay thuộc xã Thủy Vân – huyện Hương Thủy). Từ đó, tiệm thuốc Tây của vợ chồng bà Trí Huệ bị giặc Pháp phá nát, chồng của bà cũng buồn mà chết đi.
Cung An Định lúc đó được sự bảo hộ của chính quyền Ngô Đình Nhiệm. Ban ngày cụ kết gối dựa, đêm về bí mật đưa cán bộ cách mạng vào trong cung An Định, nhiều người giờ đã có chức quyền tại tỉnh Thừa Thiên Huế.
Các ông Nguyễn Hữu Hường (Hường Thọ) nguyên Tỉnh ủy viên Thừa Thiên, nguyên Bí thư Huyện Ủy Hương Trà trong hai cuộc kháng chiến; Trung tướng Vũ Xuân Chiêm, nguyên Bí thư Thị ủy Huế thời chống Pháp, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Trung tướng Lê Tự Đồng, nguyên Phó Viện trưởng Học viện Quân sự cấp cao; các anh Mai Ngân trước ở chiến khu Dương Hòa, anh Đoàn Nhuận, cán bộ dân vận của thành ủy Huế hồi chống Mỹ… đã xác nhận những đóng góp của bà Trí Huệ trong hai cuộc kháng chiến. Bà đã được tặng Huy chương kháng chiến và Bằng khen của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
Riêng đối với bà thì cuộc đời vẫn lẳng lặng sống với những luống quýt Hương Cần quê bà. Sau khi kết thúc công việc làm Phụng Sự (chuyên lo hương khói, vệ sinh và giới thiệu cho du khách tham quan) tại lăng Tự Đức (năm 1976), bà Huệ về với việc làm gối trái dựa. Cũng từ đó, những chiếc gối dựa cung đình lặng lẽ sang Paris, Anh, Mỹ theo bước chân của du khách và bà con là người Việt kiều.
Trong cuộc đời mình, cụ Trí Huệ luôn nhớ mãi hai lần may mắn được gặp gỡ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Lần đầu là khi cụ còn phụng hương khói ở lăng Tự Đức, Đại tướng đã vào thăm lăng. Lần hai là vào khoảng tháng 10 năm 2000, khi lần đầu tiên bà cùng người con trai ra Hà Nội được Ban liên lạc đồng hương Huế tạo điều kiện gặp được Đại tướng.
Khi đó, cụ Trí Huệ bày tỏ với mọi người có làm một chiếc gối dựa, món quà bao nhiêu năm qua cụ đã ấp ủ để tặng Đại tướng ngồi đọc báo, hoặc có thể nằm để thư giãn. Ý định của bà đã được ban liên lạc đồng hương Huế làm việc với đồng chí Huyên thư ký riêng của Đại tướng, đồng chí cho biết Đại tướng Giáp đồng ý gặp bà.
Vào nhà, gặp Đại tướng cụ Trí Huệ cất tiếng: “Kính thưa cụ! con từ Huế ra”. Đại tướng ngắt lời, nói: “Bà đừng gọi thế”. Sau đó mệ xưng hô lại là cụ - tôi, Đại tướng đã gật đầu và ân cần trò chuyện, thăm hỏi sức khỏe, người thân nơi quê nhà cụ Trí Huệ.
Trong cuộc trò chuyện, cụ Trí Huệ thưa với Đại tướng rồi đưa trái dựa - chiếc gối dựa có 5 lá bọc lớp vải màu vàng mà cụ đã tự may tặng Đại tướng. Đại tướng vui vẻ nhận rồi nói: “Chúng tôi cảm ơn bà! Chúc bà luôn mạnh khỏe và sống hạnh phúc với con cháu”, cụ Huệ nhớ lại.
Cũng theo cụ Huệ, trong cuộc gặp, cụ đã kể cho Đại tướng biết về dòng dõi thuộc triều đình nhà Nguyễn của mình, trong đó ông nội cụ phò vua Hàm Nghi, bác ruột phò vua Thành Thái, cha là Hường Dẫn phò vua Duy Tân chống pháp, sự việc không thành đều bị chết và giam cầm. Trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, cụ cũng có công nuôi cách mạng. Nghe xong, Đại tướng bày tỏ vui mừng khi được biết gia đình cụ cũng có đóng góp cho sự nghiệp chung.
Những người viết tiếp lịch sử…
Hiện tại, mong muốn lớn nhất của cụ là làm thế nào đó có thể truyền dạy, bảo tồn được nghề làm gối trái dựa của cha ông. Hay chí ít làm sao giới thiệu sản phẩm gối trái dựa cho nhiều người biết đến hơn nữa.
Một chiếc gối dựa của cụ Trí Huệ sau khi hoàn thành được bán với giá 1,5 triệu đồng/một cái. Đây cũng là cái giá mà các vị khách đầu tiên tự trả cho cụ Trí Huệ, sau này thấy hợp lý cụ cứ để từ đó cho tới giờ. Tuy nhiên đối với cụ đó không là vấn đề mà mong muốn của cụ là sẽ có người theo nghề mình vì giờ chỉ có cụ là làm được gối mà thôi. “Ở Huế hiện có nhiều nghề truyền thống được chính quyền quan tâm, bảo tồn đó chứ; nhưng riêng nghề làm gối trái dựa mà chỉ có tôi làm thì lại rất ít người biết đến, chẳng ai để ý mà bảo tồn. Nhiều lúc cũng chạnh lòng lắm mà biết làm sao đây...”, cụ tâm sự.
Cụ Huệ cũng chia sẻ hiện trong nhà có con dâu và cháu đang tập làm, cũng như có một số sinh viên đến tìm cụ để học. Ai cũng có năng khiếu để làm gối nhưng để làm ra một cái gối thực sự hoàn chỉnh thì chưa được thành thạo vì có độ khó nhất định. Vả lại hiện thị trường ít người mua gối này, chủ yếu là trưng bày nên đây cũng là lí do khiến lớp trẻ ít quan tâm cái nghề này...
Khi dạy những người học nghề cụ Trí Huệ thường nói:“ Lần đầu làm có thể không được ngay gối, lại làm tiếp, lần thứ hai, thứ ba thì mọi việc đều hoàn hảo. Quan trọng là đường may phải ngay ngắn, làm người cũng thế.” Từ đó, hình ảnh chiếc gối xếp thủ công 4 hoặc 5 lá tưởng chừng đã mai một nay đang dần xuất hiện trở lại trên các diễn đàn cổ phong cũng như sinh hoạt.
|
Những chiếc gối mang màu sắc Hoàng gia được hoàn thành từ tay cụ Trí Huệ (Ảnh: Tuổi trẻ). |
Bà Lê Thị Liền (con dâu cụ Huệ) chia sẻ ngày xưa cụ Huệ rất kín kẽ trong từng lời ăn tiếng nói, bây giờ tuổi cao nên vấn đề này đã bớt đi nhiều, không còn khó tính như trước nữa... “Phải nói mẹ tôi may bằng tay rất tuyệt vời, gọi là ‘chuyên gia’ thì đúng hơn. Giờ già rồi mà vẫn cặm cụi may gối khiến ai ai cũng nể, tôi và gia đình khuyên đừng làm nữa mà mẹ có nghe đâu. Mong sao mẹ sống qua 100 tuổi là quý lắm...”.
Từ ngày có học trò để truyền dạy, bà như vui hơn, khỏe hơn vì đã thực hiện được tâm nguyện của mình. Hai người học trò của bà thường xuyên liên lạc và cũng chính họ góp phần giúp bà Trí Huệ giới thiệu sản phẩm độc đáo này ra với công chúng gần xa.
Chiếc gối xếp là một vật dụng sinh hoạt khá phố biến trong văn hóa Á Đông, đặc biệt là trong văn hóa của người Việt xưa. Gối xếp – gối tựa – ghế dựa - gối trái dựa còn có tên gọi Hán - Việt khác là “Ẩn Nang” hoặc “Ỷ Đôn”. Còn tên gọi gối xếp xuất phát từ cấu tạo của chiếc gối, gồm nhiều lá ghép nối, gập lại mà thành.
Theo sách Vân Đài Loại Ngữ, phần Phẩm Vật, Lê Quý Đôn cho biết: “Sách ‘Thông giám’ của Ôn công (Tư Mã Quang) nói: ‘Vua Hậu chủ nhà Trần, khi có chính sự lớn (tức các việc lớn như việc quân, việc nước), thường ngồi bên cái ẩn nang’. Chú thích: Ẩn nang là cái túi, nhét đầy những thứ mềm nhỏ vào, để cạnh chỗ ngồi, khi mỏi thì nghiêng mình, khoanh tay, mà tựa’. Đó tức là cái ghế tựa ngày nay. Sách Gia huấn họ Nhan có nói ‘Bằng Ban tôn ẩn nang’, nghĩa là: Tựa vào ẩn nang của Ban tôn”.
Có khá nhiều sử liệu, thư tịch Hán, Nôm đề cập đến hình ảnh của gối xếp trong đời sống sinh hoạt của người Việt xưa. Tác giả Lê Quý Đôn có miêu tả đời sống của binh lính Đàng Trong cuối thời chúa Nguyễn trong tác phẩm Phủ Biên Tạp Lục như sau: “Ngay đến binh sĩ cũng ngồi chiếu mây, dựa gối xếp, ấp lò hương cổ, uống nước trà ngon, chén sứ bịt bạc, ống súc bằng thau, chén bát đĩa dùng để ăn uống đều là đồ sứ của Trung Quốc. Một bữa ăn ba bát sứ to. Đàn bà con gái vận áo sa, áo lụa đỏ, thêu hoa ở cổ áo. Quen thói hoang phí, coi tiền bạc như rác, thóc gạo như bùn.”
Có thể thấy, người Việt xưa đã sử dụng gối xếp khá nhiều. Trong công trình nghiên cứu “Kĩ thuật của người An Nam” do Henri Oger thực hiện, chiếc gối xếp hay gối tựa xuất hiện khá nhiều trong những bức vẽ khắc họa về đời sống thường nhật của người dân Bắc Bộ đầu thế kỉ XX.
Đầu thế kỉ XX, chiếc gối xếp được sử dụng rất phổ biến từ trong cung đình, các nhà quý tộc danh gia đến dân gian. Hiện nay, một số phủ thờ các hoàng thân nhà Nguyễn vẫn có những chiếc gối xếp dùng để thờ rất trang nghiêm. Gối xếp thường ngày dùng để dựa tay, dựa chân và gối đầu. Đôi khi ngẫu hứng, người ta trải ra làm bàn tổ tôm. Trong nghi lễ hầu Thánh Tứ Phủ, chiếc gối xếp cũng là vật dụng phổ biến. Các Thanh đồng thường dựa gối ban khen trong giá hầu các Quan lớn, Chầu Bà, Ông Hoàng. Trên nhiều pho tượng thờ cổ, đặc biệt là tượng thợ Mẫu Tứ Phủ luôn có sự xuất hiện của chiếc gối xếp.