Lau dọn ban thờ, công việc tưởng đơn giản nhưng kỳ thực rất tỉ mỉ, kỳ công và là việc có vai trò rất quan trọng trong văn hóa tâm linh. Dọn dẹp làm sạch môi trường xung quanh, kì thực phần quan trọng nhất vẫn là nơi bàn thờ tổ tiên, do bàn thờ được coi là nơi linh thiêng, ngày thường không được tùy ý động chạm di chuyển mà chỉ lau chùi sạch sẽ, người xưa cho rằng nếu xê dịch sẽ làm kinh động đến chỗ của thần, thần không được an vị thì không muốn ở lại lâu, không chăm sóc cho nhà mình được.
Người ta cho rằng, ngày 23 Tết trở đi là lúc các thần chầu trời báo cáo công việc nên khi ấy mới có thể dọn dẹp cho sạch sẽ mà không lo bị kinh động. Do thông thường thời điểm sắp tết là thời gian mọi người đều bận bịu, không biết ngày nào có thể dọn dẹp lau rửa bàn thờ, vì vậy, đôi khi có người đến ngày 29 mới dọn dẹp.
Ngày nay do thời gian có hạn hoặc một số kiêng kị không được lưu truyền trong dân gian nên không còn nhiều người biết cách dọn bàn thờ theo như phong tục cổ nhân: Trước khi dọn bàn thờ, người xưa thường phải tắm rửa sạch sẽ, chuẩn bị đĩa hoa quả đặt lên, sau đó thắp một nén hương thông báo cho tổ tiên và thần linh biết ngày hôm nay sẽ thu dọn bàn thờ, mời tổ tiên và thần linh tạm lánh sang một bên để con cháu thực hiện công việc.
Sau đó chuẩn bị một chiếc bàn bên trên trải vải hoặc giấy đỏ để đặt bài vị, nếu bàn thờ có đặt chung bài vị gia tiên với các thần thì phải để ra hai chỗ khác nhau, không được lẫn lộn. Đợi sau khi hương cháy hết rồi mới bắt đầu. Khi lau rửa bài vị của tổ tiên thì phải dùng nước ấm, không được dùng nước lạnh. Khi làm vệ sinh, nếu có bài vị của thần phật thì lau trước, sau đó đổ nước mới để lau bài vị của tổ tiên, tuyệt đối không lau bài vị của tổ tiên trước.
Người xưa quan niệm như vậy là bất kính, mạo phạm với thần phật, thần phật có ngôi vị cao hơn nên dễ khiến tổ tiên bị chèn ép. Sau khi lau bài vị xong mới đến phần dọn bát hương, công việc này cũng rất quan trọng, tránh đổ hết tro ra ngoài, theo người xưa như vậy rất dễ gây “tán tài”. Vì vậy người ta dùng chiếc thìa nhỏ xúc từng thìa đổ ra ngoài rồi mới dùng khăn ẩm lau sạch bát hương đặt sang một bên, khi lau phải thuận theo chiều kim đồng hồ.
Sau khi bát hương khô ráo, nếu là bát hương thờ thần phật thì dùng bảy tờ, bát hương của tổ tiên thì dùng ba tờ tiền vàng đốt hơ quanh, cháy một nửa thì bỏ vào trong, đợi tiền vàng cháy hết thì đổ tro vào một lần, như vậy gọi là “ra nhỏ vào lớn”, ý là tiền ra nhỏ giọt, tiền vào như thác đổ. Nếu lúc đầu đổ ra hết sau đó múc từng ít một vào thì gọi là “vào nhỏ ra lớn”, tức tiền ra thì nhiều mà tiền vào thì ít. Dùng chiếc rổ mắt nhỏ để lọc tro cũ, lọc xong lại đổ vào bát hương chứ không đổ đi.
Việc lọc tro cũng phải bắt đầu từ bát hương thờ thần phật. Sau khi lau rửa sạch sẽ, đem bài vị thần phật và tổ tiên đặt lại chỗ cũ, công đoạn này cũng rất phức tạp. Trước hết phải chuẩn bị một chiếc lò nhỏ trong có đốt than hoa, đặt dưới bàn thờ khoảng 15 phút, sau đó đốt bảy tờ tiền vàng làm dấu hơ ở bốn hướng trên dưới trái phải, ý là dùng lửa để khai quang, làm sạch, tiền vàng chưa cháy hết thì bỏ vào lò than hoa.
Sau đó đốt tiếp bảy tờ tiền vàng làm sạch vị trí muốn đặt tượng/bài vị thần phật và bát hương sau đó mới đặt các đồ vật vào vị trí cố định. Sau khi đặt xong thì đốt 12 que hương cắm heo thứ tự thời gian, que thứ nhất cắm ở vị trí 1h, khi cắm thì đọc “niên niên thị hảo niên”, tức mỗi năm đều là năm tốt; que thứ hai cắm ở vị trí 2h, khi cắm đọc “nguyệt nguyệt thị hảo nguyệt”.
Tức mỗi tháng đều là tháng tốt, cây thứ ba cắm ở vị trí 3h, khi cắm đọc nhật nhật thị hảo nhật, tức mỗi ngày đều là ngày tốt, cây thứ tư cắm ở vị trí 4h, khi cắm đọc “thời thời vị hảo thời”, tức mỗi giờ đều là giờ tốt, tuần tự như vậy cho đến thời điểm tính bằng giây, hai lần như vậy là vừa đủ 12 que hương.
Các vị trí bài vị, bát hương của tổ tiên và bà tổ cô cũng làm như vậy. Trên đây là tập tục của người xưa ghi chép lại trong các thư tịch cổ, những công việc tỉ mỉ khi chăm sóc bàn thờ gia tiên cũng là cách để mỗi người thể hiện lòng thành kính với tiền nhân. Ngày nay, do cuộc sống bận rộn nên không hẳn mọi người đều hiểu hết. Xa lộ Pháp luật giới thiệu đến bạn đọc quan niệm trên chỉ với mục đích để tham khảo, hiểu thêm về nét văn hóa thờ cúng tổ tiên lâu đời của ông cha.