Bồ Tát Di Lạc là ai?
Theo kinh sách, Di Lặc là một vị Bồ Tát và cũng là vị Phật cuối cùng xuất hiện trên thế gian. Có thể Ngài là một trong những trường hợp hiếm hoi trong Phật giáo được cả hai truyền thống Phật giáo Bắc truyền và Nam truyền công nhận.
Di Lặc là vị Bồ Tát duy nhất được các tông phái Phật giáo, từ Tiểu thừa, Đại thừa và Mật tông tôn kính.
Theo truyền thuyết, Ngài xuất thân trong dòng Bà la môn Ấn Độ, xuất gia theo Phật, sau đó nhập diệt, trở về cõi giáo hóa của Bồ Tát là cung trời Đâu Suất. Ở đây, Ngài tiếp tục tu tập, thuyết giảng giáo pháp rồi sẽ hạ sinh trở lại nhân gian thành Phật để kế tục sự nghiệp truyền bá chánh pháp của Phật Thích Ca ở cõi Ta bà này trong khoảng 30.000 năm nữa, theo trong kinh điển.
Nhưng nhiều nhà nghiên cứu chỉ ra rằng Di Lặc cũng chưa hẳn là một nhân vật hoàn toàn mang tính truyền thuyết mà là nhân vật lịch sử và là vị sáng tổ của trường phái Yoga (Yogacara), một trong những trường phái nổi tiếng của Phật giáo Đại thừa.
Nhân vật truyền thuyết hay lịch sử chỉ có ý nghĩa đối với các nhà nghiên cứu, còn đối với số đông người tu hành và dân chúng điều đó có hề chi. Thế nên trong truyền thống Phật giáo Việt Nam, Bồ tát Di Lặc có một vị trí khá quan trọng. Người Việt đã tôn thờ Ngài hơn nghìn năm kể từ thời Lý cho đến ngày nay, dù mỗi vùng mỗi khác.
|
Tượng Bồ Tát Di Lặc khổng lồ trên núi Cấm (An Giang) |
Các chùa ở miền Bắc, tượng Bồ Tát Di Lặc thờ ở đại điện, có chùa tôn trí Ngài ở giữa, hai bên là Bồ tát Văn Thù và Phổ Hiền làm thị giả, có chùa tôn trí Ngài ngồi giữa và có Bồ tát Quán Thế Âm và Đại Thế Chí đứng hai bên. Các chùa ở miền Trung và Nam thì thờ riêng.
Chùa Thiên Mụ ở Huế thờ Ngài bên ngoài phía trước điện Phật. Các chùa ở thành phố Hồ Chí Minh và miền Nam có khuynh hướng thờ Ngài ở mặt tiền của chánh điện, thờ ở một bên, hoặc tôn trí lộ thiên.
Nói chung, tượng Bồ tát Di Lặc trong hệ thống tượng pháp ở các chùa Việt Nam, về mặt an vị, không theo hệ thống sắp xếp cố định, mà tùy từng không gian của chùa và sự tôn trí của các vị trụ trì đương nhiệm.
Vì sao ông Di Lặc luôn cười?
Đối với Phật tử Việt Nam, Bồ Tát Di Lặc được tạo tác trong hình tướng của bậc thoát trần luôn luôn hoan hỷ tươi cười.
Về mặt ngoại tướng, Ngài có thân hình mập lùn, bụng bự như chứa cả thế gian, và một tư thế ngồi vô tư thoải mái, là biểu tượng cho sự an nhiên an lạc, tự tại, hoan hỷ. Về mặt nội tâm, Ngài mập mạp béo tốt bụng bự tượng trưng cho sự sung túc, giàu có, ăn nên làm ra.
Bên cạnh đó, một số tượng tạc Ngài đeo theo một cái đãy thật lớn như chứa cả càn khôn vũ trụ, đầy một trời công đức, tượng trưng cho phúc đức đầy nhà, lộc trời sung mãn.
|
Nụ cười Di Lặc biểu trưng cho sung túc, tài lộc, phúc đức |
Thêm vào đó là nhiều trẻ em kháu khỉnh, nghịch ngợm vui tươi vây quanh Ngài về mặt nhân gian mà nói là đây là biểu tướng cho phúc lộc lắm con nhiều cháu, hạnh phúc sung mãn. Nhìn về mặt tôn giáo, Ngài không bị hệ lụy của trần gian khổ đau, của “lục căn, lục trần” làm phiền não.
Di Lặc tiếng Sanksrit là Maitreya, có nghĩa là Từ, là tình thương không giới hạn, là tâm rộng lượng bao dung, là kẻ không làm tổn hại một loài nào, một chúng sinh nào, là người đem lại niềm vui và sự không sợ hãi đau thương cho một ai. Do vậy, chúng sinh có lòng cảm mến, và dễ gần gũi Ngài. Trong Tứ vô lượng tâm “từ, bi, hỷ, xả”, thì “từ” đứng đầu trong bốn tâm cao thượng nhiệm mầu của đạo Phật.
Phật tử Việt Nam thường cho rằng Bồ tát Quán Thế Âm mới thật là biểu trưng cho từ bi, còn Di Lặc là hình ảnh của sự hỷ xả. Nhưng theo nguyên nghĩa của chữ Phạn, Maitreya - Hán dịch nghĩa là “Từ Thị” hay “Từ bi” là bản chất của Bồ Tát Di Lặc.
Nguyên nghĩa này cũng bắt nguồn từ hạnh Bồ Tát của Ngài là không giết hại một loài nào, mà lại thương yêu hết thảy mọi loài. Đệ tử và những người tu theo hạnh của Ngài phải phát nguyện ăn chay, phóng sinh, là luôn luôn đem lại niềm vui, điều hoan hỷ cho nhiều người. Nụ cười cả Di Lặc cũng bắt nguồn từ đây.
Bồ Tát Di Lặc là biểu tượng cho sự an lạc, vui vẻ, may mắn và hạnh phúc, thế nên thời gian gần đât rất nhiều người đã và đang nhầm lẫn Bồ Tát Di Lặc với Thần Tài, bởi hình tượng ông Thần Tài cũng có nụ cười nở rộ gần như vậy.
Biết buông bỏ để cười - Tại sao không?
Trong nền văn hóa Phật giáo Việt Nam, đối với Phật tử và quần chúng, Ngài Di Lặc biểu trưng cho niềm vui, cho sự hoan hỷ và hỷ xả, cho may mắn, và cho phúc lộc và thịnh vượng no đủ. Có lẽ vậy mà trong truyền thống Phật giáo Việt, các chùa và tự viện thường gọi ngày mồng Một Tết Nguyên đán là ngày lễ vía Di Lặc, là ngày Phật Di Lặc hạ sinh. Nói một cách nôm na là lễ sinh nhật của Ngài.
Phải chăng vì hiểu sâu những hình ảnh và ý nghĩa thâm thúy này, đạo Phật Việt Nam đã Việt hóa ngày Tết Nguyên đán thành ngày lễ vía Di Lặc? Để trong ngày mồng Một đầu năm, người Phật tử Việt Nam đi chùa lễ Phật, tụng kinh cầu phước, sám hối cầu an, cầu phúc lộc đầy nhà, con cháu sum họp hạnh phúc, thị phi dừng lại ngoài ngõ, tự tại an nhiên trong cuộc sống. Tất cả sự cầu nguyện này có thể hiển ứng qua hình ảnh nụ cười hoan hỷ của Di Lặc.
|
Tượng Phật Di Lặc bằng đồng cao 10m nặng 80 tấn được an vị trên đỉnh ngọn đồi chùa Bái Đính |
Nụ cười của Bồ tát Di Lặc là nụ cười hoan hỷ bất diệt xuất phát từ tâm hồn bao dung không bờ bến. Vì thế không ai nhìn vào hình tượng của Ngài mà không cảm thấy lòng mình trở nên thanh thản nhẹ nhàng. Thật ra không phải ngẫu nhiên mà tượng Phật Di Lặc được tạc theo hình thức như vậy, mà đây chính là thể hiện mong ước và tâm tư của đạo Phật trong việc đem nụ cười vào trong cuộc đời.
Cười chẳng có gì là khó, vì nó chẳng hao công sức cũng chẳng tốn bạc tiền. Nhưng, để có được nụ cười với những hiệu quả của nó đôi lúc lại là một việc không dễ dàng chút nào. Vì thực tế cho thấy, có người suốt ngày chẳng tìm ra được nụ cười dù đó chỉ là nụ cười gượng gạo.
Lý do thật dễ hiểu. Cười sao được khi cuộc sống có quá nhiều lo âu phiền muộn, cười sao được khi biết bao đau khổ, sân si đang đè nặng trong tâm hồn. Nói một cách khác, con người ta chỉ cười khi trong lòng không có phiền muộn lo âu, ít có ai cười trong hoàn cảnh trái ý nghịch lòng.
|
Nụ cười từ bi, hỷ xả của Bồ Tát Di Lặc |
Thế nhưng, cuộc đời càng nhiều đau khổ thì càng cần đến những nụ cười. Bởi vì nụ cười là cửa ngõ của con tim, nó mở lối cho tình người xích lại gần nhau. Nụ cười làm ấm lại một tâm hồn đang bơ vơ lạc lõng, nụ cười làm cho mọi người thông cảm lẫn nhau.
Lại nữa, cười có thể làm giảm bớt sự căng thẳng của cuộc sống, cười có thể làm vơi đi nỗi bực dọc, đau khổ trong tâm hồn. Đành rằng những nghịch cảnh trong cuộc sống đôi khi khiến cho con người ta muốn cười cũng không thể nào cười được. Nhưng nếu có thể cười được thì hãy cứ cười.
Nhưng làm thế nào để luôn có được nụ cười? Giáo lý nhà Phật dạy rằng, đó chính là khi ta biết buông bỏ tất cả những ưu tư, hờn giận trong tâm hồn; khi ta biết cười tán dương cho hạnh phúc của người khác; và khi ta biết cười được những việc khó cười trong thế gian. Bồ Tát Di Lặc là người có nụ cười như vậy. Ngài là biểu hiện cho tâm hồn hoan hỷ, bao dung của con người.
Vậy nên mỗi khi có cơ duyên bước vào cửa Phật, hãy ngẩng đầu lên và nhìn thật sâu vào nụ cười của Bồ Tát Di Lặc để thấy rằng: Đời người chẳng có bao nhiêu, vì vậy hãy sống cho có ý nghĩa. Để sống có ý nghĩa trước hết là phải biết cười và biết cho người nụ cười, bởi lẽ nụ cười là chất liệu của yêu thương, là mùa xuân bất diệt của nhân loại.