Giải quyết khiếu nại, tự mâu thuẫn
Theo ông Tăng Bửu (SN 1956, ngụ ấp Khu 4, xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng), năm 1950, ông Tăng Tỷ (cha ông Bửu) mua 2,1ha đất của ông Thi Kinh và bà Trần Loan Anh. Năm 1971, chính quyền chế độ cũ truất hữu đất của địa chủ Thái Trường Hạp cấp cho người dân, trong đó có bà Tiết Thị Tùng (mẹ ông Bửu) 1,8ha đất.
Trên hai phần đất này, gia đình ông Bửu sử dụng ổn định đến năm 1983 thì chính quyền xã Thạnh Phú mượn 21.320m2 để cho dân sản xuất lúa. Năm 1993, chính quyền xã thực hiện sai mục đích, gia đình ông Bửu làm đơn tố cáo và yêu cầu trả đất. Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng khi đó đã chỉ đạo và Thanh tra tỉnh Sóc Trăng vào cuộc làm rõ, phần đất lúa mà ông Bửu cho mượn bị nhiều cán bộ xã, ấp cấp cho người dân làm đất thổ cư, một phần cấp không đúng đối tượng và mục đích sử dụng.
Ngày 6/12/1995 Chủ tịch UBND huyện Mỹ Xuyên ra Quyết định (QĐ) 373, công nhận đất gốc của gia đình ông Bửu là 21.320m2 (có 9 hộ chiếm sử dụng). Nếu các hộ có nhu cầu sử dụng thì thỏa thuận với ông Bửu. Tuy nhiên, chỉ có 3 hộ thỏa thuận trả lại đất, 6 hộ còn lại không chấp hành.
Ông Bửu bức xúc: “Khi UBND huyện Mỹ Xuyên ra QĐ công nhận đất gốc cho gia đình tôi, bà Đ. (một cán bộ huyện Mỹ Xuyên và là em gái bà Bùi Thị Yêm – người chiếm dụng đất của ông Bửu) nói QĐ của Chủ tịch UBND huyện Mỹ Xuyên vi phạm pháp luật và kêu gọi các hộ liên quan không thực hiện”.
Ông Bửu tiếp tục khiếu nại, ngày 25/8/1999 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Nguyễn Duy Tân ra QĐ số 730 ngược lại tinh thần giải quyết trước đó của Chủ tịch UBND tỉnh và huyện Mỹ Xuyên khi chỉ công nhận phần đất gốc của ông Bửu là 12.150m2; công nhận cho các hộ ổn định trên phần đất của ông Bửu và chỉ trả tiền sử dụng 400m2 theo giá đất ở Nhà nước quy định, bồi hoàn hoa lợi phần đất còn lại theo giá nông nghiệp.
Theo ông Bửu, năm 1999, bà Đ hướng dẫn hộ ông Sanh, ông Khị (tự xưng là cháu nội ông Hạp) sử dụng tờ giấy bán ruộng năm 1924 giữa ông Nguyễn Văn Châu bán cho địa chủ Thái Trường Hạp, làm đơn gửi chính quyền xã để đòi lại đất của ông Bửu. Trong khi đó, phần đất của ông Hạp bị chế độ cũ truất hữu và giao cho người cày có ruộng từ năm 1970 (có giấy giao đất) và cũng không liên quan gì đến nguồn gốc đất của ông Bửu. “Đây là cái cớ dẫn đến QĐ 730 của UBND tỉnh Sóc Trăng” – ông Bửu nói.
Khốn đốn vì 15 năm theo kiện
Ông Bửu trình bày: năm 2003, khi dự án mở rộng QL 1A đi qua phần đất có nguồn gốc của gia đình ông được chính quyền công nhận thì bà Yêm và hộ Nguyễn Thị Kỉnh tranh chấp nhận tiền bồi hoàn nên cơ quan chức năng tạm giữ số tiền bồi hoàn lại, giao UBND xã quản lý thì bà Đ. “tuyên bố cách giải quyết có tiêu cực và nói những hộ tranh chấp gửi đơn đến Tòa để được giải quyết”, ông Bửu kể. Với “hậu thuẫn” này, sau đó có 4 hộ làm đơn khởi kiện ra Tòa (trong đó có bà Yêm, bà Kỉnh) nhưng đến ngày 14/3/2015 Tòa phải ra 4 quyết định đình chỉ vì không thuộc thẩm quyền giải quyết.
Theo ông Bửu, từ năm 2005 đến nay, phần đất của ông được chính quyền công nhận trả nhưng một số hộ không trả và một số hộ được ông tự thỏa thuận để lấy lại đất sau đó tiếp tục lấn chiếm rồi kiện tranh chấp thiếu cơ sở nhưng lại được Tòa án thụ lý. Trong khi đó, gia đình ông Bửu gửi đơn kiện các hộ lấn chiếm đất của ông thì TAND huyện không thụ lý.
Năm 2009, bà Nguyễn Thị Kỉnh và con trai là Lê Hoàng Việt (hộ sử dụng đất gốc của ông Bửu và lấn chiếm đất ông Bửu, đã bị UBND tỉnh bác đơn khiếu nại năm 2003), kiện tranh chấp đất với ông Bửu thì được Toà thụ lí. Điều đáng nói, vụ việc này được chính quyền giải quyết và công nhận quyền sử dụng đất cho ông Bửu từ năm 2012 nhưng hai cấp Tòa ở Sóc Trăng vẫn cứ đem ra xử và đến nay vụ việc vẫn chưa giải quyết xong.
Vào tháng 10/2014, Ban Nội chính tỉnh Sóc Trăng có thông báo: “Hiện bà Đ. đã bị điều chuyển công tác về tỉnh Sóc Trăng. Về quyền lợi bị mất, ông Bửu làm đơn gửi UBND tỉnh Sóc Trăng để được giải quyết theo thẩm quyền”.
Ngoài ra, ông Bửu đã gửi nhiều đơn tố cáo ông Lê Hoàng Việt bởi ông Việt và mẹ là Nguyễn Thị Kỉnh khai gian dối nguồn gốc đất cũng như việc bà Kỉnh “mượn” ông Thái Trường Ướng làm tờ xác nhận nguồn gốc đất khống để lấy cớ kiện tranh chấp đất với gia đình ông Bửu và hai cấp Tòa xử cho bà Yêm thắng kiện. Điều đáng nói, chứng cứ xác nhận khống của ông Ướng nằm trong hồ sơ xét xử tranh chấp của hai cấp tòa ở Sóc Trăng!?
Ông Bửu chua chát nói: “Sau 15 năm khiếu nại với 207 văn bản từ của các cơ quan từ Trung ương đến địa phương đề nghị giải quyết nhưng đến nay quyền lợi của gia đình tôi vẫn chưa được giải quyết. Với hai chứng cứ giả, không có cơ sở pháp lí do bà Đ. và gia đình bà Kỉnh ngụy tạo đã “qua mặt” nhiều cơ quan chức năng để từ đó giải quyết vụ việc từ đúng thành sai; hai cấp Tòa cũng bị “qua mặt”.
Thiết nghĩ, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cần sớm chỉ đạo giải quyết dứt điểm vụ việc để pháp luật được thực thi nghiêm minh, công bằng.