Hết lòng phò chúa
Nguyễn Văn Nhơn vốn người làng Tân Đông, huyện Vĩnh An, tỉnh An Giang, nay thuộc xã Tân Khánh Đông, TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Ông vốn dĩ có tên là Nguyễn Văn Sáng, tên Nhơn (hay Nhân) là do vua Gia Long ban. Ông còn có biệt danh “Quan lớn Sen” sau thời gian bôn ba cùng chúa Nguyễn.
Sinh ra trong thời loạn lạc, Nguyễn Văn Nhơn không được học hành nhiều, ngoài 20 tuổi đã theo con đường binh nghiệp. Đầu năm Giáp Ngọ (1774) khi quân Tây Sơn đánh chiếm đất Biên Hòa, lúc này quân chúa Nguyễn ngày càng suy yếu. Lúc bấy giờ Trấn thủ Long Hồ là Tống Phước Hiệp nhận lệnh của tướng Nguyễn Cửu Đàm, họp với Cai bộ Nguyễn Khoa Thuyên lãnh tướng sĩ năm dinh và viết hịch truyền đi khắp nơi chiêu binh chống Tây Sơn. Nguyễn Văn Nhơn hay tin liền ứng mộ theo về, được giao làm đội trưởng.
Năm Đinh Dậu (1777), chúa Nguyễn Nguyễn Ánh khởi binh ở Long Xuyên (nay là Cà Mau), ông theo Dương Công Trừng đóng giữ ở Sa Đéc và theo phò trợ chúa Nguyễn từ dạo đó. Lập được công lao, năm Mậu Tuất (1778), ông được thăng Cai cơ. Năm Nhâm Dần (1782), bị quân Tây sơn bắt tại Thủ Thiêm (Sài Gòn), nhưng sau đó ông trốn thoát, sang Xiêm tìm chúa Nguyễn. Nhân lúc đó, chúa Nguyễn sai người về nước, ông liền trở lại hợp lực đánh chiếm đất Long Xuyên (Cà Mau).
Sau khi Nguyễn Ánh chiếm lại được Gia Định, Nguyễn Văn Nhơn được thăng chức Vệ úy Hữu tiệp Trung quân Thủy dinh. Sau khi lập nhiều công trạng, năm 1795, ông được cử làm Trấn thủ Trấn Biên.
Chính lúc này, Nguyễn Văn Nhơn đã bộc lộ hết khả năng thực sự của mình khi xây dựng một Nam bộ ổn định và trù phú, khiến cho Chúa Nguyễn có một bàn đạp vững chắc ở phương Nam mà Bắc tiến và thống nhất sơn hà. Đến năm Đinh Tỵ (1797), ông về giữ Gia Định, lãnh việc vận lương kiêm việc ở bộ Hộ.
Chẳng những là tướng lĩnh đi theo Nguyễn Ánh từ khá sớm, Nguyễn Văn Nhơn còn là người hết lòng phụng sự chúa Nguyễn dù ở bất kỳ cương vị nào. Ngày nay, ở quê nhà ông xã Tân Khánh Đông, TP Sa Đéc – nơi có đình Tân Đông, người dân còn gọi ông là “Quan lớn Sen”. Đây là tên gọi dân gian dành xưng tụng ông, có từ dạo ông cùng chúa Nguyễn Ánh bôn ba khắp phương Nam.
|
Đình Tân Đông thờ tướng Nguyễn Văn Nhơn. |
Có chuyện kể rằng, trong những tháng năm bôn đào đây đó, Nguyễn Ánh giao cho Nguyễn Văn Nhơn trọng trách hầu hạ mẹ mình. Người tùy tướng khi đó đã hết lòng chăm sóc quốc mẫu, những khi bà mệt nhọc, ông thường dùng chè hạt sen dâng lên. Bà rất thích món chè bổ dưỡng này và mỗi lần muốn dùng bà chỉ cần gọi “sen” là khắc có Nguyễn Văn Nhơn mang đến. Tên gọi “quan lớn Sen” từ đó mà có.
Năm Kỷ Mùi (1799) khi Nguyễn Ánh đem quân đi đánh Qui Nhơn, Nguyễn Văn Nhơn lúc ấy là Chưởng cơ, ở lại trấn giữ Gia Định cùng Hoàng tử Hy. Để làm yên lòng chúa nơi phương xa, ông tận tâm với nhiệm vụ được giao, thường xuyên “đi tuần các huyện, ấp, khuyên dân cày cấy, cho kho chứa được nhiều, nghiêm cấm uống rượu, trong hạt yên ổn”. Khi Trấn Biên bị nạn lụt khiến nhiều người dân thiếu đói, ông tâu với hoàng tử mở kho thóc cứu đói cho dân.
Dốc lòng vì nước vì dân
Có thể nói Nguyễn Văn Nhơn là người dành cả đời để học hỏi, hoàn thiện, phát triển mình để phụng sự vương triều, nhân dân. Xuất phát điểm là chiến tướng, ông được xem là nhân vật xếp thứ hai trong ngũ hổ tướng Gia Định (gồm Nguyễn Văn Trương, Nguyễn Văn Nhơn, Lê Văn Duyệt, Nguyễn Huỳnh Đức và Trương Tấn Bửu), lập nhiều chiến công giúp chúa Nguyễn hoàn thành đại nghiệp.
Võ tướng tài danh nhưng ông không tự mãn, ngược lại luôn ham học, ý thức tầm quan trọng của tri thức. Lúc nhỏ do điều kiện chiến tranh ông không được học bài bản vì vậy khi làm Trấn thủ Trấn Biên, dù đã trên dưới 50 tuổi và có địa vị ông vẫn mời thầy về giảng kinh sách, truyền thụ tri thức cho mình. Ông đã ngày đêm miệt mài học tập, bổ sung thêm kiến thức, bởi thế mà sau kinh sử đều biết.
Năm Nhâm Tuất (1802), Nguyễn Ánh lên ngôi lấy hiệu là Gia Long, phong ông làm Chưởng Chấn võ quân, tước Nhơn Quận công; giữ chức Lưu trấn Gia Định trấn đến năm 1805. Cũng trong năm 1802, khi đất nước vừa dứt cảnh khói lửa binh đao, ông đã có những đề xuất dâng lên vua Gia Long, cốt để yên dân, củng cố lòng tin của nhân dân với vương triều mới.
Theo đó, ông nêu ra 14 điều cần chấn chỉnh, thực hiện gồm: Định lại các thứ thuế khóa; cầu người hiền tài giúp nước; lập hương học; cử người hiếu liêm; cải cách phong tục; định phép khoa cử; cải cách hình phạt; định sắc phục kẻ trên người dưới; đặt phép cho nghiêm việc quan lại; phát chẩn cho dân nghèo; nêu khen người trinh tiết; thẩm định phép tắc; lập các nơi đồn trại; bỏ những thứ thuế tạp. những lời gan ruột này của ông được vua Gia Long nghe theo, ra lệnh cho thực hiện.
Năm 1808, khi đổi trấn Gia Định thành Gia Định thành, ông được cử làm Tổng trấn, ông cũng chính là Tổng trấn đầu tiên của Gia Định thành. Đến năm 1813 ông giao chức vụ này lại cho Lê Văn Duyệt. Năm 1819, khi Nguyễn Huỳnh Đức mất, ông quay trở lại chức vụ cũ, làm Tổng trấn Gia Định thành lần thứ hai.
Những năm tháng cuối đời dù tuổi cao sức yếu ông vẫn làm một văn thần hết lòng phò vua giúp nước. Năm 1821 ông được triệu về kinh cùng Trịnh Hoài Đức, Phạm Văn Hưng giữ chức Tổng tài Quốc sử quán. Ông mất vào mùa xuân năm 1822, thọ 69 tuổi.
Nghe tin ông qua đời vua Minh Mạng cho bãi chầu 3 ngày đích thân đến ban rượu tế và câu đối, lại cấp 100 mẫu tự điền, truy tặng tước Dực vận đồng đức công thần, Đặc tiến Trụ quốc Thượng tướng quân, Thái bảo Quận công. Ông được thờ ở Thế Miếu và Miếu Trung Hưng Công thần (1824). Năm 1831 được truy tặng Tráng Võ Tướng quân, Đô thống phủ Chưởng phủ sự, tước Kinh Môn Quận công, thụy là Mục Hiến.
Cuộc đời ông được đánh giá là mang đậm sắc màu của một đại tướng có tài cai trị, chăm lo cho dân và đặt quyền lợi nhân dân, quốc gia lên trên tất cả. Ông vừa là khai quốc công thần, từng nhiều lần cầm binh giao chiến với quân Tây Sơn, dẹp yên biên cương, lại có công trị nước thời hậu chiến. Cũng chính vì vậy mà ông có một vị trí đặc biệt của ông trong lòng các vua nhà Nguyễn.
Đối với vua Gia Long, ông được chọn là người đầu tiên làm Tổng Trấn Gia Định thành và được nhà vua tỏ lòng hậu đãi hơn cả. Với vua Minh Mạng, khi vị đại thần mất, nhà vua đã tỏ lòng tiếc thương vô hạn.
“Đại Nam thực lục chính biên” chép: “Vua bảo Trịnh Hoài Đức rằng: Nguyễn Văn Nhơn là bậc đại thần huân cựu, là người trung thành cẩn hậu. Khi trẫm được tin ốm nặng, muốn thân tới thăm, nhưng nghĩ lễ vua tôi rất nghiêm, nếu cho phép nằm thì không dám yên tâm, mà gượng dậy thì lại mỏi mệt, cho nên trẫm thường sai hoàng tử đến thăm. Nay không may qua đời, thương tiếc vô cùng”.
Nguyễn Văn Nhơn cũng là người hai lần “làm sui” với các vua nhà Nguyễn. Con trai ông là Nguyễn Văn Thiện làm phò mã cưới công chúa Ngọc Khuê, con gái thứ 12 của vua Gia Long; con gái ông là Nguyễn Thị Trọng được đưa vào cung làm lệnh phi của vua Thiệu Trị. Ngày nay, Nguyễn Văn Nhơn được thờ ở đình làng Tân Hưng Đông (TP Sa Đéc) và được cúng tế hằng năm, lăng mộ ông cũng còn tại đây.